Kinh nghiệm làm nhà

Chuyện vị và hướng

1. “Đầu năm xuất hành hướng đông nam” là thế nào?
2. “Bếp đặt hướng đông”là sao?
3. “ Bàn làm việc đặt cung khảm rất tốt”, mà cung khảm tức là hướng bắc, vậy thì tôi ngồi làm việc nhìn về hướng bắc hay ngồi dựa lưng về hướng bắc?

Một số gia chủ có quan tâm về phong thủy hay hỏi chuyện đặt hướng nào, nhìn hướng nào, đi về hướng nào… như trên. Không chỉ bó hẹp trong chuyện xuất hành ngày tết, đặt bếp ở đâu, mà vấn đề này liên quan đến khái niệm phân vùng và định hướng khi làm nhà. Phương vị và phương hướng, hay nói ngắn gọn hơn là vị và hướng thực sự cần hiểu và phân biệt ra sao?

Phân biệt vị và hướng
Điểm giống nhau là cả 2 khái niệm trên đều ra kết quả về hướng gọi theo trong tự nhiên, như hướng đông, nam… cũng có thể gọi theo hướng thuộc quẻ bát quái như càn, khảm… Nhưng điểm dễ gây nhầm lẫn, ví dụ như nói đặt bếp hướng bắc và bếp xoay về hướng bắc là hoàn toàn khác nhau, bởi nằm ở chủ thể xem xét và quan hệ chung quanh.
Khác nhau cơ bản: Vị là nói về nơi tọa lạc, vị trí đứng hay đặt không gian nào đó so với gốc xem xét, còn hướng chỉ đơn thuần là… hướng, như khi một người đứng tại một vị trí A so với điểm X nào đấy rồi nhìn ra hướng B thì gọi là tọa (vị) A hướng B.

Khi nói đến vị thì hay nghe kèm theo về hướng nào đó để chỉ hướng so với tâm gốc, theo kiểu nói của Tây phương: hướng 10 giờ, hướng 6 giờ… là hướng mà chủ thể xác định là tâm đồng hồ. Do đó khi nói quận 4 nằm về phía nam so với quận 1, nằm về phía bắc so với quận 7 là đã thay đổi điểm xem xét để xác định vị trí của quận 4 so với quận ta xét. Nói cách khác là quận 4 có phía bắc giáp quận 1, phía nam giáp quận 7, tức là lấy quận 4 là gốc để xét phương hướng tiếp giáp chung quanh.
Trong phong thủy, khi xét đến cửa cũng cần phân biệt vị và hướng của cửa. Vị của cửa là chỗ bố trí cửa so với tâm nhà, hoặc so với toàn bộ bề mặt nhà. Ví dụ như nói cửa nằm về bên trái, nằm về góc đông bắc tức là xét từ tâm nhà, nhìn từ trong ra. Còn khi chọn được vị trí cửa ở đâu rồi thì tìm hướng cửa bằng cách đặt la bàn ngay tại tâm cửa, xem hướng vuông góc với mặt phẳng cửa và nhìn trong nhà ra là hướng nào thì đấy là hướng cửa.
Phong thủy có câu “nhất vị nhị hướng” chính là nêu thứ tự xem xét trong không gian. Trước hết phải định vị, rồi sau đó mới định hướng. Như vậy, 3 câu hỏi nêu trên cần hiểu như sau:
1. “Đầu năm xuất hành hướng đông nam”, tức là lấy ngôi nhà của người xuất hành làm tâm xét, ra khỏi nhà thì đi về hướng đông nam của nhà (chứ không phải đông nam của thành phố). Nếu nhà không mở cửa ra đông nam thì cứ ra khỏi nhà rồi tìm đường quẹo sang hướng đông nam.
2. Còn nghe câu “Đặt bếp hướng đông”, thì phải xét từ tâm nhà, đặt la bàn vào đó sẽ tìm ra đâu là hướng đông của nhà, rồi mang bếp vào khu vực (vị trí) hướng đông đó, sau đó tìm cách xoay mặt trước bếp về hướng tây (chú ý: hướng của cái bếp, chứ không phải của người đứng nấu).
3: Bàn làm việc đặt về cung khảm (bắc) thì khi ngồi làm việc nhìn về hướng bắc hay ngồi dựa lưng về hướng bắc? Câu trả lời là cần đặt vùng có bàn làm việc (tức là chọn vị trí phòng làm việc) ở hướng bắc (so với tâm) của ngôi nhà. Còn khi ngồi làm việc xoay về hướng nào thì còn phải xét đến các yếu tố liên quan khác, như cách bố trí của căn phòng, cửa sổ mở ở đâu, cửa đi vào chỗ nào, chủ nhân hợp với hướng nào… để xoay xở cụ thể trong nội thất.

Chuyện tốt xấu của vị và hướng
Vị và hướng luôn gắn với chuyện tốt xấu, gắn với lựa chọn của cư dân được đúc kết từ nhiều thế hệ để lưu truyền kinh nghiệm ứng xử với môi trường cho khéo, cho hợp. Ví dụ như nói “vợ đàn bà – nhà hướng nam” là kinh nghiệm nên mở cửa và các không gian chủ yếu của ngôi nhà ra hướng nam để đón nắng tốt gió lành, cho dù có thể về tuổi tác gia chủ hợp hay không hợp với hướng nam thì vẫn áp dụng kinh nghiệm này về giải pháp đón gió, lấy nắng cho nhà. Hoặc nói tuổi gia chủ hợp hướng tây, không có nghĩa là cứ phải mua nhà đúng hướng tây và mở cửa rộng về hướng tây để hứng trọn cái nắng gay gắt, mà cần hiểu rằng theo bát trạch thì tuổi gia chủ thuộc nhóm Tây tứ mệnh, cần có các sắp xếp cát hung theo nhóm này, còn vùng phía tây của nhà về mặt khí hậu thì vẫn phải hạn chế mở cửa, cần che chắn nhiều hơn vì yếu tố khí hậu này đã là thực tế tự nhiên vốn có bao đời nay, không thể thay đổi mà chỉ có thể nương theo và ứng xử cho khéo.
Đa số gia chủ biết là nhà mình nên tăng cát, tránh hung, thế nhưng không gian nào được xem là cát (tốt), không gian nào hung (xấu) và vùng nào cát vùng nào hung thì lại chưa rõ. Khái niệm cát hung cũng không phải chia ra rạch ròi theo kiểu tốt xấu, bởi chẳng ai muốn trong nhà mình có những chỗ xấu. Hung đơn giản là những chỗ có phát sinh ra độc hại (như bếp nấu, hầm phân tự hoại), ẩm thấp vì có nước nhiều (phòng vệ sinh, giặt phơi) hoặc ít sử dụng thường xuyên (kho, gầm cầu thang, gian áp mái). Còn cát là những không gian sinh hoạt chủ yếu như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc, sinh hoạt chung… Bên cạnh đó còn những không gian theo kiểu vừa cát vừa hung do quan hệ với không gian theo quy luật âm dương tương đối như chỗ đi lại, nhà xe, giếng trời, hàng hiên, ban công… đều không phải  nơi sinh hoạt thường xuyên nhưng đóng vai trò phụ trợ, kết nối, chuyển tiếp giữa trong ngoài, trước sau, giữa các chỗ cát – hung với nhau.
Việc phân vùng cát hung trong không gian nhà ở theo phong thủy cần xem xét hướng phương vị, hướng mệnh trạch, hướng khí hậu và hướng giao tiếp để gia chủ và người thiết kế có cơ sở bài trí không gian, cấu trúc nhà và sắp xếp nội thất cho phù hợp ngay từ lúc ban đầu hình thành ý tưởng cơ bản. Tránh tình trạng chỉnh sửa, di dời lung tung vì các kiêng kỵ, nhầm lẫn về hướng và vị như đã nêu. Các bước cụ thể để xem xét – phân vùng cát hung theo phong thủy về vị và hướng có thể kể như sau:
– Xét tọa (phía sau), hướng (phía trước) của nhà và xem quan hệ về phương vị chung quanh tốt xấu thế nào với ngôi nhà là chủ thế gốc.
– Xét hướng nhà xem có hợp tuổi mệnh trạch gia chủ hay không, nếu bất lợi thì chọn lựa cách khắc phục, như xoay bếp, xoay bàn làm việc…
– Xét hướng khí hậu để xem vùng nào nên (hay không nên) đặt không gian nào nhằm thuận lợi về sử dụng và môi trường trong khả năng có thể.
– Xét hướng giao tiếp (nội và ngoại) để chỉnh sửa, xử lý không gian giúp tránh xấu – tăng tốt trong bố cục tổng thể và sắp đặt chi tiết.
Ví dụ về cách sắp xếp vị và hướng cho một phòng ngủ, sau khi đã định vị phòng ngủ nên nằm về vùng nào của ngôi nhà để hợp tuổi với người sử dụng, tiếp đến sẽ xem vùng đó có nắng gió ra sao để xử lý mở đón hay che bớt. Về mặt sử dụng thì cần nắm rõ phòng ngủ cần tránh các tác nhân nào gây hại cho giấc ngủ để tính toán sao cho cửa sổ và cửa đi phòng ngủ không mở trực diện vào giường nằm, gương soi và tủ áo đặt về vùng phía cuối chân giường… Tóm lại là cần sự phối hợp tổng hòa các kiến thức về phong thủy, khí hậu, hình thế, công năng, để đưa ra giải pháp phù hợp, tránh mê tín và áp đặt nội thất một cách chủ quan./

KTS. Hà Anh Tuấn ( theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *