Xưa & Nay

Đông Hà trong ký ức tôi (phần 2)

Đông Hà sau Hiệp định Pa ri có hai nơi đông vui đó là chợ và cảng. Chợ Đông Hà hội đủ ba yếu tố giao thương: “cận lộ, cận thị và cận thủy”. Chợ Đông Hà cũng đúng là trên bến, dưới thuyền. Từ Cửa Việt, Cam Lộ, Gio Linh người đến chợ Đông Hà bằng thuyền máy, bằng xe cộ, bằng đôi chân trần… Người dân mang đến chợ những sản vật quê hương: tiêu chè xứ Cùa, rau liệt Gio An, môn khoai Gio Linh, gạo ngon Triệu Phong mới thu hoạch từ những cánh đồng còn khê nồng khói đạn.
Cảng Đông Hà ngày đêm tấp nập đón những chuyến tàu pha sông biển chở hàng hóa từ miền Bắc chi viện chiến trường và nhận về những sản phẩm được làm ra trong vùng giải phóng như mủ cao su sơ chế tận miền Đông Nam Bộ và các loại gỗ quý từ rừng già Tây Nguyên …
Có thể cho đến bây giờ những ai đi chợ Đông Hà ngày ấy đều không thể quên hương vị Kem Đông Hà, nhiều người vì yêu mến mà phong lên thành thương hiệu “kem Đông Hà ngon nhất Đông Dương”

 

                                                                   Đường Phan Bội Châu xưa

Rồi non sông quy về một mối. Tỉnh lỵ của Bình Trị thiên hợp nhất được chuyển về Huế. Đông Hà mới được nâng cấp lên lỵ sở của tỉnh Quảng Trị chưa lâu lại trở về vị trí thị xã ngã ba đường, khuất lấp trong nhọc nhằn bươn chãi cùng cả nước chống giặc bắc, giặc tây nam và oằn mình băng bó vết thương chiến tranh còn rỉ máu trong vòng vây o ép cấm vận.
Kỷ niệm đáng yêu nhất của tôi trong 13 năm Đông Hà là thị xã thuộc tỉnh lớn Bình Trị Thiên đó là một kỷ niệm bi thương và lãng mạn.Vào khoảng tháng 2 năm 1976, đơn vị tôi vừa làm Kiểm soát Quân sự ở Đông Hà vừa tham gia dò gỡ bom mìn tại khu vực chùa Tám Mái, phía sau Sở điện lực Quảng Trị hiện nay. Bãi mìn tây bắc chùa Tám Mái là một trong những bãi mìn hỗn hợp chống bộ binh thuộc diện dày đặc nhất để phòng thủ Đông Hà của Quân đội Sài Gòn. Không sơ đồ bố trí, không phương tiện dò gỡ hiện đai, đơn vị hoàn toàn làm công việc bằng thủ công với những dụng cụ hết sức thô sơ.
Một buổi chiều, do sơ suất không đáng có, một quả mìn M14, lính ra gọi mìn RIP, bất ngờ phát nổ, ba người bị thương phải đưa đi viện dân y Đông Hà cấp cứu. Đơn vị cử tôi và mấy anh em khác đến Khoa ngoại giúp phục vụ chăm sóc những đồng đội bị thương, cho ổn định trước khi chuyển sang Quân y viện 88.
Trong phòng bệnh có một thanh niên trẻ, có vẻ là một giáo viên hay viên chức của một cơ quan nào đó, ạnh gãy xương tay hở đến điều trị. Anh có cô người yêu cũng trẻ và khá xinh. Có thể là giáo sinh Trường sư phạm cấp tốc dưới Đông Giang. Chiều nào cũng thế, sau giờ làm việc là cô ấy xuất hiện trong phòng bệnh. Sau khi thăm hỏi một vòng những người cùng buồng bệnh, cô ấy cho anh người yêu ăn chiều rồi rút trong túi xách ra cuốn tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của Nhà văn Phan Tứ, thong thả đọc cho anh ấy nghe.
Ban đầu, có lẽ sợ ảnh hưởng đến những ngừơi xung quanh, cô chỉ đọc nhỏ đủ cho anh ấy nghe. Nhưng về sau nghe câu chuyện hấp dẫn và thú vị với giọng đọc ấm áp truyền cảm của cô nên những người bệnh xung quanh và những người đến phục vụ yêu cầu cô đọc to lên cùng nghe.
Mỗi tối cô ấy đọc một chương, đến gần 21 giờ thì cô ấy gấp trang sách làm dấu rồi lễ phép chào cả phòng ra về, và hôm sau, “đến hẹn lại lên”…
Sau hai tuần thì tôi cũng được nghe đọc xong cuốn tiểu thuyết và những đồng đội tôi cũng chuyển viện. Cả ba người đồng đội của tôi đều bị thương vào mắt và bị băng kín nên khi chuyển viện ai cũng tiếc là không được nhìn thấy cô ấy một lần…Bốn mươi lăm năm nay nếu ai hỏi tôi nhớ đến Đông Hà, ngoài những thành tựu về kinh tế xã hội, tôi nhớ đến điều gì. Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Tôi nhớ đến tình yêu của cặp đôi ấy. Một tình yêu bình dị, nhân văn và nồng nàn, chân thành và lãng mạn ở một thị xã ngã ba đường mới hồi sinh còn ngỗn ngang nhiều việc phải làm. Đó cũng là tín hiệu của một sự trỗi dậy mãnh liệt của cuộc sống.
Nhập rồi chia tách, rồi lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai mươi năm, Đông Hà thay thị xã Quảng Trị trở lại gánh vác nhiệm vụ lỵ sở của tỉnh.
Tôi ngồi tỉ mẩn tính rằng: Phải mất hơn 400 năm để cái làng nhỏ mang tên Đông Hà hình thành trên bước đường thiên di về phía nam của cha ông dừng lại bên bờ sông Hiếu, chuyển mình từ làng lên thị trấn. Mất 60 năm đầy biến động để thị trấn Đông Hà nhận lãnh sứ mạng thị xã tỉnh lỵ và mất 20 năm để từ thị xã tỉnh lỵ vươn lên cấp thành phố đô thị loại ba và đang đứng trước mục tiêu trở thành đô thị loại hai trước năm 2020. Nghĩa là tốc độ thăng tiến, lên cấp của Đông Hà càng về sau càng ngắn dần mà bây giờ người ta gọi là tốc độ đô thị hóa nhanh.

 

                                                                Cầu và cảng Đông Hà

Tôi cũng lan man rằng: Trong 5 con đường ngang nối Quốc lộ 1A ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam với đường 13 dọc theo nước Lào thì đường số 9 có một vị trí quan trọng và thuận lợi nhất. Đường số 9 có những ưu điểm mà đường số 6 số 7, số 8 và số 12 không có. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà năm 1998, Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng lần thứ tám tổ chức tại Manila (Philippines) quyết định thống nhất thành lập “Hành lang kinh tế đông Tây” mà điểm đầu ở phía Đông là thành phố Đà Nẳng của Việt Nam nằm bên bờ Tây Thái Bình Dương và điểm cuối phía Tây là thành phố Mawlamyine nằm bên bờ đông Vịnh Yangoon biển Đại Tây Dương của Myanma, nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó đường số 9 đi qua tỉnh Savanakhet của Lào và tỉnh Quảng Trị của Việt Nam được chọn trở thành phần phía đông của Hành lang.
Tầm Quốc tế thì nó thế, nhưng tôi lại mơ tưởng một ngày nào đó Đông Hà sẽ thay thế Đà Nẳng gánh vác vai trò là điểm đầu phía đông hành lang kinh tế Đông Tây. Cơ sở để tôi mơ tưởng mà không viễn vông đó là Đông Hà cách Cảng Cửa Việt chỉ hơn mười cây số, bớt đi 200km đường bộ, thêm một sân bay quốc tế lưỡng dụng, thêm các cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, khai thác hết tiềm năng du lịch các bãi biển sạch đẹp trải trắng muốt cát tinh anh dài hơn 60km của tỉnh Quảng Trị để du khách ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào không đắn đo mà chọn đi 300-400 km để nhìn thấy biển ở phía Việt Nam thay vì phải đi về phía tây hơn 1000 km để cùng một mục đích tương tự…Và một đối tượng du khách không nhỏ là các cựu chiến binh Mỹ có nhu cầu thăm lại chiến trường xưa, vì với họ Quảng Trị là ký ức những tháng năm tuổi trẻ bị căng ra dưới mưa rừng, nắng lửa, bị giam hãm trong chiến hào ẩm ướt, là chết chóc bất ngờ, là bước ngoặt cuộc đời…Với họ, những địa danh mang tên Mỹ trên đất Quảng Trị như: Carroll, Fuler, Nancy, Bacbara, Holecom, Rockpile…. Các cuộc hành quân mang tên: Prairie, Deck House Quage, Pegasus, Scotland II, chiến dịch Charlie… đều đồng nghĩa với sự hãi hùng, nỗi ám ảnh thành hội chứng chiến tranh đến cuối đời chẳng thể nào quên:
Chắp nối dòng liên tưởng: Nơi tôi chạm mặt Đông Hà lần đầu tiên và nhìn thấy chùm hoa khế tím nhú ra trên cành vừa bị bom phạt đứt ở thôn An Lạc mùa hè đỏ lửa năm 1972 thì hôm nay đã hiển hiện một làng hoa An Lạc tràn ngập sắc hương, trở thành biểu trưng cho nét văn hóa của thành phố Đông Hà trong hành trình đi tới tương lai. Trùng với vệt bom B52 gây hủy diệt năm xưa, nay là Đại lộ Hùng Vương, trục chính định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại của thành phố Đông Hà hoa lệ…
Tôi có nhiều bạn bè là các cựu chiến binh từng gắn bó với chiến trường Quảng Trị nhiều năm và tham gia chiến dịch giải phóng Đông Hà cuối tháng Tư năm 1972. Năm nào các anh cũng về thăm lại chiến trường xưa. Các anh nói rằng: Hình như cơn gió Lào ở Đông Hà vào mùa hè hiện nay dịu mát hơn những cơn gió Lào bỏng rát hồi chiến tranh.
Không chỉ các anh mà ngay cả chúng tôi sinh ra trong cái rốn gió Lào cũng tự nhận ra điều ấy. Từ một Đông Hà khô cháy khét lẹt, nham nhở bê tông, sắt vụn, gỗ dầu với mặt đất chi chít hố bom, bốn phía bãi mìn với hơn ngìn dân mà phần đông tá túc dưới những mái nhà lợp tấm tôn giấy của “chương trình tái định cư” do Mỹ viện trợ đã hoen ố, nát nhàu vì dỡ ra lợp vào qua nhiều lần di chuyển chuyển, sau 45 năm, kể cả những người có đầu óc lãng mạn nhất cũng không hình dung được thành phố Đông Hà chuyển mình phổng phao bề thế như hiện nay.
Các nhà quy hoạch đô thị sẽ làm công việc của mình, nhưng tôi cứ ước muốn rằng, vài ba thập kỷ nữa, quy mô thành phô Đông Hà sẽ mở rộng, phía Đông sẽ là cảng Cửa Việt, phía tây là thị trấn Cam Lộ, phía Bắc là thị tứ ngã tư Sòng, phía Nam là đô thị vệ tinh Quảng Trị. Với quy mô ấy, Đông Hà mới tương xứng với tấm áo khoác sang trọng đô thị loại II và vươn xa hơn, phần lục địa Đông Nam Á sẽ nhắc đến Đông Hà với sự ngưỡng mộ như bây giờ họ háo hức nghĩ về Phukẹt hay Bali.

Tác giả : Tống Phước Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *