Tin tứcTrong nước

Kết quả cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương”

Cuộc thi “Sáng tác phác thảo Tượng đài Hùng Vương” tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được tổ chức trên quy mô toàn quốc, từ tháng 12/2015.
Trong số 21 tác phẩm dự thi ‘sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương’, có 2 mẫu tượng được chọn để trình Ban bí thư phê duyệt. Kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

UBND tỉnh Phú Thọ vừa thông báo kết quả chung kết của cuộc thi “Sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương”. Theo đó, 2 phương án (HV-01 và HV-03) được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn từ 21 tác phẩm tham dự.

                                                                          Phương án được chọn

Ông Hà Kế San (Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi) cho biết, tỉnh đã trình 2 mẫu phác thảo này lên Ban bí thư Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo, quyết định việc lựa chọn mẫu tượng đài Hùng Vương xây dựng tại khu di tích lịch sử Đền Hùng.

“Tỉnh sẽ có buổi làm việc với Trung ương để thẩm định và lựa chọn. Sau đó chúng tôi sẽ kêu gọi xã hội hóa xây dựng tượng đài”, ông San nói.

Đánh giá về 2 mẫu tượng vua Hùng được chọn, Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, các mẫu phác thảo đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng, đôi tay. Trong đó, mẫu HV-01 có ưu điểm nổi trội hơn hẳn nên nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ hội đồng nghệ thuật. Mẫu tượng này cũng được 8.213 phiếu (trong tổng số 9.991 phiếu) bình chọn của người dân, nhiều gấp 8 lần số phiếu mẫu tượng đài còn lại nhận được.

                                                                                        Phương án ít phiếu hơn

Thuyết minh về mẫu tượng HV-01, tác giả – nghệ nhân đúc đồng Mai Hoa cho biết, hình tượng Quốc tổ Hùng Vương chiếm vai trò chủ đạo, đứng trên bệ vững chắc, hình khối khoẻ khoắn, gương mặt quắc thước nhưng hiền từ, gần gũi trong tư thế hiên ngang, tự tin của người khởi đầu dựng nước.

Tay phải tượng giơ ngang ngực hướng về phía trước tạo sự giao lưu với công chúng như hình ảnh đón con cháu về. Tay còn lại đỡ những bông lúa thể hiện nền văn minh lúa nước. Trang phục của tượng đài Hùng Vương được tác giả tham khảo từ các hoa văn trang trí chủ yếu từ trên đồ đồng thời Đông Sơn, có tiếp thu, vận dụng phù hợp với tư thế của tượng.

Quỳnh Trang (Theo Vnexpress.net)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *