Xưa & Nay

Hiếu Giang – ngọt ngào mạch nguồn sâu thẳm

Trong phần đề tựa của cuốn “Ô châu cận lục”, Dương Văn An đã viết:

“Có trời đất ấy tất có núi sông ấy, có núi sông ấy tất có nhân vật ấy vậy. Khi trời đất đã hình thành thì núi sông mới xuất hiện. Núi dựng sông tuôn rồi con người mới sinh. Không có núi sông thì không rõ công kiến tạo của trời đất. Không có cuộc sống thì không thấy khí thiêng chung đúc của núi sông.

Nhưng trời có nóng có lạnh khác nhau, đất có núi có sông làm nên hình thế. Đất có thuỷ thổ khác nhau cũng như tập tục con người mỗi nơi một khác”1.

Sông núi là đất nước, là giang sơn, là địa linh, là khí thiêng và là biểu trưng văn hóa của một vùng, miền, quốc gia.

Quảng Trị có 3 tiểu vùng địa lý và tương ứng với nó là 3 cặp đôi biểu trưng văn hóa. Điều này đã được phác thảo một cách rõ nét trong bản đồ do các nhà địa chí thời Nguyễn lập và thể hiện trong sách “Đồng Khánh địa dư chí”:

– Tiểu vùng phía bắc thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Do Linh (xưa là châu Ma Linh/Minh Linh, vốn trực thuộc về Quảng Bình/Tân Bình/Tiên Bình) với cặp đôi: sông Hiền Lương/Bến Hải (còn có tên là sông Ô Giang/Hồi/Minh Lương) – núi Linh/đôộng Lòi Reng/Linh sơn.

– Tiểu vùng ở giữa thuộc huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà (xưa là huyện Thành Hoá và một phần của huyện Đăng Xương/Võ Xương/Thuận Xương) với cặp đôi: sông Hiếu (còn có tên là sông Cam Lộ, sông Điếu Ngao) – núi Tá Linh/đôộng Voi Mẹp/Tá Linh sơn.

– Tiểu vùng phía nam thuộc huyện Triệu Phong (xưa là huyện Lợi Điều/Đăng Xương/Võ Xương/Thuận Xương) và huyện Hải Lăng (xưa là huyện An Nhân) với cặp đôi: sông Thạch Hãn (còn có tên là Nguồn Hàn/sông Hãn) – núi Mai Lĩnh/non Mai/Mai Lĩnh sơn.

Non Mai – Sông Hãn trở thành biểu trưng văn hóa của toàn vùng Quảng Trị từ khi lỵ sở, trung tâm hành chính chính trị của tỉnh được đặt bên dòng sông Thạch Hãn. Ngày nay, khi thủ phủ của tỉnh đã chuyển về bên dòng sông Hiếu thì cặp đôi Tá Linh – Hiếu Giang cũng chính là chủ thể địa linh Quảng Trị.

                                             Hiếu Giang – đoạn chảy qua Cam Lộ

 

1. Hiếu Giang/sông Hiếu bắt nguồn từ các sông suối trênđịa hình núi rừng s­ườn đông dãy Tr­ường Sơn cao độ trên 1000m của huyện Hướng Hoá chảy về phía đông theo hư­ớng tây bắc – đông nam qua các xã Hướng Sơn, H­ướng Hiệp (huyện Đakrông), Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Thanh (huyện Cam Lộ), Đông Thanh, Đông Giang (thành phố Đông Hà), rồi hợp lưu với sông Đại Độ/Hói Sòng để đổ vào sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ/Dã Độ xã Triệu Độ.

Sông đi qua khu vực của tuần Hiếu Giang nên có tên là Hiếu Giang – sông Hiếu. Khi chảy qua địa bàn vùng trung du Cam Lộ, sông được gọi tên là sông Cam Lộ. Về đến vùng Đông Hà chảy qua làng Điếu Ngao nên sông có tên là sông Điếu Ngao. Trên sông có bến đò Điếu Ngao nên cũng gọi là sông Đò Điếu.

Các nhà địa chí triều Nguyễn chép: Sông Hiếu “ở phía nam lỵ sở cũ huyện Ðịa Linh, phát nguyên từ động Nam Tiên ở phía tây huyện Thành Hóa, chảy về phía đông 10 dặm qua cửa Hiếu Giang, lại 20 dặm qua xã Cam Lộ, lại hơn 10 dặm qua bến Bích Giang, lại 3 dặm qua bến Thượng Ðô, lại chừng 3 dặm qua bến Trương Xá, lại 8 dặm qua bến đường quan xã Ðiếu Ngao, lại 4 dặm qua ngã 3 Ðông Lai, lại 2 dặm qua ngã ba Ðại Ðộ, mà vào hạ lưu sông Thạch Hãn2.

Các nhà địa lý ngày nay coi sông Hiếu là một con sông thuộc hệ thống sông Thạch Hãn với diện tích l­ưu vực 465km2 và độ dài con sông 70km, chiều rộng của sông đoạn qua thành phố Đông Hà 150 – 200m. Nhưng các nhà địa lý xưa coi sông Hiếu là một hệ sông riêng nằm trong cặp đôi sông núi: Tá Linh Sơn – Hiếu Giang. Mạch nguồn sông Hiếu phát tích từ Tá Linh Sơn.

Núi Tá Linh/đôộng Voi Mẹp không chỉ là cặp đôi biểu trưng đi với sông Hiếu mà còn là ngọn chủ sơn – núi thiêng của toàn vùng Quảng Trị. Núi “ở phía tây huyện Thành Hóa thuộc hai tổng Tầm Linh và La Mít, tục gọi núi Tá Ly, trông xa như hình voi phục nên gọi là núi voi phục, chu vi hơn trăm dặm, cao vót tầng mây, mạch núi và nguồn nước trong hạt đều tự đấy ra; thuyền đi ngoài biển cũng trông vào núi này để nhận phương hướng; thật là trấn sơn của đạo; phàm có việc, cứ trông mà cầu đảo, tất có linh ứng; năm Tự Ðức thứ ba, cho tên ấy và liệt vào điển thờ3.

Trong dân gian vùng sông Hiếu, dân địa phương có khi lại coi cặp đôi sông núi của tiểu vùng này là Non Mai – Sông Hiếu. Trước đình làng Nghĩa An (phường Đông Thanh) có 2 cặp câu đối khẳng định sự tồn tại của cặp đôi sông núi này là vĩnh hằng, hậu thế ngàn muôn năm sau cần phải có trách nhiệm gìn giữ để khí thiêng núi sông đời đời hưng vượng.

 

孝 水 長 流 千 秋 在

西 嶺 高 山 萬 古 留

Hiếu thủy trường lưu thiên thu tại

Tây Lĩnh cao sơn vạn cổ lưu

(Sông Hiếu chảy mãi nghìn thu tại.

Núi cao Tây Lĩnh muôn thuở còn)

Hoặc: Tô bồi rực rỡ ngời Sông Hiếu

Trang điểm huy hoàng rạng Núi Mai.

Bên trong nhà thờ họ Hồ Sĩ làng Nghĩa An còn có câu:

孝 水 克 含 千 古 月

梅 山 長 對 億 年 聲

Hiếu thủy khắc hàm thiên cổ nguyệt

Mai sơn trường đối ức niên thanh

(Sông Hiếu bao hàm sáng ngàn xưa

Non Mai dài dẳng tiếng muôn đời).

                                                 Đình làng Nghĩa An.

 

2. Đầu nguồn Cam Lộ, trước khi hợp lưu giữa suối La La và các khe suối khác để xuôi về phía đông, sông Hiếu chảy qua một khu vực địa hình thung lũng đá vôi với những lèn đá sừng sững. Ðây vốn là một vùng đồi trung sinh đã bị bào mòn thành những thung lũng và bị chia cắt bởi các chi lưu của sông Hiếu. Do hoạt động kartis nhiệt đới, giữa vùng đồi thung lũng này mọc dựng những dãy núi đá vôi mà dân địa phương gọi là các lèn đá với nhiều hang động, mái đá tạo nên một cảnh sắc hùng vĩ nên thơ và đầy tính thiêng. Đây có thể coi như là một tiền án của chủ sơn Tá Linh và long mạch Hiếu Giang, cũng là án của vùng Cam Lộ, tiền án của cả không gian văn hoá sinh thái vùng sông Hiếu.

Không gian này rộng trên dưới 5km2, nằm kẹp giữa 2 nhánh của sông Hiếu và được vây bọc vòng ngoài bởi 2 dãy núi, đồi 2 bên tả, hữu ngạn của 2 nhánh sông này. Bốn lèn đá vôi nổi lên sừng sững giữa không gian này là Lèn 1, Lèn 2, Lèn 3 và Lèn 4  phân bố đối xứng nhau: phía trước là Lèn 1, phía sau là Lèn 4, hai bên tả hữu là Lèn 2 và Lèn 3. Lèn 4 được gọi là Lèn Con Rồng. Lèn Con Rồng nằm sau cùng soãi dài và nhấp nhô trông hình giống như một con rồng đang lượn, đầu ngoảnh về hướng nam, tạo thành một bức tường thành nối 2 nhánh sông ở phía tây thung lũng. Mắt rồng chính là Hang Dơi. Lèn Con Rồng được coi là núi chủ/Chủ sơn trong khu vực thung lũng. Phía trước Lèn Con Rồng, nằm về 2 phía tả, hữu đối diện nhau là Lèn 2 và Lèn 3 (Lèn 3 còn có tên là Róc-pai). Xa hơn một chút sang bên kia sông (nhánh hữu ngạn) và nằm sát Quốc lộ 9 (về phía trên) là Lèn 1. Cấu trúc hình thế này tạo thành như một chiếc ngai – nơi ngự tọa của sơn thần/thần núi án ngữ đầu nguồn sông Hiếu – nơi tiếp giáp giữa 2 vùng văn hoá: Việt và Bru Vân Kiều – để cai quản, giám sát toàn cảnh vùng sông Hiếu ra đến Cửa Việt. Nếu chủ sơn/núi thiêng là Tá Linh thì khu vực này có thể coi là không gian thiêng của long mạch chủ Hiếu Giang.

Những tác động bất lợi ảnh hưởng đến địa cuộc từ phía tự nhiên và con người lên khu vực này đều có khả năng trực tiếp gây nên những bất ổn cho toàn vùng Cam Lộ, Đông Hà và không gian đôi bờ sông Hiếu.

3.Từ xa xưa, những nhóm cư dân nguyên thuỷ cổ đã có mặt trên đôi bờ sông Hiếu. Trải qua nhiều thời đại, sự sinh tồn và tụ cư của các nhóm cư dân thời tiền, sơ sử đã để lại nhiều dấu tích khảo cổ mang nhiều giá trị văn hóa.

Dấu tích xưa nhất về người nguyên thủy cổ vùng sông Hiếu đã được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Cùa, Ca rol (Cam Chính, Cam Nghĩa) thuộc về lớp c­ư dân cổ nhất vào thời văn hóa Sơn Vi thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, cách ngày nay khoảng hai đến ba vạn năm.

Tiếp đó, từ cách đây một vạn rưỡi đến khoảng 7 – 8 ngàn năm khi con ngư­ời phải chịu đựng sự thách thức lớn của tự nhiên bởi đợt biển tiến Flandrian, buộc phải thu hẹp địa bàn sinh sống và tìm vào sống trong các hang động núi đá vôi mở đầu cho thời đại đồ đá mới – thời kỳ văn hóa Hòa Bình thì dấu tích được phát hiện bắt đầu có không gian lan tỏa hơn. Dấu ấn nổi bật nhất thuộc thời đại này là những phát hiện khảo cổ trong khu vực các lèn đá vôi Tân Lâm (Cam Thành); trong đó Hang Dơi 1 và Hang Dơi 2 là những di tích quan trọng bậc nhất của Quảng Trị và miền Trung. Với các kết quả phát hiện, nghiên cứu, khai quật vào các năm 1992, 1993, 1994, 2006, các nhà khảo cổ đã chứng minh một cách thuyết phục rằng: nơi đây, cách ngày nay trên dưới vạn năm, đã có một nhóm cư­ dân nguyên thủy sinh sống và đã để lại nhiều dấu tích như­: các công cụ chặt, nạo, bàn nghiền, chày nghiền được chế tác từ đá cuội, các vỏ ốc núi, ốc suối được dùng làm thức ăn, cùng các xương răng động vật đã bị đập, chẻ, bôi thổ hoàng… Họ đã từng b­ước làm chủ việc chế tạo các loại công cụ ghè đẽo, bắt đầu biết mài cho đồ đá sắc bén hơn ở rìa lư­ỡi, biết trồng trọt và làm nông sơ khai.

Sang giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới – sơ kỳ kim khí cách ngày nay từ khoảng 5 ngàn đến 2 ngàn năm, vùng cư trú của người tiền sơ sử ven sông Hiếu đã tỏa rộng khắp cả địa hình vùng rừng núi và tiến về chiếm lĩnh vùng đồng bằng. Ở vùng núi, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết các “di chỉ xưởng” ở Sê Pu, Tà Pằng, Cù Bai, Bản Hoong ở miền tây bắc H­ướng Hóa – một khu công x­ưởng chế tác đồ đá lớn nhất, điển hình nhất ở miền Trung Việt Nam là chứng cứ ghi nhận sự tồn tại của một cộng đồng c­ư dân có trình độ cao về kỹ thuật chế tác các loại rìu, bôn đá – một loại công cụ chủ yếu để sinh sống của con ngư­ời thời bấy giờ. Đây cũng chính là những trung tâm sản xuất, cung cấp công cụ đá cho các cộng đồng c­ư dân ở vùng đồng bằng ven biển trong khu vực thông qua các tuyến trao đổi theo chiều đông – tây. Ở đồng bằng ven biển, giới nghiên cứu khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều chiếc rìu, bôn đá, bàn mài và vô số mảnh gốm thô trong tầng văn hóa khá dày ở nhiều nơi chứng nhận về sự có mặt của một nhóm c­ư dân cổ ở vùng cận kề sông biển, có trình độ kỹ thuật phát triển và các hoạt động kinh tế khá ổn định. Việc các nhà khảo cổ tìm thấy các vỏ ốc biển được coi là loại ốc tiền – một vật trao đổi của cư dân thời tiền sử – ở tầng văn hóa muộn thuộc thời hậu kỳ đá mới trong di chỉ Hang Dơi đã cho thấy mối quan hệ giao thương đã được thiết lập giữa các nhóm cư dân vùng núi và vùng đồng bằng ven biển.

Vào thời kỳ đồ đồng, khu vực thượng nguồn sông Hiếu về phía tây thuộc Đakrông là vùng rừng núi có số hiện vật khảo cổ bằng đồng với niên đại xa xư­a đư­ợc phát hiện. Hàng chục chiếc rìu l­ưỡi xòe cân và lư­ỡi xéo, giáo đồng, đồ trang sức đã được tìm thấy ở một số nơi. Đặc biệt, tại vùng núi thượng nguồn sông Hiếu đã phát hiện một số đồ trang sức bằng đồng có dấu hiệu như những đồ trang sức đã tìm thấy ở tận vùng đông bắc Thái Lan cho thấy đã có một mối quan hệ giao lưu đ­ược mở ra từ thời xa xư­a của lịch sử giữa các khu vực: giữa miền Trung Việt Nam với khu vực Ðông Nam Á lục địa, giữa vùng sâu nội địa với dải đất ven biển phía đông. “Lối mòn đ­ường 9” – đường thượng đạo xuyên sơn xưa, đã trở thành Con đường công cụ và là huyết mạch chủ yếu từ rừng xuống biển và từ không gian văn hoá vùng sông Hiếu lan toả ra bên ngoài đến các nơi trên toàn khu vực Đông Nam Á.

 

Sông Hiếu là thành phần quan trọng trong quy hoạch cảnh quan thành phố Đông Hà

 

4.Trước khi thuộc về người Việt (đầu thế kỷ XI và nửa đầu thế kỷ XIV), vùng đất đôi bờ sông Hiếu hiện nay về cơ bản là một phần của đất châu Ô (phía nam sông Hiếu) và châu Ma Linh (phía bắc sông Hiếu) của vương quốc Chămpa.

Hầu hết tất cả các con sông ở miền Trung đều bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây và đổ về biển cả. Con sông trong quan niệm của Ấn Ðộ giáo (tôn giáo chủ yếu của vương quyền Chămpa) là sông thiêng, biểu t­ượng của nữ thần Ganga. Có nhiều nơi một ngọn núi cao nào đó gần con sông đ­ược coi là biểu tượng của Ðại sơn thần và đây cũng là thần Siva. Ðối với kinh tế, con sông ở miền Trung có vai trò hết sức quan trọng trong huyết mạch l­ưu thông, trao đổi sản vật từ vùng núi về phía biển và ngư­ợc lại. Theo đó, một tiểu quốc của Chămpa (mandala) th­ường tồn tại dựa trên mô hình lấy con sông lớn ở khu vực đó làm trục chính: phía thượng nguồn là thánh địa (núi thiêng), nơi đư­ợc dựng lên các đền tháp thờ thần/ phật – trung tâm tôn giáo; vùng hạ lưu là nơi xây dựng thành lũy, là chốn thị thành – trung tâm chính trị, văn hóa (thành phố thiêng); cửa biển là cảng thị – trung tâm kinh tế, nơi giao l­ưu trao đổi với thế giới bên ngoài. Nhờ có các hệ sông và 2 cửa biển cũng như đường thượng đạo xuyên sơn nối thông với bên ngoài, người Chăm đã biết khai thác thế mạnh các đặc sản địa phương để giao thương (trầm h­ương, ngà voi, sừng tê, hồ tiêu, dầu rái, dầu trẩu, chè, dứa, mía…) nên Quảng Trị đã trở thành một tiểu quốc hùng mạnh trong khoảng thời gian tr­ước thế kỷ XI, nhất là giai đoạn v­ương triều Indrapura.

Nhìn lại không gian tiểu vùng giữa của Quảng Trị (Cam Lộ, Ðông Hà, nam Gio Linh, bắc Triệu Phong) theo hệ quy chiếu trên, chúng ta thấy sông Hiếu là trục quy hoạch chính. Với sông Hiếu, các khu đền tháp Lâm Lang, Định Xá, Trương Xá (vùng Cam Lộ), Đông Hà, Kim Đâu là những thánh địa; trong đó với những gì hiện còn đã cho thấy khu đền tháp Trương Xá là trung tâm tôn giáo lớn nhất của khu vực này. Hệ đền tháp này cùng với các đền tháp vùng sông Thạch Hãn như Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị), Nhan Biều, Đa Nghi, Trà Liên, Quảng Điền, Phúc Lộc, Dư­ơng Lệ, Cao Hy (Triệu Phong); trong đó Dương Lệ là trung tâm tôn giáo của toàn vùng châu Ô trở thành một chỉnh thể dàn đều trên trục quy hoạch Hiếu – Thạch Hãn. Toàn bộ không gian này, thành Thuận Châu cùng với cảng biển Cửa Việt, cảng sông Mai Xá ở phía bắc, Phó Hội ở phía nam là các trung tâm về chính trị kinh tế.

Cũng cần nói thêm rằng, dọc hai bên bờ sông Hiếu hiện còn tồn tại khá nhiều hệ thống giếng Chăm và giếng theo kiểu kỹ thuật Chăm. Ðó là các giếng khơi được đào sâu để khai thác mạch ngầm, có hình tròn hoặc vuông, xếp đá cuội, đá bazan, đá phiến, dưới đáy có kè những tấm gỗ trai ở Cam Lộ Thượng, Hạ, làng Nghĩa An (Ðông Thanh), Thượng Nghĩa (Ðông Giang), Mai Xá, Lâm Xuân (Do Mai), Long Hà, Diêm Hà..; các giếng Đá ở làng An Xuân, Cẩm Thạch, Kim Đâu…; những giếng xếp gạch ở Gia Độ… là những minh chứng sinh động cho loại hình di tích này. Có thể coi việc khai thác nguồn n­ước ngầm là một tài nghệ của các lớp c­ư dân Chămpa sống trên đất dọc 2 bờ sông Hiếu, một vùng đất nổi tiếng với sự khắc nghiệt của thời tiết khô hạn và gió nóng về mùa hè. Ngoài ra, sự tồn lưu bên trong một số làng của Ðông Hà, Cam Lộ, Gio Linh các miếu thờ bà Chúa Ngọc/Thiên Y Ana Ngọc diễn phi/Po Yan Ynư Naga (vị thần Mẹ xứ sở/Mẫu đất) dù đã được Việt hoá cao độ trong ngôn ngữ cũng như sự thờ cúng thì đó chính là những minh chứng không thể phủ nhận về sự quần tụ của những làng Chăm trên vùng đất 2 bên bờ sông Hiếu trước khi có sự thay thế của những làng Việt.

5. Năm 1069, từ chiến dịch chinh phạt của quốc gia Ðại Việt do vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt cầm quân đánh vào Vijaya (Chà Bàn), bắt được vua Chăm là Chế Củ (Yan Cri Rudravarman hay Rudravarman IV), một phần đất nằm phía bắc sông Hiếu thuộc châu Ma Linh sát nhập vào bản đồ Ðại Việt.

Sông Hiếu từ năm 1069 đến năm 1306 trở thành đường biên giới giữa 2 quốc gia Ðại Việt – Chămpa. Lần đầu tiên trong lịch sử, không gian sông Hiếu trở thành nơi tiếp giao giữa hai cộng đồng cư­ dân Chămpa – Ðại Việt. Tuy nhiên, do chiến tranh liên tục xảy ra nên người Việt chưa có điều kiện tiếp cận vùng đất 2 bên bờ sông Hiếu. Mãi tận sau đám cưới của công chúa Huyền Trân với vua Chămpa Chế Mân (năm 1306), không gian phía nam sông Hiếu trở thành một vùng đất trong c­ương vực của Ðại Việt, thì quá trình di dân lập ấp vào vùng đất mới của các nhóm dân Việt ra đi từ đất bắc mới chính thức bắt đầu. Văn hóa Việt dần dần được xác lập trên nền tảng kế thừa, giao lưu, hội nhập và tiếp biến với văn hóa Chăm bản địa và từ bên ngoài.

Các làng Việt thay thế dần những làng Chăm. Trên vùng sông Hiếu, các làng Việt được hình thành từ các cuộc di dân tập trung hoặc lẽ tẻ; tự phát hoặc do nhà nước tổ chức của những người Việt ra đi từ đất Bắc qua nhiều đợt của các thế kỷ XIV, XV, XVI. Các làng Việt vùng đồng bằng phía hạ nguồn sông Hiếu từ xã Cam Hiếu (Cam Lộ) trở xuống được hình thành khá sớm dưới thời nhà Hồ, thời thuộc Minh và đầu đời Lê sơ. Tập trung nhất là từ sau cuộc đại di dân dưới thời Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông.

Các làng Việt hình thành sớm nhất (thế kỷ XV) ở phía bắc sông Hiếu gồm có: Diêm Hà Thượng/Hạ, Mai Xá, Lâm Cùng (Lâm Xuân), Sùng Hoa Thượng/Hạ (Vinh Quang Thượng/Hạ), Trúc Lâm, Trúc Giang (Trúc Khê), Kỳ Trúc, Thượng Đô (Thượng Nghĩa), Hạ Đô (Đông Lai), Thượng Độ, Hạ Độ (Đại Độ), Kim Đâu, An Nghiệp (An Lạc), Nghĩa Đoan (Nghĩa An), Chính Lộ (Cam Lộ hạ), Bích Đàm (Bích Giang), Cam Đường (Cam Vũ), Lâm lang, Trương Xá. Ở phía nam sông Hiếu gồm các làng: Hà Bá (Hà Tây), Vân Động (Tường Vân), Duy Phiên, An Cư, Việt Yên, Dã Độ (Gia Độ), An Toàn (An Lợi), Lang Da (Phương Da), Hướng Ngao (Điếu Ngao), Liên Trì (Tây Trì). Các làng Việt hình thành vào thời kỳ tiếp sau (thế kỷ XVI – XVII) ở phía bờ bắc gồm có: Hà Lợi Thượng, Hà Lợi Trung, Hà Lộc, An Lộc, Đại Lộc, Ngọc Giáp, Trung An, Phúc An, Bạch Câu, Tây Giáp, Xuân An, Trù Cương, Xuân Lung, Mai Xá Thị, Cảnh Dương, Phả Lại, Đình Tổ, Định Xá, Thanh Lương, An Bình, Phú Ngạn, Trúc Kinh, Nhật Lệ, Thuận Đức, Phi Hưu, An Thịnh, Bào Đá, Trung Hác, An Xuân, Phúc An, Khang Mỹ, An Bình, Khang Thái, Tân An, Ba Xuân, Cây Lúa, Bái Sơn, Cam Lộ thượng, Thiện Xuân, Bố Chính, Quất Xá, Án Cát. Ở phía bờ nam gồm có: An Tục, Phụ Lũy (Phó Hội), Khang Vĩnh, Tân An, Lưỡng Toàn (Lưỡng Kim), Hạo Hy (Cao Hy), Giáo Liêm, Thanh Liêm, Lãng Phúc (Lạng Phước), Đông Hà, Thiết Trường, Thiết Trường Tử Chính, Thiết Trường Hạ Phường, Sơn Trập, Sơn Bàng, An Trung Ngũ Giáp.

Các làng Việt vùng trung du thuộc các xã Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa được hình thành muộn hơn nhờ các cuộc di/dãn dân từ đồng bằng lên theo cơ chế “làng mẹ đẻ làng con” ở các thế kỷ XVII, XVIII, XIX; mạnh nhất là khoảng thế kỷ XVIII – XIX.

Làng người Việt đôi bờ sông Hiếu thường tập trung và trải dài ven sông, các dải đất cao và chạy dài trên các vùng đồng bằng và trung du. Ðó là những khu đất mà nguyên là vùng tụ cư, sinh sống của người Chăm xưa. Ðình, đền, miếu và nhà thờ họ là những công trình sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phổ biến của từng cộng đồng làng, gia tộc mà không có làng nào là không có. Ðình làng thường được dựng trên khu đất cao ráo, ở vào địa điểm trung tâm của làng. Ngoài những ngôi đình có nhà với sự hiện diện đầy đủ tính chất của một công trình kiến trúc, lại có những ngôi đình lộ thiên, không có nhà hoặc hoàn toàn không có một thành phần kiến trúc nào. Ý thức thờ cúng cao hơn ý thức sinh hoạt xã hội. Các đền, miếu được xây dựng theo lối gác lững là phổ biến, song bên cạnh đó vẫn có những ngôi miếu cổ xây gạch và vôi vữa có ghép mảnh sành sứ được tạo dáng bằng mái cong và dạng miếu theo kiểu hiệp tự với kiến trúc như một nhà thờ họ. Phong tục tập quán về cơ bản là tương đồng trên toàn vùng, song cũng có nhiều biểu hiện dị biệt giữa những nhóm dân sống ở vùng đồng bằng ven biển và nhóm dân sống trên địa hình vùng đồi trung du.

                                                          Hiếu Giang – đoạn trong lòng thành phố

 

6. Sông Hiếu nổi bật hơn các hệ thống sông khác trên toàn vùng Quảng Trị và cả khu vực bởi yếu tố thương mại, mậu dịch. Từ trong lịch sử, sông Hiếu luôn là bạn đồng hành với đường thượng đạo xuyên sơn – lối mòn và là tiền thân của Đường 9, đường Xuyên Á. Đây là con đường giao thương kinh tế đông tây và ngược lại nối rừng với biển; nối đồng bằng với miền núi; nối kẻ biển, kẻ ruộng, kẻ chợ với kẻ mọi; nối người Kinh với các tộc người thiểu số; nối nội địa với bên ngoài; nối Quảng Trị – Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là con đường công cụ, đường hương liệu (chiều tây – đông), đường muối (chiều đông – tây) đã hình thành từ rất sớm.

Trên trục sông Hiếu, từ lâu, với con mắt nhìn chiến lược về biển và nghệ thuật khai thác biển, người Chăm không chỉ biết giao thương nội địa mà từ rất sớm, họ đã biết mở cửa, giao thương với bên ngoài qua cảng Cửa Việt (Việt Khách/Việt An/Việt Yên). Đây cũng là tuyến giao thương – con đường mậu dịch điển hình thời Chămpa.

Trên cơ sở các luồng thương mại và mậu dịch cũng như những sản phẩm hàng hoá mà người Chăm đã thiết lập từ trước, các nhóm cư dân Việt đã biết tiếp nhận, tận dụng và khai thác một cách có hiệu quả để tổ chức các hoạt động thương mại nhằm ổn định và nâng cao đời sống. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của thương cảng sông nằm hạ nguồn sông Hiếu là các thương điếm (emporium) Mai Xá/Phường Hàng và Phụ Lũy/Phó Hội. Cả hai thương cảng này cùng với trung tâm chính trị – thị tứ thành/thủ phủ Thuận châu (Triệu Long) song hành cùng chợ Thuận – một trung tâm thương mại nổi tiếng trải từ thời Chăm đến thế kỷ XVIII và ngày nay vẫn tồn tại tuy không còn giữ vai trò như xưa. Bên cạnh đó còn có các chợ làng/vùng – trung tâm thương mại khác như: chợ Sòng, chợ Sãi, chợ Phiên…

Đặc biệt dưới các thế kỷ XVII, XVIII, sông Hiếu là con đường mậu dịch phát triển khá mạnh. Chúa Nguyễn đã cho sửa sang và mở mang thêm đường sá, các con sông được đào vét, chợ búa mọc lên khắp nơi… Năm 1668, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Mai Xá và mở cảng Mai Xá để nối thông với bát phường Cồn Tiên, tiện cho việc buôn bán. Ngoài ra, để thúc đẩy việc buôn bán, trao đổi theo trục hành lang đông – tây và giữ yên miền biên viễn phía tây, chống lại nạn xâm lấn, cướp phá thường xuyên của các bộ lạc Lạc Hoàn – Vạn Tượng (Ai Lao) theo đường thượng đạo và sông Hiếu, từ năm 1622, Chúa cho đặt dinh Ai Lao để trấn giữ và giám sát việc mua bán4.

Hệ thống các chợ được thiết lập ven sông Hiếu và các nhánh sông, hói thuộc chi lưu của sông này để thuận tiện cho việc đi lại trao đổi, buôn bán đường thuỷ. Dọc sông Hiếu từ hạ nguồn lên đến thượng nguồn ngoài các trung tâm thương mại lớn là chợ Thuận, Mai Xá thị/Phường Hàng, chợ Sòng và chợ Phiên còn có các chợ như chợ Hôm ở Bạch Câu, chợ Gia Độ, chợ Hôm ở Lập Thạch, chợ Tây Trì, chợ Lai Phước… Việc buôn bán trao đổi hàng hóa ở Quảng Trị không chỉ dừng lại trong phạm vi nội địa của vùng Quảng Trị mà còn mở rộng ra cả Đàng Trong, vươn ra tới Đàng Ngoài; không chỉ trong nước mà còn với cả các nước trong khu vực như: Ai Lao, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước phương Tây khác. Thuyền các nước đem đến bán vũ khí như: gươm, giáo, áo giáp, diêm sinh, đồ dùng bằng đồng, sắt, các loại vải vóc quý, lược, kim khâu… Lái buôn nước ngoài mua trầm hương, ngà voi, vây cá, yến sào, quế, sừng tê giác, hồ tiêu, dầu sơn, dầu trẩu, gỗ quý, tơ, dứa, mít…, có nhiều thứ ở Quảng Trị.

Tuyến đường buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất nhất ở Quảng Trị thời kỳ này là tuyến đường Cửa Việt – Cam Lộ – Ai Lao. Luồng thương mại này chủ yếu là tuyến đường bộ và đường thủy. Ghe thuyền vào Cửa Việt mang hàng hóa của vùng biển và các nơi khác, rồi dọc theo sông Hiếu, sông Thạch Hãn trao đổi với vùng trung du và vùng núi; đồng thời thông qua cửa khẩu Ai Lao, thu gom nguồn hàng từ Lào, từ vùng núi đem về trao đổi với vùng đồng bằng và vùng biển tạo nên luồng buôn chuyến trên bộ dưới thuyền từ biển lên Lào và ngược lại rất tấp nập. Cam Lộ trở thành cửa khẩu cực kỳ quan trọng và từ đó chúa Nguyễn kiểm soát toàn bộ vùng núi phía tây; đặc biệt là Ai Lao và cửu châu Ky mi. Đây có thể coi là con đường thương mại nhộn nhịp nhất trong vùng Tân Bình, Thuận Hoá.

Chính Lê Quý Ðôn cũng mô tả tuyến đường này như sau: “Xã Cam Lộ huyện Ðăng Xương ở thượng lưu sông Ðiếu Ngao, dưới thông với Cửa Việt, trên tiếp với các nguồn Sái đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều ra từ đấy. Ở xa thì nước Lạc Hoàn, nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, châu Quy Hợp, các bộ lạc Lào đều có đường thông từ đây, rất xung yếu. Từ xã ấy vào một ngày đến phường An Khang, có sở tuần gọi là tuần Ba Giăng, cũng gọi là đồn Hiếu Giang. Theo lệ các lái buôn đến đồn xin giấy đi vào đầu nguồn mua trâu, bò, thóc, gạo cùng các thứ sản vật, mỗi năm nộp thuế 120 quan tiền. Từ tuần ấy đi  hai ngày rưỡi đến đất nước Ai Lao, bên sông Cái. Họ Nguyễn có đặt dinh, đóng 6 thuyền quân ở đấy, quân đều là lính mộ gọi là dinh Ai Lao. Bên hữu sông xã Cam Lộ có tuần Cây Lúa, cũng như lệ tuần Hiếu Giang, thuế hàng năm rất ít. Từ đấy thông qua đạo Mường Vanh và nước Vạn Tượng. Bên tả đồn Hiến Giang có tuần Ngưu Cước, cũng như lệ tuần Hiếu Giang, thuế hàng năm 120 tiền5. Từ đây, người ta có thể dễ dàng đến Savanakhet ở phía tây, hay Khemmat ở phía tây nam hay Mukdahan ở phía tây bắc. Rất có thể đó cũng là con đường mà Vientian sử dụng để đến Huế triều cống6.

Sản phẩm hàng hoá quan trọng là hồ tiêu được coi là một thứ hàng hoá rất nổi tiếng, được khách thương nước ngoài ưa chuộng và là một loại đặc sản, một mặt hàng độc quyền của các chúa Nguyễn. Bên cạnh hồ tiêu, nhiều loại sản vật khác trong vùng cũng là những thứ hàng hoá được khách thương mua để mang đi trao đổi như dầu sơn, dầu trẩu.

Cam Lộ có dầu rái sản xuất từ cây dầu rái, dùng để thắp sáng và cũng là vùng đất lạc. Nhiều nơi dùng lạc ép thành dầu để ăn hoặc thắp sáng. Xã Tường Vân nổi tiếng với nghề nấu muối, có hàng mấy trăm lò. Nhiều làng làm nghề thủ công dọc theo sông Hiếu đã cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm hàng hoá đặc biệt tạo điều kiện cho nội thương và ngoại thương càng có cơ hội để phát triển. Đó là: chiếu cói của làng Lâm Xuân; đồ sắt công cụ ở làng Đông Hà, Thượng Đô (Thượng Nghĩa); vải chợ Chùa; đồ mộc ở làng Gia Độ… Đặc biệt, một số làng quanh khu vực chợ Sòng chuyên làm các nghề thủ công với những sản phẩm hàng hoá phong phú: giấy của làng Phổ lại, đồ khảm trai, khảm bạc của làng An Xuân, bún của làng Cẩm Thạch …

Những sản phẩm hàng hóa của rừng theo xuống sông Hiếu cũng rất phong phú như mộc nhĩ, măng khô, mật ong, ngà voi, sừng tê, đuôi trĩ, long công, tộc hương, bạch tộc hương, hoàng tiết, da trâu, xương hổ, nhung, nai, quế, gỗ, tre, mây… Ðây là những mặt hàng nổi tiếng được thương khách nước ngoài ưa chuộng và cũng là các sản phẩm hàng hoá chính yếu trên con đường giao thương tây – đông, ngược xuôi.

Tổ chức thu thuế cũng được thiết lập ở đầu nguồn khai thác hoặc ở những trung tâm giao lưu hàng hóa dọc sông Hiếu như ở các sở tuần, các đồn Ba Giăng, An Khang, Cây Lúa, Hiếu Giang.

Dưới thời Nguyễn, hoạt động thương mại trên dọc sông Hiếu bị chững lại. Nếu như nội thương tuy vẫn phát triển nhưng không sầm uất bằng các thời kỳ trước thì việc buôn bán hàng hóa với nước ngoài, đặc biệt là với các thuyền buôn đến từ phương Tây trên sông Hiếu qua Cửa Việt đã không còn nhiều như trước nữa. Ðó là do chính sách “bế quan tỏa cảng” của các vua nhà Nguyễn. Từ thời Minh Mạng trở đi, vua ra lệnh cấm thuyền của Tây Dương chỉ được vào đổ ở bến Ðà Nẵng, chứ không được đến buôn ở cửa biển khác và lệnh cho các quan ở các cửa biển không để cho tàu Tây Dương trà trộn vào các cửa biển khác. Do đó, hàng hóa ở Quảng Trị cũng như nhiều nơi khác phải chở vào Ðà Nẵng để thông thương với bên ngoài. Vì vậy ảnh hưởng rất lớn trong việc luân chuyển, lưu thông hàng hóa cần trao đổi.

Dưới thời thuộc Pháp, song song với việc phát triển giao thông, giao lưu hàng hoá, đường 9 (kể từ 1920) thu hút nhiều tư bản Pháp đến lập đồn điền như: Ala Ô-pơ-ri (chủ đồn điền Tân Lâm), Rôm (Rào Quán – làng Khoai), La Van (Lao Bảo), Poa-lan (Khe Sanh). Thị trấn Đông Hà ra đời đã đánh dấu mốc quan trọng trên hành trình đô thị hóa.

 

Sông Hiếu – phía hạ lưu

 

 

7. Sông Hiếu là vùng đất chở che, dung dưỡng cho những xu thế lịch sử mới trong những hoàn cảnh đầy nghiệtngã. Sông Hiếu vừa là bà mẹ, vừa là bà đỡ cho các cuộc sinh nở vật vã của đất nước. Lịch sử đã 3 lần chọn Quảng Trị làm thai nghén thì có 2 lần Mẹ Hiếu Giang nhận sứ mệnh về mình.

Ðó là Tân Sở – kinh đô kháng chiến của vị vua yêu nước Hàm Nghi chống Pháp (1885), mở ra một thời kỳ “dấy nghĩa Cần Vương”, một phong trào yêu nước chống Pháp dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, làm cơ sở cho phong trào Cộng sản phát triển rầm rộ tiếp sau.

Ðó là Cam Lộ – thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam – linh hồn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng miền Nam/Việt Nam, mở ra một thời kỳ đấu tranh quyết liệt trên chính trường ngoại giao những năm cao điểm của thời chống Mỹ (1972 – 1975) để làm nên chiến thắng cuối cùng ngày 30-4-1975.

Từ trong lịch sử, sông Hiếu luôn là bạn đồng hành với đường thượng đạo xuyên sơn – lối mòn và là tiền thân của Đường 9, đường Xuyên Á. Đó là “con đường hương liệu/đường công cụ/đường muối” đã được mở ra từ hàng ngàn năm trước. Đó cũng là con đường mưu đồ và tham vọng của thực dân, đế quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược một thời, là con đường Máu và cũng là con đường đầy chiến công về cuộc chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân Quảng Trị/miền Nam. Và ngày nay, Đường 9 là con đường mở cửa, giao lưu, hội nhập quốc tế, con đường tiền đầy tiềm năng và triển vọng về sự thu hút đầu tư, du lịch, giao lưu văn hoá.

Diễn trình lịch sử sông Hiếu cũng đi qua không ít thăng trầm. Hành trình đô thị hóa của một trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại đầu cầu hành lang đông – tây xuyên Á bắt đầu từ khi người Pháp thiết lập nên thị trấn Đông Hà bên bờ sông Hiếu (5-9-1929), nhưng phải đến 60 năm sau mới thực sự chuyển mình. Tháng 7-1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập, Đông Hà nằm bên sông Hiếu trở thành thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại của tỉnh Quảng Trị.

8. Người trên đôi bờ sông Hiếu có những truyền thống ứng phó khôn khéo, linh hoạt, thích nghi cao trước môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Tụ cư trên một không gian đồng bằng nhỏ hẹp, đất dai đa phần là đồi núi tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, thiên nhiên không chiều chuộng con người nhưng bù lại là vùng đất có địa thế thuận lợi, phong cảnh tươi đẹp, hữu tình. Vì thế, người dân đất này buộc phải đi tìm những điều thuận của “trời cho”, của thiên nhiên ban tặng nhưng đồng thời cũng phải thường xuyên đối mặt với những thử thách nghiệt ngã trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển; phải làm sao để đạt đến: Thiên thời – Ðịa lợi – Nhân hoà. Bởi vậy, sống là lấy đạo nghĩa, lễ nhạc làm trọng để cốt mong sao trật tự xã hội ổn định vàhòa vi quý (lấy hoà hợp làm quý).

天 中 繼 立 綱 常 柱

地 址 重 關 道 義 門

Thiên Trung kế lập cương thường trụ

Địa Chỉ trùng quan đạo nghĩa môn

(Giữa trời giữ vững đạo cương thường

Đất lành vun đắp đạo nghĩa lớn)

禮 隨 儀 尊 司 有 等

樂 笙 乎 造 和 為 貴

Lễ tùy nghi tôn ti hữu đẳng

Nhạc sanh hồ tạo hòa vi quý

(Lễ tiết tùy theo nghi thức thứ bậc

Nhạc sinh ra từ trước lấy hòa hợp làm quý)

(Câu đối ở đình làng Trung Chỉ, phường Đông Lương).

Cũng trên vùng đất này, sự gặp gỡ của các nền văn hoá là điều hiển nhiên, nhưng sự lắng đọng, tụ lại của các các tinh hoa thường không nhiều và càng khó có thể nhận diện một cách rõ ràng. Sự tiếp xúc rộng rãi với bên ngoài càng nhiều thì kết quả của nó là làm cho văn hoá phong phú, đa dạng, có nhiều cái chung nhưng hệ luỵ đi kèm là khó tìm ra những những gì thuộc về cái riêng, bản sắc, cội rễ.

Người Việt trên đôi bờ sông Hiếu nổi bật 2 tố chất: tiều-nông phu và thị dân. Sông Hiếu đi qua 2 vùng địa hình chính là trung du và đồng bằng. Người của vùng Cam Lộ thì tính chất tiều – nông phu rõ nét. Người của vùng Đông Hà trở xuống biển thì chất thị dân đậm đặc hơn. Người tiều – nông phu và người thị dân vốn là sản phẩm của 2 nền kinh tế độc lập, tách rời nhau, thậm chí khó hoà hợp. Nhưng do cùng chung một mạch nguồn, uống chung một dòng nước sông Hiếu nên trên thực tế, trong từng con người, từng cộng đồng thì 2 tố chất này hoà quyện vào nhau, tương tác và nhập thân trong nhau, chi phối lẫn nhau. Chính sự nhập thân này đã hình thành nên một tính cách con người vùng đôi bờ sông Hiếu với tâm lý vừa cởi mở vừa đóng kín; vừa căn cơ để tính kế lâu dài lại vừa khoáng đạt, hào hoa với những gì mới có được; vừa kiên cường, chịu đựng gian khổ, biết vượt lên hoàn cảnh, lại cũng muốn thành công một cách chóng vánh vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt … Bởi vậy, họ là những con người có tính cần cù chăm chỉ, sức chịu đựng dẻo dai của một lực điền không có ruộng cày; là sự không bền chặt của tính tương thân, tương ái được phát xuất từ đầu óc tư hữu; là sự sẻ chia, đùm bọc của những toan tính nặng tính thị trường; là tính cộng đồng cao, hiếu khách trong sự mưu cầu lợi ích cá nhân, gia đình, lợi ích nhóm; là tinh thần dân chủ, ý thức bình đẳng trong sự độc đoán, gia trưởng; là tính cương trực thẳng thắn đến nghiệt ngã trong thế ứng xử thiếu mềm dẻo…

Tuy vậy, vượt lên tất cả thì chất KẺ SĨ trong con người vùng sông Hiếu cũng đáng được coi là bản thể và nổi bật. Đó không chỉ là vì “người đời truyền rằng kẻ sĩ Điếu Ngao” mà còn là vì:

興 來 文 字 三 杯 酒

老 至 生 涯 萬 卷 書

Hứng lai văn tự tam bôi tửu

Lão chí sinh thành vạn quyển thư

(Rượu ba chén ngâm nga khi hứng

Sách vạn quyển tiêu khiển tuổi già)

(Cặp câu đối tại nhà thờ họ Hoàng làng Điếu Ngao).

Người trên đôi bờ sông Hiếu là những con người ý thức cao về sự đổi mới, đổi đời, về sự cần thiết phải đổi mới, đổi đời nhưng dè dặt và nhiều lúc toan tính đến cặn kẽ. Mong muốn được hội nhập, muốn làm ăn kinh tế, muốn khẳng định mình bằng những tư duy về kinh tế hơn là tư duy về chính trị, văn hoá, khoa học nhưng ít linh hoạt vì sự níu kéo tâm lý giữa tư duy kinh tế sản xuất với tư duy kinh tế thương mại, dịch vụ. Đó chính là sự núi kéo tâm lý của người tiều phu vùng sơn cước với người thị dân chốn thị trường; là sự hoà điệu tư tưởng của người tiều-nông phu tiểu nông với nhận thức của giới tư sản mại bản. Đó cũng chính là tính “lưỡng cư, lưỡng hợp” của bác tiều-nông phu trong chị tiểu thương và ngược lại.

Dẫu sao, phải thừa nhận rằng, ít có một vùng đất nào mà tư tưởng cách tân, đổi mới luôn thường trực, mạnh mẽ và cháy bỏng như đất này. Có thể coi bức hoành phi viết 4 chữ Hán 眉 目 改 觀 Mi Mục Cải Quan (Chớp mắt là mọi thứ đã biến đổi ngay) được gắn trước tiền đường của đình làng Nghĩa An (phường Đông Thanh) là một bằng chứng sinh động nhất cho lối tư duy triết học biện chứng về sự vận động, chuyển dịch, thay đổi của người Việt trên đôi bờ sông Hiếu.

Sông Hiếu đã làm được một sứ mệnh nối kết và sản sinh ra những con người có lối sống khao khát muốn vươn lên, muốn làm bạn, muốn giao hoà tiếp nhận cái mới nhưng cũng không đối nghịch với tinh thần khép kín, nông cạn và tự thủ. Một vùng đất như thế đáng được quy về thế trung tâm.

 

                                                   Đình làng Điếu Ngao

* * *

Sông Hiếu – long mạch chủ của một trong 3 tiểu vùng văn hóa Quảng Trị đi kèm với Tá Linh Sơn – chủ sơn/núi thiêng do tạo hóa kiến lập đã và đang được xác lập để trở thành là cặp đôi sông núi của toàn vùng Quảng Trị thời nay khi thủ phủ/trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Quảng Trị nằm ở Đông Hà.

Sông Hiếu – vùng đất chứa chất nhiều dấu ấn di sản lịch sử, văn hóa trải qua nhiều thời đại; con đường thủy huyết mạch, đường giao thương, mậu dịch song hành cùng đường thượng đạo xuyên sơn/Đường 9/đường Xuyên Á không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà đã, đang và vẫn là con đường đầy triển vọng trong nền kinh tế hội nhập thời mở cửa. Giữ gìn, bảo vệ và khai thác sông Hiếu một cách có hiểu biết không chỉ bảo tồn được môi trường, không gian sinh thái nhân văn mà còn là để khí thiêng núi sông Quảng Trị đời đời kết tụ và vượng phát.

Tác giả : Yến Thọ

 

(1)  Dương Văn An. Ô châu cận lục. Văn Thanh và Phan Đăng dịch và hiệu đính. Nxb Chính trị quốc gia.

(2) + (3) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí, tập 1. Bản dịch của Viện sử học – Nxb Thuận Hóa – Huế. 1992. tr. 150 và 140.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục, tập 1 (Tiền biên). Nxb Sử học. Hà Nội. 1962. tr. 41.

(5) Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa hoc xã hội. Hà Nội 1977, tr. 108.

(6) Li Tana. Xứ Đàng trong, lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 175.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *