Quảng Trị

Kiến trúc đô thị Quảng Trị: Đâu là điểm nhấn?

Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành ở tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm về công tác quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng xây dựng đô thị ngày một khang trang. Mặc dù vậy, nhưng hiện một số đô thị vẫn chưa phát triển đồng đều dẫn đến về mặt kiến trúc đô thị không được hài hòa…

huyhoangds

Mở rộng đô thị

Đề án quy hoạch phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, toàn tỉnh có hai chuỗi đô thị theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây đã được thiết kế quy hoạch xây dựng. Toàn tỉnh có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Chỉ tiêu điểm đô thị đạt 2,74 đô thị/1 nghìn km2; dân số đô thị 173.059 người, chiếm 28,62% dân số toàn tỉnh. Đến năm 2020, sẽ phát triển thêm 6 đô thị mới là Bồ Bản, Nam Cửa Việt, Tà Rụt, Hướng Phùng, A Túc, Mỹ Thủy; chỉ tiêu điểm đô thị đạt 3,79 đô thị/1 nghìn km2; điều chỉnh chức năng một số đô thị, tạo hệ thống đô thị liên vùng và phát triển hiệu quả các đô thị có tính chất đặc thù của vùng…

TP Đông Hà, TX Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh được xác định là những đô thị về trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội, đầu mối giao lưu trong vùng, trong nước và quốc tế; các thị trấn còn lại giữ vai trò trung tâm của khu vực và của các huyện. Các đô thị đều được quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; cấp điện và chiếu sáng; hạ tầng xã hội và nhà ở dân cư. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy làm công tác quy hoạch, quản lý công tác đầu tư xây dựng đô thị. Củng cố, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong xây dựng; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống đô thị; nâng cao nhận thức văn minh đô thị và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển đô thị… Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng; xác định quy mô phân loại; định hướng phát triển; dự báo phát triển dân số của các đô thị; các chỉ tiêu về phát triển hạ tầng; thực trạng và dự báo phát triển TP Đông Hà, TX Quảng Trị…

Trong quá trình xây dựng, TP Đông Hà đã chú trọng công tác quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết. TP Đông Hà đã cho điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mở rộng không gian kiến trúc, khai thác cảnh quan sông Hiếu, tạo điểm nhấn kiến trúc và cảnh quan đô thị, khai thác quỹ đất xây dựng KĐTM. Mạng lưới giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống lưới điện được đầu tư, cải tạo xây dựng mới… Triển khai quy hoạch KĐTM Nam Đông Hà, KĐT Bắc sông Hiếu, tạo sự phát triển cân xứng hài hoà hai bên sông Hiếu. Nhiều công trình được đầu tư, nâng cấp như Công viên Lê Duẩn, Nhà văn hóa trung tâm, Trung tâm hội nghị tỉnh, kè sông Hiếu, các trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… làm cho bộ mặt TP ngày càng khang trang. Nhiều nhà ở có kiến trúc đẹp, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng đô thị và TP Đông Hà đang mang một dáng dấp của đô thị phát triển.

Chưa hài hòa

Điều đáng nói, quy hoạch TP Đông Hà có sự điều chỉnh, bổ sung qua các năm nhưng vẫn còn hạn chế về tầm nhìn, kiến trúc, cảnh quan đô thị còn đơn điệu. Công tác chỉnh trang đô thị chưa được chú trọng, GPMB gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng đầu tư thiếu hoàn chỉnh và đồng bộ. Cây xanh, hồ nước… ít được khai thác, đầu tư để cải tạo môi trường. Quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, đô thị còn bất cập. Qua nhiều cuộc họp bàn về quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, nhiều đại biểu cho rằng TP Đông Hà phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới vươn kịp với các TP trong khu vực, nhất là công tác quy hoạch.

Qua tìm hiểu, về quy hoạch thì rất hài hòa nhưng nhiều năm qua khu vực phía bắc sông Hiếu của TP Đông Hà gần như bị “bỏ quên”, bởi đô thị này chủ yếu phát triển “nghiêng” về phía nam. Trong cuộc họp lấy ý kiến của các sở, ban, ngành về đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị” trên toàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn đến 2030 do Sở Xây dựng Quảng Trị chủ trì. Theo đó, TP Đông Hà sẽ được điều chỉnh phát triển toàn diện về cả hai bờ sông Hiếu.

Mặc dù, đề án quy hoạch này cũng giữ nguyên định hướng phát triển đô thị Đông Hà đã phê duyệt vào năm 2006. Đô thị Đông Hà vẫn sẽ được phát triển mở rộng đều theo bốn hướng và lấy sông Hiếu làm cảnh quan trung tâm. Tuy nhiên, đã qua hơn sáu năm triển khai quy hoạch, TP Đông Hà vẫn “nghiêng” nhiều về phía nam. Ở cầu Đông Hà nhìn về phía bắc vẫn ruộng đồng vắng vẻ hoang sơ, hạ tầng, nhà cửa chưa được đầu tư. Một số dự án, xây dựng hạ tầng, KĐTM… cho vùng phía bắc trong sáu năm qua vẫn dở dang vì không có vốn, có dự án vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi ở phía nam sông Hiếu, KĐTM Nam Đông Hà, nhà cửa, KCN, đường giao thông, nhà máy, trung tâm hành chính, bệnh viện… mọc lên ào ào.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh – Chủ tịch UBND TP Đông Hà cho rằng, quá khứ TP Đông Hà bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, mới được xây dựng lại sau năm 1973. Quá trình triển khai quy hoạch qua nhiều thời kỳ nên mang tính chắp vá, thiếu bền vững. Những năm gần đây, TP đang quyết liệt thực hiện chủ đề “Xây dựng hạ tầng và quản lý trật tự đô thị”, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, thiết lập trật tự và chỉnh trang đô thị, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ công chức về quản lý đô thị.

Một số chuyên gia về quy hoạch ở Quảng Trị vẫn thừa nhận, tỉnh Quảng Trị chú trọng phát triển đô thị dọc theo QL1A, QL9 và bỏ quên trục cảnh quan sông Hiếu. Vì vậy, sẽ rất khó để tạo ra sự cân bằng hai bờ sông Hiếu ngay trong khoảng chục năm tới. Một KTS Quảng Trị nói, đô thị Việt Nam thường phát triển dọc hai bên sông, nhưng đô thị Đông Hà thì không phải như thế. Năm 2006, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch, chú ý đến việc phát triển phía bắc sông Hiếu nhưng lại thiếu tiền, nên có điều chỉnh cũng như không. Vùng phía bắc sông Hiếu vẫn như làng bởi bị bỏ quên lâu ngày. Cách quy hoạch này không hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Cảnh – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị cho hay, lý do để chính quyền tỉnh chủ trương phát triển TP Đông Hà về phía nam là bởi quỹ đất phía bắc sông Hiếu chủ yếu là đất ruộng, thường hay lũ lụt. Năm 2006 khi quy hoạch tỉnh đã chọn sông Hiếu làm trục cảnh quan của đô thị về lâu dài. Hiện đã có một số dự án về phía bờ bắc đang triển khai nhưng thiếu vốn nên chưa triển khai được. Khi triển khai những dự án này thì có thể bộ mặt đô thị phía bờ bắc sẽ thay đổi.

 

(theo báo Xây dựng)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *