Cà phê với Kiến

Làm nhà online

Thời @, thời của internet, thời của online, bạn muốn làm gì, trao đổi với bạn bè, với đối tác chỉ cần ngồi nhà và một cú click là mọi việc đều cứ thế mà làm. Việc xây nhà cũng vậy, gia chủ và kiến trúc sư chỉ cần gặp nhau vài lần để trao đổi thống nhất một số điều cơ bản và sau đó mọi sự bàn bạc, thống nhất đều qua online. 

Chủ nhà online
Cách đây chừng 15-20 năm, nhiều kiến trúc sư làm nhà ở thường vẫn kể, chia sẻ với nhau chuyện khách hàng ôm hàng chồng sách, tạp chí kiến trúc đến văn phòng thiết kế; để bày tỏ mong muốn về ngôi nhà của mình. Họ thích cái mặt tiền của nhà này, thích cái phòng khách của nhà kia, thích cái cầu thang của nhà khác… Đại khái thế. Khách hàng không biết bày tỏ nhu cầu thực sự của mình như thế nào nên cứ minh họa trực quan bằng các hình ảnh cho dễ hiểu. Về phía kiến trúc sư cũng có nhiều thái độ: Có người chiều khách hàng làm việc theo cách đó, có người mềm mỏng dẫn dụ, có người quyết liệt chối từ…
Bây giờ là thời đại @, thời của internet, thời của thông tin online… Hình thức đã rất khác nhưng bản chất có lẽ vẫn không thay đổi. Thay vì tìm hiểu, ngắm nghía trong sách báo để đưa ra những ý tưởng và yêu cầu với kiến trúc sư, khách hàng ngày nay lướt net, xem “phây” (Facebook) để tìm kiếm thông tin. Mà thông tin bây giờ rất nhiều, cả trong và ngoài nước. Không khó khăn khi tiếp cận các công trình cách xa cả ngàn cây số trong nước hay nửa vòng trái đất ở nước ngoài. Trên mạng, cái gì cũng có. Mà đương nhiên làm nhà thì phải tìm kiếm thông tin. Với một chiếc máy tính hay một chiếc điện thoại thông minh là tất cả có trong tầm tay, với biển thông tin về nhà ở, công trình. Một quy trình tiếp cận thông tin và giao tiếp khác đã hình thành, có ít nhiều tác động tới cách thức làm việc khi xây một ngôi nhà mới – trước hết từ phía chủ nhà. Họ là những chủ nhà online.
Tôi có một anh bạn kiến trúc sư, mới đây kể một câu chuyện tương tự như trên đã nói. Đó là anh nhận lời làm tư vấn thiết kế một căn hộ chung cư cho vợ chồng người bạn. Căn hộ bàn giao xây thô, và công việc cần làm là hoàn thiện. Anh chồng thì hiền lành dễ tính, lại chiều vợ nên nhường “quyền” làm việc với kiến trúc sư cho vợ. Ban đầu mọi chuyện cũng bình thường. Kiến trúc sư nhận nhiệm vụ thiết kế với những yêu cầu công năng, ý tưởng thẩm mỹ để đưa ra phương án bố trí mặt bằng, lên 3D phối cảnh nội thất. Giai đoạn này là giai đoạn trao đổi thông tin, chốt phương án để tiến hành thiết kế kỹ thuật thi công. Nhưng cũng chính ở giai đoạn này, khi kiến trúc sư chuyển hồ sơ, bản vẽ cho khách hàng thì cũng là lúc chị vợ “tập trung cao độ” vào công tác tìm kiếm thông tin trên mạng. Chị lang thang vào các báo mạng, vào những trang Facebook của các công ty, kiến trúc sư khác để tìm hiểu, so sánh. Rồi chị vào các trang của các nhà cung cấp nội thất như sofa, giường tủ, đèn đóm, giấy dán tường… hỏi mẫu, hỏi giá, hỏi đủ thứ và nhận được đủ các lời chào mời, tư vấn. Mà “anh” Facebook rất khôn, “ảnh” biết được mình tìm kiếm cái gì là ưu tiên hiện lên newfeeds những thông tin liên quan đến lĩnh vực mình tìm kiếm. Thế là chị vợ kia ngập tràn trong biển thông tin, rồi từ đó yêu cầu kiến trúc sư làm theo những thứ mà chị thấy, chị thích trên mạng; có những vấn đề kiến trúc sư tư vấn giải pháp về vật liệu, nội thất thì chị nói không cần vì đã tìm được nhà cung cấp mặt hàng đó online. Tiến trình thiết kế chệch choạc và gây chán nản cho kiến trúc sư. Kết cục là kiến trúc sư đề nghị dừng công việc vì không tìm được tiếng nói chung trong cả vấn đề chuyên môn và phương thức làm việc. Khách hàng cũng chẳng mặn mà nữa vì đã tìm được một đơn vị thiết kế kiêm thi công khác – tất nhiên cũng là tìm kiếm online.

Và kiến trúc sư online
Có những chủ nhà online thì tất nhiên cũng có những kiến trúc sư online, cũng như có cầu thì ắt có cung. Câu chuyện ở trên có chiều hướng hơi tiêu cực, song lợi ích của internet là không thể phủ nhận – trong câu chuyện chủ nhà và kiến trúc sư cũng vậy. Ngày trước, để trao đổi, chủ nhà thường phải đến văn phòng thiết kế, hoặc hẹn nhau ở quán café, khá là mất thời gian và bất tiện cho những người bận rộn. Nay thì chỉ cần gửi files qua email, trao đổi qua email, điện thoại di động, thậm chí có thể đối thoại trực tiếp qua trình Yahoo Messenger dạo trước hay Facebook bây giờ. Để tư vấn giới thiệu một loại thiết bị, vật liệu hay đồ đạc nội thất, chỉ cần gửi một đường link thay vì dẫn nhau đi phố xem hàng mất cả ngày cả buổi. Thực tế, nhiều kiến trúc sư, nhất là các kiến trúc sư trẻ thừa nhận, họ nhàn hơn rất nhiều khi làm việc online – vì có quá nhiều tiện lợi. Việc tiết kiệm được thời gian đồng nghĩa với năng suất công việc cao hơn và tăng thêm thu nhập. Có kiến trúc sư tâm sự, làm cả công trình nhà ở nhưng gặp chủ nhà có đôi ba lần, bởi đều làm việc và trao đổi qua mạng, rất hiệu quả, ngay cả thanh toán thiết kế phí cũng qua mạng. Nhờ có internet, khoảng cách được kéo gần. Nhiều kiến trúc sư đã mở rộng được địa bàn, nhận được các công trình ở xa mà không hề có khó khăn vì khoảng cách địa lý – điều mà trước đây là trở ngại, thậm chí là không tưởng.
Ở một phương diện khác, internet cũng là một công cụ, một kênh truyền thông hữu ích cho các kiến trúc sư và các văn phòng thiết kế quảng cáo, PR cho mình, giới thiệu công trình, sản phẩm, dịch vụ ra ngoài xã hội một cách khách quan và bình đẳng. Rất nhiều công trình tốt đã được giới thiệu, được khách hàng và xã hội đón nhận với những luồng thông tin đa dạng, khác với trước kia thường chỉ bó hẹp trong giới chuyên môn. Nhiều kiến trúc sư, nhiều văn phòng thiết kế trở nên nổi tiếng, có uy tín, có thêm nhiều khách hàng nhờ chính internet, truyền thông thời đại số.
Có kiến trúc sư khởi đầu chỉ là cộng tác viết bài cho báo, sau thành chuyên gia tư vấn được tin cậy trên các báo mạng và tạp chí chuyên ngành online; rồi từ đó có thêm nhiều khách hàng, nhiều hợp đồng. Có kiến trúc sư tham gia cuộc thi thiết kế trên mạng rồi đoạt giải, rinh về phần thưởng không nhỏ và mở ra nhiều cơ hội hành nghề… Tất cả là một bức tranh khá thú vị và sôi động trong cộng đồng kiến trúc sư và việc hành nghề kiến trúc.
Nói đến đây, nghe chừng cái gọi là “online” đem điều tiêu cực đến cho những chủ nhà và đem lại nhiều tích cực cho kiến trúc sư? Không phải vậy! Cái gì cũng có hai mặt của nó, và trong biển thông tin người ta phải tỉnh táo để lựa chọn cái phù hợp cho mình. Vẫn có những khách hàng thông minh giúp kiến trúc sư làm nên sản phẩm có giá trị nhờ tiện ích internet; và đâu đó cũng vẫn có những kiến trúc sư mượn kênh truyền thông để tô đậm, đánh bóng tên tuổi không thực của mình.
Sau hết, thì ngôi nhà là một sản phẩm thực, không phải những hình ảnh, bản vẽ trong máy tính. Nó hiện hữu cụ thể và gắn bó với cuộc sống của những con người cụ thể, không phải những bài viết hay đường link trên mạng. Vậy nên chủ nhà online hay kiến trúc sư online cũng chỉ là quá độ mà thôi.

Hương Anh (theo tạp chí Kiến trúc và Đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *