Cà phê với Kiến

Lưu manh cốt bán được nhà

Mỗi năm, khi đàn ve bắt đầu kêu ve ve, tức cứ mùa hè đến thì bạn tôi lại thảng thốt kêu lên: bán nhà! Nhưng mà bốn năm rồi, bạn vẫn chưa bán được. Có người biết chuyện nói, giá mà nó bớt thật thà đi một chút, thì chắc cũng bán được rồi.

1. Năm nay là năm thứ tư bạn rao bán ngôi nhà ba tầng với biết bao kỷ niệm của mình. Bạn bán nhà không vì một nhu cầu bức bách nào hết nên bốn năm rồi, hễ hè lại bạn lại rao lên hai tiếng: bán nhà. Trong khi gia đình bạn vẫn ở đấy, các con vẫn học hành gần ở đấy. Bạn không có vẻ đã giàu lên, cũng không có vẻ đang… đổ nợ nên phải bán nhà. Bạn bè đồng nghiệp hỏi vì sao bạn bán thì bạn cười rất đểu rồi nói tui bán người lạ chứ không bán cho ông (cho bà) đâu!
Thì là tại bởi vì, bạn bè đồng nghiệp không ở gần khu bạn ở đó thôi. Chứ hàng xóm, dân cư khu bạn ở thì hiểu. Họ hiểu thâm thúy nỗi bực bội của bạn, của chính họ mỗi năm một mùa. Mùa triều cường.
Hễ triều cường là ngập. Nắng chang chang trên đầu thì dưới chân cũng lênh loáng nước. Nước từ cống bựng bựng lên, đen ngòm, thúi quắc. Từ tháng 10 cho đến tháng giêng, chuyện ngập đường cứ tuần tự mà diễn ra theo con nước lớn ròng. Nó chẳng dính líu gì đến cái bảng lảng bâng khuâng của con nước quê nhà. Khi nước lớn về mang phù sa cho ba bạn trồng lúa. Khi nước ròng để anh em bạn đi xúc cá bắt cua.
Triều cường thành thị là triều cường ghẻ ngứa. Là sáng sớm đi làm mang đôi giày tây, mang thêm một cái bọc xốp bên ngoài phòng bị. Là 15 phút sau khi rời khỏi nhà vợ bạn nhấm nhẳng càm ràm quay ngược về nhà vì sơ ý để nguyên cái vạt sau áo dài ướt nước cống!
Dân ở đó biết tỏng, mấy tháng cuối năm có ngu mới rao lên bán nhà. Phải đợi, đợi mùa khô ráo ráo một chút. Thì may ra…

Thì phải vậy chớ sao. Bạn cũng không muốn là một kẻ lừa đảo. Nhiều khi thấy người ta hào hứng quá. Bạn lại sợ đến cuối năm, khi bộ phim nhiều tập ngập nước ập đến đời họ, con cái họ, thì bạn sợ mình bị… nguyền rủa. Nên lần nào cũng vậy, sau mỗi cuộc giới thiệu và thương thuyết giá cả, bạn đều hé hé cho khách mua nhà biết một tương lai triều cường mênh mông con nước về… Khách sẽ nói OK, chúng tôi sẽ liên lạc với anh sớm. OK, chúng tôi về hỏi ông bà già một tiếng rồi liên lạc với anh sớm. OK, để tui hỏi con bồ nhí một tiếng rồi liên lạc với anh sớm. Nói chung, ai cũng hứa sẽ liên lạc sớm, tức là không ai liên lạc lại. Thì nếu là mình, chắc cũng phải vậy chớ sao! Bạn cười ruồi.

2.Nhưng chuyện của chị thì khác. Và hơi buồn cười.
Chị ở chung cư, dạng chung cư cho người tái định cư của kênh Nhiêu Lộc. Nó không cao cấp, nhưng đủ sạch sẽ tươm tất so với những chung cư thế hệ cũ. Và quan trọng là, chị là người đầu tiên sử dụng căn hộ đó. Ngoại trừ chuyện phải lên xuống cầu thang hơi mệt, chị thấy mọi thứ ổn. Bà con hàng xóm cũng thân thiện vui vẻ. Trừ cái gã ở ngay dưới nhà mình. Chị nhớ hồi con trai chị 5 tuổi, thằng nhỏ được ba mua cho trái banh da, chơi thế nào mà tám giờ tối, gã hàng xóm ngay dưới nhà chị, chạy lên gõ cửa “yêu cầu giáo dục con cái không làm phiền hàng xóm, đây là chung cư chứ không phải nhà riêng”!!! Anh chị xin lỗi rối rít rồi tịch thu trái banh luôn. Con chỉ được chơi banh khi nào xuống công viên mà thôi. Gã hàng xóm trẻ măng khi đó, mới dọn về ở được chừng 1 tháng. Và đó cũng là lần duy nhất hai nhà có tiếp xúc với nhau.
Mười năm sau. Con trai chị 15 tuổi, bằng thời gian chị đến ở căn hộ này. Còn gã hàng xóm kia, cũng đã ở đây được 10 năm và rục rịch cưới vợ. Cưới vợ xong chừng ba tháng sau, “chúng nó” bán nhà dọn đi. Chủ nhà mới về, ngay tuần đầu tiên, lên nhà chị gõ cửa. Hôm ấy chị không có nhà, bà chủ mới đã luống tuổi nói với con trai chị về chuyện thấm dột ở toilet nhà bà. Nước thấm xuống dĩ nhiên là từ… toilet nhà chị. Chung cư mà, nên bà muốn mắng vốn.
Thằng con tiếp nhận thông tin, chứ đâu có giải quyết được gì. Cho nên ngay trưa chúa nhật tuần đó. Bà hàng xóm mới lại gõ cửa lần hai. Chị tỉnh bơ mời bà vào nhà, để bà trình bày hết bằng những sôi sục bực mình. Chị hiểu, những khó chịu khi phải chịu cảnh thấm dột, nhất là ở khu vệ sinh như bà đang chịu đựng. Bà nói xong, chị dẫn bà vào toilet nhà mình, để xem qua mọi thứ rồi bắt đầu nói.
Thứ nhất, người bán nhà cho cô chưa hề liên lạc với gia đình cháu về vấn đề này. Cho nên chuyện anh ta nói với cô là đã trả tiền cho nhà cháu chống thấm là nói dối. Cô nên liên hệ lại với anh ta.
Thứ hai, từ hồi mua và ở đến nay, nhà cháu không thay đổi hay sửa sang gì toilet hết, cho nên thấm dột là do chất lượng chung của công trình chứ không phải do gia đình cháu có tác động nào gây ra. Thực ra tụi cháu đang có kế hoạch lót lại sàn gạch. Giờ biết cô bị thấm như thế thì tụi cháu sẽ lưu tâm chống thấm để tránh phiền phức cho cô.
Bà già quày quả ra về, không nói thêm được câu nào. Chắc là ức gã bán nhà lắm khi biết mình bị lừa như thế. Ngay sau đó, chị thấy bà dán giấy bán nhà ở dưới nhà xe!
Chỉ hai tuần sau. Nhà chị lại có hàng xóm mới!
Gã này nhìn hiền lành, cô vợ cũng vậy, sáng sáng thấy mặc áo dài đi làm. Chị đoán chắc là giáo viên. Bữa đó chị đi làm về sớm. thấy họ đang mở cửa vào nhà nên chào một tiếng. Hỏi dăm câu xã giao rồi hỏi thăm cái trần… toilet. (Chị cũng là chúa tò mò đó mà). Chị muốn biết bà già đã xử lý ra sao chuyện thấm dột này, hay ít ra, có báo trước cho chủ mới chuyện này một cách trung thực hay không.
Cô vợ nhanh nhảu nói, dạ toilet nhà em cô chủ cũ cho đóng cái la phông bằng gỗ đẹp lắm chị!
Chị giật nảy, hả, la phông gỗ hả?
Cô vợ ngơ ngác, vâng?
Trời ơi, vợ chồng em nghĩ lại đi. Người ta đóng la phông để giảm nóng. Mình ở chung cư 5 tầng, nhà em ở tầng 2 thì tại sao phải đóng la phông gỗ trong toilet? Hai em không thấy bất thường sao. Thực tế là cái toilet bị thấm dột rồi, đóng la phông như vậy là để che mắt tụi em đó.
Nhìn hai vợ chồng trẻ chưa hết ngơ ngác đã bàng hoàng vì cú lừa quá ngoạn mục của bà già. Chị bỏ lên nhà. Ngao ngán về những láu cá lưu manh người ta có thể đối xử với nhau cốt chỉ để bán được nhà. Thương hai vợ chồng trẻ chưa vui trọn niềm vui nhà mới đã bị chị lột ra một sự thật về cái la phông gỗ trần toilet.
Chợt nhớ đến anh bạn ở khu ngập triều cường, bốn năm nay chưa bán được nhà vì cái tội… nói thật. Chị và chồng chiều ấy đi kêu thợ về chống thấm sàn toilet nhà mình, rồi lát lại gạch mới luôn. Thôi thì cũng 15 năm rồi. Hàng xóm lần này. Nhìn tội quá anh à.

Trương Gia Hòa (Theo Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *