Kinh nghiệm làm nhà

“Một năm làm nhà, ba năm làm cửa”

Cửa là một bộ phận quan trọng của công trình kiến trúc. Trừ những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng (tượng đài, đài tưởng niệm…) thì công trình kiến trúc nào cũng phải có cửa. Cửa vừa đóng vai trò là một bộ phận của kết cấu bao che, ngăn chia, đáp ứng cho nhu cầu sử dụng về giao thông; vừa có tác dụng giao lưu không khí, khai thác ánh sáng; và cửa cũng là một thành phần tạo nên không gian và hình thức của kiến trúc – nội thất. Trong ngôi nhà ở, chọn một giải pháp đúng cho cửa cũng góp phần tạo nên sự thành công của công trình. 

Một năm làm nhà, ba năm làm cửa
Xin được nhắc lại: cửa là một bộ phận rất quan trọng của công trình kiến trúc. Người xưa đã có câu: “Một năm làm nhà, ba năm làm cửa”. Điều này vừa nói khái quát tính quan trọng của cửa trong xây dựng nhà ở, vừa đề cập tới sự công phu, mất thời gian của công đoạn chế tạo cửa. Từ những công đoạn ban đầu như: hạ cây, xẻ gỗ, ngâm sấy gỗ…; rồi tới công đoạn dựng khung, làm cánh, trang trí, chạm trổ, làm đẹp bề mặt; cuối cùng là lắp dựng… tất cả đều đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo, đòi hỏi cả tài năng và cả tâm huyết của người thợ mộc. Vì vậy mà xưa kia, phần cửa nói riêng và phần gỗ nói chung trong ngôi nhà thường được chủ nhà đặt trước, chuẩn bị rất sớm trong quá trình xây nhà; từ khi còn chưa đổ đất san nền, làm móng cho ngôi nhà.
Cửa quan trọng không chỉ ở góc độ công năng sử dụng mà còn biểu thị nhiều yếu tố tinh thần, tín ngưỡng. Cửa gắn liền với nhà, thành cụm từ ghép nhà – cửa hay cửa – nhà. “Nhà cao cửa rộng” là quan niệm, là mơ ước về một nơi chốn định cư, một cuộc sống hạnh phúc. Dù giàu hay nghèo, khi làm nhà ai cũng muốn làm bộ cửa chính thật đẹp, thật tốt (trong khả năng riêng của mình). Ở một góc độ khác, cửa quan trọng với ngôi nhà bởi hướng; hướng nhà là hướng của cửa chính. Làm nhà phải xem hướng cửa, sao cho phù hợp với địa lý, môi trường tự nhiên, hợp với mệnh – tuổi của chủ nhân. Rồi lại đóng cửa sao cho có kích thước đẹp, rơi vào cung tốt để may mắn, phát tài lộc. Rõ ràng cửa không chỉ đơn thuần là một bộ phận kiến trúc của ngôi nhà; mà là một yếu tố truyền thống tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa của mọi tầng lớp.

Điểm danh các loại cửa


– Cửa gỗ tự nhiên: Gỗ là một loại vật liệu tự nhiên, phù hợp với việc sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dễ khai thác, gia công. Việc chế tạo cửa nói riêng và các loại cấu kiện, đồ đạc, vật dụng khác bằng vật liệu gỗ không đòi hỏi máy móc công nghệ cao hay năng lượng điện. Trong nhà ở, cửa gỗ chiếm một tỷ lệ khá lớn so với các loại vật liệu khác. Về mặt sử dụng, gỗ có nhiều ưu điểm như cho cảm giác ấm áp, gần gũi về cả thị giác và xúc giác. Về mặt ngũ hành, gỗ – thuộc hành mộc, “lành” tính, phù hợp với tính chất nhà ở. Cửa gỗ cũng bền cùng thời gian, dễ thay đổi, điều chỉnh, sửa chữa. Cho dù hiện nay có rất nhiều loại cửa được làm bằng vật liệu mới thì cửa gỗ vẫn được ưa chuộng, dù giá càng ngày càng cao do nguồn gỗ khan hiếm.
Tuy nhiên, ngoài nhược điểm là đắt, thì gỗ cũng có những nhược điểm muôn thủa: Đó là dễ cong vênh, bị mối mọt xâm hại, khả năng chịu ẩm, chịu nước kém và đặc biệt là khả năng chống cháy kém.
– Cửa gỗ công nghiệp: ngày càng được sử dụng nhiều khi mà gỗ tự nhiên khan hiếm. Cửa gỗ công nghiệp được tái chế từ phế liệu gỗ tự nhiên nên nói chung rẻ hơn, và có ưu điểm ít bị cong vênh co ngót. Cửa gỗ công nghiệp cũng cho cảm giác gần gũi như gỗ tự nhiên, phù hợp dùng cho nhà ở. Song cửa gỗ công nghiệp bị hạn chế hơn về vấn đề kỹ thuật cũng như thẩm mỹ. Ví dụ như gỗ công nghiệp có khả năng chịu uốn không cao, không làm được khuôn cửa, cái cửa; không chế tác được những kiểu cửa có chi tiết phức tạp (soi rãnh, gờ hèm, chạm trổ…). Cửa gỗ công nghiệp chỉ phù hợp với những kiểu cửa trơn phẳng đơn giản; khả năng chịu ẩm, chịu nước hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng kém hơn so với cửa gỗ tự nhiên.

– Cửa nhôm: nhôm là một loại vật liệu mới nhưng trong lịch sử xây dựng thì nhôm đã được sử dụng từ rất lâu để làm cửa. Cửa nhôm có ưu điểm là nhẹ, không bị phá hủy trong điều kiện thông thường (mối mọt, han rỉ…); không bị cong vênh co ngót; khả năng chịu ẩm, chịu nước, chịu nhiệt và chống cháy tốt. Cửa nhôm thường được kết hợp với kính, gọi là cửa nhôm – kính, và có thể làm được khung những vách cửa lớn mà với chất liệu gỗ khó hoặc không làm được. Cửa nhôm cũng có mẫu mã và giá thành phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhôm là kim loại, cho cảm giác lạnh lẽo nên không được ưa chuộng trong công trình nhà ở.

– Cửa nhựa và cửa nhựa lõi thép: Hai loại này ra đời muộn hơn so với cửa nhôm. Vật liệu nhựa tuy không thể “ấm áp, gần gũi” bằng gỗ, nhưng cũng không quá lạnh lẽo như nhôm hay kim loại. Cửa nhựa (không lõi) trên thị trường thường là những loại cửa tiền chế bán sẵn, có kích thước nhỏ, chỉ phù hợp cho những công trình yêu cầu không cao và ít được sử dụng đồng bộ. Cửa nhựa lõi thép là một loại vật liệu mới, hiện nay được sử dụng nhiều bởi những ưu điểm của nó. Đó là khả năng bền vững trong điều kiện môi trường tự nhiên; kín khít, cách âm, cách nhiệt tốt; cho phép làm linh hoạt theo thiết kế với nhiều cơ chế đóng mở (cùng phụ kiện), kết cấu chắc – khỏe (do có lõi thép), chất cảm bề mặt tương đối thân thiện. Cửa nhựa lõi thép có nhược điểm là màu sắc không phong phú, với màu trắng nguyên bản khó thay đổi. Một số đơn vị cung cấp cửa nhựa có thể thay đổi bề mặt bằng cách dán một loại vật liệu khác lên (laminate) để thay đổi màu sắc, hay tạo vân giả gỗ. Tuy nhiên bề mặt này không bền, chi phí lại cao nên thực tế ít được ứng dụng.
– Cửa sắt: Cửa sắt, cổng sắt được sử dụng với mục đích chính là để bảo vệ. Nói chung loại cửa này trong công trình nhà ở không nhiều so với các loại khác; thường chỉ là một vài bộ tại những vị trí quan trọng dễ bị phá hoại cơ học, đột nhập như cửa chính, cửa hậu (nếu có), cửa sân thượng. Cửa sắt – nghe có vẻ hơi nặng nề, lạnh lẽo; nhưng lại có thể trở nên rất có duyên với sáng tạo có cá tính của kiến trúc sư, và bởi thường được làm thủ công, chế tạo theo bản vẽ thiết kế. Một loại cửa khác, dù không làm bằng chất liệu sắt nhưng có thể xếp vào nhóm này là cửa cuốn. Cửa cuốn được làm bằng hợp kim nhôm, cũng là cửa bảo vệ. Cửa cuốn có ưu điểm là không chiếm diện tích trên mặt bằng, song chỉ tiện dụng với những không gian không đóng mở liên tục. Trong nhà ở, cửa cuốn thường được dùng ở garage, hoặc tại vị trí cửa chính mà bên trong còn một lớp cửa khác nữa.
Ngoài những loại cửa đã điểm danh ở trên, còn một số loại cửa khác không được sử dụng nhiều và thường xuyên như cửa kính không khuôn, các loại cửa kết hợp như cửa sắt – kính, sắt – gỗ… hoặc các loại cửa chuyên dụng, ít sử dụng trong công trình nhà ở.

Chọn cửa cho nhà
Nói chung, ai cũng sống trong ngôi nhà, và ai cũng biết sự cần thiết của cửa. Các loại cửa cũng không hề quá xa lạ hay khó tiếp cận để tìm hiểu. Tuy nhiên, việc chọn cửa cho nhà vẫn không bao giờ là vấn đề đơn giản. Chọn loại cửa nào phù hợp trên nhiều phương diện: kinh tế, bền vững, thẩm mỹ… rất cần sự tư vấn của kiến trúc sư.
Nhiều chủ nhà mặc nhiên cho rằng quyền lựa chọn vật liệu cửa, kiểu dáng cửa, màu sắc cửa…, thậm chí cả kích thước cửa là của mình; phần của người thiết kế còn lại có lẽ chỉ là vị trí cửa. Đó là một sai lầm tệ hại. Chọn cửa cho nhà, cần căn cứ vào kiểu dáng, phong cách kiến trúc, nội thất; yêu cầu công năng của từng vị trí cửa (cửa an toàn, cửa ra vào, cửa lấy sáng, cửa thông thoáng, cửa ngắm cảnh…). Đó là những yêu cầu đầu tiên và đơn giản nhất. Ngoài ra cần căn cứ vào cả đặc điểm khí hậu, hướng công trình, vị trí và quan hệ công trình với môi trường xung quanh… Tiếp đến là việc lựa chọn giải pháp – cơ chế vận hành đóng mở (điều này có quan hệ chặt chẽ với vật liệu làm cửa). Việc lựa chọn phương án cho cửa cần phải được làm sớm từ khi thiết kế kiến trúc sơ bộ, và cần thiết được trao đổi thông tin, thống nhất giữa chủ nhà và người thiết kế. Nếu không, có thể phương án kiến trúc sẽ phải sửa đổi, thậm chí phá sản vì chủ nhà nhất định chọn loại cửa theo ý mình, không theo ý tưởng hay dự kiến của kiến trúc sư.
Trong xu hướng xây dựng nhà ở đô thị hiện nay, cửa gỗ vẫn được ưa chuộng nhưng thường được làm cửa thông phòng ở trong nhà hoặc các vị trí ít tiếp xúc với mưa, nắng. Còn tại các vị trí cửa bao che, tiếp xúc trực tiếp với môi trường ngoài nhà thường được làm bằng cửa nhôm, cửa nhựa lõi thép (kết hợp cùng vật liệu kính); những loại cửa này bền vững hơn trong điều kiện tự nhiên. Nhưng cho dù dùng cửa nào đi chăng nữa, thì cũng cần phải hiểu rằng cửa quan hệ chặt chẽ với giải pháp kiến trúc, không bao giờ tách rời hay đi sau giải pháp kiến trúc.

(Theo tạp chí Kiến trúc và Đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *