Cà phê với Kiến

Muôn màu check – in

Không phải sự có mặt nào cũng dễ chịu. Tường gạch Nhà thờ Đức Bà chi chít chữ. Kiểu check-in này có mặt ở hầu hết các điểm du lịch. Người ta khắc lên cây, vẽ lên đá, lên bất cứ thứ gì để cho thế gian biết mình đã có mặt ở đấy. Sự có mặt này dẫn theo một sự có mặt khác, đó là sự có mặt của kẻ vô văn hóa.

1.

Khi nhạc hiệu chiếu phim khởi lên, thằng em tôi chạy đi nhắc một cái ghế dựa đặt trước tivi cách 2 mét. Mọi người lục tục vào chỗ của mình. Ai cũng hào hứng tháp tùng thầy trò Đường tăng đi thỉnh kinh.
Ông anh tôi hôm đó mới ở Sài Gòn về, thấy cái ghế dựa còn trống, kéo cái rẹt qua bên ngồi xuống. Tức thì anh bị 8 cái miệng đồng thanh la lên: ghế ông nội, trả lại chỗ cũ ngay!
Ngày đó, lúc phim Tây Du Ký được chiếu lần đầu tiên thì ông nội tôi đã ra đi được ba năm. Những nghi lễ dành cho một người chết đã xong hết. Bữa cơm trong nhà cũng không còn dành cho ông 1 ghế trống, 1 cái chén và đôi đũa nữa. Ba tôi nói giờ thì mỗi năm làm giỗ cho ông một lần, còn đứa nào có bất thình lình nhớ ông thì lên bàn thờ ông mà thắp nhang.
Vậy mà hôm đầu tiên chiếu phim, tự nhiên ba tôi đi nhắc một cái ghế để trước ti vi, miệng tủm tỉm cười: ông nội mà còn sống chắc chắn ổng khoái phim này, rủ ổng về coi cho vui.

Ai cũng thấy hợp lý, và thấy… vui. Niềm vui này không thể vắng mặt ông. Người ông dễ thương thông minh, dí dỏm của tất cả chúng tôi. Cho nên, những buổi xem phim sau đó, tụi nhỏ hay giành nhau nhắc ghế cho ông. Và ông có mặt! Bất chấp cách chia của đất trời, của âm dương sinh tử.
Từ chiếc ghế trống dành cho ông trong ký ức tuổi thơ của mình, tôi vẫn thường nghĩ về sự có mặt của ai đó. Nó không đơn thuần như khi giáo viên điểm danh, chúng ta hô to lên 1 tiếng CÓ.
Mấy đứa em con của cô tôi, hễ hè là tụi nó về, chơi đùa ăn ngủ với bà. Rồi đến năm học lại đi. Bỏ bà ở lại với lổn nhổn lặt vặt kỷ niệm của chúng. Bà cứ bị vấp hoài, khi thấy cái khăn tụi nó bỏ quên. Khi bất giác nhìn cái đi văng không đứa nào nằm ngủ nữa. Bữa đứng bên hông nhà, nhìn nguyên bức tường do thằng Tèo vẽ bằng phấn. Bà lại lầm bầm, về đây tri trét tùm lum rồi đi bỏ tui. Bà tôi hay dùng chữ “tri trét” để mắng yêu những đứa cháu, chúng về gieo thương nhớ vào mùa hè, rồi để bà thu hoạch nhớ thương trong mùa thu khi chúng tựu trường.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ là chỉ vài ba cơn mưa, bức tường sạch bong trở lại, bà sẽ hết nhớ thằng Tèo. Nhưng không hề, bởi vì thằng Tèo không chỉ có mặt trong những nét nguệch ngoạc kia, mà phần lớn là vì nó có mặt trong trái tim bà. Khi chúng ta yêu ai, người ấy luôn luôn có mặt, bằng kiểu này hay kiểu khác, luôn luôn.

2.

Bữa nọ, thằng cháu vò đầu bứt tay chạy qua nhà tôi ăn cơm, rồi nhờ tôi tư vấn cho nó cách đối phó với “con VK”!
– Con VK là con gì?
– Dạ là con người yêu!
– Mấy bạn trẻ bây giờ yêu nhau là xưng CK với VK thôi cô.
– Là chồng khùng với vợ khùng đó hả thằng quỷ.
Nó cười méo miệng, con cũng sắp khùng đây cô. Thì ra là con nhỏ VK không hiểu có phần mềm thám thính siêu đẳng nào, hễ thằng CK của nó đi comment – bình luận ở đâu là nó vô bấm like hết!
Thằng nhỏ dứt khoát, không phải vì comment hay ho thông mình gì cả.  Mà y như là nó dằn mặt con vậy đó cô! Ở đâu cũng có mặt nó. Chắc chết!
Tôi tỉnh rụi, vậy thì đóng facebook đi!
Nó giãy đành đạch, tưởng cô Hai khuyên thông minh hơn chớ. Không có facebook thì khác nào con không có mặt trên đời này hả cô!
Tôi hốt hoảng nhìn nó, hốt hoảng với quan niệm về sự tồn tại trên đời này của nó, bèn biên 1 status tâm tư.
1 phút sau, nó vô bấm like! 1 phút sau nữa, “con VK” của nó vô thả 1 trái tim!
Chuyện này nghe như một chuyện cười, mà thật, và tôi thấy cũng có chút dễ thương.

3.

Nhưng, thằng nhỏ nói đúng, không phải sự có mặt nào cũng dễ chịu. Tường gạch Nhà thờ Đức bà chi chít chữ. Kiểu “check-in” này có mặt hầu khắp các điểm du lịch. Những bạn trẻ khắc lên cây, vẽ lên đá, lên bất cứ thứ gì để cho thế gian biết mình đã có mặt ở đấy. Sự có mặt này dẫn theo một sự có mặt khác, đó là sự có mặt của kẻ vô văn hóa.
Mới hôm qua, sau khi nhận cuộc điện thoại của chị, vợ chồng tôi chạy bay ra đường. Nhìn chị mếu máo tay chân trầy xước tôi run người lên. Ông già vá xe chứng kiến toàn bộ sự việc chị tôi bị một thằng ăn cướp giật giỏ bất thành, luôn miệng an ủi: không sao đâu cô, không sao đâu cô. Ổn rồi, ổn rồi.
Thì phải ổn thôi. Nhưng ai hay tin chị bị như thế cũng chép miệng, ăn cướp bây giờ tràn lan. Chỗ nào chúng cũng có mặt!
Đúng là không phải sự có mặt nào cũng dễ chịu. Nó giống như sự có mặt của chiếc xe hơi chở cô hiệu trưởng ở trường Nam Trung Yên mà dư luận xôn xao ngao ngán mấy ngày nay. Lại một sự có mặt khác. Chiếc xe có mặt, sự hèn nhát suy đồi nhân cách có mặt. Một nền giáo dục có mặt, dị dạng và thối tha.
Lại phải thở dài, không phải sự có mặt nào cũng dễ chịu.

Trương Gia Hòa (theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *