Cà phê với Kiến

Nhà kho phân vân

Hôm nay tôi ngồi dọn dẹp lại… máy tính. Thấy đời thực ảo gì cũng khó thể gọn gàng. Thư mục hình ảnh đầy ắp, không phải tấm nào cũng xinh đẹp, nhưng bấm xóa thì biết rằng mãi mãi phút giây ấy mình sẽ không gặp lại bao giờ. Vậy là có một thư mục nhà kho phân vân được tạo ra. Chắc là lâu lâu, tôi sẽ mở nó ra để nhớ.

1. Ông già đứng giữa căn gác nóng hầm hập, loay hoay bê đặt những thùng giấy qua lại một hồi thì quay trở xuống.
– Tôi thua rồi bà ơi!
Bà lại thở dài: Kiểu này thôi để tụi nó về rồi tính.
Thì bà nói thế, chứ bà dư biết, tụi nó cũng chẳng tính được gì đâu.

2. Đó là một căn gác gỗ mái tôn. Ngày nắng tốt, từ khoảng 10 giờ sáng trở đi thì không ai đủ khả năng ở trên ấy hơn 10 phút, vì nóng. Những buổi tối của hai mươi năm trước, khi bản tin thời sự bắt đầu, khi bầu trời đêm đã dịu dàng mang cái dịu mát len qua từng khe hở vách gỗ vào, thiên đường nhỏ ấy sẽ đón hai chị em tôi lên học bài.
Như một nghi thức không sai lệch, mẹ tôi sẽ quét sàn gỗ một lượt, rồi nhúng cây lau qua sàn một lượt. Sau đó, bà sẽ ôm cái thúng vải vụn ra ngồi bệt dưới sàn ghép mảnh. Hai chị em tôi bắt đầu ê a… trước mặt bà. Cái không gian bình dị an yên ấy vẫn hiện ra mồn một trong đầu tôi bây giờ mỗi khi nghe tiếng xao lao của kiểu bản tin thời sự. Thứ âm thanh nghe thì biết đó là tin chứ không nắm bắt được cụ thể nội dung gì để mà chi phối đầu óc. Rồi thì hơn nửa tiếng sau, ba tôi sẽ tắt tivi. Ông bước từng bước chậm mà chắc lên chiếc cầu thang gỗ dốc đứng dạy chị em tôi những gì còn mắc mứu. Toán hay văn hay lý hóa gì ba tôi cũng dạy chúng tôi được hết, vì ông là… siêu nhân. Siêu nhân dạy đến khi chúng tôi vào đại học thì dừng.
Căn nhà đã trở nên hiu quạnh khi chị em tôi đi về phố. Căn gác gỗ càng trở nên lặng lẽ vì ba mẹ tôi cũng dọn xuống trệt mà ngủ vì “dễ canh chừng cửa nẻo”. Đó là ba tôi giải thích, chứ mẹ thì thút thít, ngủ trên đó nhiều khi nhớ hai đứa không chịu nổi!.
Chậm chạp và chắc chắn như bước chân siêu nhân ba tôi thuở ấy, thời gian đã biến căn gác nhỏ xinh thành một nơi chỉ toàn “chứa chấp” kỷ niệm. Trọn vẹn tuổi học trò của chị em tôi, trọn vẹn quãng đường êm ái quây quần của gia đình khi con cái còn bé bỏng của cha mẹ tôi, tất cả, ở ngay khoảnh không gian 30 mét vuông ở trên cao giờ không khác gì nhà kho ấy.
Tôi đọc báo, đọc những bài về kỹ năng dọn dẹp nhà cửa. Thấy người ta chỉ rằng, trước hết hãy phân loại đồ vật thành ba nhóm. Nhóm quyết định bỏ, nhóm giữ lại và nhóm… phân vân. Với hai nhóm đầu, dễ rồi. Còn với nhóm phân vân, hãy cho chúng thêm một thời gian nữa, nếu sau ba tháng hay ba năm, bạn không dùng đến thì hãy dứt khoát bỏ đi…

Dễ hiểu nhưng thật không dễ làm. Vì sau vài lần dọn dẹp, bạn sẽ thấy rằng, cái thứ khiến ta phân vân hôm nay sẽ tiếp tục làm ta phân vân đến cuối đời. Một ngăn tủ quần áo, cái nào cũng nhỏ xinh, xếp ngay ngắn, một xấp thư tay của anh bạn cùng lớp, ba cuốn lưu bút của ba năm trung học, rồi mấy tập chép nhạc, mấy tập sổ tay lời hay ý đẹp của con gái cứ làm chùn tay ông già. Cái đèn ông sao, bộ bàn tính bằng gỗ của thằng em tự tay làm và đã trả giá bằng một cái sẹo to trên ngón trỏ của nó cứ khiến mẹ tôi dùng dằng rồi để lại chỗ cũ.
Thằng em tôi giờ muốn sửa nhà. Việc trước hết là phải dọn cái gác. Cái trách nhiệm nặng nề và khó khăn ấy đầu tiên ba tôi nhận lãnh. Nhưng ông đã chịu thua. Dọn một khu vườn cho quang đãng sạch sẽ ông làm hoài, vậy mà dọn một căn gác bé tí ông cứ lần lựa mãi rồi đầu hàng.
Ba tôi không bán giấy vụn được những con chữ xinh xinh của con gái thì mẹ tôi cũng không thể nào ném vô thùng rác hàng đống đồ chơi bằng gỗ của con trai. Căn gác phân vân cứ đầy lên mãi, khi chị em tôi có nhà riêng, có con cái. Quần áo cũ, đồ chơi cũ của cháu nội cháu ngoại cũng dồn về đấy. Như một sự sắp bày kỷ niệm tuổi thơ, như một bảo tàng ký ức gia đình. Bắt ông già ra tay hành quyết lũ kỷ niệm ấy, ông nói tụi bây thật đúng là… tàn bạo! Có nhiều thứ xếp vào nhóm phân vân, sau hai năm không dùng đến, theo lời khuyên của “những chuyên gia dọn dẹp”, ba tôi biết mình nên vứt hẳn chúng đi. Nhưng mà không làm được, từ nhóm phân vân, chúng vẫn cứ cố thủ ở nhóm phân vân. Phân vân từ lần này đến lần khác, có khi đến hết đời người. Ông nói thôi để khi nào Kiến Vàng cháu ông lớn lên, tùy nó quyết định.
Nhưng nhà vẫn phải sửa chứ? Thế là hy sinh đi một thẻo đất vườn, nối căn nhà rộng thêm ra. Một cái nhà kho to và rộng cuối cùng đã được hình thành. Để chứa một lũ kỷ niệm phân vân ! Nhà kho để chứa dụng cụ lao động là nhà kho truyền thống, nhà kho để chứa đồ ve chai, vài tháng gom bán một lần nghe cũng quen. Nhưng để chứa những thứ biết là mãi mãi không dùng nữa mà phải hy sinh đất vườn thì có phần… vô lý.
Nếu bạn muốn sống theo phong cách tối giản, chỉ giữ lại những gì thật cần thiết, còn lại thì vứt hết, cho hết thì tôi không dám ý kiến vì đó là… phong cách. Nếu bạn triết lý vật chất phù du, người ôm trì của cải quanh mình là người tham, tôi cũng im lặng vì có phần bạn đúng. Nhưng chỉ cần một lần, bạn cầm lên cái áo len của con trai khi nó chừng ba tuổi, lại thấy gương mặt nó bầu bĩnh sáng rực cười với mình, liệu bạn sẽ bỏ nó đi hay lại xếp cái áo ấy trở lại nhà kho phân vân?
Nhiều khi nhìn nhà cửa ngổn ngang, con người mình sống bị vây quanh bởi muôn trùng đồ vật, tôi cũng dại dột ước giá mà chúng biến hết đi. Nhưng sau những cơn mơ chập chờn mất mát, lại thấy đồ vật vô tri vậy mà chung thủy muôn vàn. Một cái áo bao lần thấm đẫm mồ hôi, một cái chăn trùm ấm nhiều giấc mơ tuổi nhỏ, vứt đi thật là chuyện chẳng dễ dàng. Với đồ vật, chỉ có chuyện ta ruồng rẫy vứt bỏ chúng, chứ không bao giờ, chúng gây nên một nỗi đau nào mang tên phản bội cho chúng ta đâu.

3. Ba mẹ tôi đang ở quê nhà, chợt một ngày phải vào nhà kho tìm một món đồ cần, lại thấy nụ cười của em trai tôi, khi nó giương cung bắn lên trái dừa sau hè bằng cây cung gỗ tự chế. Cây cung chỉ bắn được một lần, giờ được treo ngạo nghễ trên tường nhà kho. Nếu mà không có nó, ký ức chắc không bao giờ chi tiết mà sinh động được vậy đâu!

 

Bài Trương Gia Hòa minh họa Leftstudio

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *