Xưa & Nay

Những đợt thiên cư của dân Quảng Trị

(Chiến dịch Xuân – Hè (Mùa hè đỏ lửa) 1972 bắt đầu ngày 30/3/1972; dân Quảng Trị di tản tránh bom đạn trên diện rộng. Bài này muốn kể chuyện tản cư và di cư hồi đó cho con cháu nghe)

Trước năm 1954, cũng giống như bây giờ, lãnh thổ tỉnh Quảng Trị trải dài từ địa giới phía Nam tỉnh Quảng Bình đến địa giới phía Bắc tỉnh Thừa Thiên – Huế
Sau năm 1954, chiếu theo Hiệp Định Genève, tỉnh Quảng Trị bị chia hai: (1) phần lớn phủ Vĩnh Linh ở bắc vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà; (2) phần ít còn lại của phủ Vĩnh Linh – có tên là tổng Vĩnh Liêm – cùng các phủ huyện ở nam vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam – Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hoà.
Tổng Vĩnh Liêm được chính quyền miền Nam lập thành một quận, đặt tên là quận Trung Lương gồm 3 xã: Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang. Ba xã này đến giờ vẫn mang tên như thế, nhưng nhập vào huyện Gio Linh.
Trong chiến tranh thống nhất đất nước (1960 – 1975), Quảng Trị hứng nhiều bom đạn nhất. Bom đạn tới đâu, dân chúng di tản lánh nạn, chạy ngược chạy xuôi.

Nay tuổi già, rảnh rỗi, tôi muốn kể chuyện dân Quảng Trị lánh nạn chiến tranh cho thế hệ sau biết – biết nỗi khổ của người dân phải lìa nơi chôn rau cắt rốn như thế nào để yêu mến quê hương, biết sự tàn phá của chiến tranh như thế nào để oán ghét, biết cái giá trị của hoà bình như thế nào để trân quý.
Tôi sống ở phần Nam vĩ tuyến 17, trong hành trình di tản tránh chiến tranh trong chiến dịch Xuân – Hè 1972 (Việt Nam Cộng Hoà gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa), tôi vô Nam; thành thử bài viết này chỉ đề cập nhóm dân Quảng Trị thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hoà. Xin mở ngoặc, theo tài liệu: “Cổ Thành Quảng Trị và Đại Lộ Kinh Hoàng trong mùa hè đỏ lửa 1972” của Phạm Thắng Vũ đăng trên trang ongvove ngày 02/3/2012, trước năm 1972, diện tích Quảng Trị thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hoà là 3,966 km2 và dân số là 270,984 người.
Tôi mong được đọc những bài viết có tính nhân văn về đề tài này liên quan đến nhóm dân thuộc quyền quản lý của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam.

Trong chiến tranh, không riêng gì dân Quảng Trị mà dân cả nước đều phải chạy loạn. Chiến sự nổ ra ở vùng này, dân dắt dìu nhau chạy qua vùng khác.
Người tỵ nạn hoặc là ở nhờ trong dân địa phương, hoặc là dựng lều trại ở tạm tại vùng an toàn một thời gian, khi tình hình lắng dịu, trở về; như thế gọi là tản cư. Trong lúc tản cư, người tỵ nạn hoặc phải gồng gánh lương thực đi theo hoặc nhờ sự giúp đỡ của người dân tại chỗ, các hội đoàn từ thiện nhân đạo hay chính quyền sở tại mà sinh tồn. Tản cư mang ý nghĩa tạm bợ, người tỵ nạn có thể tìm nghề kiếm thu nhập, phụ cho những nhu cầu cuộc sống, nhưng không có kế hoạch hay chương trình gì nhắm giúp người tỵ nạn ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Sau đây, xin kể những đợt tản cư mà tôi còn nhớ:
Thực dân Pháp tiến hành tái chiếm nước ta vào cuối năm 1945, qua cuối năm 1946, giặc Pháp từ Nam tiến ra, từ Lào đổ xuống, dân Quảng Trị bỏ nhà cửa, làng mạc chạy, chỉ sau khoảng 2 tháng, lương thực mang theo cạn kiệt, phải trở về nơi ở cũ dù phải sống dưới quyền giặc Pháp; đó là một đợt tản cư trên diện rộng.
Từ những năm đầu thập kỷ 1960, cuộc chiến nhằm thống nhất đất nước bùng phát; ở những vùng đồng bằng hay rừng núi, chiến sự diễn ra với tần suất dày; để tránh thương vong cho dân thường và để tách lực lượng giải phóng ra khỏi dân, Việt Nam Cộng Hoà lập những khu dồn dân với nơi ở là những lều trại tạm bợ, lương thực thực phẩm do chính phủ trợ cấp; những khu dồn dân này rải rác đó đây trên lãnh thổ tỉnh Quảng Trị; đặc biệt là hai khu tương đối lớn dành cho dân Gio Linh từ 1967 đến 1972 tại Quán Ngang và Gio Hải.
Năm 1972, chiến cuộc dữ dội, ngoài một số bám trụ làng xóm, một số ra Bắc, dân Quảng Trị xuôi Nam vào tạm cư số ít tại Huế, tại Chu Lai (Quảng Tín – tỉnh mới ở phần Nam của Quảng Nam), số đông tại các doanh trại quân đội Mỹ bỏ lại khi rút về theo kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh của Tổng Thống Mỹ Richard Nixon quanh thành phố Đà Nẵng: Hoà Khánh, Hoà Cầm, Hoà Long.

Ngoài cảnh tản cư, người Quảng Trị còn chịu cảnh di cư.
Chương trình di cư đã được Việt Nam Cộng Hoà thực hiện trong những năm hoà bình (1956 – 1960) với mục đích giãn dân (bớt dân ở những vùng có mật độ cao) và phối trí dân cư trên toàn quốc nhằm dễ dàng giữ gìn an ninh lãnh thổ quốc gia. Khoảng năm 1959, một đợt đưa dân Quảng Trị lên khai hoang lập ấp ở vùng giáp ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia tại một tỉnh mới lập gọi là tỉnh Quảng Đức (bây giờ là tỉnh Đắk Nông).
Trong chiến tranh, người Quảng Trị di cư theo 2 dạng: di cư riêng lẻ và di cư tập thể. Di cư khác tản cư ở chỗ: Tản cư mang tính tạm bợ, chờ thời cơ trở về quê cũ, còn di cư nhắm mục đích ổn định lâu dài việc ăn ở.
Một gia đình ở quê cảm thấy tính mạng không an toàn, việc làm bấp bênh, kéo lên thành phố, thuê đất, dựng nhà, tìm công ăn việc làm mưu sinh qua ngày, ấy là di cư riêng lẻ – trường hợp của những gia đình khá giả, những gia đình binh lính, những gia đình cán bộ công chức; kiểu di cư này không thuộc trách nhiệm của chính phủ.
Còn một làng, một xã, một huyện, thậm chí một tỉnh ra đi, chính quyền phải đứng ra tìm chỗ định cư, cung cấp lương thực, tìm sinh kế cho dân; ấy gọi là di cư tập thể. Ở tỉnh Quảng Trị, năm 1967, quân đội Mỹ lập hàng rào điện tử Mac Namara bạch hoá khu phi quân sự – vùng sát vĩ tuyến 17 – để hòng chận sự xâm nhập của quân cán chính miền Bắc vào chi viện cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ngoài một phần ra Bắc, một phần di cư vô miền Đông Nam Bộ, số còn lại của dân quận Trung Lương di cư lên vùng đồi Tân Tường ở Cam Lộ. Đó là đợt dân Quảng Trị di cư tập thể đầu tiên.
Đầu năm 1973, hiệp định Paris ký kết, tuy nhiên, việc thi hành hiệp định có vẻ khó khăn, các chương trình di cư dành cho dân Quảng Trị tản cư tạm trú tại các trại quanh Đà Nẵng bắt đầu.
Được sự trợ giúp của chính phủ miền Nam qua chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp và của các tổ chức hội đoàn từ thiện nhân đạo quốc tế, các đợt di dân được tổ chức lần lượt như sau:
Linh Mục Đỗ Bá Ái thuộc giáo phận Huế phụ trách mục vụ cho đồng bào Công Giáo ở trại Non Nước, chiêu mộ dân vào Sông Pha tỉnh Ninh Thuận. Công việc tiến hành từ tháng 5/1973 với việc gởi đoàn thanh niên thiện chí vào chuẩn bị nơi tạm trú; ngày 13/7/1973, nhóm dân di cư đầu tiên đặt chân tới nơi; khu khẩn hoang ấy bây giờ là họ đạo Quảng Thuận (Quảng Trị + Ninh Thuận), thuộc xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Tháng 10/1973, Linh Mục Trần Điển và Linh Mục Lê Viết Hoàng, đem 1.000 hộ dân vô khẩn hoang vùng cách thành phố Cam Ranh về phía Tây Bắc khoảng 18 km, lập nên xã Cam An Bắc.
Cuối năm 1973 đầu năm 1974, bác sĩ Phạm Văn Lương (1934 – 1976), đang giữ chức trưởng khoa Ngoại Tổng Y Viện Duy Tân (bệnh viện quân đội Cộng Hoà), quê gốc thôn Nghĩa An, phường Đông Thanh (trước năm 1972 gọi là xã Đông Thạnh), thành phố Đông Hà, chiêu mộ dân xã ông vào lập một làng ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, lấy tên là làng Đồng Thạnh.
Qua năm 1974, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà chủ trương đóng cửa các trại tỵ nạn. Chính phủ đưa ra 3 chương trình để người dân tuỳ điều kiện và hoàn cảnh chọn lựa: (1) đi khẩn hoang lập ấp ở Động Đền và Láng Gòn thuộc tỉnh Bình Tuy (phần Nam của tỉnh Bình Thuận), (2) hồi cư và (3) tự túc mưu sinh.


Vào những tháng đầu năm 1974, chương trình khẩn hoang lập ấp tại Động Đền dành cho đồng bào Gio Linh, Cam Lộ và tại Láng Gòn dành cho dân Đông Hà và các quận khác không muốn hồi cư về Quảng Trị được tiến hành. Chương trình khẩn hoang lập ấp ở hai khu này triển khai do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách khẩn hoang lập ấp của chính phủ Việt Nam Công Hoà đảm trách qua một văn phòng đại diện đặt tại tỉnh lỵ Bình Tuy và sự giúp đỡ một phần của giáo hội Công Giáo do Linh Mục Ét – Sa – Ren (tôi không biết viết theo chữ Pháp) nguyên quản giáo xứ Đông Hà và LM. Trương Công Giáo nguyên quản giáo xứ Quán Ngang (Gio Linh) điều hành. Khu Láng Gòn nay là xã Tân Hà thuộc huyện Hàm Tân, còn khu Động Đền nay là xã Tân Thiện thuộc thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Chương trình hồi cư dành cho đồng bào Triệu Phong, Mai Lĩnh và Hải Lăng và đồng bào các quận khác muốn về lại Quảng Trị; đồng bào Triệu Phong, Mai Lĩnh và Hải Lăng về lại thôn xóm cũ còn trong vòng kiểm soát của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà; đồng bào các quận khác định cư ở các vùng đồi, vùng cát Hải Lăng; dân còn lại của thị tứ Đông Hà cũ định cư ở vùng quanh cây số 23 (tính từ Huế ra trên Quốc Lộ 1) thuộc quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Một thị trấn tỉnh lỵ của Quảng Trị mọc lên trên vùng cát Hải Lăng đủ các cơ quan chính quyền, bệnh viện, trường học, chợ, bến xe … gom thị dân cũ và mới.

Chương trình tự túc mưu sinh dành cho số dân Quảng Trị không hồi cư về Quảng Trị, cũng không đi khẩn hoang lập ấp nơi nào, phần lớn là gia đình công chức, quân nhân. Họ được chính phủ cấp cho một khoản tiền để tự túc mưu sinh, tương đương với số tiền mà chính phủ phải chi ra để lo cho dân hồi cư và dân đi lập ấp, gồm nuôi ăn từ 6 tháng đến 1 năm (mỗi khẩu 15 kg/tháng), cấp vật liệu làm nhà …

Công việc sắp xếp tạm ổn nhưng chưa đến đâu tới đâu thì qua tháng 03/1975, chiến tranh bùng phát lại tàn khốc hơn để đến hồi kết thúc vào ngày 30/4/1975. Dân Quảng Trị lại lên đường: kẻ đi, người về.
Người về xây dựng lại cuộc sống trên quê hương đổ nát, người đi tìm những vùng đất mới, những chân trời mới.
Nhờ ơn Trời, ơn Phật, ơn Tiền Nhân, những người Quảng Trị nay dù ở đâu làm gì còn sống sót qua bom đạn như được sàng lọc hầu hết đều có cuộc sống ấm no.
Nội dung bài này viết ra phần lớn dựa trên trí nhớ. Bạn đọc nào nhớ khác hơn, chính xác hơn hãy lên tiếng, giúp tác giả chỉnh sửa lại những sai sót. Tác giả xin cảm ơn./.

 Lão gàn Hoàng Đằng
26/3/2017 (29/Hai/Đinh Dậu)

 

One thought on “Những đợt thiên cư của dân Quảng Trị

  • Na

    Mẹ tôi ngày xưa ở thôn lập thạch, xã triệu phong, theo mẹ của bà di cư vào nam năm 1972 thuộc bình tuy long khánh, xin hỏi tác giả có biết người dân lập thạch khi ấy vào di cư bình tuy, long khánh là thuộc nơi nào thời này không ạ. Cám ơn tác giả nhiều ạ.

    Reply

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *