Xưa & Nay

Quảng Trị xứng đáng được lựa chọn để tổ chức thường niên “Ngày Hòa bình Việt Nam”

Ý tưởng về tổ chức thường niên “Ngày Hòa bình Việt Nam” tại tỉnh Quảng Trị đã được các đại biểu đến từ các hội đồng, Ủy ban Hòa bình, tổ chức quốc tế và các nhà hoạt động, chuyên gia về hòa bình, an ninh đến từ các nước châu Á, châu Âu ủng hộ cao tại hội thảo quốc tế “Đoàn kết nhân dân vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững” được tổ chức vào tháng 5/2018 tại Quảng Trị. Đây cũng chính là mong muốn chung của không chỉ người dân Quảng Trị mà còn là của nhân dân cả nước để xây dựng mảnh đất từng là chứng tích bi tráng của lịch sử thành một biểu trưng của hòa bình.

Tại sao lại là Quảng Trị mà không phải là một địa danh nào khác xứng đáng được lựa chọn? Là bởi trên mảnh đất có diện tích chỉ 4.750 km2 này đã chứng kiến 3 trận chiến lớn có ý nghĩa thay đổi cục diện chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đó là chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971 và cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972. Trong các cuộc chiến này, lực lượng tham chiến và tổn thất về quân số và phương tiện chiến tranh của mỗi bên được đánh giá tương đương với trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Đặc biệt, đối với cuộc chiến tại Thành Cổ Quảng Trị, trên báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành Cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945…”. Thắng lợi tại chiến trường Quảng Trị và trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thị xã – Thành Cổ Quảng Trị là khúc tráng ca bi hùng của quân và dân Quảng Trị và cả nước, cùng với các chiến trường khác và trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm năm 1972 ở thủ đô Hà Nội buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris cam kết rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

 

                         Khách du lịch luôn muốn đến Hiroshima (Nhật Bản) để đặt hoa cho hòa bình.

 

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, Quảng Trị luôn nhận được sự cổ vũ, động viên của nhân dân yêu chuộng hòa bình và bè bạn từ các nước láng giềng châu Á đến các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… Một sự kiện đáng nhớ đối với nhân dân Quảng Trị là trong những ngày đầu quê hương mới giải phóng, Quảng Trị vinh dự được đón Chủ tịch Fidel Castro và đoàn đại biểu Chính phủ Cuba đến thăm.

 

Sau bao gian khổ, mất mát của cuộc chiến giành tự do, độc lập mới càng thấy trân trọng hơn giá trị của hòa bình. Hòa bình ngày hôm nay không chỉ là không có chiến tranh, mà việc giải quyết các xung đột lợi ích quốc gia, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo hay văn hóa cũng đòi hỏi các chiến binh vì hòa bình phải mở rộng không gian hoạt động. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ lâu dài này, ngày 21/9 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế hòa bình. Tại Việt Nam, từ năm 1950, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã được thành lập, năm 1988 đổi tên thành Ủy ban hòa bình Việt Nam với nhiều hoạt động ý nghĩa và đóng góp thiết thực trong việc xây dựng môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Từ sáng kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình đề xuất lấy ngày 27/1, ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là Ngày Hòa bình và Đoàn kết quốc tế ở Việt Nam, nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội uy tín trong và ngoài nước đã quan tâm và bày tỏ ủng hộ ý tưởng này.

 

Tỉnh Quảng Trị cũng đã tổ chức nghiên cứu và nhận thấy việc lấy ngày 27/1 hằng năm là “Ngày Hòa bình Việt Nam”, xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị hòa bình là ý tưởng có tính khả thi cao, mang lại ý nghĩa thực tiễn và nhân văn sâu sắc. Chọn Quảng Trị để tổ chức ngày hòa bình là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong chiến tranh Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của cả nước, là nơi chịu nhiều đau thương nhất và cũng sở hữu một khối lượng đồ sộ các di tích lịch sử cách mạng. Chọn ngày 27/1 hằng năm là “Ngày Hòa bình Việt Nam” bởi đây là ngày đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất của lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam sau 19 năm đấu tranh kiên cường trên mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ, tạo tiền đề cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

                           Phương án kết quả cuộc thi Biểu tượng hòa bình được tổ chức tại Quảng Trị

 

Bên cạnh đó, trong hệ thống di tích lịch sử chiến tranh đồ sộ của Quảng Trị gồm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vịnh Mốc, sân bay Tà Cơn, Thành Cổ Quảng Trị…thì Thành Cổ Quảng Trị có vị trí đặc biệt, gắn với sự kiện ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Sau chiến tranh, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng vừa mở rộng quy mô ra phía Bắc sông Thạch Hãn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, vừa bảo vệ và tôn tạo những giá trị hiện vật, vị trí liên quan trực tiếp đến cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972. Bên cạnh đó, trong hệ thống các đô thị của Việt Nam, thị xã Quảng Trị là địa điểm hợp lý nhất để được chọn làm tiêu điểm tổ chức “Ngày Hòa bình” hằng năm của Việt Nam, bởi xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị mang biểu tượng của hòa bình sẽ là điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực đầu tư cho thị xã, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đất đã chịu nhiều hi sinh, mất mát trong chiến tranh. Theo kế hoạch phác thảo, các hoạt động chính của “Ngày Hòa bình Việt Nam” hằng năm dự kiến gồm tổ chức các hoạt động tưởng niệm, lễ hội, chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, triển lãm và các hoạt động giáo dục về hòa bình sẽ được tổ chức tại Quảng Trị, các hoạt động phụ trợ sẽ tổ chức tại một số thành phố khác như Hà Nội, Hồ Chí Minh… Định kỳ 2 năm hoặc 5 năm tổ chức Festival quốc tế và các hoạt động giao lưu hữu nghị với các thành phố trên thế giới từng bị chiến tranh hủy diệt, các tổ chức hòa bình quốc tế, tổ chức hòa bình của các quốc gia, các địa phương trên thế giới…

 

                    Không gian Quảng trường Bến hoa thả hoa phía Nam sông Thạch Hãn

 

Hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến đổi phức tạp đặt ra những yêu cầu mới cho phong trào hòa bình quốc tế. Nếu lựa chọn Quảng Trị là địa điểm chính để tổ chức thường niên “Ngày Hòa bình Việt Nam” sẽ là tiền đề quan trọng vinh danh các giá trị của hòa bình, tiến tới xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm của du lịch hòa bình, gắn với phát triển du lịch hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời là dịp để truyền thông điệp, tập hợp lực lượng những người yêu chuộng hòa bình ở Việt Nam và trên thế giới tôn vinh giá trị hòa bình, kêu gọi mọi người đoàn kết chung tay xây dựng một cuộc sống an toàn, thịnh vượng.

Thanh Trúc (theo baoquangtri.vn)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *