Xưa & Nay

Trịnh Công Sơn với Quảng Trị

Trịnh Công Sơn đã gắn bó với Huế, với Quy Nhơn, Đà Lạt, Sài Gòn và những bài hát của ông thấm đẫm điều này. Riêng với Quảng Trị dù có lẽ không phải là tâm điểm trong cảm xúc của ông nhưng vẫn đầy duyên nợ. Trong khuôn khổ bài viết này sẽ đề cập đến ba trong một: một bài hát, một bài viết và một người bạn tâm giao của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Theo tác giả Thanh Nguyễn trong một bài viết thì ca sĩ Thái Hòa (con trai của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một người bạn thân của nhạc sĩ), người đã từng trình bày thành công ca khúc “Người mẹ Ô Lí” (được cấp phép lưu hành năm 2013) thì bài hát này xuất xứ từ chuyện một bà mẹ Quảng Trị. Theo đó bút tích ghi trên bài hát, rằng: “Tặng người mẹ già tôi gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế, mùa hè đỏ lửa năm 1972”. Ca sĩ kể rằng vào một ngày hè năm 1972, khi nhạc sĩ ngồi ở chợ Đông Ba thì gặp một bà mẹ nghèo Quảng Trị tản cư vào Huế để tránh bom rơi đạn lạc. Bà mẹ cho biết mình đã vượt 120 cây số từ quê nhà khói lửa. “Gia tài của mẹ” đem theo chỉ có một trái bí. Quá xúc động trước tình cảnh này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác bài hát “Người mẹ Ô Lí”. Ca khúc mang âm hưởng ca dao, giai điệu chậm rãi với âm giai giọng thứ chủ đạo như thường thấy trong cấu trúc âm nhạc Trịnh Công Sơn đã diễn tả thân phận của người mẹ Quảng Trị-người mẹ Việt Nam trong tao loạn. Có điều chiến tranh ở đây không hiện ra tàn khốc, bi thương và chất chứa nghịch lí như trong nhiều ca khúc “Da vàng” . Âm vang chiến sự không phải là “Đại bác ru đêm” hay “Hát trên những xác người”… mà chỉ là hình tượng người mẹ buộc lòng phải xa làng quê máu thịt và mang theo trái bí côi cút không nơi nương tựa. Không hề có thanh âm khói lửa, chết chóc nhưng vẫn xót xa, ngậm ngùi khi nước Việt chưa được an bình, thống nhất, còn phải chờ ngày kết cục đoàn viên. Còn một chi tiết đáng nói là bài hát có 120 từ tượng trưng cho 120 cây số tao loạn mà người mẹ đã vượt qua. Đoạn cuối ấn tượng như một khúc ru về một người mẹ quê hương Ô Lí (như cách gọi ngày xưa về một dải đất trong đó có Quảng Trị): “Mẹ ôm trái bí/Mắt còn ngẩn ngơ/Đường vắng bên lề/Một thân bé nhỏ/Mẹ ôm trái bí/Đi về chợ xa/ Mẹ nhớ mái nhà/Hàng cau sau hè/Còn riêng trái bí/Nhớ giàn đầy hoa”.

“Gác Trịnh” là nơi nhiều người hâm mộ Trịnh Công Sơn ghé thăm​

 

Và rồi như một duyên nợ tiền định, nhạc sĩ đã hơn một lần ra với mảnh đất Quảng Trị. Năm 1977, người nghệ sĩ du ca đã có dịp ra thăm mảnh đất có “Người mẹ Ô Lí”. Rồi đến năm sau 1978 vào mùa xuân, ông đã đi thực tế cùng đoàn văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên đến với công trình thủy lợi lớn nhất vùng đất này là công trình thủy nông Nam Thạch Hãn mà dân gian quen gọi ngắn gọn là Đập Trấm. Ông đã cho ra đời bút kí nóng hổi: “Tháng ba trên công trường Nam Thạch Hãn” đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên. Cách viết theo thời gian đồng hồ trong cái nhìn còn lắm ngỡ ngàng của một nghệ sĩ bậc thầy trước cảnh hàng vạn con người đang tái thiết quê hương đúng như tâm nguyện cháy bỏng của Trịnh Công Sơn. Ông viết “3 tháng 3-1978, 6 giờ. Đường ra Thạch Hãn sương mù dày đặc. Đường sương, ruộng sương, cầu sương, sông nước cũng sương. Xe bật đèn. Những con mắt vàng mở to trong sương sớm. Hai bên đường loáng thoáng bóng người rải sắn lát, chờ sương tan để nắng lên hong khô. Chiếc xe jeep không thể chạy nhanh, nhưng gió ngược cũng đủ làm tóc rối bù”.

 

Tác giả ngạc nhiên và hưng phấn trước khung cảnh bằng cảm quan tinh tế của một nghệ sĩ đa tài : “7giờ 30 phút. Xe rẽ vào con đường đất đỏ sát hông chợ Quảng Trị. So với năm ngoái, năm nay chợ đã phình ra thêm một đoạn. Thực phẩm đầy ắp, xanh tươi. Người đứng, kẻ ngồi, đi đi lại lại. Xe vượt qua. Tiếng động nằm sau lưng. Phía trước đã thấy hiện ra một chấm đỏ lưng chừng trời, ở trên đồi cao. Đến gần, chấm đỏ biến thành lá cờ bay bay như bàn tay vẫy dẫn lối. Xin mời về phía này. Xe rẽ sang phải, leo dốc ngắn. Thêm dăm bảy lá cờ. Lên đến đầu dốc, một rừng cờ đỏ rực trên một rừng người đê đứng thành đội ngũ chỉnh tề như một khối bê-tông vững chắc. Trên từng tấm biểu ngữ ai cũng có thể đọc được: “Công trình đại thủy nông Nam Sông Thạch Hãn”. Nghe như thơ”.

 

Đúng rồi, đây chính là mơ ước và viễn cảnh mà cha đẻ của những ca khúc “Da vàng” nổi tiếng đã khao khát cất lên trong những năm tháng chiến tranh li loạn, nước non chia cắt, rằng: “…Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ/Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no” (ca khúc “Huế-Sài Gòn-Hà Nội”). Để rồi chính hôm nay, khi vết thương chiến tranh còn chưa kịp lành lặn trên da thịt Việt Nam nhưng giấc mơ tái thiết, kiến tạo đã bắt đầu nảy mầm từ trong gian khó tận cùng. Một dư cảm thật đẹp, nhưng không hoang đường mà đầy tính khả thi như chính hiện thực sau này đã minh chứng: “Một cái đập sẽ được chắn ngang khúc sông ấy để chuyển giòng nước chảy về giữa làng xóm nhà kia. Xóm nhà rồi sẽ được khôi phục ở vùng đất mới. Những nền nếp cũ đang được sắp xếp lại trong một trật tự khác phù hợp với lợi ích chung của con người. Bên hông những công trường này, đằng sau những cánh đồi nhấp nhô trùng điệp là con đường tiếp liệu phục vụ sắt thép và xi măng cho toàn bộ công tìrnh. Con đường dài 12 cây số ấy là mạch máu chính để nuôi các công trường lớn nhanh và sớm hoàn thành nhiệm vụ. Cái vùng đất này đang thay da đổi thịt hằng ngày”.

 

Quảng Trị còn có người bạn thân là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tâm giao mới tri âm, tri kỉ vậy nên ông cũng là một trong những người thấu hiểu âm nhạc Trịnh Công Sơn. Văn nhân hiểu nhạc sĩ nên đã có nhiều bài viết lột tả tâm hồn nghệ sĩ cũng như tinh thần tác phẩm Trịnh Công Sơn, đã từng nhắc lại bài hát “Người mẹ Ô Lí” như một sáng tác quan trọng khi viết về Mẹ Việt Nam. Ngay sau khi Trịnh Công Sơn qua đời, một tuyển chọn các bài viết về cố nhạc sĩ cũng mang tên “Cát bụi lộng lẫy” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường).

Ngay cả ngôi nhà trên tầng hai ở đường Nguyễn Trường Tộ (Huế), Trịnh Công Sơn khi vào Nam sinh sống cũng đã để lại cho người bạn thân Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sau này đến lượt vợ chồng nhà văn theo con thì địa chỉ này được chọn làm nhà lưu niệm có tên “Gác Trịnh” thường được nhiều người hâm mộ nghệ sĩ quá cố trong và ngoài nước đến thăm. Âu đó cũng là một kỉ niệm đẹp về người nhạc sĩ liên quan đến vùng quê Quảng Trị.

Vậy thì luôn hiện hữu một Trịnh Công Sơn trong lòng Quảng Trị và ngược lại đã từng có môt Quảng Trị trong lòng người nhạc sĩ thiên tài và dung dị, đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng công chúng văn nghệ Việt Nam.

Phạm Xuân Dũng ( theo baoquangtri.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *