6 cây cầu kết nối đôi bờ sông Hiếu
Cần thiết
Báo cáo rà soát quy hoạch, đầu tư hệ thống cầu kết nối hai bờ sông Hiếu (TP.Đông Hà) của Sở Xây dựng, Quảng Trị cho biết, trên sông Hiếu, trong khoảng 6km (từ cầu sông Hiếu đến cầu thuộc dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà) có 6 cây cầu đang hiện hữu, đang xây dựng và chuẩn bị xây dựng.
Vị trí cầu kết nối đôi bờ sông Hiếu
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, những cây cầu đang hiện hữu gồm cầu Đông Hà, cầu sông Hiếu (cách cầu Đông Hà khoảng 3,5km về phía thượng lưu), cầu treo (từ phường 4 đi Cam Hiếu, Cam Lộ). Cầu đang xây dựng là cầu thuộc dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà (cách cầu Đông Hà khoảng 2,5km).
Cầu nằm trong quy hoạch và chuẩn bị xây dựng gồm dự án cầu kết nối khu đô thị Bắc sông Hiếu với trung tâm thành phố Đông Hà và cầu nằm trong dự án đập ngăn mặn kết hợp cầu giao thông (khu vực phi thuyền, TP.Đông Hà). Trong 6km khúc sông Hiếu này còn có cầu đường sắt.
Kinh phí dự tính trung bình mỗi cây cầu khoảng 300-500 tỷ.
Như vậy, nếu 4 cây cầu trong dự án được phê duyệt thì sẽ có tổng vốn khoảng 1.200 – 2.000 tỷ.
Theo ông Hải, định hướng phát triển Đông Hà được phê duyệt trong đó xác định sông Hiếu làm trục trung tâm cảnh quan, mở rộng phát triển đô thị ra hướng Bắc, kết nối với các huyện Cam Lộ và Gio Linh.
Vì lý do trên, ông Hải cho rằng, phát triển nhiều cầu nối hai bờ sông Hiếu là cần thiết.
Trước thông tin lo ngại nhiều cầu có khoảng cách quá gần, chỉ cách nhau vài trăm mét là lãng phí, ông Hải cho rằng, không có tiêu chuẩn nào quy định cầu cách nhau như thế nào là gần hay xa.
“Tôi lấy ví dụ như ở thành phố Paris, có những cây cầu chỉ cách nhau khoảng 300m, vì vậy, nói là vị trí cầu gần nhau quá thì cũng phải đưa ra cơ sở thì mới thuyết phục được”, ông Hải nói.
Sông Hiếu nhìn từ Khách sạn Sài gòn – Đông Hà. Ảnh : Văn Biên.
Không sao đâu
Về phía UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ông có được nghe báo cáo bước đầu từ phía các cơ quan quản lý địa phương. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, để phát triển đô thị kết nối hai bờ sông Hiếu thì xây thêm nhiều cầu càng tốt, không sao cả.
“Đề án không chỉ phục vụ nhu cầu hiện tại mà còn thể hiện tầm nhìn xa trong tương lai. Vì thế, với tốc độ phát triển như hiện tại, mật độ 700-800m/một cây cầu cũng không phải là quá nhiều so với những nơi khác”, ông Chính nói.
Ông Chính thừa nhận, tâm lý chung khi nhìn vào chưa thấy gì mà chỉ thấy nhiều cầu quá thì cũng có ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực tế rằng, có cầu thì mới có độ thị, mới có người.
“Thực tế, hiện tại có hai cây cầu đang khai thác trên sông Hiếu thì ở cả hai đầu của hai cây cầu đời sống đô thị phát triển rất mạnh mẽ. Những dự án đô thị bắt đầu đã mọc lên, đời sống sinh hoạt, kinh doanh trở lên sôi động, nhộn nhịp hẳn”, ông Chính chia sẻ.
Cầu dây văng kết nối đôi bờ sông Hiếu sắp được xây dựng (phương án cũ)
Cầu dây văng kết nối đôi bờ sông Hiếu sắp được xây dựng (phương án chọn)
Nói về khả năng thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án trên, vị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết có dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á và Việt Nam (ADB).
Dù vậy, vị lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận vẫn có ý kiến băn khoăn, do đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng phối hợp tiếp tục tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp thêm từ các cơ quan chuyên môn và giới chuyên gia để hoàn thiện báo cáo trình UBND tỉnh.
Mục đích tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến của giới chuyên môn về chủ trương xây dựng như vậy có phù hợp với tổng thể kiến trúc, cảnh quan của thành phố hay không.
“Quan điểm của địa phương là tiếp tục lấy ý kinn, lắng nghe, tiếp thu và chỉnh sửa cho phù hợp. Mục đích chính của địa phương là làm cầu nhưng phải gắn được với nhu cầu phát triển của đô thị, tạo thuận lợi kết nối với các vùng thuộc khu vực Đông Hà”, ông Chính chia sẻ.
Lam Nguyên (baodatviet.vn)