Khi nhà nghìn tỷ thiếu ô xy.
Công trình đuợc đầu tư nghìn tỷ nhưng lại không hoạt động được vì thiếu ôxy, đó là một chuyện khá bi hài. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ là thiết kế mà còn là vấn đề đầu tư đáng để suy ngẫm.
Mốt xây trung tâm hành chính tập trung
Trước kia, ở các tỉnh thành, trong các đô thị, hệ thống các cơ quan hành chính thường được phân bố rải rác và không tập trung, tồn tại độc lập trong việc quản lý và tổ chức kiến trúc công trình. Chỉ rất ít một số cơ quan được tích hợp trong một công trình như Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Những năm gần đây, trên nhiều địa phương trong cả nước đã và đang có những trung tâm hành chính tập trung, và phát triển nhanh như một thứ mốt thời thượng. Mục tiêu đưa ra là làm tiện lợi cho sự giao dịch của người dân với cơ quan công quyền cũng như giữa các ban ngành, các cấp với nhau. Ở góc độ khác, những trung tâm hành chính tập trung này được coi là bộ mặt của tỉnh thành, là điểm nhấn đô thị với kỳ vọng mang lại hình ảnh đẹp cho địa phương trên nhiều phương diện.
Khởi đầu của hình thức dự án này bắt đầu từ tỉnh Lai Châu. Quần thể trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Lai Châu có diện tích 5 héc ta, gồm 6 tòa nhà lớn (hai khối nhà 9 tầng và 4 khối nhà 7 tầng) là nơi làm việc của HĐND – UBND và 36 cơ quan, đơn vị hành chính, cơ quan Đảng của tỉnh. Công trình được đưa vào sử dụng năm 2009 với tổng mức đầu tư là 554 tỷ đồng.
Tiếp theo là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu toạ lạc trên diện tích 20 héc ta, được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2012 với mức đầu tư là hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh. Quần thể công trình được thiết kế xây dựng hiện đại gồm 7 cụm tòa nhà văn phòng, mỗi cụm cao 6 tầng phục vụ cho tất cả các khối nghiệp vụ hành chính, nhà nước của tỉnh.
Nhưng có lẽ phải chờ đến dự án Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, thì việc xây dựng Trung tâm hành chính tập trung mới thành trào lưu, thành một thứ mốt rất thời thượng. Cùng với những tiêu chí chung đã đặt ra, thì công trình phải là kiến trúc cao tầng, công nghệ cao, hình thức độc đáo, với mức đầu tư hành nghìn tỷ. Với vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng và đưa vào sử dụng đầu năm 2014, tòa Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương đặt tại khu trung tâm thành phố mới Bình Dương. Tòa nhà gồm 2 tháp A và B dùng để bố trí chỗ làm việc cho gần 60 cơ quan, đoàn thể, đơn vị khối Đảng, đoàn thể chính trị, cơ quan quản lý nhà nước, các sở ngành và đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trung tâm có 23 tầng, diện tích sàn hơn 100.000 m2, có bãi đáp trực thăng. Ngay cạnh Trung tâm hành chính là Trung tâm Hội nghị và triển lãm có sức chứa 800 người.
Cũng trong năm 2014, Trung tâm hành chính Đà Nẵng được đưa vào hoạt động (tháng 9/2014). Công trình có vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, là một kiến trúc hiện đại, công nghệ cao. Với chiều cao 36 tầng (166,8m), tòa nhà trung tâm hành chính này đang giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất Đà Nẵng và miền trung với tổng diện tích sàn sử dụng là 65.234 m2.
Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng nằm trên ngọn đồi giữa trung tâm thành phố Đà Lạt có diện tích hơn 13 héc ta; với tổng kinh phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng. Toà nhà gồm bốn khối nhà 9 tầng và bốn khối nhà 6 tầng liên thông nhau trên tổng diện tích sàn 56.000 m2. Công trình được khánh thành vào tháng 4/2015 và là nơi làm việc của hơn 1.400 người thuộc 19 sở, ngành cấp tỉnh cùng 30 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở.
Sau đó, hàng loạt các dự án trung tâm hành chính tỉnh thành ra đời, có những dự án đã được phê duyệt và chấp thuận đầu tư. Có thể kể tới như: Trung tâm đô thị hành chính tỉnh Khánh Hoà tại xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang (đã được Chính phủ phê duyệt về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng, triển khai dự án xây dựng). Dự án này có diện tích 126 héc ta, với vốn lên tới 4.300 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai cũng lập dự án trung tâm hành chính mới với tòa nhà 15 tầng và khu dịch vụ công ở xã Tam Phước, TP Biên Hòa. Theo tính toán, tổng diện tích sàn xây dựng là 122.000 m2 với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng. Tháng 4/2015, Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương rộng hơn 19 héc ta tại khu đô thị mới phía đông thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỷ đồng. Tháng 10/2015, UBND tỉnh Nghệ An và Hội đồng chuyên môn đã họp và thống nhất chọn phương án thiết kế xây dựng Trung tâm hành chính tập trung với tổng khái toán dự kiến hơn là hơn 2.100 tỷ đồng. Công trình gồm hai tòa tháp cao 27 tầng, cao 106 m, gắn kết qua cầu nối ở tầng 21-22, đủ chỗ làm việc cho 1.700 người. Công trình được đánh giá là có thiết kế đặc biệt, không giống bất cứ tòa nhà nào ở Việt Nam, tọa lạc trên khu đất quy hoạch rộng hơn 5,2 héc ta m2, trong đó diện tích xây dựng là hơn 10.000 m2. TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước cũng đang có dự án Trung tâm hành chính tập trung…
Việc xây dựng trung tâm hành chính tập trung đã trở thành một thứ mốt, một trào lưu mà các địa phương mang tinh thần “con gà tức nhau tiếng gáy”. Liên tục các dự án được lập, liên tục trình Chính phủ phê duyệt. Chưa có một kết luận xác tín về hiệu quả của những công trình này, nên nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký công văn (số 2128/TTg-KTN, ngày 24/11/2015) yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung và giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng.
Tuy vậy, ngày 10/5/2016, tỉnh Thanh Hoá đã cho khởi công xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh tại thành phố Thanh Hoá, bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng. Công trình này có vốn đầu tư là 650 tỷ đồng.
Khi nhà nghìn tỷ thiếu ôxy
Những công trình công quyền nghìn tỷ liên tiếp ra đời khiến dư luận không khỏi băn khoăn lo ngại về nhiều vấn đề, trong đó có vốn, hiệu quả đầu tư, lãng phí, tham nhũng, cảnh quan, môi trường, các vấn đề xã hội… Đáng nói là trong những dự án đã và đang thực hiện, có nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách. Công trình nào cũng hàng nghìn tỷ, không hề ít. “Nghèo mà chơi sang” là cách nói dân gian về các sự việc như thế này. Trong khi đó, thực tế cơ sở hạ tầng, kiến trúc công trình của nhiều cơ quan ở các địa phương vẫn còn tốt, vẫn có khả năng sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, phần lớn lý do các địa phương đưa ra để thuyết phục dự án là công sở cũ xuống cấp, xập xệ, cần phải xây mới. Không phủ nhận trung tâm hành chính tập trung sẽ có nhiều tiện lợi hơn cho công tác, giao dịch; song việc muốn ghi một dấu ấn với những công trình lớn mang tính biểu tượng là tâm lý chung của nhiều lãnh đạo địa phương – đó là sự thực.
Ngày 11/8/2016, tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, rất nhiều đại biểu, phóng viên (và sau đó là người dân Đà Nẵng và cả nước) đã “ngã ngửa” ra về chuyện TP Đà Nẵng đang có kế hoạch di dời bộ máy khỏi Trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ, mới được sử dụng chưa lâu. Thành phố dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm hành chính mới thay thế. Lý do được lãnh đạo thành phố đưa ra là: Toà nhà thiếu oxy, nóng, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc. Bên cạnh đó tắc đường là một nguyên nhân khác cũng gây tác động đến hiệu quả hoạt động của công trình.
Xin nói thêm một chút về công trình nghìn tỷ này, được coi là biểu tượng của Đà Nẵng. Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng là công trình cấp đặc biệt với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 2.131 tỷ đồng. Công trình do Công ty Mooyoung Architects & Engineers (Hàn Quốc) và Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng thiết kế, liên danh Công ty CP xây dựng kinh doanh địa ốc Tân Kỷ và Công ty TNHH xây dựng thương mại – dịch vụ 55 thi công. Tòa nhà khởi công ngày 15 tháng 11 năm 2008, hoàn thành phần ngầm ngày 13 tháng 2 năm 2012 và đưa vào hoạt động ngày 8 tháng 9 năm 2014. Với độ cao 166,8m, gồm 36 tầng trong đó có 2 tầng hầm cùng tổng diện tích sàn 65.234 m2, Trung tâm hành chính Đà Nẵng là tòa nhà cao nhất miền Trung hiện nay. Ý tưởng thiết kế chính của hình thức kiến trúc là tạo hình ngọn hải đăng dẫn đường và phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn ra khơi. Tòa nhà được tạo hình với chân nhỏ, phình to ở giữa và lại thu nhỏ ở trên. Mỗi mặt sàn dao động từ 700 đến 1.400 m2. Điểm đặc biệt là “lớp vỏ” tòa nhà được bao phủ bởi hơn 20.400 m2 kính chống hấp thu nhiệt, tận dụng ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng. Ba tầng trên cùng kết cấu bằng thép, phủ kính, dành cho hệ thống kỹ thuật, dự kiến sẽ thành nơi giải trí, ngắm Đà Nẵng từ trên cao…
Tóm lại, đây là một công trình rất hiện đại, thiết kế thi – công bài bản, sử dụng vật liệu, thiết bị và công nghệ cao, đắt tiền; được kỳ vọng là biểu tượng phát triển của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng toà nhà lại… thiếu oxy???
Một kiến trúc sư có kinh nghiệm thiết kế nhà cao tầng cho biết: Việc thiếu ôxy có thể là thực, nếu tính toán thông gió sai. Với những toà nhà cao tầng, bọc kính tấm lớn (như công trình này) thì việc khai thác thông gió tự nhiên là rất khó, mà chủ yếu dựa vào hệ thống thông gió cưỡng bức với những thiết bị cơ điện. Theo đó, hệ thống sẽ bơm khí tươi vào và hút khí “bẩn” ra. Hệ thống này hoạt động độc lập với hệ thống điều hoà không khí (thay đổi nhiệt độ). Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề thuần tuý về kỹ thuật, rất dễ giải quyết. Có thể dùng máy móc kiểm định xem chất lượng không khí, và nếu không khí không đạt yêu cầu, thiếu oxy thì có thể thay thế, cải tạo hệ thống thông gió. Việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được. Cũng theo kiến trúc sư này, thì việc lấy lý do toà nhà thiếu ôxy mà “hắt hủi” nó là thiếu thuyết phục.
Trong một diễn biến khác, giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Đà Nẵng (cũng làm việc tại toà nhà này) cho biết trong năm 2016 chưa hề nhận được phản ánh về việc thiếu oxy của toà nhà.
Một lý do khác ở trên đã nhắc tới, là việc tắc đường. Đây là vấn đề quy hoạch. Những người làm chuyên môn và cả những người dân thường không khỏi thắc mắc, là tại sao một toà nhà lớn như vậy, có ý nghĩa như vậy, được đầu tư nhiều tiền như vậy lại được đặt không đúng chỗ? Mà phải nói thêm rằng có một cơ quan quản lý quy hoạch tham gia thiết kế (Viện Quy hoạch – Xây dựng Đà Nẵng)
Công trình Trung tâm hành chính Đà Nẵng được thiết kế xây dựng đúng mục đích sử dụng, không phải là công trình hoán đổi công năng. Vậy tại sao TP Đà Nẵng lại muốn chuyển các cơ quan đi nơi khác. Liệu vấn đề có phải chỉ là thiếu ôxy và tắc đường không, hay còn lý do nào khác? Bỏ ra hơn 2.000 tỷ đầu tư để dùng trong hai năm, rồi bỏ; lãng phí như vậy tính bằng gì?
Một công trình được quan tâm về mặt hình thức, để làm biểu tượng; nhưng công năng là yếu tố quan trọng nhất, lại có vấn đề. Vậy quy trình đầu tư, lập dự án, thiết kế, thi công… mắc lỗi ở khâu nào?
Tất nhiên, chuyện dời đi không phải là chuyện nhỏ. Có vẻ như lãnh đạo Đà Nẵng thông qua cuộc họp của Hội đồng nhân dân để nghe ngóng dư luận. Hiện tại mặc dù khẳng định có chủ trương di dời, song TP Đà Nẵng cũng chưa thông tin dự án mới ở đâu, như thế nào, đầu tư bao nhiêu, và công trình nghìn tỷ thiếu ôxy sẽ được sử dụng để làm gì nếu các cơ quan hành chính Đà Nẵng chuyển đến nơi mới. Bí thư thành uỷ cũng cho biết việc này sẽ phải cân nhắc kỹ và xin ý kiến nhân dân.
Từ câu chuyện của Đà Nẵng, có thể thấy rõ rằng, với những công trình này, không chỉ là vấn đề thiết kế – kỹ thuật, mà vấn đề đầu tư và quy hoạch là cực kỳ quan trọng. Bỏ hàng nghìn tỷ ra, dù là vốn ngân sách hay không, nhưng hiệu quả thấp hay không sử dụng được là một sự thất bại cay đắng.
Còn bao nhiêu những Trung tâm hành chính tập trung đã và đang triển khai? Bao nhiêu công trình nữa sẽ triển khai? Liệu các công trình đó có bị thiếu ôxy, bị nóng hay tắc đường hay không, là điều mà rất nhiều người quan tâm. Nó không chỉ là chuyện của công trình xây dựng, mà nó còn thể hiện cách thức quản lý, văn hoá ứng xử ở tầm quốc gia.
Người dân cần những cơ quan công quyền làm việc hiệu quả, minh bạch, thân thiện chứ không cần những toà nhà hào nhoáng, nghìn tỷ. Đó là điều chắc chắn! Và điều nữa cũng chắc chắn là rất khó mà chấp nhận việc đầu tư công trình nghìn tỷ rồi chỉ để ngắm nhìn, vì nguyên nhân… thiếu ôxy.
Bài và ảnh : Nguyễn Trần Đức Anh