Cà phê với Kiến

Làm nhà có nên hoành tráng?

Quá trình thiết kế và thi công một ngôi nhà luôn có nhiều vấn đề vừa thuộc về chuyên môn lại vừa mang tính tương tác xã hội, mà nếu “không nói ra thì không ai biết”. Tính chuyên nghiệp của nhà chuyên môn được đo lường thế nào, khi anh ta phải chịu không ít sức ép từ nhiêu phía, mà câu chuyện “bao nhiêu cho vừa” dưới đây sẽ thêm góc nhìn tham khảo.

Khoảng thập niên 90, hồi còn đi học ở trường Đại học kiến trúc TP.HCM, tôi có dịp nghe GS Vũ Mạnh Hùng dạy môn kết cấu công trình nói rằng: “Các anh chị thích công trình hoành tráng phải không, vậy thì tôi muốn sửa lời bài hát Những ánh sao đêm một chút”. Rồi thầy ngâm nga luôn: “Xây cho nhà cao, cao… tương đối!”.  Đám sinh viên chúng tôi ngạc nhiên thắc mắc thì được thầy giải thích là: làm sao có thể xây cho nhà cao… cao… mãi… như hình tượng trong bài hát ấy được? Cao ngất trời thế thì quy hoạch làm sao, rồi kỹ thuật, năng lượng làm sao, dồn hết cả vào trong đó à. Hồi ấy chưa có khái niệm kiến trúc bền vững như hiện nay, nhưng thầy của tôi đã nói rất đúng vào một ý cơ bản rằng: làm nhà, xây dựng một thành phố luôn cần phải xét đến sự hài hòa lợi ích của tất cả các bên, chứ không thể chạy theo mấy cái kỷ lục cao nhất, to nhất, đẹp nhất, hoành tráng nhất!
Sau này ra đi làm, xứ mình rồi cả nơi xứ người, tôi mới càng thấm thía cái nghĩa “chuyên nghiệp tương đối” trong nghề nghiệp của mình. Rất nhiều kiến trúc sư, kỹ sư khi làm việc thường hay cố gắng tuyệt đối hóa các ý tưởng và giải pháp, xem đó như nguyên tắc, như cá tính trong hành nghề, thể hiện ý chí vượt khó mạnh mẽ. Nhưng về khía cạnh xã hội, công trình do nhà chuyên môn sáng tạo ra lại luôn phải chịu tác động của rất nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội chung quanh, mà bản thân nhà chuyên môn chưa thể kiểm soát hết được. Hoặc là anh ta phải chịu nhượng bộ, hoặc anh ta vượt qua theo kiểu càn lướt, bất chấp. Và hệ quả là để lại không ít những công trình kỳ dị, dù rất ấn tượng, thậm chí công trình được giải thưởng nhưng thực tế sử dụng bất cập, lãng phí, bị đào thải theo thời gian.

 

mc_du_khong_co_giy_phep_xay_dng_xay_dng_tren_din_tich_ln_chim_th_nhng_ta_lau_ai_nay_vn_khong_b_s_gay                                                              Một dịnh thự được coi là “hoành tráng” ở Hà Nội
Thực tế hầu như chẳng ai chê nhà nhỏ, hay nói nôm na là chẳng biết bao nhiêu để thỏa mãn đủ khi làm nhà. Thành ra mới phải cần đến luật, khống chế khoảng trống, khoảng cách giữa nhà này với nhà kia, các nước phát triển ít khi nào cho phép làm rào kín mít mà phải làm “ngăn chia mềm” bằng bãi cỏ, bồn hoa, cấm xâm nhập gia cư bất hợp pháp nhưng cũng không cho phép mỗi nhà được làm theo kiểu “lô cốt” quây kín mít. Do đó hình thành được quy tắc ứng xử giữa nhà với nhà, giữa nhà với bao cảnh. Cái hàng hiên nơi nếp nhà truyền thống là một chi tiết nói lên nhiều ý nghĩa về định hình không gian của cha ông ta. Thay vì nhích nhà to ra thì co nhà lại cho vừa, sau đó làm một không gian đệm, như nhà mà không ở trong nhà, cận kề ngoài sân nhưng lại không bước xuống sân, chuyển tiếp trong ngoài, khi cần thoáng thì ra hiên ngồi, khi tránh nắng trú mưa cũng vào hiên ngồi, thế chẳng phải là rất biết khôn ngoan đối đãi với trời đất, với bản thân đó sao.

Nha                                                          Một ngôi nhà lô phố được xử lý rất duyên dáng và khác biệt ở Kon Tum

Điểm tới là dừng! 
Quay trở về lĩnh vực hẹp hơn là làm nhà tư nhân, tôi đã gặp không ít gia chủ luôn đề cao sự tuyệt đối hoàn hảo, chỉn chu, tinh tế trong từng ngóc ngách, bởi quan niệm “một đời nhà mấy đời người”, chi phí và tâm huyết bỏ ra không ít nên không thể dễ dãi được. Quan niệm đó không sai, nhưng xét trên khía cạnh văn hóa và triết lý Đông phương về cuộc sống, việc tuyệt đối hóa khi làm nhà sẽ chạm phải nhiều vấn đề rất cần suy ngẫm thêm như sau:
– Trong tự nhiên vốn không có gì tuyệt đối hoàn hảo. Một cây hoa được gọi rằng đẹp cũng chỉ có vài cành vài bông chính là đẹp, còn những chỗ khác thuộc diện “bình thường thôi”, nhưng hòa hợp với hình thế chung, nâng đỡ cho các vị trí chủ chốt nổi bật, chứ không thể đẹp… đều hết như hoa giả được. Và thực ra hoa giả hiện nay cũng đã được tạo tác khá gần giống với tự nhiên, tức là cũng có lá sâu, lá úa, cành cong cành thẳng… đầy đủ để làm nên một vẻ đẹp kiểu “sao sáng trên nền trời tối” có chính phụ đầy đủ. Do đó, cần xác định vị trí “tốt khoe xấu che” trong một công trình để tập trung hoàn thiện, chọn đúng điểm nhấn trang trí, giảm thiểu các chi tiết thừa… sẽ giúp ngôi nhà có chính phụ rõ ràng, vừa phải.
– Đi vào chi tiết, việc hoàn thiện xây dựng cần có chuẩn về kỹ thuật và mỹ thuật, nhưng ngôi nhà khác với máy móc sản phẩm công nghệ, khó “sản xuất hàng loạt” được mà còn tùy theo gia chủ, mẫu mã, tay nghề thợ, chất lượng vật liệu… mà có các biến đổi nhất định. Mặt khác, yếu tố thủ công, chất thô mộc đem lại sự gần gũi (hợp với môi trường nhà ở, resort) mà những bề mặt sắc lạnh quá, hoàn hảo quá không thể có được (hợp với không gian văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng… hơn).
– “Đồng thanh mới tương ứng, đồng khí mới tương cầu” là thể hiện quan niệm sống, cá tính gia chủ có hợp với nhà hay không. Nếu thói quen lâu năm khó sửa của ông chủ là co chân lên ghế “ba xoa hai đập” thì bộ ghế bằng gỗ lên nước bóng loáng chắc chắn sẽ ưu điểm hơn sa lon bọc nệm da, và đồ nội thất khác sẽ đi theo tương ứng, không thể mua từng món đồ đẹp ráp vào mà thành nội thất đẹp. Có những ngôi nhà trang trí lấp đầy mọi khoảng trống, đèn đuốc như sao sa… mới nhìn thì ngỡ chu đáo kỹ lưỡng, nhưng thực tế sử dụng lại hao phí, gây mệt mỏi cho các giác quan khi phải sống trong không gian lúc nào cũng “hoành tráng” như vậy.
– Yếu tố tạm thời cũng cần lưu tâm, bởi ngôi nhà hay vạn vật trong vũ trụ không thể vĩnh cửu bất biến, như hình ảnh hoa mai rụng rồi nở mỗi mùa xuân về trong triết lý Đông phương nói lên tính hữu hạn của thời gian và triết lý tuần hoàn của nhịp sống. Ngoài những vị trí cố định như bếp nấu, bàn thờ, giường ngủ… thì đa phần các không gian sinh hoạt khác đều có sự thay đổi mỗi ngày. Chỗ để xe, sân phơi, bàn làm việc… bị xáo trộn là điều đương nhiên. Phòng khách không phải hôm nào cũng có khách, phòng sinh hoạt cuối tuần gia chủ hát karaoke vui vẻ khác với ngày thường trầm tư đọc sách, cớ sao phải trang trí cứng nhắc? Ngay cả cảnh quan sân vườn, hoa lá có đẹp đến mấy cũng sớm nở tối tàn, một bộ bàn ghế linh hoạt di dời vẫn hơn là xây bệ ngồi cố định một chỗ rồi để rêu phong phủ kín theo mưa nắng đổi thay.
– Những không gian riêng tư, tùy theo quan niệm sử dụng, có thể chấp nhận bề bộn trong kiểm soát vẫn còn hơn là ngăn nắp mà tẻ nhạt, bởi đó chính là môi trường sống động của ngôi nhà để sống, khác với ngôi nhà để… chụp ảnh đăng báo! Kiểu nội thất Zen của Nhật Bản trông tối giản tinh tế nhưng đó là sự lược bớt chi tiết rườm rà, khiêm tốn trong lối sống chứ không phải họ cố tình làm kiểu nhà đó. Và về cấu trúc thì nhà của họ hoàn toàn theo chủ nghĩa tương đối, chu kỳ 20 năm tháo ra ráp lại nhà khác,  rất nhẹ nhàng (có lẽ bởi xứ họ động đất nhiều nên phải làm nhà thật gọn nhẹ!) nhưng quan trọng hơn là tính tiết kiệm giản dị, không phô trương, hòa vào thiên nhiên, những điều rất tương đồng với nếp nhà truyền thống Việt Nam trước đây.

thanh-hai-3                                                                             Một không gian ở Huế

Tôi thường tự hỏi, điều gì khiến các bậc thức giả, kẻ sỹ, người có tâm đều biết khi công thành thì thân thoái, về quê ở ẩn thường loanh quanh trong mấy mét vuông đơn sơ dù họ không thiếu điều kiện làm nhà cửa hoành tráng. Theo tôi đó chính là nhận thức về sự tri túc, biết thế nào là đủ, không ham muốn quá đáng. Phát triển bền vững trong kinh tế xã hội nói chung và kiến trúc nói riêng có lẽ nên xét thêm cả tiêu chí “tri túc” này: quy mô công trình, mức đầu tư, khả năng vận hành và sử dụng, bảo trì công trình sao cho tránh tiêu hao quá mức năng lượng và công sức, tránh lãng phí ngay từ hình thức của công trình đến nội dung sử dụng. Có như vậy thì mọi ngôi nhà dù làm rộng hay hẹp cũng đều có thể chung sống hài hòa cùng nhau, chứ không phải là cuộc chạy đua cho ra lò những khối vật chất cao rộng lãng phí.

hoa16                                                     Nhà nhỏ, nhưng sẽ trở nên duyên dáng nếu bạn biết chăm sóc mỗi ngày.

Dĩ nhiên, tôi không có ý định tìm kiếm một “thuyết tương đối” trong kiến trúc xây dựng, bớt cầu kỳ trong quá trình làm nhà. Không, tậu trâu – lấy vợ – làm nhà, ba việc lớn đời người đâu có thể làm sơ sài, qua loa mà được! Nhưng ngẫm cho cùng thì xây một ngôi nhà tuyệt đối đến đâu cũng chỉ như… tổ chức đám cưới, cuộc sống hôn nhân thế nào về sau mới thực sự tạo nên một mái ấm. Ngôi nhà tương đối mà tôi muốn đề cập đến chính là ngôi nhà biết chọn quá trình sử dụng, bảo dưỡng, thay đổi, điều chỉnh… khi đi vào sử dụng làm mục tiêu quyết định hình thành và phát triển một chốn an cư, chứ không chỉ chăm chăm bắt bẻ từng chi tiết vụn vặt và cố gắng phô trương hết mức cho đến khi… ăn tân gia!

Bài KTS Trương Huyền Ân.  Ảnh Quốc Thống
(Theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *