“Gặp được người thiết kế ưng ý sao khó quá! Nghe nói mấy ông kiến trúc giỏi thì chảnh như con cá cảnh, tui đã qua 4, 5 công ty rồi, chưa gặp ai ưng ý…”;
“Ông A. sau khi đoạt giải quốc tế về giờ thiết kế toàn tính vài ngàn đô trở lên, mà phải đặt cọc trước giữ chỗ à nghe”;
“Chị X. ơi, chị có tiền chị có quyền nhưng chị làm ơn đừng hành hạ con người vậy chớ. Sao chị bảo lần sửa này là lần cuối mà em đếm từ đầu đến giờ gặp nhau hai chục lần, lần nào chị cũng kêu là lần cuối không à”…
Những lời than thở trên mạng xã hội, bức xúc không biết trút vào đâu, những cuộc điện thoại nóng tai toàn chuyện gặp nhau làm sao giữa gia chủ và người thiết kế, gặp nhau ở đâu, thế nào và bao lâu… khiến không ít giới chuyên môn lẫn gia chủ cảm khái, băn khoăn. Ừ nhỉ, gặp nhau ở đâu đây?
Gặp ai?
Câu hỏi nghe hơi lạ, dĩ nhiên là gia chủ gặp kiến trúc sư, gặp người thiết kế, chứ gặp ai nữa? Thực tế cái sự “gặp” này lại đa dạng hơn, vì hầu như không thể tồn tại một kiến trúc sư “độc hành” làm mọi thứ từ A đến Z, trong khi các gia chủ lại hay thích gặp người trực tiếp thiết kế ngôi nhà cho mình, có gia chủ còn nằng nặc đòi gặp “cùng là người miền Trung để dễ nói chuyện”. Ở một số công ty thiết kế, khi đến phần triển khai kỹ thuật, các kiến trúc sư khai triển thường gặp vẻ lo lắng hoặc thờ ơ của gia chủ vì họ đã quen “nắm tóc” kiến trúc sư chủ trì từ đầu rồi. Điều này khiến cho quan hệ hai bên dần xấu đi, công việc gián đoạn, nội bộ nhóm thiết kế bất ổn và… mất hứng. Có kiến trúc sư trẻ mới ra trường 2 năm đã đổi 9 công ty, chỉ vì: em mang tiếng được ra tiếp khách chứ cũng kiểu như thư ký thôi, cái gì lung tung lặt vặt họ gọi em, cái gì quan trọng toàn gọi cho chủ trì, rồi em ở giữa bị 2 bên “quay” mòng mòng đến phát ngán luôn! Vấn đề này được một số công ty hay nhóm thiết kế khắc phục bằng cách: đưa ra quy trình làm việc từ đầu, lúc sơ phác gặp ai, lúc triển khai ai gặp, ai trách nhiệm đến đâu…nêu rõ để dễ làm việc hơn.
Ở chiều ngược lại, kiến trúc sư cũng hay than mệt mỏi khi phải gặp… cả dòng họ của gia chủ. Từ cô con gái đòi phong cách tuổi teen đến bà ngoại muốn có am thờ, ai cũng góp ý được, dĩ nhiên, nhưng không thượng đế nào chịu nói ra từ đầu hay nói một lần, toàn “bữa nay sực nhớ rồi bữa mai ý quên!”. Một kiến trúc sư có kinh nghiệm 15 năm làm việc mà anh gọi là… đi (tiếp) khách đã kể: “Đang làm việc, điện thoại reo, khách bảo em nói chuyện với thằng em cô cậu bên cháu rể vợ anh chút xíu ha, nó là thợ xây có chút kinh nghiệm nên nó muốn góp ý về thiết kế ấy mà… Kiểu như ai quen biết gia chủ cũng có quyền chỉ bảo mình phải làm thế này thế nọ!”. Trong lĩnh vực nhà ở tư nhân, quyền lợi gia chủ khá thiết thực và chi tiết nên vấn đề góp ý là không tránh khỏi, tuy nhiên kiến trúc sư chỉ mong gặp được những gia chủ khéo léo và tế nhị, nên họp gia đình trước và sau khi thống nhất hết rồi cử đại diện ra bàn bạc, tránh tình trạng “đánh hội đồng” hoặc “xa luân chiến” khiến kiến trúc sư (nhất là các bạn còn trẻ, kinh nghiệm “chiến trường” chưa nhiều) phải chịu trận rất tội nghiệp.
Mỗi nhà thiết kế đều có “màu sắc”, phong cách và “gu” riêng, gia chủ cần chọn lựa cách gặp gỡ hợp với lợi ích của đôi bên
Gặp ở đâu?
Kiến trúc sư V. cho rằng khách hàng đối với anh như mối quan hệ bạn bè, trước lạ sau quen, càng hiểu nhau càng dễ làm việc, dễ thiết kế ưng ý nhau hơn. Vì thế V. có thể đi mua sắm, ăn uống, thậm chí đi… xem phim với khách hàng của mình khi gặp đúng người cùng sở thích! Cách làm này hợp với phong cách sống của V. nên không sao, nhưng với H., một kiến trúc sư khác thì rất ngán, anh lập luận: tại sao phải ra ngoài, vừa ồn ào, mất tập trung, vừa tốn thời gian, tiền bạc của nhau, bộ anh hay tôi không có văn phòng, không có nơi nào có thể bàn bạc được hay sao. Thậm chí H. còn cực đoan tới mức có lần anh hẹn khách đến công ty và… ngắt luôn wi-fi để khách khỏi còn có màn “ta chẳng nói chuyện gì với nhau, ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu”, theo kiểu khách cứ 5 phút lại check facebook hay nhắn tin túi bụi một lần!
Trên thực tế có thể tạm chia ra 3 trường phái tranh luận ý kiến về chốn gặp, đó là nhóm thích ra nơi công cộng, nhóm thích về văn phòng và nhóm… ở đâu cũng được. Bên thích ra quán nói rằng: chọn quán nào có nội thất đẹp, âm nhạc trợ hứng, thậm chí thêm ví dụ trực quan như một bức tranh, một mảng gạch trang trí đúng gu để hai bên cùng bàn luận thì cũng hay, chứ chui vô văn phòng chán phèo! Còn nhóm thứ hai lại lập luận: ở văn phòng, nhất là văn phòng của chính mình dù nhỏ thôi cũng thấy tự tin hơn, có thể tham khảo ý kiến các bộ phận khác (kết cấu, điện nước), không phải chờ đợi (mà dù có chờ khách đến thì mình cũng vẫn làm việc khác được). Còn nhóm trung lập dễ tính thì quan niệm: tùy theo ý gia chủ, nếu ở văn phòng (của mình hay của họ) không thoải mái thì ra ngoài, chứ đặt ra nguyên tắc gò bó quá dễ mất lòng dẫn đến mất khách. Cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc, và hình ảnh những nhóm người chụm đầu xem bản vẽ trên laptop tại quán xá từ sang trọng đến bình dân vẫn là một minh chứng cho xu thế “làm việc tự do, làm việc không dây” mọi nơi mọi lúc hiện nay được giới trẻ khá ưa chuộng.
Cũng có một vài gia chủ thích thay đổi địa điểm hẹn gặp bên thiết kế giống như… hẹn hò, có qua có lại, bữa nay ở chỗ anh thì bữa tới qua chỗ tôi, sang trọng hay bình dân đều được, miễn là… tiện đường sáng đi làm hay chiều đón con! Còn ai không ưa xê dịch thì luôn“bắt chết” một quán, một góc, một bàn (thậm chí một hướng nhìn cố định, vì nghe “thầy” phong thủy bảo rằng tuổi con năm nay phải quay mặt hướng nam khi bàn công chuyện cho nó được sinh khí!
Một số công ty lớn thường có bộ phận gọi bằng tên tiếng Anh đại loại như account hay sale hoặc marketting, rất chuyên nghiệp, rất bài bản trong việc thu xếp gặp gỡ, tìm địa điểm, chọn trang phục, ẩm thực, thậm chí đến mùi nước hoa, phụ kiện công nghệ, máy chiếu, màn hình… để mong muốn làm hài lòng khách hàng tối đa, sớm ký kết được hợp đồng. Nhưng điều này có vẻ như chỉ phù hợp với các công ty làm trong lĩnh vực thiết kế – thi công hàng loạt (dự án căn hộ, quán café hay nhà công nghiệp), còn khi áp dụng vào lĩnh vực tư vấn – thiết kế kiến trúc từng công trình riêng lẻ lớn nhỏ khác nhau thì vẫn có lắm vấn đề nảy sinh. Theo ông N., một kiến trúc sư lâu năm từng tâm sự rằng: “Tôi không hẳn là người thành công nhiều, mà là người cố gắng giảm thiểu các thất bại. Tôi thường xuyên hình dung trước, loại trước các hợp đồng không đi đến đâu dù lớn hay nhỏ, để tập trung thời gian cho chuyên môn và những chủ đầu tư nghiêm túc”. Khi có người hỏi về văn phòng của ông sao không nằm ngoài mặt tiền lớn như ở các khu kinh doanh địa ốc, vật liệu xây dựng, để cho dễ tìm dễ gặp, để cho có bộ mặt hoành tráng tương xứng với tiếng tăm, thì ông mỉm cười, hỏi lại khá chí lý: nếu một tháng ta có vài khách hàng ổn định, tìm đến ta qua uy tín lâu năm rồi thì ta có cần ra mặt tiền chờ đợi khách vãng lai không? Và giả sử ra ngoài mặt tiền rồi mỗi ngày ta cứ phải tiếp dạng khách tiện đường đi ngang qua thấy bảng hiệu công ty thì “tấp” vô hỏi giá lan man, ta chịu nổi chăng?
Những điều ông L. chia sẻ rất được giới hành nghề đồng cảm, vì ai làm kiến trúc không ít thì nhiều đều có lúc rơi vào các tình huống mệt mỏi như vậy. Nhà chuyên môn cần khách hàng lắm chứ, họ cũng không hề chảnh hay làm khó khách hàng như một số lầm tưởng, nhất là với các bạn kiến trúc sư trẻ chưa có tiếng tăm và cần từng bước xây dựng thương hiệu cho công ty cũng như thương hiệu cá nhân. Nhưng có lẽ đặc thù của môi trường hành nghề hiện nay chưa được làm rõ và nhất quán thành quy định, kiểu như nghề ngân hàng hay luật sư, lại thêm mỗi nơi mỗi kiểu tùy hứng tùy tiện (mà chủ yếu là chiều chuộng khách hàng tối đa) lâu ngày thành nếp quen. Mặt khác, có thể thấy ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các kiến trúc sư tương lai cũng chưa có điều kiện được thực tập, cọ xát nhiều hơn với các vấn đề về kỹ năng giao tiếp, luật xây dựng, tính thương mại trong vận hành nhóm thiết kế, quản lý công việc, quản lý thời gian… nên khi ra đời hành nghề hay va vấp là điều có thể hiểu được.
KTS. Huân Tú (theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)