Đi tìm vị trí của thủ phủ Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát thời chúa Nguyễn
Sáng nay, Hội thảo khoa học về về việc xác định vị trí thủ phủ Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát phục vụ quy hoạch, đầu tư, tôn tạo di tích thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong.Hội thảo do Hội KHLS tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Triệu Phong tổ chức tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong ngày 17-7-2017.
Hội thảo hướng đến mục tiêu làm sáng tỏ diện mạo, cấu trúc, quy mô của 3 vị trí thủ phủ Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600) và Dinh Cát (1600-1626) theo hướng tiếp cận mới để khẳng định vị trí, vai trò của lỵ sở dinh chúa Nguyễn ở Ái Tử – Trà Bát trong vòng 68 năm (1558-1626) trên vùng đất Triệu Phong/Quảng Trị trên hành trình mở cõi của dân tộc; góp phần vào việc giáo dục truyền thống, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản thời chúa Nguyễn vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội.
Hội thảo đã có mặt các nhà nghiên cứu đến từ Viện KCH Việt Nam, Hội KHLS Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và các vị đại diện cho lãnh đạo các ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong và các cán bộ nghiên cứu của Bảo Tàng và BQL Di tích tỉnh Quảng Trị.
Tác giả Lê Đức Thọ báo cáo tại hội thảo
Hội thảo đã nghe Báo cáo kết quả nghiên cứu của Nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu lỵ sở dinh chúa Nguyễn (1558-1626) do chủ trì đề tài Lê Đức Thọ trình bày với 2 nội dung cơ bản:
– Những luận cứ khoa học lịch sử xác định 3 vị trí thủ phủ và hệ thống các di tích thuộc thiết chế hạ tầng lỵ sở thời chúa Nguyễn ở Ái Tử-Trà Bát theo nhận thức và hướng tiếp cận mới cùng những kết quả đã đạt được sau hơn 1 năm nghiên cứu; trong đó có kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ tìm dấu tích dinh Trà Bát và Dinh Cát tháng 7-2016.
– Những định hướng quy hoạch, đầu tư, tôn tạo các di tích thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong.
Nơi đặt tượng ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nằm trong khuôn viên đình làng Trà Liên Tây. (dinh Trà Bát xưa)
Hội thảo đã thảo luận để bổ sung một số nội dung về các luận cứ khoa học của nhóm thực hiện đề tài; đồng thời góp nhiều ý kiến cho nội dung quy hoạch, đầu tư, tôn tạo di tích; trong đó tập trung vào ý tưởng về việc quy hoạch để tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất LỊCH SỬ – VĂN HÓA VÀ TÂM LINH mới để kết nối với những di tích lịch sử văn hóa hiện có ở vùng phụ cận làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị không chỉ phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đời sống dân sinh. Cụ thể:
– Dựng tượng đài chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
– Xây dựng Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn và thư viện mang tên Nguyễn Hoàng; đặt tên cho 1 ngôi trường mang tên Nguyễn Hoàng tại thị trấn Ái Tử (có ý kiến cũng đề cập đến việc cần thiết đặt lại tên cho trường Nguyễn Hoàng ở thị xã Quảng Trị).
– Xây dựng các công trình tưởng niệm: Đền thờ các chúa Nguyễn và công thần.
– Tổ chức lễ hội “Ái Tử và hành trình mỡ cõi” theo định kỳ; trước mắt là tổ chức lần đầu vào dịp kỷ niệm 460 năm chúa Tiên Nguyễn Hoàng định đô ở Ái Tử.
Tác giả : Lê Đức Thọ