Bài thơ “Lời người bên sông” và đâu là bản gốc?
Bài thơ có cả chục dị bản
* Nói chính xác, bài thơ của ông đã đi vào lòng người chứ không thể nói là thơ của nhân dân. Nhưng Lời người bên sông có nhiều “dị bản” do truyền miệng, có thể xem những kiểu dị bản đó là thơ “của nhân dân” rồi. Ông đã thống kê có bao nhiêu “dị bản” chưa?
– Theo cách hiểu đơn giản về dị bản, thì bài thơ có cả chục dị bản… nhưng thực ra mỗi dị bản chỉ khác nhau vài chữ ở câu này hay câu kia. Ví dụ như câu thơ đầu, thường khác nhau ở từ “đò lên” thành “đò xuôi” từ “xin chèo nhẹ” thành “ơi chèo nhẹ”… Những khác nhau đó tuy không hợp với ngữ cảnh khi làm bài thơ, nhưng xét cho cùng nó không làm sai lệch ý tứ bài thơ nhiều. Và như đã nói trên, chỉ riêng từ “mãi” thay thành “bãi” trong câu cuối là không thể chấp nhận.
* Và lần này, Lời người bên sông ở bến thả hoa bờ Bắc sẽ không quên ghi tên tác giả?
– Như đã nói, ghi tên tôi hay không ghi, có “ảnh hưởng” đến tình yêu Quảng Trị của nhiều người hay không? Tôi quý tấm lòng thành của những cán bộ nhân viên hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam, họ góp tiền lương xây dựng bến thả hoa bờ Bắc. Hôm động thổ vào ngày 27/ 7 vừa rồi, nếu báo chí không tự biết để tìm đến thì cũng không có dòng thông tin nào. Nói thế để thấy, những người đầu tư xây dựng bến thả hoa bờ Bắc đã lặng lẽ làm việc, vì đây là chuyện tâm linh cần tấm lòng thành chứ không cần quảng bá ầm ĩ rằng: “lòng thành của tôi đây”.
* Hai câu cuối trong bài “nguyên gốc” không phải thế, được biết là nhà văn Đỗ Kim Cuông đã gợi ý để ông sửa lại?
– Không phải là gợi ý. Bài này tôi viết năm 1987 với hai câu cuối: Tan chợ chiều xuôi đò có vội/ Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong. Năm 1989, tôi cùng nhà văn Thế Vũ đi dự Đại hội Văn học Nghệ thuật ở Huế về. Trên tàu tôi đọc cho Thế Vũ nghe bài thơ này. Về Nha Trang, Vũ nói với nhà văn Đỗ Kim Cuông (hiện làm Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung ương): Lê Bá Dương không chỉ là nhiếp ảnh gia, mà viết ký, viết thơ “được” lắm. Tôi chép tặng Cuông bài thơ, nhưng Cuông bảo, cứ “xin xin” thế này nghe nó não quá. Vậy là tôi viết lại hai câu sau thành: Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Không in thơ mình để dành tiền in thơ đồng đội
* Hình như ông chưa in tập thơ nào, và Lời người bên sông là một trong những bài thơ hiếm hoi của ông?
– Mấy năm rồi, bạn bè và cả một vài doanh nghiệp cho tôi tiền để in thơ, nhưng tôi dùng tiền đó tập hợp và in thơ của những đồng đội đã hy sinh mà mình cùng đồng đội gom nhặt được. Đó là cuốn Nhật ký Trung đoàn viết bằng văn vần, mới đây tôi dốc sức cùng bạn bè tập hợp, biên tập, in cuốn Thép từ ngàn độ lửa… Cũng định vài năm tới, sau khi tổ chức bổ sung, chỉnh biên và tái bản cuốn Nhật ký Trung đoàn viết bằng văn vầnxong, tôi sẽ in một vài tập thơ và truyện ký cho mình.
* Ông có thể “so sánh” Lê Bá Dương bây giờ với thời “tuổi hai mươi”?
– Mình sống trung thực, thẳng thắn… nên không chấp nhận những thứ lươn lẹo, ti tiện, vị kỷ. Thời trẻ, đó là sự háo hức ra trận chiến đấu chống kẻ xâm lược… nôm na là trả thù nhà, đền nợ nước. Những cái thù mà mình chứng kiến qua chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Thực ra, nếu có sự lựa chọn, mình và chắc chắn cả dân tộc này không ai chọn chiến tranh, nhưng vì chiến tranh nó chọn mình và mọi người, nên mình và những người như mình chấp nhận sự lựa chọn đó một cách tự nguyện. Bây giờ mình vẫn là người lính bình thường – tuy khác “trận địa”. Vì cái điều cụ thể nhất: Biết bao đồng đội mình hy sinh cho độc lập tự do, và cả cho những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, nếu anh em còn sống, họ sẽ chiến đấu không khoan nhượng với những thứ xấu xa, trái đạo. Nay mình được sống thay cho anh em đồng đội, đương nhiên mình sẽ tiếp tục những việc mà đồng đội mình nếu còn sống sẽ làm. Đơn giản vậy thôi.
Xin cảm ơn ông!
Trần Hoàng Nhân (theo thethaovanhoa.vn)
Theo tôi mọi người kể cả nhà văn , nhà thơ hay người dân thì mọi người không nên dùng bài thơ gốc của chính tác giả Lê Bá Dương để chế chác xào xáo thêm hay bớt lời của bài thơ thành của riêng mình nó lố bịch và tham lam lắm , còn mọi người có muốn mình có một bài thơ hay cho cuộc chiến trên sông thạch hãn thì không thiếu ngôn ngữ , hình ảnh nếu thực sự mọi người có tâm sự sâu đậm , với ngòi bút sắc bén thì hãy nên chỉ sử dụng những ngôn từ chung của xã hội như con đò , mái chèo , dòng sông , bến nước , người chiến sỹ , người lái đò vv … thì đây mới là tài sản chung của xã hội , của người dân .