Khó như… chiều chủ nhà mê phong thuỷ!
Hầu như ngày nào trong quá trình làm dịch vụ tư vấn thiết kế xây dựng cho khách hàng tôi cũng phải nghe – gặp – va chạm – giải quyết mấy chuyện liên quan đến phong thuỷ. Từ quyết định chỗ đặt bếp, đến kích thước Lỗ Ban, từ gia chủ mới sáng nghe thầy này bảo năm nay xây nhà là kỵ, đến chiều đã thỉnh thầy khác về cúng để ráng khởi công cho được trọn năm Rồng! Qua các thông tin trên mạng, gặp trên điện thoại, email hay gặp trực tiếp, tôi đều phải chịu những yêu cầu lúc giống mệnh lệnh, khi như van nài, mà tựu trung chỉ nhằm một mục đích: làm nhà theo chỉ định về phong thuỷ! Nhưng nếu ngồi nói chuyện kỹ hơn để hỏi phong thuỷ thực chất là thế nào, tại sao lại kiêng cữ chỗ này chỗ kia một cách phi lý vậy thì đa số các gia chủ đều phân vân và phán câu kết xanh rờn: “Thôi, đi coi thầy đã dặn vậy rồi, anh ráng giúp nha!”
Tôi hay phản biện lại các gia chủ đòi hỏi “đến xem giùm nhà cửa sao dạo này làm ăn khó khăn quá” bằng câu hỏi: ủa, phong thuỷ có sức mạnh vô biên vậy sao, nếu thế thì toàn dân Việt ta nhờ phong thuỷ giúp đã phải giàu có, ấm no, hạnh phúc, phát triển tột bực rồi chứ! Thực tế thì những gia chủ đủ hiểu biết và có cung cách sống vừa phải đều hiểu việc làm nhà theo phong thuỷ chủ yếu là để hướng đến chữ An trong đời sống và tâm linh, chứ đâu phải để mưu đồ cơ nghiệp lớn lao chỉ bằng ba cái hồ cá kiểng hay xoay bếp xoành xạch! Kinh nghiệm phong thuỷ hình thành từ quá trình xây cất và sử dụng, rồi truyền khẩu từ đời này qua đời khác như một dạng kinh nghiệm sống. Mà đã là truyền khẩu thì chắc chắn có tam sao thất bản, thậm chí là chế biến lại cho hợp cảnh hợp với mong muốn của cá nhân nào đó. Kiến trúc sư mà nghe theo mấy “đơn thuốc” kiểu truyền miệng đó thì quả là gian nan lắm vậy.
Cần lưu ý rằng cung cách chọn đất – cất nhà của cư dân Việt xưa luôn đề cao tính linh hoạt và thái độ ứng xử mềm dẻo với môi trường xung quanh. Thay vì tìm cách trấn áp thiên nhiên, nếp nhà truyền thống luôn khai thác tốt lợi điểm và khắc phục các hạn chế của thiên nhiên với biện pháp đơn giản, chi phí tiết kiệm, khẳng định văn hoá ở đặc sắc và rất hợp lý, thậm chí các quan niệm về nhà phải đón được gió lành và thông thoáng tự nhiên, che chắn mưa tạt nắng chói, tổ chức cây xanh và mặt nước, tạo vùng chuyển tiếp trong – ngoài… hiện nay đang là tiêu chuẩn quan trọng của kiến trúc thích ứng khí hậu, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững!
Vậy mà đa số chủ đầu tư hiện giờ vẫn chỉ xem phong thuỷ như một cách thức xem bói, kiểu như bói tình duyên, sự nghiệp, gia đạo! Người ta đã nhầm lẫn và đánh đồng phong thuỷ với những yếu tố kỳ bí nhuốm màu mê tín dị đoan, làm phai nhạt đi bản chất của cách thức tổ chức không gian ở, phụ thuộc vào các vật phẩm được khoác ý nghĩa trừ tà trấn trạch, lấy ước muốn thăng quan tiến chức phú quý tột bực của cá nhân làm đích ngắm cho mọi sắp xếp, bài trí nhà cửa.
Nhiều anh em làm nghề gặp nhằm gia chủ quá mê phong thuỷ chỉ biết tắc lưỡi: thôi thì xem như họ có bệnh thì vái tứ phương vậy! Có người tổng kết, chẳng biết cách nào để chiều theo ý chủ nhà “mê” phong thuỷ!
Nhưng nếu “bệnh” mê phong thuỷ xuất phát từ trong tâm lý, lại là tâm lý đám đông thì có lẽ thuốc chữa không nằm trong tay giới chuyên môn nữa rồi. Đây là vấn đề thuộc về phạm trù xã hội mà có lẽ giới bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, rối ren nhất mà cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười nhất chính là giới kiến trúc – xây dựng.
KTS Vọng Bình minh hoạ Đỗ Trung Quân
(theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)