Chuyện thi công: Mệt!
Một ngôi nhà, được khởi đầu bằng những bản thiết kế – đó là điều đương nhiên đúng quy trình; nhưng nó chỉ thực sự hiện hữu sau khi việc thi công hoàn thành. Để ngôi nhà được hiện thực hóa, thì đằng sau những bản vẽ là quá trình thi công xây dựng. Nếu như quá trình thiết kế có thể đem lại nhiều hứng khởi cho cả kiến trúc sư và chủ nhà thì việc thi công thường lại… rất mệt, bởi nhiều nguyên nhân.
Thời gian kéo dài
Thời gian thi công một ngôi nhà kéo dài rất lâu, nếu so với những công việc khác. Điều này ai cũng biết nhưng chỉ người chủ nhà hoặc ai đã từng làm nhà mới thấu hiểu sự vất vả cơ cực này. Một ngôi nhà phố 1 trệt 4 lầu làm nhanh cũng mất 5-6 tháng, lâu hơn thì cả năm. Nhà to, biệt thự có khi làm tới mấy năm và qua nhiều giai đoạn. Trong thời gian thi công ấy, chủ nhà cùng gia đình luôn trong tình trạng bất an, lo lắng. Nếu như xây nhà trên đất đang ở còn mệt hơn nữa vì phải đi ở nhờ, ở nhà thuê. Ở Việt Nam, ít chủ nhà thuê đơn vị thi công trọn gói hay quản lý giám sát chuyên nghiệp mà thường tự xoay xở lấy. Lý do để tiết kiệm là một phần, nhưng cũng là bởi nếp nghĩ đã ăn sâu rằng: đã làm nhà thì phải “lăn lưng” ra chịu; làm nhà thì phải tự giám sát bởi không thể tin tưởng được người ngoài. Vì thế nên chủ nhà rất mệt. Nào phải chỉ dẫn cho thợ, giám sát thợ, chạy vật tư, lựa chọn vật liệu thiết bị cho công trình, lo ăn ở cho thợ; rồi xử lý các mối quan hệ liên quan đến chính quyền, xóm giềng… Nhiều người làm nhà đã xin nghỉ việc dài hạn để làm cái việc quan trọng cả đời này.
Thời gian kéo dài, không chỉ chủ nhà mệt mà thợ cũng mệt – nhất là thợ nề (thợ xây). Bởi đội thợ này là đội làm việc lâu nhất, từ khi làm móng cho tới hoàn thiện (ốp, lát). Thợ nề thường ăn ngủ, sinh hoạt luôn tại công trường trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, vất vả. Lúc khởi đầu, chủ nhà và thợ thường có thái độ dễ chịu, vui vẻ với nhau. Nhưng qua thời gian dài, trong công việc cụ thể có những vấn đề bất cập, dễ phát sinh mâu thuẫn, hoặc bằng mặt nhưng không bằng lòng. Lúc đó mệt càng thêm mệt. Các cánh thợ thường nói đùa rằng: thợ xây là chúa – để chỉ vai trò quan trọng bậc nhất của đội thợ này. Chủ nhà cũng biết rõ điều nầy nên nhiều khi không dám nặng lời, càng không dám có những hình thức phạt hay sa thải (nói theo ngôn ngữ hiện đại) đối với đội thợ. Bởi nếu làm vậy thì công trình bị đình trệ, và nó như một cái “dớp” xấu. Và khi cả hai bên đều không hài lòng, chịu đựng nhau trong một thời gian dài như vậy, sự mệt mỏi là tất yếu.
Để công trình trở nên hoàn thiện, vai trò của nhà thầu thi công là rất quan trọng
Làm việc không chuyên nghiệp
Đó là một nguyên nhân, căn cốt quan trọng để làm cho tất cả cùng mệt. Điều này đến từ cả hai phía: chủ nhà và nhà thầu thi công. Một công việc quan trọng là làm một ngôi nhà, với mức đầu tư vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng, nhưng có khi lại chỉ hợp đồng miệng với nhau. Đấy là cách làm không chuyên nghiệp. Nói thì dễ, lúc làm phát sinh ra nhiều vấn đề mới thành chuyện. Vấn đề phát sinh không chỉ là chuyện tiền nong hay chất lượng thi công, mà còn là cách thức làm và khối lượng công việc. Có những việc nhà thầu không làm, hoặc đòi chi phí phát sinh; khi chủ nhà yêu cầu làm thì bảo rằng phần đó không có trong nội dung công việc giao kèo. Việc này vẫn thường xảy ra ở mọi nơi với nhiều chủ nhà. Làm nhà, mọi việc suôn sẻ đã mệt lắm rồi, mà thêm những chuyện tranh cãi đôi co thì mệt sao cho thấu.
Một vấn đề khác liên quan đến nhà thầu thi công, mọi hạng mục mà tiêu biểu là nhà thầu hạng mục nề: đó là cách làm một mình một kiểu, không quan tâm đến ai, không quan tâm đến việc khác. Tất cả chỉ vì việc của mình, sao cho được việc mình mà gây khó dễ cho người khác ở công việc khác. Một ngôi nhà không chỉ có đổ bêtông, xây trát…; mà còn rất nhiều hạng mục khác, như cửa, cầu thang, hoa sắt… của các nhà thầu khác như gỗ, sắt, đá, nội thất, điện – nước… Công việc này liên quan đến công việc khác cả ở nội dung và tiến độ. Nhà thầu nề là tiền đề để cho các hạng mục khác làm theo. Các phần khác phụ thuộc rất nhiều vào nhà thầu này. Ví dụ đơn cử như việc người viết đã chứng kiến: Nhà thầu nề sau khi dỡ cốp pha tầng lầu thì tiện thể trát luôn tầng đó, trong khi các bức tường ở các tầng dưới chưa xây nên thầu điện nước không thi công được dây, ống, phải chờ.
Chưa kể, các nhà thầu nề “đóng quân” tại công trường nên coi đó là nhà của họ, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ. Bữa mát trời lại rủ nhau nhậu, không coi trọng thời gian và tiến độ. Đó là một thái độ thiếu chuyên nghiệp điển hình mà ai làm xây dựng cũng đều biết.
Việc xây dựng nhà ở tư nhân hiện đã chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước. Cụ thể là càng ngày có càng nhiều chủ nhà tìm đến với kiến trúc sư để có thiết kế hơn. Việc thiết kế là vậy, nhưng việc thi công thì khác. Hợp đồng thi công mỗi hạng mục lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng nhiều chủ thợ tay ngang lại không biết đọc bản vẽ, hoặc hiểu bản vẽ rất lơ mơ. Vừa làm vừa mò mẫm, hoặc không theo chỉ dẫn của thiết kế, cứ làm theo thói quen.
Rất nhiều đầu việc để hoàn thiện một ngôi nhà
Không tuân thủ thiết kế
Là căn bệnh khiến người mệt nhất là kiến trúc sư hay các đơn vị tư vấn thiết kế. Có ba kiểu làm sai thiết kế: thứ nhất là không thèm xem bản vẽ, thứ hai không đọc được bản vẽ, không hiểu bản vẽ; và thứ ba là cố tình làm sai bản vẽ. Ở kiểu thứ nhất, có lẽ là những nhà thầu thiếu chuyên nghiệp nhất, nhưng lại sĩ diện nhất. Những nhà thầu này thường làm theo thói quen, theo kinh nghiệm và luôn cho rằng cách của mình mới đúng. Thậm chí còn tư vấn cho chủ nhà làm theo thiết kế của mình, theo cách của mình, không tuân theo bản vẽ của kiến trúc sư.
Ở kiểu thứ hai, chủ nhà thường phải chấp nhận bằng cách cười trừ, rồi nhờ kiến trúc sư đến công trường xử lý, sửa sai. Dạng này khiến kiến trúc sư đau đầu đến phát điên, bởi: đã mất công vẽ kỹ càng, đầy đủ mà vẫn phải đến công trường sửa sai, chỉ dẫn, bảo cho thợ phải làm như thế nào.
Ở kiểu thứ ba là chủ động thay đổi để có lợi cho mình trong quá trình thi công. Cố tình làm sai để việc dễ hơn, nhàn hơn, tiết kiệm nhân công; hoặc làm sai để bớt nguyên vật liệu (với các hạng mục bao thầu nguyên vật liệu như sắt, gỗ…). Kiểu này nếu không giám sát, kiểm tra kỹ cả kiến trúc sư và chủ nhà cũng không nắm được. Ví dụ như theo thiết kế và hợp đồng dùng sắt hộp dày 2mm, thì chỉ dùng 1,5mm; bể ngầm phải trát hai lượt thì trát một lượt, phải chống thấm trước khi lát sàn vệ sinh thì bỏ qua công đoạn.
Tuy nhiên, có những vấn đề có thể sửa sai được nhưng có những cái không thể. Như trường hợp nọ, anh cai thầu tư vấn cho chủ nhà nâng chiều cao tầng lên so với thiết kế, chủ nhà thấy có lý đồng ý liền. Nhưng cái thang lại không thay đổi, thành ra bậc thang bị cao hơn tiêu chuẩn. Hậu quả này kiến trúc sư chỉ biết lắc đầu, nhưng người mệt lại chính là chủ nhà khi sử dụng công trình.
Việc không tuân thủ thiết kế luôn làm kiến trúc sư phải mất quá nhiều thời gian cho công đoạn thi công để chỉnh sửa, chỉ dẫn. Nhưng nếu như thế có nghĩa là còn may, bởi những việc sai sót đã được phát hiện – do chủ nhà hay giám sát. Còn nếu không (thường là chủ nhà không phản ánh) thì việc không tuân thủ thiết kế cứ diễn ra, và không được xử lý thì còn tệ hơn. Nhiều kiến trúc sư không dám nhận công trình do mình thiết kế vì làm sai nhiều quá. Nhưng điều buồn nhất đối với kiến trúc sư là chủ nhà “đồng lõa” với nhà thầu để sửa bản vẽ thiết kế.
Thiếu sự phối hợp đồng bộ
Một ngôi nhà được thi công xây dựng trong một thời gian dài, với nhiều hạng mục, nhiều nhà thầu; vì vậy để có kết quả tốt, nó cần sự phối hợp đồng bộ trong quá trình thi công. Và để đạt được mục đích ấy, cần phải có sự quản lý chuyên môn và chuyên nghiệp, cần phải có một “chỉ huy trưởng”. Trong thực tế thì vị “chỉ huy trưởng” này thường là chủ nhà, thiếu kiến thức chuyên ngành về xây dựng và quản lý. Trong khi đó, các nhà thầu lại thường làm theo cách riêng của họ như trên đã nói; vậy nên trong quá trình thi công lắm chuyện phức tạp xảy ra, mà người thiệt thòi nhất chính là chủ nhà. Việc thiếu chuyên nghiệp của các nhà thầu cũng là nguyên nhân góp phần.
Theo quy trình xây dựng, có những việc làm trước, có việc làm sau; có những việc phải gối nhau tuần tự, có những công đoạn bắt buộc phải thực hiện không thể bỏ qua. Chính vì vậy cần một sự phối hợp đồng bộ để các hạng mục, các nhà thầu tuần tự làm việc nối nhau hiệu quả, và đặc biệt không để việc nọ cản trở hoặc làm hỏng việc kia. Điều này rất quan trọng, nó làm tăng chất lượng thi công công trình, đảm bảo tiến độ và hiệu quả cả về kinh tế.
Thường khi thi công, các nhà thầu ai cũng cố hoàn thành công việc của riêng mình mà không quan tâm, coi trọng tổng thể và tiến độ chung, nên dễ gây nhiều hậu quả phải xử lý từ dễ đến khó. Ví dụ như trong khâu hoàn thiện, nhà thầu điện lắp mặt hạt công tắc ổ cắm trước khi sơn; làm cho quá trình sơn tường sơn dính hết vào mặt công tắc, ổ cắm. Hay nhà thầu sàn gỗ thi công sớm làm cho các đội thi công khác vẫn còn việc đi lại làm hỏng mặt sàn gỗ…
Thiếu sự phối hợp đồng bộ nhiều khi còn làm cho chủ nhà hay chính các nhà thầu rơi vào tình thế bị động, không chuẩn bị kịp thời và không kiểm soát được tình hình thi công. Bởi mỗi công đoạn của mỗi nhà thầu đều cần có sự chuẩn bị: phương án vận chuyển, vật liệu, nhân công, mặt bằng thi công… Việc này dễ dẫn đến tình trạng tạm bợ, “giật gấu vá vai”, nửa chừng gây nhiều hậu quả không tốt đến chất lượng và tiến độ công trình. Và tất nhiên, điều đó dẫn đến sự mệt mỏi cho nhiều phía, mà mệt nhất là chủ nhà.
Hương Anh (theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)