Để Đông Hà ngày càng xanh hơn
Trong các ý kiến gửi cho WWF để bầu chọn cho thành phố Đông Hà, các ý kiến của anh Nguyễn Long rất đáng chú ý, mọi người có thể tham khảo :
1. Cần di dời Khu công nghiệp Nam Đông Hà ra khỏi thành phố. Nếu chưa thể thực hiện được điều đó, chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp may mặc hoặc công nghiệp công nghệ cao, đóng cửa nhà máy MDF.
Nhà máy MDF Quảng Trị
2. Với tốc độ đỗ thải hiện nay, khu bãi rác phía Tây Nam thành phố sẽ bị lấp đầy trong khoảng 5 năm nữa. Cần có quy hoạch bãi rác mới cho thành phố từ bây giờ. Với đà phát triển đô thị, 5 năm nữa, bãi rác hiện tại sẽ nằm rất gần khu dân cư. Bãi rác mới cần được đưa ra xa khỏi khu vực nội đô.
Bãi rác Nam Đông Hà
3. Đường phố Đông Hà khá hẹp. Rất nhiều tuyến phố, cắt ngang lòng đường chỉ 7m. Nguy cơ kẹt xe trong tương lai là rất hiện hữu. Đã có hiện tượng thiếu chỗ đỗ xe, trong khi thành phố chưa có bãi đỗ xe nào được xây dựng.
4. Trong 3 năm tới, khi tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Túy Loan thành hình, ngoài hệ thống đấu nối thông qua QL9, thành phố cần có thêm hướng đấu nối về phía Nam thông qua tuyến Hùng Vương kéo dài – tỉnh lộ 579 (vì tỉnh lộ 579 được thiết kế nhập tách làn với tuyến cao tốc). Thiết kế này sẽ rút ngắn quãng đường từ khu vực phía Nam thành phố đi các tỉnh phía Nam 17km.
5. Thành phố Đông Hà, phía Đông có sông Thạch Hãn, phía Bắc, Đông Bắc có sông Trúc Khê, phía Nam có sông Lai Phước, trong lòng thành phố có sông Hiếu. Ngoài ra, còn có nhiều dòng chảy với chiều dài vài Km như hói Sòng, hói Lạng, sông Con. Thành phố cũng có rất nhiều hồ đập, trong đó, hồ Trung Chỉ và hồ Khe Mây dung tích mỗi hồ gần 2 triệu m3, hồ Km6 (phường 4) dung tích 1,18 triệu m3. Khu vực phía Đông và phía Bắc thành phố là vùng đất thấp trũng, khi quy hoạch tôn nền, chỉ cần trừa lại 1 phần diện tích là có thể tạo thành hồ. Vì vậy, nên phát triển thành phố theo hướng đô thị sông – hồ để cải tạo điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Hồ Khe Mây, phía tây Đông Hà
6. Thành phố từng có rừng Cọ Dầu, nhưng qua phát triển đô thị, diện tích rừng Cọ Dầu đã bị thu hẹp đáng kể. Hiện nay, khu vực phía Tây Nam thành phố đang còn rừng Thông gần 50 năm tuổi, rất có giá trị cảnh quan sinh thái. Cần phải lên kế hoạch bảo vệ ngay từ bây giờ. Nếu không kiểm soát, việc phát triển đô thị sẽ hủy hoại những cánh rừng này.
Kè Sông Hiếu
7. Khi Quy hoạch đô thị theo hướng “Đô thị sông – hồ”, cần mở rộng thành phố về phía Tây, tiếp giáp đường cao tốc. Bởi khi cao tốc hình thành, phân khu chức năng phía Đông và phía Tây sẽ rõ ràng. Cam Hiếu, Cam Thủy (phần phía Đông cao tốc và phía Nam đường tránh phía Bắc) thuộc huyện Cam Lộ khi đó không còn phù hợp. Sông Hiếu, đoạn từ cầu Đuồi về Ngã 3 Gia Độ dài 16Km theo đường sông (12,1 Km theo đường chim bay), hiện đã có 6 cầu bắc ngang (kể cả cầu Đuồi), trong tương lai gần sẽ có thềm 3 cầu và đập kết hợp cầu, được triển khai xây dựng, hình thành nên đô thị ven sông.
(Nguyễn Long)