Quảng TrịTin tức

Xác định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên địa bàn Quảng Trị

Chiều 18/7, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với tỉnh Quảng Trị về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh.

                                                      Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc.

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở và UBND các huyện, thị xã và TP Đông Hà đã đóng góp nhiều ý kiến về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam qua địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng như vị trí đặt nhà ga.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, qua phân tích của Tư vấn, nhiều ý kiến của các Sở ngành và địa phương, hướng tuyến đi về phía Đông có nhiều thuận lợi trong kết nối đô thị, cả đường bộ, cảng biển, sân bay (đã được quy hoạch) cũng như tuyến Hành lang Kinh tế Đông- Tây… Nhưng hướng tuyến này cũng có nhiều tác động, nhất là GPMB và tái định cư rất lớn, đặc biệt là TP Đông Hà.

Ông Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị nên nghiên cứu hướng tuyến đi về phía Tây, vì sau này đô thị phát triển, các cụm công nghiệp, dịch vụ- thương mại cũng phát triển, kết nối với đường cao tốc Bắc – Nam sẽ hoàn thành. Đặc biệt, công tác đền bù, GPMB cũng thuận lợi hơn, chủ yếu đi qua đất lâm nghiệp… Còn vị trí nhà ga có thể khảo sát đặt ở đường Điện Biên Phủ, dù không gần cảng biển, sân bay nhưng gần trung tâm TP Đông Hà…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh trên nền tảng 2 phương án hướng tuyến Tư vấn trình bày cần nghiên cứu sâu. Cùng với đó, cần rà soát thêm về số liệu về GPMB, quy hoạch… của hướng tuyến phía Đông để so sánh cả về chiều dài, chi phí xây dựng… Thứ trưởng đề nghị Sở Xây dựng và các Sở ngành, địa phương của tỉnh Quảng Trị nghiên cứu thống nhất vị trí đặt nhà ga để đảm bảo tính kết nối, yếu tố phát triển không gian đô thị và thuận lợi trong việc xây dựng…

Sau buổi làm việc, Bộ GTVT sẽ so sánh nhiều yếu tố và có văn bản phân tích gửi cho địa phương, trong đó nêu quan điểm của Bộ để tỉnh có ý kiến. Trên cơ sở nền tảng 2 phương án trên sẽ lựa chọn 1 phương án tối ưu nhất.

Ông Hà Sỹ Đồng cho biết sau cuộc họp, UBND tỉnh sẽ có thông báo kết luận giao nhiệm vụ cho các Sở, ban ngành, địa phương… để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ. Sau đó, sẽ có hội nghị với sự tham gia của các đồng chí trong Ban Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND rồi có báo cáo lấy ý kiến chính thức từ Bộ GTVT để tiến hành công tác khảo sát lập dự án đảm bảo tiến độ.

Theo hướng tuyến phương án Tư vấn kiến nghị, đoạn qua tỉnh Quảng Trị có chiều dài 71,42km, qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TX Quảng Trị và TP Đông Hà. Điểm đầu tại Km 520+200 (xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh), điểm cuối tại Km 591+620 (xã Hải Chánh, Hải Lăng). Ga Đông Hà đặt tại phường Đông Giang (Đông Hà), diện tích khoảng 8ha; 1 trạm bảo dưỡng tại Cam An (Cam Lộ), diện tích khoảng 3,2 ha.

 

Nhà ga đường sắt Đông Hà hiện tại

 

Theo hướng tuyến theo nghiên cứu của VJC năm 2010, từ Quảng Bình, tuyến sang địa phận tỉnh Quảng Trị qua khu vực dân cư huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, đi về phía Đông TP Đông Hà. Sau đó, tuyến đi về phía Tây TX Quảng Trị, Hải Lăng và sang địa phận Thừa Thiên-Huế. Ga Đông Hà phía Đông TP, cách ga hiện tại khoảng 2km. Hướng tuyến này đi qua trung tâm thị trấn Ái Tử, đi gần QL1 nên khối lượng GPMB lớn… Còn phương án nghiên cứu mới của Tư vấn, ga Đông Hà đặt tại phường Đông Lễ, cách ga hiện tại khoảng 1,2km về phía Đông. Từ Quảng Bình, tuyến cơ bản chạy song song đường sắt hiện tại, cách khoảng 0,7-1,6km về bên phải, vượt qua các tỉnh lộ 75, 74, đi men theo hồ La Ngà, Kinh Môn, qua khu vực thưa dân cư huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.

Tuyến vượt đường sắt hiện tại và QL1 qua khu vực thưa dân cư, vượt tỉnh lộ 71, vượt sông Hiếu cách cầu hiện tại khoảng 1,5km phía hạ lưu và đi về phía Đông Đông Hà. Từ sau ga Đông Hà, tuyến vượt QL1 và đường sắt hiện tại, vượt sông Thạch Hãn tại cầu Thạch Hãn khoảng 1,6km phía thượng lưu, sau đó đi về phía Tây TX Quảng Trị, chạy cơ bản song song về bên phải đường sắt hiện tại và QL1 với cự ly khoảng 300-900m qua khu vực thưa dân cư huyện Hải Lăng. Đến cuối tỉnh Quảng Trị, tuyến vượt đường sắt hiện tại và QL1 đi về phía Tây, vượt sông Ô Lâu cách cầu Mỹ Chánh khoảng 300m phía hạ lưu và sang Thừa Thiên-Huế.

Phương án tuyến nghiên cứu mới có thể khắc phục được một số vấn đề như: hạn chế khối lượng đền bù GPMB do tuyến đi tránh thị trấn Ái Tử về phía Tây; vị trí vượt sông Thạch Hãn xa cầu Thạch Hãn của đường sắt hiện tại. Theo Tư vấn, phương án tuyến nghiên cứu bổ sung theo ý kiến của địa phương không đi qua khu vực đã phát triển, nhưng chiều dài tuyến lớn hơn khoảng 1,1km (dài 72,55km), qua khu vực địa hình khó khăn, địa chất phức tạp (ven hồ, gần đường dây 500kV…), khối lượng công trình cầu lớn dẫn tới chi phí xây dựng cao. Vị trí nhà ga đặt tại Cam Thủy (Cam Lộ) xa trung tâm TP, không thuận lợi cho hành khách tiếp cận, không có tiềm năng phát triển gắn kết. Sau khi làm việc với địa phương, Tư vấn đã nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến: vị trí ga Đông Hà đặt tại phường Đông Giang, cách ga hiện tại khoảng 3,3km về phía Bắc sông Hiếu. Hướng tuyến phía Bắc cơ bản theo phương án nghiên cứu mới của Tư vấn. Đoạn tuyến phía Nam qua Hải Lăng đi về phía Tây theo ý kiến của địa phương để phù hợp hướng tuyến kết nối với tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo đó, hướng tuyến Tư vấn đề xuất là từ địa phận Quảng Bình, tuyến đi qua vùng đồi thấp, đi về phía Tây đường sắt hiện tại, tránh các hồ Bảo Đài, La Ngà và đường điện 500kV. Tuyến vượt sông Bến Hải cách cầu đường sắt hiện tại khoảng 2,7km phía thượng lưu. Tuyến vượt qua tỉnh lộ 74, 75, tránh các hồ Kinh Môn, Hà Thượng, vượt đường sắt hiện tại và QL1 để đi về phía Đông, vượt tỉnh lộ 71 và tiếp cận ga Đông Hà tại phường Đông Giang. Từ ga Đông Hà, tuyến vượt sông Hiếu vị trí cách cầu của QL1 khoảng 1,3km phía hạ lưu, qua khu vực đất nông nghiệp, thưa dân cư phía Đông TP Đông Hà. Sau đó, tuyến vượt QL1 và đường sắt hiện tại, vượt sông Thạch Hãn cách cầu Thạch Hãn khoảng 1,6km về thượng lưu, sau đó đi về phía Tây TX Quảng Trị, chạy cơ bản song song về bên phải đường sắt hiện tại và QL1 với cự ly khoảng 2km. Đoạn cuối tỉnh Quảng Trị, tuyến vượt sông Ô Lâu cách cầu Mỹ Chánh khoảng 1,8km phía thượng lưu, sau đó sang địa phận Thừa Thiên- Huế.

Duy Lợi ( theo baogiaothong.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *