Khi thất thần anh gọi tên ai?!
Khi thất thần, ta sẽ gọi tên ai? Tôi đã thử hỏi vài người bạn. Hầu hết họ trả lời là gọi Sr Sky, tức là gọi ông trời! Có đứa “cà chớn” hơn, nó nói sẽ gọi thần Thor, hay Oh my Thor, đại loại thế.
Sự vụ xảy ra khi thằng bé đu vào tủ để giày bằng gỗ. Cái tủ và cả thằng bé cao chừng 1mét, nó muốn nhìn hay vói tay lấy món gì đó trên nóc tủ nên thò chân lên cái ngăn bên trong để đu lên. Dĩ nhiên là cái tủ bị nghiêng về phía nó. Thằng bé không biết cách buông ra, càng ghì chặt vào cánh cửa tủ. Khoảnh khắc nguy hiểm trước khi cái tủ thật sự đè bẹp thằng bé, nó kịp hét lên ba tiếng thất thanh: Ba baa baaa!!!
Mặc kệ mẹ nó đang đứng gần đấy. Mặc kệ ba nó đi làm suốt ngày và thời gian dành cho nó rất ít. Mặc kệ sự gắn kết đặc biệt và cơ bản giữa người mẹ và một đứa bé lúc 4 tuổi. Nó đã gọi ba. Không phải gọi mẹ, không phải gọi ngoại, và dĩ nhiên, lúc ấy nó chưa quen ông trời, càng không biết thần Thor là ai.
Mẹ của nó, là tôi, đã dùng hết tuổi thơ, tuổi thiếu niên của thằng bé để quan sát, suy ngẫm lại nguyên do vì sao ngày ấy, nó đã gọi ba nó chứ không phải gọi mình. Tôi đủ tình yêu cho con để không bị cảm giác ganh tỵ xâm chiếm. Thậm chí tôi rất mừng, vì mối dây thiêng liêng giữa họ đã có lúc hiển hiện, thật chính xác, trong khoảnh khắc thất thần.
Tôi đã thử hỏi vài người bạn câu hỏi này, hầu hết họ trả lời là gọi Mr Sky, tức là gọi ông trời! Có đứa “cà chớn” hơn, nó nói nó sẽ gọi thần Thor, hay là Oh My Thor, đại loại thế. Điều này thông thường và có vẻ thú vị, nhưng càng nghiệm lại những gì mình đã trải qua, đã chứng kiến, thì gọi trời (hay thần Thor) đôi khi chỉ là quen miệng. Và cơn hốt hoảng thất thần ấy, nếu gọi đúng mức độ của nó thì hết hồn là đủ rồi.
Khi tôi còn nhỏ, bà nội của tôi không cho chúng tôi kêu trời ơi, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Một nồi cá kho ngon, thơm phức xộc thẳng vào mũi ông anh vừa đi học về, bà nội cũng rầy không cho anh trời ơi. Một cái kẹp tóc màu đỏ do ông bác ở Sài Gòn mang về cho tôi, bà nội cũng rầy không cho tôi trời ơi. Nhưng ngay cả khi bàn chân ba tôi máu me đầm đìa bước vô nhà bà nội cũng không cho mẹ tôi trời ơi. Bà tôi kiên định nhắc nhở, bất kỳ giờ nào, chỉ cần lọt vô tai bà hai tiếng trời ơi là bà sẽ nhắc, sẽ rầy. Bà tôi cho rằng, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng gọi ông trời thì rất phí. Hãy cầu cứu ông trời cho chuyện đáng giá hơn. Nhưng mà, cho đến khi bà nhắm mắt, hình như không có chuyện gì là lớn đáng giá đối với bà cả. Chúng tôi chưa từng nghe bà kêu lên trời ơi!
Bà tôi có lẽ là một người biệt. Khi ra ngoài chơi với bạn bè, chúng tôi đã biết được rằng, gọi trời ơi là một… khoái cảm. Nó làm tăng thêm mức độ trầm trọng hay hoan hỷ của sự vụ, và thật diệu kỳ, trong nhiều trường hợp, nó lại là một liều thuốc giảm đau. Chúng tôi quen dần việc giữ miệng khi có mặt bà, còn khi ra ngoài thì… xả kèo. Bạn bè sao chúng tôi vậy.
Bà tôi có vài ngày cuối đời mê sảng. Nếu đúng như quan niệm của bà, và những hiểu biết sơ đẳng của chúng tôi, thì trong những cơn đau tột đỉnh ấy, bà đã có thể thốt lên trời ơi. Chắc chắn, nó sẽ không phí. Nhưng không, bà vẫn không gọi ông trời. Bà tôi đã gọi tên người em trai đã mất của mình! Bà gọi suốt đêm trong vô thức.
Bạn thấy không, hình như có một vòng quay rất tròn của niềm tin. Con trai tôi khi chưa hiểu được trời đất là gì, thì ba nó là trời. Nó tin vào người đàn ông mạnh mẽ ấm áp đã cho nó một hình hài. Ba ơi đối với nó, là trời ơi đối với chúng ta. Còn bà tôi, cho đến khi sắp sửa lìa đời, thì tình thân, tình chị em ruột thịt mới là thứ có sức nặng đáng giá cuối cùng. Bà tôi vẫn kiên định không kêu trời, thay vào đó, là tên một khúc ruột liền mạch của mình.
Hai câu chuyện rời, hai nhân vật có vẻ như rất cách xa, đã diễn ra trước mắt tôi lâu rồi, nhưng tôi chưa từng nghĩ nó lại giống nhau đến vậy.
Tôi, hay chúng ta, đang ở giữa khoảng cách của một đứa trẻ lên bốn và một người bà sắp sửa lìa đời của nó. Khi thất thần, từ trong vô thức phát ra, thì dường như tình thân, chính tình thân mới là thứ đáng tin cậy nhứt. Tôi, hay chúng ta có phải đang bị nhiều thứ giăng mờ và ông trời, như một mặc định của niềm tin, là hoàn toàn không ý nghĩa? Đây là chuyện của tâm lý hay tâm linh? Tôi nghĩ mình không đủ trình độ để giải thích. Tôi thực sự cũng không dám coi thường ông trời. Nhưng mà nhớ lại, cách đây ba năm, khi đang cuộn vào lòng mình những đớn đau chưa từng đó, thì hai tiếng MẸ ƠI tôi đã thốt lên đầu tiên.
Tác giả : Bích Câu (theo kiến trúc và đời sống)