Cà phê với Kiến

Hàng xóm

Vậy đó, khái niệm hàng xóm dường như đã thay đổi. Nó không hẳn phải cách nhà ta một hàng dâm bụt hay hàng tre xâm lược. Không cần cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn hay để có dịp nào đó, đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Hàng xóm chỉ giữ lại duy nhất chữ “gần”, một chữ gần hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn chủ quan của mình.

Tôi đoán chắc là, ngôi nhà tuổi thơ mình sẽ là điểm tìm kiếm đầu tiên khi người ta bắt đầu mò mẫm sử dụng công cụ Google Earth. Chị em tôi không ngoại lệ, cảm giác nhìn được mái nhà thân yêu của một thời tuổi thơ mình, nơi ba mẹ chúng tôi hiện vẫn đang sống ở đó làm hai chị em thích thú và xúc động vô cùng. Chúng tôi lần tìm những ngôi nhà kế cận, đây là nhà chú Hưng, đây là thánh thất, đây là nhà bác Năm, nhà anh Khỉ, nhà cô Hường… Hồi nhỏ chị em tôi long rong chơi ở đâu thì cứ thế mà lò dò làm một cuộc rong chơi y như thế nhờ đôi cánh của anh Google. Tàn cuộc quay về, cả hai dường như cùng thốt ra một lúc, à há, sao xóm mình bây giờ nhìn từ trên cao xuống cũng xám ngoét như phố vậy ta!
Ngồi ngẫm ra mới nhớ, hầu hết hàng rào dâm bụt ngày xưa bây giờ đã biến thành hàng rào kẽm gai cả rồi. Nhà nào khá khá hơn một chút thì xây gạch dưới lên cỡ 60 phân rồi thì giăng thêm lưới B40, cao cấp hơn nữa thì xây gạch hoàn toàn, cao có khi cả hai mét, ở ngoài vô phương thấy gì. Ở bên trong, gia chủ có cảm thấy an toàn hơn không, điều này tôi không thể biết.
Hàng xóm đầu tiên mà tôi quen, là nơi tôi hay lách người qua hàng chè tàu, trốn ngủ để chơi thắt sỏi với chị Thuý. Ranh đất bên phải nhà tôi và nhà Thuý chính là một hàng chè tàu, có chỗ, độ dày của lằn ranh này um tùm đến cả thước. Ở dưới gốc, chỗ nào đám con nít và… chó chui qua lại nhiều thì đất chỗ đó nhẵn thín, đảm bảo không có nhành cây vô trật tự nào thò ra móc rách lưng áo cả. Cứ vài tháng một lần, ông tôi lại dùng cây kéo chuyên biệt của mình để cắt cho hàng rào thấp lại. Gì thì gì, chúng không được phép cao hơn vai người. Chi vậy ông? Thì để thấy nhau rồi chào nhau một nụ cười chớ chi con! Vụ chào nhau một nụ cười đó, cuối cùng, Thuý trở thành chị dâu của tôi. Ông nội tôi coi đủng đỉnh vậy mà “thâm nho” thật!

 

 Minh họa : Left Studio

 

Nhưng mà, không phải hàng xóm nào cũng đáng cho mình quý nhau để mỗi ngày muốn chào nhau một nụ cười, nhất là với nhà thằng Hải, ngay sát bên trái nhà tôi. Sau này, Nhà nước đo đạc để cấp lại bằng khoán đỏ, xác định lại ranh đất rõ ràng thì ba tôi quyết định xây luôn một cái hàng rào gạch ở bên trái nhà. Cả nhà tôi nói vui với nhau là “trồng cây ximăng, kết thúc mấy mươi năm xâm lăng của địch”. Nội tôi kể, lúc mới dọn về, ông cũng muốn trồng một hàng chè tàu làm ranh đất như với nhà Thuý, chủ yếu để tầm nhìn mình thoáng đãng thôi. Nhưng ông nội thằng Hải không chịu rồi ngay hôm sau vác tre về trồng. Tre mỗi năm mỗi lớn, cây măng nào mọc bên đất họ thì họ chặt ăn hết, măng nào nhú lên trên đất mình thì họ để thành tre. Hàng tre ăn dần ăn dần từng tấc đất. Tới ngày nhà tôi giật mình xem xét lại thì cái giếng đã nằm ngay trên ranh đất, trong khi ngày xưa, lúc mới dọn về, ông tôi cho đào cách ranh đất gần hai mét. Ông tôi có nói chuyện với họ một lần, không phải để giành lại phần đất bị tre liếm mất mà với loại hàng xóm này, ông muốn minh định lại một lần nữa cho rõ ràng chủ quyền đất ở của mình. Lấy cái giếng làm mốc, hy vọng dăm mười năm sau nữa, cái giếng của nội tôi không mọc chân mà đi bộ vô đất nhà thằng Hải mà ngồi.
Giờ tôi ở chung cư, những câu chuyện kia dường như đã thuộc về một thế giới khác hẳn. Hàng xóm của tôi dĩ nhiên không phải hàng xóm chè tàu hay hàng xóm gắn chân cho giếng. Dân ở chung cư hay gặp nhau ở nhà xe, thấy ưa thì cười chào một cái, không ưa thì thôi, xe ai nấy lấy rồi nổ máy vọt nhanh ra đường. Có những người, biết mặt cũng hơn mười năm nhưng chưa bao giờ có hứng để cười với nhau một nụ, dù rằng, họ chạy xe gì, con họ học trường nào, mấy đứa, trai hay gái lớn nhỏ gì mình biết, nhưng không chào là không chào. Không chào vì mười năm trước đã trót không chào. Bây giờ có chào cũng chỉ là chào, nên thôi… Tôi hay lăn tăn ngại ngần nghĩ mình tệ quá, nhưng hình như, thấy ai cũng vậy, thôi thì thở dài…
Câu thành ngữ bán anh em xa mua láng giềng gần có lẽ là câu nói hay nhất để nói lên tầm quan trọng của một người hàng xóm. Có một hàng xóm xấu, quả thật là mệt! Tôi đã thấm thía điều này khi ba năm đầu dọn nhà về đây, căn nhà kế bên là một ổ tội phạm. Tôi hèn nhát không dám “méc” công an vì lúc ấy con tôi còn nhỏ quá, sợ bị trả thù. Đó là hàng xóm, nhưng tôi sợ phải nhìn mặt, đi đổ rác nghe tiếng chân người cũng giật mình. Nỗi ám ảnh khiến tôi luôn thấy bất an dù đang ở trong ngôi nhà của mình. Chịu hết nổi, tôi tính chuyện sẽ gặp anh công an khu vực một bữa thì hên quá, anh “vác xác” tới, nhờ tôi hợp tác, cho vài anh chìm nổi gì đó ngồi trong nhà tôi để “rình” bên kia. Hai tuần sau, đám tội phạm ấy biến đâu mất sạch, chủ nhà đăng bảng bán nhà. Tôi mừng hết biết.
Bây giờ sống cảnh “thái bình”, tôi có một hàng xóm dễ thương, thỉnh thoảng xin nhau trái ớt trái chanh, đi đâu xa về cũng mang cho nhau ít quà bánh. Cảm nhận môi trường mình ở nhẹ nhàng hơn hẳn, và điều này, quả thực là hên – xui. Bởi việc mua một căn hộ ở thành phố là một chuyện hệ trọng, yếu tố hàng xóm thường là yếu tố được xét sau yếu tố giá cả, sau khoảng cách địa lý và sau hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình. Câu chuyện Mạnh mẫu thời xưa ba lần dời nhà để dạy con nói lên tầm quan trọng của môi trường xã hội đối với sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ. Tôi không dám bàn đến chuyện quyết tâm dời nhà hết lần này đến lần khác của bà là có thật sự cần thiết, bởi, người xưa cũng từng nói, một lần dời nhà bằng ba lần cháy. Câu chuyện đã được hiểu một chiều từ bao đời nay, và tôi quyết đoán rằng, thời này, bà mẹ nào mà làm theo Mạnh mẫu thì tốt hơn hết, ngay từ đầu, hãy dọn lên… cung trăng mà ở! (ơ mà, có khi cũng không ổn, vì cung trăng có anh Cuội, anh này cũng nói dóc quá xá!). Việc giáo dục con cái, trước hết, phải bắt đầu từ trong gia đình, sau đó, mở rộng ra ngoài bằng cách mở lối cho con bằng những con đường đẹp. Hàng xóm, ở khía cạnh nào đó, là một tấm kính chắn đầu tiên để ta nhìn ra xã hội. Nếu biết đó là tấm kính đục, phân tích cho con cái hiểu rồi đổi hướng, vậy thôi.
Nhớ hồi tôi đổi chỗ làm, một nhóm bạn bè mới được thiết lập. Trong đó, có một người mà sau này, chúng tôi gọi nhau là hàng xóm. Mỗi lần cơ quan tụ tập đi chơi, hàng xóm ghé chở tôi đi để lỡ có về khuya thì chở tôi về cho an toàn, hoặc nếu tôi bệnh, hàng xóm là người mang giấy xin nghỉ phép vào cơ quan giúp. Cơ quan có gửi giấy tờ, tài liệu gì ngoài giờ thì gửi đứa này coi như gửi đứa kia. Đồng nghiệp có người xuýt xoa, tụi bây ở gần tiện quá. Tôi cười, ừ, có hàng xóm cũng đỡ (trong đầu thì cười khà khà, nhà hàng xóm này cách nhà của tôi có… 3km chứ mấy!).
Vậy đó, khái niệm hàng xóm dường như đã thay đổi. Nó không hẳn phải cách nhà ta một hàng dâm bụt hay hàng tre xâm lược. Không cần cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn hay để có dịp nào đó, đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Hàng xóm chỉ giữ lại duy nhất chữ “gần”, một chữ gần hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý muốn chủ quan của mình. Sát vách mà muốn xa, thì cho xa (để khỏi phải lấy giàn thun bắn rụng mấy trái xoài nhà thằng Hải đáng ghét cho bõ tức). Còn cách 3km mà muốn gần, thì mình cứ gọi là hàng xóm. Nhẹ hều, như chào nhau một nụ cười trong mỗi sớm mai.

Tác giả : Trương Gia Hòa 
(theo kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *