Kiểu mặt tiền nào bị “sát chủ” ?
Hỏi : Là một công ty thiết kế, xây dựng, chúng tôi đang gặp một vài khách hàng rất lo lắng về phong thủy nhà họ, đòi thay đổi phương án thiết kế mặt tiền do họ cho rằng kiểu ô văng cửa sổ mà chúng tôi thiết kế là kiểu “nhà sát chủ”. Thông tin này xuất hiện từ vài trang mạng nói rằng kiểu mặt tiền hay cổng có dạng chữ L là đao trảm sát hay đoạn hổ sát gì đó, khiến gia chủ gặp tai nạn hoặc thậm chí mất mạng như vài vụ thảm án xảy ra gần đây. Nay chúng tôi xin hỏi quý báo: có nguyên tắc phong thủy nào cho mặt tiền nhà không, và chúng tôi nên giải thích với một số gia chủ đang lo sợ về mặt tiền được cho là “sát chủ” đó như thế nào? (Phạm Thành Nhân – Sài Gòn)
Trả lời :
Thứ nhất, cần thấy rằng những kiểu bài viết dẫn nguồn ở trên mạng thiếu căn cứ khoa học sẽ tạo ra thông tin không nghiêm túc, góp phần khiến tâm lý gia chủ hoang mang, bất an. Nếu đó là các báo có chuyên môn cũng không thể chấp nhận về mặt nghề nghiệp truyền thông, vì làm vậy là ăn theo sự kiện, câu khách giật gân… một cách thiếu lương tâm, là kiểu thấy nhà người ta bị chuyện này kia thì bới móc tưởng tượng rồi suy diễn ra.
Sau hai vụ thảm sát, cách xử lý hợp lý như chi tiết lam cửa sổ ở trên khiến nhiều gia chủ e ngại.
Thứ nhì, những từ ngữ ở đâu đó gọi rằng thế chữ L là đao trảm sát hay đoạn hổ sát… thực ra chỉ là kiểu sao chép từ ngữ “ăn theo” một số câu chữ mà vài phái phong thủy hình thế ở Hồng Kông, Singapore hay dùng mà thôi. Và sự khác biệt cơ bản còn nằm ở chỗ, kiểu chữ L đó là tên gọi hình thế trên mặt bằng, do đường sá rẽ ngoặt tạo nên góc di chuyển gắt đâm vào nhà. Chứ hoàn toàn không có tư liệu nào chính thức diễn giải phong thủy thế chữ L dùng cho mặt đứng. Để xác định cát hung một ngôi nhà cần cái nhìn phân tích và tổng hợp đầy đủ, dân gian quen gọi là xem tướng số, còn khoa học phong thủy gọi đó là xem xét hình thế.
Tướng và số của nhà
Dĩ nhiên đây không phải là “tướng số” theo kiểu bói toán dị đoan, mà là thuật ngữ khoa học phong thủy chỉ hai phần liên quan chặt chẽ với nhau của ngôi nhà. Phần tướng là những cấu trúc thuộc về xây dựng, trang trí, chi tiết… để tạo nên dáng vẻ bề ngoài, còn phần số là các phép tính toán liên quan đến hướng, mệnh trạch tương phối với gia chủ cũng như các kích thước xây cất, thông số tiềm ẩn bên trong. Có thể ngôi nhà (dù xây sẵn hay tự xây, dù có thiết kế hay không) được phần tướng (hình thức) đẹp, kết cấu vững chắc, vật liệu đắt tiền, nhưng không phù hợp với đặc tính cuộc sống của gia chủ, không hài hòa cảnh quan chung quanh, sai phương vị và các kích thước (như vị đặt bếp, kích thước cửa…) thì chỉ được tướng mà hỏng số. Ngược lại, dù phần số có tính toán chi ly mà không đủ điều kiện xây dựng hoàn thiện, làm sai kỹ thuật hoặc vật liệu thiếu tính bền vững thì phần tướng cũng không ổn, từ đó kéo theo trường khí ngôi nhà suy vong. Quan niệm “hình thức đi cùng với nội dung” luôn cần chú ý. Về mặt phong thủy có thể hiểu rằng tướng và số là hai phần khó tách rời của mỗi ngôi nhà, không thể quá xem trọng cái này bỏ cái kia. Do hình thức có thể điều chỉnh được nên khi mua hoặc xây nhà trước hết cần quan tâm đến các thông số tiềm ẩn (như hướng nhà, vị trí, hạ tầng chung quanh) có gì bất lợi với gia chủ hay không. Sau đó cân nhắc các điều kiện về kết cấu, kỹ thuật, hoàn thiện… để điều chỉnh phần hình thức cho thích hợp. Nếu là nhà cũ cải tạo thì phần hình thế thường phức tạp hoặc không còn phù hợp nhu cầu hiện tại. Phải xác định cải tạo về thế quan trọng hơn về hình.
Trình tự xem xét hình thế ngôi nhà
Trở lại câu chuyện kiểu nhà trên mặt tiền xuất hiện chữ L liệu rằng có phải “sát chủ” hay không, vấn đề nằm ở thứ tự xem xét trước sau, cái gì là cơ bản, là quan trọng. Cứ cho rằng kiểu cửa sổ hay mái có phần viền trên hình chữ L là bị “phạm” vào một điều gì đó thuộc phong thủy (nhiều người kiêng kỵ dạng nóc mái chữ A đâm vào, hay kiểu nhà kiêng kỵ ngã ba…) thì chắc chắn điều “phạm” đó không phải là điều cơ bản. Bởi vì phong thủy một ngôi nhà phải xét từ xa đến gần, từ cơ bản đến chi tiết, chứ không ai xét một cái chi tiết mái hay cửa sổ mà kết luận.
Xa, là nhìn thế đất, vị trí tọa lạc, sông núi, đường sá, chợ búa… nói chung là về mặt quy hoạch. Khi có ngã ba, hay đường cong, gấp khúc theo dạng “đâm” vào cửa chính (chú ý là đại môn, nạp khí, chứ không phải mấy cái cửa sổ) thì mới có thể gọi là thế bất lợi cần chỉnh sửa.
Gần, là đến ngay ngôi nhà, miếng đất để xem rộng hẹp, tóp hậu nở hậu làm sao, đứng trong nhà nhìn ra có thấy cái gì “đâm” vào nhà mình không, nếu dù có mà trong phạm vi quan sát không thấy thì dân gian ta quen nói rằng “khuất mắt, không kể tốt xấu”. Do đó, nếu có sợ hình thế hung hiểm (dù chỉ thuần về mặt tâm lý) thì lẽ ra phải sợ những chữ L “đâm” vào nhà mình từ bên ngoài, chứ không phải là cái cổng hay cái ô văng của chính nhà mình có hình gì.
Và quan trọng hơn, đó là bản chất việc nhìn hình dáng để đánh giá tốt xấu (gọi là xét hình thế định cát hung) chỉ là một trường phái, một cách xem phong thủy cơ bản và sơ đẳng nhất, ở cấp “phổ thông” nhất mà thôi. Phong thủy hiện đại, với trợ giúp của khoa học và thông tin thuận lợi, luôn là sự kết hợp các yếu tố thiên địa nhân, và chuyện chữ L hay hình thù gì trên mặt tiền chỉ rất phụ, rất nhỏ, đến mức không giữ vai trò gì về phong thủy cả. Nếu quá trình thiết kế xây dựng mà gia chủ không an tâm thì có lẽ nhà chuyên môn đành phải xử lý theo kiểu nhân tâm tùy thích. Gặp gia chủ thích chi tiết đó thì dùng, nếu e ngại thì bỏ, chứ tốt xấu về phong thủy và đẹp xấu về thẩm mỹ cũng không thể phụ thuộc từ chi tiết chữ L đó được. Thực tế có rất nhiều công trình đẹp, hiện đại, bền vững… lâu nay đã xử lý mặt tiền có nhiều chi tiết dạng chữ L khá phù hợp và mang tính thẩm mỹ cao.
Nói cổng nhà hình chữ L ngược mang điềm xấu là suy diễn. Chính vì thế những “đổ lỗi” cho thế nhà hay thế cổng như một số ý kiến phân tích chỉ là những suy diễn vô căn cứ, không khoa học, gây đau khổ thêm cho gia đình người bị nạn và tác động xấu đến xã hội.
(KTS Hà Anh Tuấn – Kiến trúc và đời sống)