Chợ Thuận trong tôi
Chuyện chợ mới, hẳn sẽ có người vui kẻ buồn. Nhưng mình tin người buồn sẽ nhiều hơn, nhất là những người xa quê khi trở lại, chẳng thể tìm được cái hồn vía của chợ xưa nữa.
Nói về chợ Thuận (cũ). Mình rất tự hào khi chợ Thuận nằm ngay ở đầu làng Phúc Lộc của mình. Để rồi mỗi lần mình đi mô xa về đều phải qua chợ Thuận, thấy người ta bán bán mua mua thân thương. Hồi đi học ở Huế mỗi lần về tới thị xã Quảng Trị, nếu bắt xe ôm thì chỉ cần nói về chợ Thuận là người ta biết ngay. Thậm chí cái lần mình bắt taxi ở sân bay Phú Bài (Huế), nói cho ra chợ Thuận ngoài Quảng Trị mà tài xế cũng biết. Thế mới hay chợ Thuận của mình nổi tiếng.
Chợ Thuận gắn bó với người quê mình từ bao đời. Mỗi đứa trẻ nít sinh ra lớn lên đều chịu ơn chợ Thuận, từ cái ăn cái mặc hằng ngày cho đến các trò chơi ngày tết. Chợ tết nhộn nhịp đông vui. Vừa đi vừa chen lấn vừa phải… tránh bùn lầy. Những năm trời mưa, người đi chợ phải mang bốt ủng, lội ùng ục giữa bùn lầy mà vẫn tươi cười. Đúng là vui như tết.
Nhớ mấy cái quán tre liêu xiêu, cứ ngỡ vịn tay vào là quán đổ, thế mà qua mưa qua nắng vẫn chẳng sập. Nét quê chợ Thuận rất rõ ràng, hàng quà bán ở đây đều thể hiện tập tục sống và ẩm thực của dân trong vùng. Các cụ già ở quê thích hút thuốc lá vấn có thể tìm tới quầy bán lá thuốc. Nói quầy cho oai nhưng chỉ có một cái sạp tre, bên trên trải tấm nilon bầy ra vài cuốn lá thuốc. Hẳn sẽ có người bảo, bán như rứa lãi lời được mấy đồng? Đúng, rứa mới là chợ Thuận.
Ai ưa ăn quà vặt thì vào cái đình giữa chợ. Có bánh ướt, bánh lọc, bánh nậm, chè cháo bún. Khói xông lên mùi thơm thịt giò quyện với lá rau màu hành tỏi. Cữ trời lành lạnh đi chợ ngửi thấy ai cũng nuốt nước bọt thèm thuồng. Khách ăn ngồi trên cái ghế đẩu xì xụp tô bún nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn. Hoặc có khi ngồi chồm hổm mà ăn mới sướng!
Chợ tràn ra cả ngoài đường. Người quê trong vườn có thứ gì đều đem ra bán. Có khi chỉ vài ngọn rau chỉ đủ nấu một bữa canh, vài quả cau xanh, ít cọng lá ném cũng đều đem ra bán. Ai không biết cứ ngỡ đấy là bán lộc xuân, nhưng sống ở đây mới biết, người quê mình cơ cực nên chợ quê chắt chiu từng đồng bạc lẻ vậy thôi.
Hình ảnh các cụ già móm mém nhai trầu, đầu tóc bạc trắng bán hàng gia vị đã trở nên thân thuộc. Chỉ cần một góc nhỏ đủ quây chiếc mẹt nống mà bầy ra la liệt trên đó bao nhiêu thứ hàng.
Qua chợ mới, có lẽ các cụ sẽ chẳng thể tìm được chỗ để bán hàng, vì giá các quầy lô đều từ mười mấy triệu trở lên, ngần ấy tiền các cụ lấy mô ra? Hẳn các cụ sẽ mất chỗ ngồi bán, và người đi chợ sẽ có chỗ trống trong tâm hồn mình.
Tác giả : Hoàng Công Danh