Xưa & Nay

Hồ cá Phường 2 – câu chuyện thăng trầm dần khép lại.

 Viết về hồ cá phường 2 Đông Hà
Bây giờ, mùa hè, ở Đông Hà, trời nóng lắm, nhiều ngày liên tiếp nhiệt độ lên trên 40ºC. Dân cư đông đúc, không khí ngột ngạt, ai cũng ước ao ngồi bên mép nước, dưới bóng râm của một tán cây rộng.
Người ta nghĩ đến những cái hồ, những công viên.
Ở quê mình – làng Điếu Ngao xưa, nay gọi là phường 2, thời gian gần đây, trong những dịp họp mặt đông người: tiệc cưới, tiệc “khẵm tháng”, họp bạn đồng niên, lễ hội làng, hội nghị thanh niên, hội nghi phụ nữ, hội nghị nông dân, bài hát “Hồ cá quê em” được trẻ già cất lên rộn rã.
“Mặt gương soi hay là mặt hồ.
Hồ nuôi cá hay là công viên.
Hồ cá quê em, mỗi chiều về, đàn cá tung tăng như đàn bướm.

Này anh ơi! Có về Đông Hà, mời anh ghé thăm phường 2 em.
Hồ cá quê em mỗi chiều về, đàn cá vây quanh bóng em.
Vì ai, em nắng mưa không ngại.
Vì phường 2, em thức khuya dậy sớm.
Quê em nặng tình yêu thương,
Đang đi lên ngày càng ấm no.
Vì phường 2, lòng em thêm lâng lâng,
Mặt hồ soi nắng càng thêm xinh.
Mặt hồ soi bóng hai chúng mình.”.


Mình sinh ra và lớn lên, sống gần trọn đời tại làng Điếu Ngao, nghe bài hát này, tự nhiên trong lòng dậy lên những cảm xúc bùi ngùi về thân phận cái hồ … nổi trôi, kém may mắn.
Cái hồ cá nằm sát quốc lộ 1 về hướng đông , cách chợ Đông Hà khoảng 300 mét về hướng nam.

yuytutuyt

Vị trí hồ cá Phường 2 – Đông Hà

Xưa kia, mạn tây làng Điếu Ngao là một vùng đồi nhấp nhô xen kẽ những thung lũng nhỏ (người ta gọi là “trọt”).
Cách khu dân cư làng khoảng 300 mét, có một cái hồ không biết tự nhiên có hay do đào vét. Hồ hứng nước từ những trọt chảy về. Dân làng chận lại, rồi xả dần tưới ruộng. Làng không gọi là cái hồ mà gọi “cái đập”.
Đập ít khi cạn hẳn. Ngoài chức năng thủy lợi, đập còn là nơi trâu bò uống nước vào mùa khô hạn. Và trong mùa mưa, cá từ các khe suối bên trên theo dòng nước tập trung về hồ trước khi đi tiếp về đồng ruộng, ao hồ của làng, để cuối cùng ra sông ra biển. Chính quyền cho đấu “đơm cá trộ” để thêm nguồn thu công qũy. “Trộ” là nơi đặt “đó” hay “lờ” hứng cá trôi theo dòng nước chảy. “Trộ” được phân bố rải rác từ cống xả “đập” cho đến hết đồng làng.
Cá sống ở “đập” còn được đánh bắt qua hình thức “phá đập”. Vào mùa hè, nước “đập” cạn, lội chỉ ngang đầu gối trở xuống. Một ngày nào đó, làng báo tin “phá đập” cho dân thu vét cá. Dân làng, người “rập”, kẻ “nơm” ùa một lúc xuống nước; nơm rập lên xuống vài vòng, quậy nước bùn lên, con cá nào không vào nơm vào rập cũng phải nổi vì “xót mắt”, trồi lờ đờ trên mặt nước; những người “bắt bộ” có dịp trỗ tài.
Đất nước thống nhất, chính quyền vận động nhân dân đào rộng cái đập ra thành cái hồ; diện tích hồ bao gồm diện tích cả cái đập cộng thêm diện tích đồng ruộng vài mẫu bên cạnh, lấn lên cả khu nghĩa địa của làng sát QL1. Công việc đào kéo dài đến 2, 3 năm. Không khí lao động trên công trường đượm tính thi đua, … hồ hởi phấn khởi; cờ xí rợp trời, loa phóng thanh oang oang, động viên, thúc giục bằng những điệu nhạc, bài hát, bản tin cập nhật.
Mục đích đào hồ là vừa để chứa nhiều nước hơn để tưới ruộng, nuôi cá, vừa làm cho cảnh quan phố thị Đông Hà tươi đẹp. Cũng có thể là để tạo cơ hội buổi đầu cho nhân dân làm quen với lao động tập thể, lao động xã hội chủ nghĩa, lao động cộng sản chủ nghĩa.
Hồ đào xong giao cho hợp tác xã Điếu Giang (làng Điếu Ngao) sử dụng khai thác. Hợp tác xã lấy nước tưới ruộng, nuôi cá. Nước hồ chỉ chống hạn được vụ lúa Đông Xuân, không đủ để canh tác vụ Hè Thu. Còn nuôi cá thì rất thuận lợi; nhờ nguồn chất thải của cư dân mạn trên hồ trôi xuống, cá không cần cho ăn mà chóng lớn.
Đến cuối thập kỷ 1980, sáng kiến “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” được nghĩ đến; chính quyền cho lấp 1/3 hồ dọc sát quốc lộ 1, chia lô bán đấu giá cho những người có điều kiện xây phố.
Dãy phố mọc lên, che khuất hồ nước.

hiepmko0947ffol-16

Dãy nhà phố (bên phải) được xây dựng sau khi lấp hồ. Ảnh : Thành Dũng

Đáng lẽ phải dành đất làm một con đường ngăn cách mặt sau dãy phố với bờ hồ; như vậy, nước hồ sẽ tránh khỏi bị ô nhiễm nặng và việc kiểm soát an ninh trật tự sẽ dễ dàng. Đằng này, người ta quá “tiết kiệm” đất. Phố xây sát mép hồ; có nhà còn chồm lên mặt nước; chỗ này lồi ra, chỗ kia thụt vào, gạch vữa, rác rưởi nằm lòng thòng, .trông rất nham nhở.
Ở những thành phố lớn, tình trạng lấn kênh mương, bờ sông, bờ hồ … qua thời gian khiến nguồn nước ô nhiễm, hôi hám, làm mất vẻ đẹp đô thị. Nhà nước, trong những năm gần đây, đã tốn nhiều công sức, tiền của đền bù giải tỏa, kiến thiết đường sá dọc 2 bên bờ sông, bờ kênh, bờ hồ … trả lại sạch sẽ cho môi trường. Sao người ta không lấy đấy rút kinh nghiệm trong việc thiết kế những đô thị mới như Đông Hà?
Do tình trạng dãy phố mọc lên như thế, việc nuôi cá của hợp tác xã Điếu Giang khó quản lý. Việc chăm sóc hồ buông lỏng; việc nuôi cá phó thác cho trời; khi nào cần tiền, thuê ghe thả lưới đánh bắt vài mẻ, thế thôi! Bèo to lá, từ đâu lạc vào, sinh sôi nẩy nở, chằng chịt mặt hồ.
Rồi một trận mưa lớn gây lũ vào ngày 20/9/2004 làm vỡ cái ngầm cống xả, nước đột ngột ùa về ngập vùng phía dưới hồ, may mà không gây thiệt hại mấy cho nhân dân. Cá được giải phóng, hí hửng tìm sông tìm biển mà đi.
Nước hồ khô cạn, hợp tác xã không có tiền hàn lại chỗ vỡ, phục hoạt lại hồ. Hồ để hoang, hết chứa nước và hết thả cá. Cỏ dại mọc um tùm trong lòng hồ.
“Trời sinh đất dưỡng”, đất phải sinh lợi để nuôi dân. Đất quý lắm, đặc biệt ở đô thị, thế mà ở đây, đất để lãng phí. Tội nghiệp quá!
Năm 2009, mương dẫn nước thải thành phố Đông Hà ra sông Hiếu xây đi ngang giữa hồ. Mương bằng bê tông đậy kín chạy giữa cỏ dại, ẩn hiện như một con rắn khổng lồ.
Trong tương lai, chắc chắn hồ không còn nữa. Nghe nói hồ sẽ được lấp để xây phố, xây nhà. Nghĩ mà tức cười. Thành phố Đông Hà, nơi thời tiết khắc nghiệt, rất cần nhiều hồ nước để điều hòa khí hậu. Vậy mà một cái hồ đã mất nhiều công sức đào lên lại sẽ phải mất nhiều công sức lấp đi, đúng là “đào sâu nhọc lấp”!

index

Sau khi mất gần 2 đến 3 năm đào hồ nhưng để lấp thì chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhạc sĩ Thanh Ngọc, người viết bài hát “Hồ cá quê em”, ăn làm sao nói làm sao với khách tham quan Đông Hà về lời mời trong bài hát: “Này anh ơi! Có về Đông Hà, mời anh ghé thăm phường 2 em. Hồ cá quê em mỗi chiều về, đàn cá vây quanh bóng em”.
Còn dân phường 2 dạo này đi đâu cũng hát bài này. Hát để mua vui hay hát để thương khóc cho một cảnh đẹp quê hương chưa thành hình đã vội biến mất?

p.s : Khu vực Hồ cá phường 2 – Thành phố Đông Hà đã được quy hoạch thành khu chợ đêm, phố đi dạo và một nhà hàng tiệc cưới.

11/5/2012 (21 tháng tư Nhâm Thìn)
Tác giả : Lão Gàn Hoàng Đằng

(Trích từ tập “Viết về quê tôi Đông Hà” )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *