Cà phê với Kiến

Cửa nào ngăn được lòng tham?

Trong một trường nghĩa nào đó, “bước ra khỏi cửa” luôn được xem là bước ra khỏi nhà, dù có khi, người ta vẫn còn đứng ở hàng hiên, ở sân gạch, ở bụi tre… chứ là chưa đi hẳn. Cửa, là ranh giới của an toàn và nguy hiểm. Đóng cửa lại, mọi xô bồ chụp giật ở ngoài hết, ta chỉ còn lại chính mình và những người thân. 

1.
Khi con trai bắt đầu giương đôi mắt tròn xoe tìm hiểu vạn vật xung quanh, bạn nhủ lòng, trước hết, mình phải người thầy đầu tiên mang đến cho con những “kiến thức căn bản nhất”. Ví dụ như cái gáo múc nước cây thước đo vải cây cải mần dưa cái cửa để… mở. Nếu muốn “bác học” hơn, bạn sẽ nói thêm đó là thứ là vật để người ta ra – vào để người ta đóng – mở các kiểu vân vân. Nghĩ sao làm vậy, để khởi đầu “tiết học” nhẹ nhàng nhí nhảnh và vui nhộn, bạn đứng tư thế người mẫu, chỉ vào cánh cửa phòng ngủ màu xanh bơ hỏi con: đố bé con của mẹ, cánh cửa này để làm gì? Câu trả lời của đứa con trai ba tuổi khiến nhà bạn có thêm hai đôi mắt tròn xoe của người lớn nữa! Nó nói: Cái cửa dùng để chơi trốn tìm với Út!
Ừ nhỉ, cửa để chơi trốn tìm chứ gì nữa. Ai mà chưa từng một lần đứng nép sau cánh cửa để trốn một ai đó. Và như thế, cánh cửa luôn là nơi mở ra một tràng cười nắc nẻ. Những cánh cửa tuổi thơ luôn chứa đầy tiếng cười. Nhà càng nhiều trẻ con thì cửa càng vui. Chúng đùa giỡn, chạy nhảy đóng mở sầm sập. Có khi còn đu lên đó, một đứa đứng dưới ra sức đẩy một phát cho cửa quay một cung tròn. Cửa càng to đu càng sướng. Đu cánh cửa là một trò vui dã man. Nhưng nhất định phải có đứa canh chừng, người lớn mà thấy là… chết chắc. Vì đó cũng là trò ngu khủng khiếp. Đu cửa tủ thì nguy cơ tủ đè, đu cửa nhà lỡ sút bản lề thì chính cái cửa đó cũng đè cho mà chết. Nhưng đu cửa là một thứ vui không kiềm được, những đứa con nít ngoéo tay nhau hứa giữ bí mật suốt đời!

2.
Nhưng lớn lên một chút, bạn thấy một ngôi nhà nhất thiết phải có cửa để ngăn chặn kẻ gian.
Tối nào trước khi đi ngủ, ba bạn cũng đi một vòng quanh nhà kiểm tra cửa nẻo rồi mới yên dạ lên giường. Nhưng sau chuyện nhà ông Ba hàng xóm mất trộm, hình như ba bạn có nghĩ khác.
Ông Ba nhà giàu, cửa sắt, ổ khóa toàn hàng xịn, mà bọn trộm này tay nghề quá cao. Ba ổ khóa chúng mở được hết. Một cái chúng dùng kềm cộng lực, cắt bụp, một cái chúng phá tuột bi, cái cuối cùng hình như chúng… có chìa nên đem về nhà xài luôn, bỏ uổng. Đứng trước mất mát và xôn xao bàn tán về tay trộm thượng thừa ấy, ba bạn thở dài. Ông bà mình luôn đúng, cửa nẻo khóa khuyết gì cũng chỉ để ngăn người tử tế. Cửa hình như không phải là thứ ngăn được lòng tham của bọn xấu.
Ngăn chặn lòng tham con người là điều mà nhân loại vẫn đang gồng sức lên làm. Ngăn từ thuở sơ khai đến thời đại hạt nhân. Trẻ con giữ đồ theo kiểu trẻ con, người lớn giữ của theo kiểu người lớn. Quốc gia to bự cỡ nào mà bản chất tham lam thì cũng đi quơ quào kém tư cách. Bởi vậy, quốc gia nhỏ hơn thì phải có “chiêu” thông minh mới mong gìn giữ được mỗi tất đất của mình. Túi tham là không có đáy, nhân loại nếu có suy vi, chẳng qua là cũng ở lòng tham cả thôi.
Càng nói càng thấy, một cái cánh cửa nhà, xem ra thật nhỏ nhoi. Với các thế lực “khuất mặt khuất mày” thì cửa nẻo càng tầm như đồ bỏ. Bởi vậy, người ta hay treo một cái gương bát quái ở phía trên cửa, phía trên lối vào chính để xua đi tà khí, những người có ý định xấu hoặc những người mang theo điềm rủi. Treo xong, tạm an tâm nhà mình an toàn. Điều này giống như trước khi đóng cửa ngủ, người ta ít nhất cũng không lo một con gấu con cọp nào đó ngoài bìa rừng chui vô mùng ngủ ké, sáng dậy ngáp một cái bỏ đi.

50792801_42-18295879

3.
Nhưng cửa không chỉ để an tâm đâu. Bạn chắc thế.
Cửa phải là một thứ rất quan trọng trong tâm thức người Việt. Bởi thế, dù cửa chỉ là một bộ phận của ngôi nhà, nhưng khi nhắc đến ngôi nhà – một thứ tài sản vật chất lớn và cơ bản của đời người thì người ta lại dùng từ “nhà cửa”. Trong một trường nghĩa khác, “bước ra khỏi cửa” luôn được xem là bước ra khỏi nhà, dù có khi, người ta vẫn còn đứng ở hàng hiên, ở sân gạch, ở bụi tre… chứ là chưa đi hẳn. Cửa, là ranh giới của an toàn và nguy hiểm. Đóng cửa lại, mọi xô bồ chụp giật ở ngoài hết, ta chỉ còn lại chính mình và những người thân. Chuyện lục đục trong nhà nếu có, người xưa cũng dặn “đóng cửa dạy nhau”, đừng để hàng xóm nghe, đừng để ngoài đường nhìn vào, người ta cười cho. Éo le là, dù quán triệt thật kỹ phương châm chuyện nhà đóng cửa dạy nhau, nhưng còn cái cửa sổ!
Cửa sổ là điều tuyệt vời nhất trong khối vật chất hình thành nên một ngôi nhà. Nhà mà không có cửa sổ là nhà vô duyên. Hồi nhỏ, bạn vẫn nghĩ rằng, cửa sổ là để mẹ treo rèm. Để chị gái xếp bướm xếp chim treo lủng lẳng trên đó. Rồi thì bạn hiểu, cửa sổ còn để không khí đối lưu, giải nhiệt. cửa sổ để cho nắng thò tay chạm vào nhiều thứ trong nhà. Mùa xuân, nắng qua cửa sổ chạm vào tận cái bàn học của con thì đến mùa thu, nắng chồm xa thêm một chút, rọi vô chiếc gương soi. Từ gương soi, nắng phản chiếu vuông góc lại một luồng sáng lộng lẫy. Bức tranh cũ xưa của bố chợt trở nên sinh động, tươi tắn hơn nét u hoài cố hữu.
Nhưng cũng vì sợ trộm, nhiều cửa sổ chỉ được mở khi có gia chủ ở nhà. Thậm chí, ở những khu nhà trọ cho công nhân thuê ở, người ta chỉ thiết kế cửa ra vào. Cửa sổ đã bị triệt tiêu. Tin đưa, người ta phát hiện một đôi vợ chồng đã chết trong một phòng trọ dành cho công nhân thuê. Lý do có thể do người chồng sửa chiếc xe gắn máy rồi cho nổ máy suốt đêm. Cả hai đã chết ngạt vì khói, vì căn-phòng-không-có-cửa-sổ. Từ chức năng để treo rèm treo bướm, cái cửa sổ xinh xinh bỗng trở nên quan trọng, nó quyết định được cả mạng sống con người. Ai dám nói cửa sổ chỉ để làm duyên?

4.
Cuối cùng, kể nốt chuyện chẳng dính dáng đến ai.
Khi bạn còn phân vân, liệu có đúng là cửa nhà chẳng mang ý nghĩa bao nhiêu hay không thì người yêu của bạn nói không không không, cái cửa quan trọng lắm lắm lắm à! Gặng hỏi thế cửa quan trọng cỡ nào?  Ừ thì nếu không có cửa, thiếu nữ biết tựa vào đâu để ngẩn ngơ!
Trời ạ, trộm cướp vào tận ngõ, ồ không, tận cửa rồi, vậy mà vẫn còn có người ngồi thơ thẩn:
Mây vẫn từng không chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì!
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Đấy đấy, cái cửa quan trọng thế đấy!

Trương Gia Hòa
(Theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *