Trong nước

Bảo tàng to, nhưng trong ruột có gì?

Phải bỏ ra 11.277 tỉ đồng để xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong lúc này có nên hay không, đó là câu hỏi mà tất cả công dân Việt Nam có quyền hỏi và phải được trả lời một cách công khai, sòng phẳng, thuyết phục.

1347441453-mo-hinh-bao-tang-lich-su-quoc-gia-moi-Copy

Khi đề xuất thực hiện bất cứ dự án nào, người ta cũng đưa ra những lý do rất chính đáng, có khi như một đòi hỏi cần thiết đến mức không thể không làm. Đối với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, người ta cho rằng công trình có ý nghĩa về chính trị, tư tưởng, văn hóa – xã hội nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản lịch sử – văn hóa, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, cung cấp kiến thức về lịch sử, di sản văn hóa. Lẽ tất nhiên bảo tàng thì phải có ý nghĩa văn hóa – xã hội. Lẽ tất nhiên bảo tàng lịch sử thì có ý nghĩa chính trị, tư tưởng. Lẽ tất nhiên bảo tàng phải là nơi cung cấp kiến thức, hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học. Cả thế giới đều có chung một công thức về ý nghĩa của việc xây dựng bảo tàng như vậy, nhưng sự khác nhau chính là hiệu quả được sinh ra từ bảo tàng. Hai chữ hiệu quả thì rõ ràng quá xa xỉ với bảo tàng Việt Nam. Việt Nam có nhiều bảo tàng, nhưng rất ít khách tham quan, đơn giản vì chỉ có cái vỏ, trong ruột “rỗng tuếch”. Xin lấy Bảo tàng Hà Nội làm điển hình, công trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội được xây trong khuôn viên rộng 54.000 m2 với mức đầu tư 2.300 tỉ đồng. Nhưng từ ngày khánh thành đến nay, vắng như chùa Bà Đanh, đơn giản vì trong ruột không có chi để xem. Công trình này xuống cấp, phải bỏ tiền tu sửa, khó lòng tính đến chuyện bán được vé để có ít tiền bù đắp phần nào cho việc bảo quản. Từ ví dụ sinh động trên để đặt ra câu hỏi, liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có chi để xem, có chi để nghiên cứu khoa học, có chi để nâng cao trình độ chính trị, nhận thức tư tưởng cho người đến xem? Xin lưu ý một điều rất cũ, đó là người đi tham quan bảo tàng không quan tâm đến cái vỏ bên ngoài to lớn, hoành tránh như thế nào, mà chỉ với mục đích duy nhất là tìm kiếm nội dung bên trong. Giá trị của một bảo tàng không phải là trưng bày bao nhiêu hiện vật mà chất lượng của hiện vật. Các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới luôn nườm nượp khách, bởi vì trong bảo tàng là một không gian văn hóa thấm đẫm, chứa đựng nguồn tư liệu phong phú và có giá trị tri thức, khoa học. Nếu bảo tàng to lớn, nhưng bên trong chỉ là những hiện vật sơ sài, giăng đầy khẩu hiệu, tổ chức trưng bày thiếu thẩm mỹ và phi khoa học thì chẳng hấp dẫn được ai.
(Theo Lao động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *