Chợ Sòng – làng nghề hội tụ
.HÓI SÒNG – CHUYỆN XƯA KỂ LẠI ( Phần 3). Tác giả : Nguyễn Dũng.
………
Thường thì những làng nghề thủ công hay phân tán trong nông thôn, hiếm có một nơi nào thu hút nhiều làng nghề thủ công tập trung quanh mình như ở chợ Sòng: Làng bún Cẩm Thạch, làng thủ công mỹ nghệ An Xuân, Phú Hậu, nghề giấy Phổ Lại, vận tải đường sông Hoàn Thịnh, hàng mã Phổ Lại Phường…
Riêng có một sản phẩm của một gia đình ở chợ Sòng sản xuất, có thương hiệu nổi tiếng đã được đi vào văn học dân gian Quảng Trị, đó là “quạt”:
… “Quạt chợ Sòng, cá bống Bích La
Tôm đồng Mai Lĩnh, gạch ngói Trí Bưu”…
Hay
… “Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sòng
Cá bống Bích La, gà Trại Lộc.”…
1.LÀNG BÚN CẨM THẠCH:
“Vì răng chồng bỏ, chồng chê?
Cũng vì bánh đúc, cháo kê chợ Sòng”.
Nếu bánh đúc, cháo kê là nguồn gốc của tội lỗi này thì người Cẩm Thạch phải gánh chịu trách nhiệm. Bởi đây là sản phẩm của họ, vì họ làm quá ngon, quá hấp dẫn.
Cẩm Thạch là một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất bún, bánh các loại (Như bánh ít, bánh ướt, bánh dầy, bánh ngọt lá gai, bánh đúc, cháo kê, chè kê…), nhưng chỉ vài hộ sản xuất bánh, còn phần đông tập trung sản xuất bún để đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong vùng. Họ tích cực truyền nghề cho con cháu từ sáu, bảy đời đến nay. Hiếm có một làng nghề nào như Cẩm Thạch, làm bún được tổ chức lao động theo đơn vị gia đình mà hình thành được một đơn vị cư trú chuyên sản xuất bún.
Khi chợ Sòng tan rã, các làng nghề thủ công đều bị mai một dần, chỉ có bún Cẩm Thạch là vẫn tồn tại và phát triển, đó là vì:
– Bún vừa là lương thực vừa là thực phẩm, vừa là món ăn sang dùng trong tiệc tùng, cúng giổ, nhưng cũng là món bình dân khi ăn với mắm nêm, nước mắm…hợp với mọi túi tiền.
– Xung quanh Cẩm Thạch là vùng trọng điểm lúa nên nguyên liệu dồi dào.
– Bún Cẩm Thạch ngon hơn bún chợ Cạn, chợ Sãi.
Ngày nay thương hiệu “Bún Sòng” nổi tiếng khắp vùng, rất tiếc là vì sản phẩm bún mau hết “Dat” nên thị trường tiêu dùng của Bún Sòng không rộng, không xa được.
2.LÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ AN XUÂN:
Đầu tiên là thợ hàn, hàn lao nấu rượu, sau đó tích lũy kinh nghiệm nâng cao tay nghề, chế tác được các nguyên liệu vàng, bạc, đồng bịt các đồ gia dụng như cơi trầu, khay, đĩa, nịt lào, làm kim các loại và có cả đồ tam sự. Khi kỹ năng làm vảy đạt trình độ cao, tay nghề điêu luyện họ làm đồ trang sức như: Bông thòa, kềng, vòng cổ, vòng tay, nhẫn, dây chuyền…
Thị trường tiêu thụ của hàng thủ công mỹ nghệ An Xuân cả trong nước và ngoài nước như Lào, Campuchia, Thái Lan… Đời sống kinh tế của người An Xuân cao hơn các làng trong vùng.
Khi cuộc Kháng chiến chống Pháp nổ ra, việc đi lại giữa các nước khó khăn, chợ Sòng cũng tan rã, họ về nhà chỉ làm hàng do khách đặt và dần dà chuyển nghề sinh sống, thủ công mỹ nghệ An Xuân mai một.
Xin lỗi bà con hai làng An- Thạch, câu này tôi nghe các bậc tiền bối của ba làng Kim Đâu, An Xuân, Cẩm Thạch khi tụ tập hay trêu đùa nhau, tôi ghi lại đây cho vui chứ tuyệt đối không có ý gì:
“Tiếng đồn Cẩm Thạch sương âu,
An Xuân sương độôc, Kim Đâu sương thùng”.
(Ý nói Kim Đâu văn minh hơn An-Thạch. Sương là gánh, ở đây thay cho từ gánh nước, ngày trước mỗi làng chỉ được đào một cái giếng dùng chung, nên mọi nhà ngày nào cũng phải đi gánh nước,). Nhưng đó là chuyện ngày xưa.
3.LÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ PHÚ HẬU-
Làng Phú Hậu cũng rất thịnh hành nghề chế tác vàng, bạc, đồng thành đồ trang sức. Tay nghề người Phú Hậu nổi tiếng trong việc pha các hợp kim bạc và chế tác bạc thành các sản phẩm. Ngoài tài năng làm vảy và đồ bạc, họ còn có khả năng thử các kim loại quý rất chính xác chỉ với kinh nghiệm vàng: câm; bạc: điếc; đồng: thanh.
Thị trường của mỹ nghệ Phú Hậu khá rộng: Quảng Bình, Thừa Thiên, đến Đà Lạt…
Trong lúc khó khăn người Phú Hậu đúc được bạc giả bằng đồng hoặc bạc để nộp thuế…qua cơn khó khăn họ lại về với lương tâm nghề nghiệp.
Tương truyền Phú Hậu là gốc nghề bạc của Quảng Trị, Thừa Thiên. Ở làng có ngôi mộ gọi là “Mộ Giáo nghề”, Rằm tháng Giêng là ngày giỗ Tổ nghề, gọi là cúng nhà Tơ, những người thợ thủ công mỹ nghệ ở Thế Chí, Đại Lược, Kế Môn và nhiều nơi khác đều về Phú Hậu để cúng Tổ nghề. (Ngày nay hậu duệ Ngài tổ chức giổ vào ngày Mồng chín tháng Giêng).
Sau năm 1945 thủ công mỹ nghệ Phú Hậu cũng dần mai một.
(còn tiếp)