Cà phê với Kiến

Chuyện cái… sân phơi

Vợ chồng anh cứ lục đục hoài vì chuyện phơi đồ. Mỗi người một lý lẽ. Vợ nói, em cần quần áo nhanh khô để mang vào cất, treo cả ngày ở ngoài hành lang cũng bám bụi vậy, máng lên lưới rào vài tiếng thì có sao, mà quần áo lại thơm mùi nắng. Nhà mình tuốt trên cao, ai mà nhìn thấy. Anh thì quyết liệt, dù cho không ai nhìn thấy, thì phơi phóng ở lưới rào lan can như vầy là vô văn hóa! Vợ anh mếu máo, sao anh nói em vô văn hóa trong khi em chỉ lo cho anh và con!
Tám lần cãi nhau đều chung một đường dây kịch bản như vậy, đến lần thứ chín, vợ tuyên bố… bán nhà! Nhà mới lớn nhỏ không quan trọng. Quan trọng là anh phải kiếm nhà có sân phơi cho… có văn hóa. Bực lắm rồi!
Thực ra vợ chồng anh bực dọc lục đục vì không thống nhất được quan điểm về phơi phóng. Chứ 89 căn hộ còn lại của chung cư này chắc gì họ đã bực. Có một hành lang thoáng gió. Nếu mặt bên này đón nắng sáng đến 11 giờ trưa thì mặt bên kia cũng có nắng chiều chiếu rọi đến 3-4 giờ. Bên nào phơi đồ cũng tiện, sướng quá còn gì.
Bây giờ, chung cư mọc lên như nấm, có khu nhìn sang trọng cao cấp nhưng chuyện phơi quần áo thì hoàn toàn phải nhờ vào các hẻm gió. Để bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, tránh chuyện quần áo treo lỏng chỏng, người thiết kế “quyết… không cho chúng nó treo” bằng cách chỉ mở cửa sổ chứ không trổ hành lang. Vợ anh ghé thăm nhà mới của bạn về, hí hí kể anh nghe, tụi nó mua nhà mấy tỉ đồng, mà hỏng có nắng để phơi đồ, tội nghiệp!

kientruc_phoiquanao
Tự nhiên anh nhớ cồn cào cái sân phơi của mẹ. Nhà anh ở quê ngày xưa không giàu, nhưng bố anh là một ông thợ xây cực kỳ yêu vợ. Chệch sau bên hông nhà, ngay sát giếng nước, bố anh lót gạch vụn thành một cái sân rộng để mỗi sáng, mẹ anh bưng thau đồ ra giặt. Cạnh đấy, bố giăng hai sợi dây kẽm cho mẹ phơi đồ. Một khu vực phơi giặt hợp lý và sạch sẽ. Anh nhớ những sáng ngồi nghịch nước với mẹ, được mẹ dạy cho cách giặt đồ bằng tay. Mẹ dạy anh về sự cực nhọc của bố bằng những vệt xi măng bám trên quần áo. Tại sân phơi này, bố mẹ đã dạy anh về sự tháo vát, mạnh mẽ của người đàn ông. Cho mãi đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại quê nhà và thời ấu thơ hạnh phúc bên cha mẹ, thì hình ảnh rõ nhất trong anh chính là cái sân phơi này. Anh thấy bố anh lực lưỡng vồng tay xách nước cho mẹ. Anh thấy mẹ ngồi trên một cái đòn gỗ, tóc búi gọn gàng, cần mẫn vò sạch những bụi bặm trần gian. Đôi khi anh tự thấy mình, một thằng bé cao gầy mắt sáng đang thổi những chùm bong bóng xà phòng…
Anh bây giờ đang ở Sài Gòn, lại là ở chung cư, những lần cãi nhau với vợ về chuyện phơi áo quần đã biến cái sân phơi ấu thơ thành một ám ảnh khôn nguôi. Nhưng mà muốn có sân phơi, hoặc là anh phải… mấy tấm, hoặc là anh phải… biệt thự. Anh hoang mang, thực ra mình đang ở phố thị vì điều gì mà ngay cả chuyện phơi quần áo, cũng thấy đau đầu.
Mới lúc trưa, lại thêm lần nữa ấm ức lấy mấy cái móc quần áo từ lưới rào xuống. Lần này anh không buồn nói, anh thử làm mặt giận coi sao.
Mà vợ anh đúng là một con mèo, thấy chồng mặt giận thì sà vào lòng anh đọc truyện… cổ tích. Dĩ nhiên là anh đâu có ngu mà đẩy vợ ra. Anh chờ xem vợ mình sẽ ra chiêu gì. Nàng Tấm qua bao khúc quanh thì đến cảnh đe dọa con Cám. Giặt áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao! Vợ anh rú lên, anh thấy không, Tấm không cho Cám phơi trên bờ rào là vì sợ rách áo chứ không phải vì sợ… vô văn hóa, anh thấy không, thấy không!
Chồng nằm im, không thèm hó hé, tự nhiên thấy vợ mình sao mà giống người phụ nữ tên là Carin Froehlich!
Bà Carin là một trong số những người “đòi quyền được phơi quần áo” cách đây vài năm ở Mỹ. Điều này nghe thật khó tin bởi chuyện phơi quần áo mà cũng phải có quyền nữa đấy. Hãng tin Reuters cho biết, một quan chức thành phố Perkasie, đông nam Pennsylvania đã gọi điện thoại cho bà Carin để yêu cầu bà ngừng phơi quần áo trên ba sợi dây giăng giữa các thân cây ở bên ngoài nhà bà. Chưa hết, có hai lá thư giấu tên của hàng xóm cho biết, họ không muốn thấy quần áo của bà bay phấp phới trên những sợi dây phơi!
Dĩ nhiên là những điều này không làm bà Carin thay đổi ý định tiếp tục phơi quần áo dưới ánh nắng mặt trời. Bởi bà biết rằng, điều này không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp gia đình bà tiết kiệm được tiền. (Gia đình bà gồm 5 người, mỗi tháng sẽ tiết kiệm được 83USD).
Thật may, Project Laundry List đã đứng ra bảo vệ quyền lợi cho bà Carin và những người cùng quan điểm. Tổ chức này cho rằng con người có thể giảm thải khí carbon khi không dùng máy sấy. Theo họ, các máy sấy chiếm khoảng 6% lượng điện dân dụng ở Mỹ.
Reuters cũng cho hay, có khoảng 20% dân số Mỹ sống trong những khu nhà chung cư chịu sự quản lý của các Hiệp hội nhà ở và chung cư. Và một nửa các hiệp hội ấy có quy định cấm phơi treo quần áo ngoài trời. Theo họ, quy định cấm phơi quần áo thuộc về vấn đề thẩm mỹ và đơn giản vì tâm lý chung là người này không thích phải nhìn thấy quần áo của người kia!
Câu chuyện phơi quần áo, tưởng không có gì mà lại đang rất có gì, từ nước Mỹ xa xôi cho đến ngay trong nhà anh. Nhưng trước mắt, không để cho vợ biết được có một nhân vật tên là Carin và phong trào đòi quyền được phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời này. Nhất định thế, anh lầm bầm.

Trương Gia Hòa (Theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *