Cà phê với Kiến

Chuyện dải phân cách

Những con đường nhỏ nhắn yên tĩnh. Những con phố rộng dài với dòng xe hối hả như mắc cửi. Những đại lộ không thể nào ở được với hàng hàng quán quán náo nhiệt tranh mua tranh bán. Những hành lang giao thông rộng mênh mông và dài thậm thượt với những hàng ngàn chuyến xe bận rộn đi, về như con thoi, kết nối những vùng miền khác nhau của đất nước. Đó là một bức tranh trừu tượng về những con đường.

Những con đường mang trên mình cá tính của bộ mặt phố thị, thể hiện ở không gian của vỉa hè, của kiến trúc hai bên và của dải phân cách ở giữa. Đây là những thành tố không thể tách rời và đều có mối liên hệ khắng khít với nhau về kích thước, tỷ lệ, vật liệu bề mặt và cây trồng. Vỉa hè và dải phân cách dễ dàng đạt được “sự đồng điệu” trong thiết kế trong khi kiến trúc dọc theo hai bên trục đường khó đạt được điều này với hai thành tố kia.

Dải phân cách và vỉa hè để làm gì? 
Trong khi vỉa hè như là một không gian đệm chuyển tiếp dành cho con người giữa phần kiến trúc và con đường giao thông, thì dải phân cách có chức năng chính là phân chia và định hướng luồng giao thông dành cho phương tiện cơ giới.
Từ ngày con người từ bỏ không gian mở rộng lớn của thiên nhiên, từ bỏ không gian nông nghiệp để kiến tạo nên đô thị, vỉa hè có thể được ví von như là không gian mở hiếm hoi còn sót lại trong đô thị mà con người có thể “đi bộ có mục đích”. Dải phân cách, ngoài chức năng chính như đã nêu trên còn có một số chức năng phụ khác mà điển hình là hỗ trợ thuận lợi và không cản trở con người trong việc băng qua đường.

“Thiết kế và trang trí” cho vỉa hè
Việc “trang trí” cho vỉa hè và dải phân cách phải tuân thủ theo luật lệ về quy hoạch thiết kế đô thị, về giao thông và tính chất của bộ mặt tuyến đô thị đó. Và đương nhiên, việc này phải được thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn. Về góc độ thiết kế, các quy hoạch gia, các chuyên gia thiết kế đô thị, kiến trúc sư, các nhà thiết kế cảnh quan đều có thể cùng tham gia để tạo nên một bộ mặt đô thị đặc trưng và thân thiện với con người, giảm thiểu tác động tiêu cực của giao thông.
Cây xanh, cây bụi và cỏ hoa là những vật thể rất phổ biến được dùng để trang trí cho không gian vỉa hè và dải phân cách. Sự kết hợp khéo léo và thẩm mỹ của chiều cao và tỷ lệ của các loài cây khác nhau cộng với vật liệu bề mặt sẽ tạo nên một không gian thú vị, kích thích người dân tham gia vào các hoạt động văn hoá thương mại liên quan đến vỉa hè, từ đó các giá trị vô hình liên quan đến bất động sản cũng như thương mại càng tăng lên.  Các mảng xanh và cỏ hoa dọc vỉa hè đem lại một cảm giác thân thiện cho mọi người.
Ngoài cây xanh, các vật thể khác cũng đem lại những hình ảnh văn hoá khác nhau cho bộ mặt đô thị, trong đó phải kể đến thùng rác. Tuy nhiên, các thùng rác trên vỉa hè của thành phố không được chú trọng đến vị trí lắp đặt, thiết kế không thuận tiện cho sử dụng cũng như dọn dẹp, thẩm mỹ chưa cao, sử dụng vật liệu không có độ bền cao và chịu va đập kém.

 

 

Các hình thức dải phân cách không cây xanh
Đơn giản nhất là hình thức dải phân cách giao thông thuần tuý, chỉ nhằm mục đích phân chia các luồng giao thông để đảm bảo trật tự và an toàn giao thông, không chiếm mất thêm diện tích của làn xe. Chúng ta thấy có hình thức các dải phân cách được cấu tạo bằng thép ống sơn xanh, đỏ kết hợp với các quả cầu inox. Một số khác thì được phân luồng với các con lươn bằng bêtông cốt thép sơn đỏ, trắng. Ở một số tuyến đường mới hơn  thì các dải phân cách được đúc bằng gang với một số hoạ tiết đơn giản. Tôi nhận thấy trong các loại dải phân cách kiểu đơn giản mà tôi vừa nêu ra, yếu tố vật liệu đã không được tư duy thấu đáo. Các dải phân cách bằng thép ống với các quả cầu inox là kém nhất: thẩm mỹ rườm rà, dễ hư hỏng theo thời gian do mưa và bụi dẫn đến chi phí bảo dưỡng cao, dễ bị mất cắp thành phần inox, dễ làm trầm trọng thêm tai nạn cho người tham gia giao thông vì các thành phần được kết nối bằng các mối hàn bị lung lay theo thời gian.
Các dải phân cách bằng gang có phần nào khá hơn về thẩm mỹ, nhưng các vấn đề về độ bền và duy tu bảo dưỡng vẫn còn đó. Theo ý kiến
cá nhân tôi thì các kiểu con lươn bằng bêtông cốt thép thoả mãn được đa số các vấn đề trên, chỉ cần một chút thiết kế lại kiểu dáng. Tự nhiên tôi chợt nghĩ, hay là chúng ta nên có một cuộc thi thiết kế con lươn và dải phân cách giao thông theo một số tiêu chí nhất định?
Ngoài ra, trên các hệ thống đường cao tốc đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, thì yếu tố an toàn và hiệu quả được đặt lên hàng đầu khi thiết kế dải phân cách.
Do đó, các dải phân cách trên đường cao tốc sẽ có hình dáng kiểu con lươn bằng bêtông cốt thép, gần như không trồng cây vì việc phục vụ tưới tiêu chăm sóc sẽ gây nguy hiểm và cản trở giao thông. Hơn nữa các dải phân cách này có đặc tính phải làm giảm độ choá mắt do đèn pha của dòng xe ngược lại, để đảm bảo an toàn.
Khi các dải phân cách kiểu này được lắp đặt trong các tuyến đường thuộc khu dân cư thì một vấn đề đã từng được nói đến rất nhiều đó là việc người dân đi bộ cảm thấy bị cản trở và ngăn cách khi băng qua đường. Thật ra, việc đi bộ băng qua đường một cách tuỳ tiện của người đi bộ (cho dù có hay không có dải phân cách) đã là một việc không phù hợp với luật giao thông đường bộ. Họ cần phải băng qua đường tại những nơi có vạch dành riêng cho người đi bộ. Do đó, có lẽ việc này cần thêm sự phối hợp từ các bên khác nhau. Thứ nhất, khi lắp thêm dải phân cách ở các tuyến đường trong khu dân cư, các cơ quan chức năng cần tính toán thêm vị trí băng qua đường phù hợp và ngay tại vị trí đó, dải phân cách có một hình thức khác một chút để người đi bộ có thể giao thông thuận tiện nhưng phương tiện xe hai bánh không thể chen qua. Có rất nhiều hình thức dải phân cách có thể đáp ứng được vấn đề tôi vừa nêu. Thứ hai, về phía người giao thông bộ hành, họ cũng cần phải thay đổi hành vi giao thông cho đúng với luật Giao thông đường bộ. Vấn đề phạt vi phạm cũng cần phải tính đến với người bộ hành vì mọi phương tiện phải bình đẳng theo pháp luật.

Dải phân cách có cây xanh
Một chút điệu đà hơn, các con đường có các dải phân cách kết hợp với cây xanh và cảnh quan. Các dải phân cách kiểu này làm cho không gian đường phố thêm xanh tươi, thân thiện và giảm căng thẳng khi giao thông. Dải phân cách này thường chỉ có thể xuất hiện ở các không gian giao thông được thiết kế chuẩn mực, đủ không gian và làn đường. Các dải phân cách này, nếu thiết kế đúng, sẽ có những làn rẽ trái hoặc quay đầu riêng biệt chỉ bắt đầu xuất hiện ở gần các ngã giao nhau.
Cây xanh trồng trên những dải phân cách này có thể là các cây có tán mát xen kẽ với những cây bụi, vừa mát mẻ và về đêm những cây bụi sẽ giảm bớt tình trạng bị choá ánh sáng từ đèn xe của chiều đối diện. Chúng ta sẽ gặp nhiều hơn những con đường như thế, mặc dù còn rất ít.

Bài và ảnh ThS.KTS Trần Thái Nguyên

(theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *