“Con ma sông” và dự án siêu tưởng có tên “Kênh đào Đông Dương”
Ý tưởng dắt sông Mêkông vượt dãy Trường Sơn đổ vào sông Thạch Hãn sau đó đổ nước ra biển Đông tại Cửa Việt (Quảng Trị) xuất hiện lần đầu tiên trong ý nghĩ của nhà khoa học địa chất Phạm Văn Quang vào năm 1982.
Tiến sĩ Phạm Văn Quang
Tháng 3 năm đó, trong một chuyến khảo sát để vẽ bản đồ tại Quảng Trị, ông đã có dịp lang thang từ Cửa Việt ngược dòng Thạch Hãn lên tận biên giới Việt – Lào. Tại làng Cát, một làng nhỏ nằm lẩn khuất giữa thung lũng Khe Sanh, TS. Quang đã sững người trước một phát hiện tình cờ. Sự sụt lún tự nhiên của quá trình kiến tạo địa chất đã hình thành nên một vệt nứt gãy tuyệt vời ở dãy Trường Sơn. Không giống như hiểu biết chung, Trường Sơn – ranh giới tự nhiên giữa hai nước Việt – Lào đơn thuần là những dãy núi trập trùng, hùng vĩ, tại làng Cát, nơi sông Rào Quá lượn qua, độ cao so với mực nước biển chỉ là 14m.
Chưa hết, phía bên kia biên giới, trước khi ngoặt về hướng Tây đổ vào sông Mêkông, sông Sêbănghiêng của Lào đã lượn sát vào biên giới, áp vào ngay bên cạnh làng Troại của Việt Nam. Cự ly theo đường chim bay của hai dòng sông chỉ là 14km. Một ý nghĩ như tia chớp chợt sáng lóe lên trong đầu TS Quang: Chỉ cần đào một con kênh dài 14km nối liền hai dòng sông, sau đó đắp một con đập trên sông Mêkông, phía dưới đoạn hợp lưu với sông Sêbănghiêng, nước sông Mêkông dâng cao sẽ khiến dòng Sêbănghiêng đổi chiều chảy ngược về đông, từ đó theo dòng Thạch Hãn tuôn ra Cửa Việt. Nếu làm được điều đó, ích lợi sẽ cực kỳ to lớn: Nguồn nước dồi dào từ sông Mêkông sẽ tưới mát cho toàn vùng Quảng Trị và cả một vùng rộng lớn của đồng bằng Bắc miền Trung vốn thường xuyên khô hạn, trong khi lũ lụt tàn phá đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị triệt tiêu.
Khoa học đòi hỏi sự sáng tạo nhưng không cho phép siêu tưởng. Phải 10 năm sau nữa, TS. Quang mới có thể bắt đầu cụ thể hóa quá trình nghiên cứu dự án trị thủy sông Mêkông của mình. Năm 1992, khi TS. Quang được nước bạn Lào mời sang vẽ bản đồ địa hình địa chất và nước sông Mêkông để xây dựng đập thủy điện Nậm Thơm. Sau đó, ông lại tiếp tục được mời sang lập bản đồ mỏ cho vùng đông bắc Thái Lan. Trong quá trình làm việc trên đất bạn, ông đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu cặn kẽ quy luật của các con sông trong khu vực, đồng thời thu thập đầy đủ các dữ liệu địa chất cần thiết cho dự án mà mình đang ấp ủ. Tất cả những việc ông làm đều bắt nguồn từ niềm say mê sáng tạo của cá nhân, hoàn toàn không do yêu cầu hay có thêm một sự tài trợ nào.
Thêm gần 10 năm nữa lao tâm khổ tứ, ý tưởng của ông đã định hình một dự án hoàn chỉnh và, theo ông là hoàn toàn khả thi. Vào mùa khô, sông Sêbănghiêng đổ vào sông Mêkông tại cao độ 135m, chênh lệch chỉ 40m so với cao độ 175m của vị trí con sông này đoạn chảy qua làng Troại. Như vậy, chỉ cần đắp một con đập cao 80-100m, thậm chí chỉ 60m, dòng Sêbănghiêng chắc chắn sẽ phải ngoan ngoãn đổi chiều. Với sự điều chỉnh của con đập này, khoảng 25-30% lượng nước sông Mêkông sẽ được chuyển vào sông Thạch Hãn, tương ứng với khoảng 26,10 tỉ m3 nước trong 40 ngày cao điểm lũ. Việc cắt lũ này sẽ giúp giảm 10.000m3/giây trong những ngày đỉnh lũ ở sông Tiền, sông Hậu, hạ đỉnh lũ xuống từ 1-2m, giảm thiểu đáng kể những thiệt hại do lũ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong khi vẫn giữ được những nguồn lợi từ việc bồi đắp phù sa, khai thác thủy sản cho vùng nông nghiêp Tây Nam Bộ.
Mặt khác, với trình độ và phương tiện thi công của thế kỷ XXI, việc xây dựng “kênh đào Đông Dương” dài 14km nối sông Sêbănghiêng với sông Thạch Hãn, theo kỹ sư cao cấp, chuyên gia địa chất công trình Hoàng Khắc Bá là việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Do vết nứt gãy địa chất, địa hình của toàn bộ vùng biên giới Việt – Lào này chỉ gồm một dãy đồi núi thấp, điểm cao nhất cũng chỉ 365m, địa hình cũng không quá hiểm trở. Phía làng Cát, địa hình càng thấp hơn, chỉ cao 40-80m. Tại điểm tiếp giáp giữa kênh đào Đông Dương và sông Thạch Hãn, cao độ này chỉ còn 14m, chênh so với cao độ 175m của sông Sêbănghiêng tại điểm sát làng Troại từ 90-120m. Đó sẽ là điều kiện lý tưởng để Việt Nam có thể xây dựng thêm một nhà máy thủy điện thuộc hàng tầm cỡ.
Theo tính toán của TS. Quang, khối lượng đất đá phải bóc, đắp để xây dựng các con đập và cải tạo lòng sông Sêbănghiêng lên tới 700-800 triệu m3. Nếu được thực hiện, đây chắc chắn sẽ là một công trình mang tầm vóc thiên niên kỷ, đồng thời cũng là công trình tốn kém nhất của Việt Nam từ trước tới nay, với tổng kinh phí khoảng từ 6 – 8 tỉ USD. Nghe có vẻ quá viển vông. Không ít người đã vin vào khoản chi phí quá khổng lồ để tỏ ra hoài nghi, thậm chí dè bỉu. Không giận, ông tiến sĩ mê trị thủy chỉ trợn mắt: “Ích nước lợi nhà, cứu mạng sống cho dân thì 8 tỉ hay 10 tỉ cũng còn là quá rẻ”.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, cuối cùng vào năm 2000, “Dự án trị thủy sông Mêkông” cũng chính thức được trình lên Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và nhiều cơ quan hữu quan khác. Từ năm 2002 đến nay, nhiều cuộc hội thảo khoa học về đề tài này đã được tổ chức. Khen nhiều, chê không ít, nhưng tựu trung, các ý kiến hội thảo đều đồng ý rằng công trình hoàn toàn mang tính khả thi và mang ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn. Ngặt một nỗi, khoản kinh phí quá khổng lồ, cho nên hiện tại, tính khả thi của dự án cũng vẫn chỉ được thể hiện trên giấy!
Bản đồ do tác giả thể hiện
Cả đời gánh chịu bia miệng thị phi mãi cũng thành quen, chẳng lấy thế làm điều. Với dự án kênh đào Đông Dương, có người còn dè bỉu: “Sông suối bên nước của người ta chứ có phải cái rãnh nước trước nhà ông đâu mà muốn đào là ông đào, muốn đắp thì ông đắp”. Dĩ nhiên, ông Quang thừa biết điều đó. Nhưng theo ông, tính khả thi của dự án thể hiện ở chỗ nó chia đều nguồn lợi cho tất cả vùng lãnh thổ mà dòng Mêkông ruổi qua. Không chỉ chế ngự lũ ở đồng bằng sông Cửu Long mà cả vùng Biển Hồ Tônglê Sáp của Campuchia cũng tránh được ngập úng trong mùa lũ, tạo ra thêm không dưới 10.000 km2 đất canh tác. Mặt khác, toàn vùng Đông Bắc Thái Lan, nước Lào, một phần Myanmar sẽ có thêm một con đường thủy ngắn và thuận lợi để tiến ra biển Đông. Công trình – trên lý thuyết có thể nhìn thấy được – sẽ tạo ra một cú hích thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả một tiểu vùng sông Mêkông rộng lớn. Con số 6 – 8 tỉ chi phí tuy lớn nhưng được chia đều gánh vác bởi nhiều quốc gia cho nên cũng không phải là vượt quá khả năng.
Ông còn biết thêm, trong dự án phát triển sông Mêkông do Chính phủ Australia tài trợ, người ta đã tính đến việc xây dựng một loạt hệ thống đập nước trên sông Mêkông và một số con sông lân cận. Một số con đập trên dự án của ông có vị trí và yêu cầu gần như trùng khít với các công trình mà phía Australia đã lập…
Đứng về góc độ chuyên môn, nhiều nhà chuyên môn e ngại rằng việc đắp đập sẽ khiến nước sông Mêkông dâng cao gây ngập lụt vùng đông bắc Thái Lan và thủ đô Viêngchăn của Lào. Nói cách khác, đó là chuyện hoang tưởng, bảo đảm chắc chắn dự án sẽ… phá sản. Thế nhưng, chính trong trở ngại nan giải lớn nhất này, câu trả lời lại khá đơn giản và giàu sức thuyết phục. Trong tài liệu nghiên cứu sông Mêkông của Công ty SMEC (Snowy Moutains Enginnering Corporation – Australia) xuất bản tháng 12/1998, người ta đã đưa ra được 30 điểm có thể đắp đập chắn sông Mêkông. Trong số này, đập Bung Kan cách Viêngchăn 100km đường chim bay về phía hạ lưu có cao trình 155-158m vẫn không gây ngập lụt Viêngchăn. Cách ngã ba sông Sêbănghiêng 24 km về phía hạ lưu có đập Khemarat nằm sát địa giới Thái có cao trình 130m nhưng vẫn không gây ngập vùng đồng bằng rộng lớn của đông bắc nước này. Cả hai con đập (dự kiến) này đều có chiều cao gấp 1,5-2 lần con đập mà tiến sĩ Quang tính đến trong dự án.
Có công trình vĩ đại nào lại không bắt nguồn những ý tưởng táo bạo đến mức điên rồ? Ngồi với ông hết trọn một ngày xuân trên căn gác nhỏ ở phố Lò Đúc, Hà Nội, tôi nhận ra rằng niềm tin và sự say mê của tiến sĩ Phạm Văn Quang là thứ không bao giờ, không dễ gì lụi tắt, nhất là chỉ vì những lời đàm tiếu vu vơ.
“Kênh đào Đông Dương”
Có hai nghịch lý: trong khi cứ về mùa mưa dòng Mêkông hùng vĩ lại trút túi nước khổng lồ vào đồng bằng sông Cửu Long gây mất mùa, chết chóc thì ở suốt dải miền Trung từ Quảng Bình qua Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, từ biên giới Việt-Lào ra biển lại khát cháy. Cho nên chặn cơn cuồng nộ của Mêkông với đồng bằng sông Cửu Long và “giải khát” cho miền Trung là bức thiết. Và công trình của ông Quang khi loan ra đã gieo vào hàng ngàn người giấc mơ một kênh đào tương tự kênh đào Panama của châu Mỹ để kéo nước ngọt từ Mêkông chảy cắt qua dải Trường Sơn đổ tắt ra biển Đông ở ngay địa phận tỉnh Quảng Trị. (khi mà dự án thoát nước Mêkông ra biển tây gần như phá sản).
Phần màu đỏ là đoạn nối giữa hai con sông sepanghieng (Lào) và Rào Quán (Việt Nam)
Một kênh đào Panama của VN không phải là điều viễn tưởng. Mọi tính toán của ông Quang đều cho thấy tính khả thi của dự án: từ điểm A (1) cao 175m đến điểm B (12) cao 80m dự kiến đào con kênh dẫn – xem bản đồ – có đỉnh cao nhất tại điểm 9 là 365m thì chỉ cần hạ thấp độ cao tại 10 vị trí xuống mực 175m (bằng độ cao của làng Troại) và đắp một con đập chỉ cao 80-100m tại cửa sông Xêbănghiêng (có độ cao mực nước 135m về mùa khô) để nâng cao trình nước sông Xêbănghiêng và Mêkông lên mức 235m, thậm chí đập chỉ cần cao 60m đã tạo độ chênh lệch khiến dòng Xêbănghiêng ngoan ngoãn đổi chiều.
Mặt khác tại điểm 12 (cách làng Cát 200m) chỉ cao có 80m (điểm 13-làng Cát còn thấp hơn: 40m và đoạn kênh dẫn chạm sông Quảng Trị chỉ 14m) so với mức nước tại điểm 11 được hạ xuống còn 175-200m chênh nhau 95-120m thì một công trình thủy điện nằm trong tầm tay VN. Chỉ cần 6-10 tỉ đôla là có được một kênh đào tay sờ mắt thấy, số tiền đó không phải nhiều nếu phải làm một công trình lịch sử nhiều lợi ích.
Trước năm 2003, nhiều nhà khoa học vẫn hoài nghi “câu chuyện thần thoại” của ông Quang, nhưng mới đây nhiều người mới ngã ngửa khi phát hiện Trung Quốc đang có dự án giống hệt dự án của ông Quang: đào hàng loạt kênh dẫn với tổng chiều dài 1.300km từ sông Dương Tử phía nam đưa nước ngược lên châu thổ Hoàng Hà khô khát phía bắc với tổng vốn đầu tư 50 tỉ đôla trong 50 năm. Ân Độ cũng đã vào cuộc với dự án vẽ lại bản đồ các dòng sông khi họ đào 30 kênh dài trên 10.000km, tốn 120 tỉ đôla, chỉ trong 13 năm để “xin” nước sông Hằng phía bắc luôn nhấn chìm cả châu thổ Bangladesh sẻ chia cho miền nam hạn hán. Còn dự án “trị hà bá sông Mêkông”, ông vẫn đánh cược: “Nếu có ai tìm ra giải pháp tuyệt hơn thì tôi xin cầm dự án rút lui, nhưng nếu không ai hơn tôi thì tôi vẫn bảo vệ đến cùng”.
(theo tuoitre.vn và http://antgct.cand.com.vn)
quá tuyệt vời. công trình này xẽ tạo sự kết nối giữa việt nam và lào về chính trị, giúp chống lụt cho đồng bằng sông cửu long, giúp chống hạn cho lào, miền bắc trung bộ việt nam và là con đường giao thông thuỷ tuyệt vời cho lào, đông bắc thái lan ra biển đông ngắn nhất. với 6-8 tỷ cho một công trình lợi ích như vậy là quá rẻ mạt
Có những dự án được coi là siêu tưởng, nhưng tương lai có thể thành hiện thực.