Đi tìm non Mai
Người Quảng Trị từ nhiều đời nay đã khá quen thuộc với cặp đôi sông núi Non Mai – Sông Hãn. Non Mai đi kèm với sông Hãn là đất nước, là giang sơn, là địa linh, là khí thiêng và là biểu trưng văn hóa của một vùng đất Quảng Trị.
Cặp đôi sông núi được chọn làm biểu tượng văn hoá này thuộc về người Việt, văn hoá Việt, do người Việt định dạng, tôn vinh và có quá trình định hình chính thức kể từ khi thủ phủ, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh (dinh, trấn, đạo) Quảng Trị được thiết lập ven bờ sông Thạch Hãn.Sông Thạch Hãn 石捍江/Thạch Hãn giang/sông Hãn/Nguồn Hàn – long mạch chủ của toàn vùng Quảng Trị thì không ai là không biết, bởi lẽ nó hiển hiện trên Quốc lộ 1 đi qua thị xã Quảng Trị nhỏ nhắn, nên thơ, gần với Thành Cổ mà người Quảng Trị cũng như khách thập phương đều ít nhất có một lần ghé đến. Thạch Hãn là dòng sông có dòng chảy rộng dài đi qua nhiều vùng địa hình, nhiều khu vực hành chính từ rừng xuống biển; từ đồi núi xuống đồng bằng; từ thượng nguồn về hạ lưu; từ các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số đến các xóm thôn người Việt; từ kẻ mọi xuống kẻ ruộng, kẻ chợ, kẻ biển. Sông Thạch Hãn còn là dòng sông chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, văn hoá, nơi chứng kiến bao nổi thăng trầm dâu bể của lịch sử, con người và thời cuộc. Thế nhưng, Non Mai/núi Mai Lĩnh thì không phải ai cũng có cơ hội, điều kiện, cơ duyên để một lần được đặt chân lên chốn này. Sông thì hiện hữu, gắn bó mật thiết với từng phận người vì nước là nguồn sống sinh hoạt, sản xuất, đi lại; còn núi thì thường mờ xa tận đâu đó, nơi hang sâu, rừng thẳm, ít hoặc thậm không mấy liên quan đến đời sống con người nên nếu không vì một mục đích cụ thể thì dù kể cả những người sống trong khu vực cũng chẳng mấy quan tâm.
Sông Thạch Hãn
Chính vì thế, Non Mai/núi Mai Lĩnh ở đâu?, nhiều năm nay là câu hỏi ít có lời đáp thoả đáng.
Non Mai có lên chữ Hán là Mai Lĩnh sơn 枚嶺山 – Núi Mai Lĩnh. Trong các tài liệu thư tịch cổ viết chữ Mai là 枚, với nghĩa là cái, quả, gốc cây; hoặc theo nghĩa là cái vú chuông; còn nhiều làng xã trong dân gian lại viết chữ Mai là 梅, với nghĩa là cây mơ, cây mai hoặc với nghĩa là mùa. Cả hai nghĩa của từ này đã làm nhiều người hiểu theo mỗi người mỗi cách. Chữ Lĩnh嶺 trong từ Mai Lĩnh nghĩa là đỉnh núi có thể thông ra đường cái. Như vậy. Mai Lĩnh hiểu theo nghĩa chiết tự Hán – Nôm thì đó là ngọn núi hình vú chuông có thể thông ra đường cái hoặc cũng có thể hiểu nó là ngọn núi có gắn (hoặc có liên quan) với cây mơ/mai và có thể thông ra đường cái.
Nhà thơ Lương An diễn nghĩa hai từ Mai Lĩnh đầy chất tuỳ hứng thi ca và cho là “Mai Lĩnh, cái tên chữ của nó có nghĩa là “ngọn núi vú chuông”, hai sườn cân đối, chóp chĩa thẳng nhọn lên trời, dường như đánh vào thì sẽ thành tiếng ngân xa nghìn dặm. Từ Đông Hà, theo đường số 9 đi lên, khi qua khỏi Tân Lâm, hễ gặp sông Thạch Hãn thì thấy nó. Núi và sông như đôi tri kỷ không rời nhau, tăng thêm vẻ đẹp cho nhau. Mùa xuân hoa mai nở vàng, hoa chè nở trắng hai bên sườn thoai thoải. Một mùi hương dịu tỏ xa, ướp thêm hương vị cho dòng nước thêm trong, thêm thơm ngát”1.
Tác giả Đinh Xuân Vịnh khi biên soạn “Sổ tay địa danh Việt Nam” thì diễn theo tên chữ Mai là hoa mai và định vị: “Mai Lĩnh (hay Mai Lãnh) ở huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, trên đường quốc lộ 9, ở km 40, bên sông Thạch Hãn, núi ở huyện Hướng Hoá, đầy mai vàng”2.
Tuy nhiên, nói và viết vậy nhưng không chắc rằng các nghệ sĩ này đã từng đến Mai Lĩnh, hoặc ít nhất có một cơ hội nào đó từng đặt chân lên Non Mai.
Nhà Văn Xuân Đức trong một đề án xây dựng khu văn hoá – du lịch Mai Lĩnh của Sở VH – TT Quảng Trị đã cất công đi tìm núi Mai Lĩnh và sau một “hành trình khám phá” đầy ngoạn mục cùng nhiều dẫn liệu, các nhân chứng và tác giả đã đi đến khẳng quyết rằng Động Ngài – ngọn núi mà thư tịch cổ gọi là Động Mang/Mang Sơn (芒山)3 là núi Mai Lĩnh/non Mai: “Động Ngài (kể cả hòn đá vôi cao đẹp phía đầu và cả dãy động nhấp nhô kéo về tận phường Mai Lĩnh), chính là động Mai Lĩnh. Như vậy, ta có thể ghi lên bản đồ vùng đó những dãy núi chính như sau: Phía bắc và tây bắc là dãy núi Kalu, phía đông là Động Toàn, phía nam là Động Chè, tất cả bọc lấy khu Mai Lĩnh”4.
Trong tập bản thảo “Tên những đường phố Đông Hà”, tác giả Hoàng Hữu Phong cũng định vị núi Mai Lĩnh một cách khá cụ thể nhưng đầy cảm tính: “Mai Lĩnh có đỉnh cao 118m so với mặt thuỷ hải chuẩn, nơi đó có một diện tích 38 ha là kho đá quý. Dưới chân vùng núi Mai Lĩnh có khe Động Chè, bắt nguồn từ Động Chè phía nam núi Mai Lĩnh, thường có nước quanh năm đổ về nguồn Hàn. Mai Lĩnh ở về phía tây nam và cách huyện lỵ Đakrông khoảng 3km”5.
Động Ngài là một giả thiết chính là núi Mai Lĩnh
Công cuộc lần tìm về với Mai Lĩnh trên thực địa đã được các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Trị (cả một số người yêu mến và tò mò về Mai Lĩnh của Trung Tâm Bảo tồn DT&DT) dưới sự hỗ trợ thông tin của những bậc cao niên và sự hướng dẫn của người những người thợ rừng, thợ sơn tràng làng Xuân Lâm, Na Nẫm (Triệu Nguyên) trong 2 đợt:
+ Đợt 1: Ngày 20 tháng 10 năm 2016.
+ Đợt 2: Ngày 15 tháng 8 năm 2017.
Tìm về với núi Mai Lĩnh/Non Mai đối với những người nghiên cứu thuộc thế hệ hiện nay tuy là sự mò mẫm nhưng không có gì khó khăn nếu người muốn tìm chịu khó leo núi và chịu khó định hướng trước lối tư duy của mình. Điều này không có gì phức tạp và cũng không thể là gì khác hơn ngoài việc căn cứ vào cả hai nguồn tư liệu: văn tự và hồi cố.
Về mặt văn tự, các nhà địa chí triều Nguyễn tuy không mô tả cụ thể về Mai Lĩnh sơn mà chỉ ghi lại một dòng ngắn ngũi, vắn tắt: “Núi Mai Lĩnh ở phía tây huyện Thành Hoá”8 vì có lẽ không ai có điều kiện để lên đến núi này khi mà núi cao, rừng rậm, lắm thú dữ; còn nhìn từ dưới lên thì không thể dễ dàng xác định. Nhưng các bản đồ vẽ về thế sông, hình núi của từng vùng trong địa hạt Quảng Trị thì được cước chú khá rõ về địa điểm.
Bản “Thừa Thiên toàn đồ”9 lập thời Tự Đức là tài liệu được coi là cổ nhất hiện biết có chú bằng chữ Hán khá nhiều các ngọn núi trên khắp địa hạt Quảng Trị như: Tá Linh sơn, Hắc Thạch sơn, Mang sơn, Mai Đàn sơn, An Thái sơn…; trong đó có Mai Lĩnh sơn (枚嶺山). Địa điểm của Mai Lĩnh sơn nằm về phía nam Mang sơn 芒山 (tức Động Ngài – núi thiêng của người Vân Kiều, nằm trên hữu ngạn của sông Đakrông) và về phía tây bắc của An Thái sơn 安泰山; bên hữu ngạn của Thạch Hãn giang nhưng cách một quảng khá xa chứ không sát bờ sông. Phía đông núi Mai Lĩnh là sông Thạch Hãn; hai phía bắc và tây là sông Đakrông lượn vòng.
Bản đồ “Đăng Xương, Hải Lăng nhị huyện hạt” lập thời Đồng Khánh tuy không cước chú núi Mai Lĩnh khi vẽ ngọn núi ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, được coi là nơi phát nguyên của con sông này; nhưng trong khu vực của núi có chú Mai Lĩnh phường 枚嶺坊 nằm trên sông Thạch Hãn cùng với Trinh Thạch phường 貞石坊 – hai làng Việt hình thành sớm nhất trên vùng thung lũng Ba Lòng. Bản đồ này cho thấy núi Mai Lĩnh nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Và vì có núi Mai Lĩnh nên một phường hiệu của người Việt trong quá trình chuyển đổi tên gọi đã mang tên ngọn núi. Điều này cũng cho thấy tên Mai Lĩnh hầu như chỉ được các nhà địa chí triều Nguyễn (hoặc những người biết chữ Hán) đặt cho từ thế kỷ XIX (cụ thể là thời Tự Đức) với một hàm ý rất Hán; còn trước đó, núi hoặc không có tên hoặc chỉ mang một danh xưng nào đó theo cách gọi của dân gian như: Động Trăn, Động Chấn, hay động Ché. Bởi vì, trước khi được đổi thành phường Mai Lĩnh thì từ thế kỷ XVIII, đơn vị hành chính này đã mang tên phường Mai Hoa 枚花坊. Có phường Mai Hoa nhưng không có núi Mai Hoa. Vậy là cơ sở để có thể tiếp cận danh xưng của Mai Lĩnh là từ Mai Hoa. Khi có được tên núi Mai Lĩnh thì tên phường Mai Hoa cũng thay đổi theo tên núi. Hành trình ngoạn mục này chỉ xảy ra từ thời Tự Đức (vì các nhà địa chí thời Gia Long mặc nhiên đã không nói gì đến tên núi hay phường Mai Lĩnh) và do những nhà địa chí, những trí thức Hán học người Việt dựng đặt, vinh danh làm cho tên cục mịch, quê mùa dân gian Động Ché, Động Trăn… trở thành tên kiêu sa, đài các của một ngọn núi được chọn làm biểu trưng: Mai Lĩnh sơn, xứng đôi với một dòng sông vốn cũng được Hán hóa rất cao độ: Thạch Hãn giang. Điều này cũng lý giải tại sao Tá Linh sơn còn có tên là Động Voi Mẹp; Linh sơn còn có tên là Động Lòi Reng; còn Mai lĩnh sơn thì chỉ gọi là non Mai – một danh từ được đánh bóng đầy tính biểu tượng.
“Thừa Thiên toàn đồ” và “Đăng Xương, Hải Lăng nhị huyện hạt đồ” (cùng với các bản đồ về đạo Quảng Trị trong “Đồng Khánh địa dư chí”) có thể nói là những cơ sở đáng tin cậy để đi tìm địa điểm toạ lạc của núi Mai Lĩnh.
Hai bản sơ đồ của 2 tác giả người Pháp là Delvaux và H. Pirey khi dựng lại kiến trúc thành Tân Sở vào năm 1914 và 1920 có cước chú đường đi Mai Lĩnh từ Cam Lộ lên băng qua khu vực thành hướng về phía nam theo đỉnh động Ho để vượt đèo 365 vào Ba Lòng, xuống Na Nẫm, Xuân Lâm.
Động Ho nằm về phía nam thành Tân Sở và cũng là phía nam làng Lộc An (Cam Chính) vùng Cùa. Về phía nam Động Ho (Động Mặt Nạ) cũng là làng Na Nẫm, Xuân Lâm (Triệu Nguyên) nằm bên tả ngạn Thạch Hãn. Đường từ Cùa băng qua Tân Sở, vượt đèo 365 đến Bình Trị có một nhánh xuống Na Nẫm, một nhánh xuống Ba Lòng. Nhánh xuống Ba Lòng ở khu vực Làng Hạ. Nhánh xuống Na Nẫm qua sông Thạch Hãn ở làng Xuân Lâm rồi theo khe Làng An lên Mai Lĩnh đến Trại Cá (phía tây núi Mai Lĩnh, bên sông Đakrông). Con đường này từ khi có đường nối từ Quốc lộ 9 ở KM 41 vào vùng Ba Lòng thì không còn được phát huy vai trò đầy đủ của nó. Nhưng từ xa xưa và nhất là thời Pháp thì đây cũng chính là một tuyến quan trọng của con đường thượng đạo xuyên sơn.
Đường từ Cùa vượt đèo 365 qua Ba Lòng lên Mai Lĩnh theo khe Làng An đến Trại cá do tỉnh trưởng Quảng Trị là Nguyễn Văn Đông cho mở và xây các cầu cống vượt khe vào những năm 1958 – 1959. Nguyễn Văn Đông có một đồn điền ở vùng Cùa; nay vẫn còn dấu tích một ngôi biệt thự cũ của gia đình Tỉnh Đông nằm bên trái đường đèo Cùa. Để thuận lợi cho việc khai thác gỗ, các loại lâm đặc sản từ vùng núi rừng phía tây bao la, Nguyễn Văn Đông đã cho đầu tư mở mang và thiết lập nên một con đường nối Cam Lộ với Cùa và Ba Lòng lên thượng nguồn sông Đakrông. Con đường này được hoạch định dựa trên cơ sở con đường mòn từ Cùa lên Mai Lĩnh đã hình thành từ trước đó. Đây chính là con đường thượng đạo – con đường mà ngự đoàn Hàm Nghi đã đi khi rời khỏi thành Tân Sở qua thung lũng Ba Lòng (Xuân Lâm), lên Mai Lĩnh vượt sông Đakrông sang Trại Cá (Tà Long) để lên Lao Bảo, qua Lào sau ngày 26-7-1885.
Con đường này người dân vùng Ba Lòng quen gọi là đường Bà Cả (chị cả của Tỉnh Đông). Tuy nhiên, việc mở con đường từ Làng An đi Trại Cá thực hiện nửa chừng thì bỏ dỡ do chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Ngày nay, những người thợ rừng vùng Ba Lòng vẫn sử dụng để đi lên Động Trăn, Động Chấn, Mai Lĩnh để khai thác gỗ. Dấu tích để lại của con đường này là 4 mố cầu xây bằng đá và xi măng vượt khe còn có các tên là Cầu 1, Cầu 2, Cầu 3, Cầu 4.
Về mặt hồi cố, Mai Lĩnh sơn/non Mai là cặp đôi sông núi biểu trưng của người Việt, của không gian văn hoá Việt. Nó chỉ gần gũi, thân quen và đi vào tâm thức của người Việt – bắt đầu từ vùng phía nam Quảng Trị thuộc hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng; sau mới lan dần ra để trở thành biểu trưng, nhập thân vào dân Việt cả vùng Quảng Trị. Người Vân Kiều đương nhiên sẽ không biết và họ không cần gì phải biết khi sông thiêng của họ là Đakrông và núi thiêng của họ không phải là Mai Lĩnh. Tìm về với Mai Lĩnh phải tìm về với người dân Việt trên đôi bờ Thạch Hãn.
Những người Việt thuộc các làng vùng thung lũng Ba Lòng – những người thuộc thế hệ những năm chống Pháp và Mỹ sống tại vùng này và cả những thế hệ trẻ hơn về sau thường xuyên đi rừng với nghề sơn tràng thì không lạ lùng gì với Non Mai/Mai Lĩnh. Đứng từ phía làng Xuân Lâm của xã Triệu Nguyên hay từ Phú Thành của xã Mò Ó, người dân địa phương có thể chỉ lên phía Động Trăn, Động Chấn (nằm phía bắc Động Chè và phía nam động Ché) và khẳng quyết đó là núi Mai Lĩnh.
Nếu có ai đó hỏi một cụ già vùng Ba Lòng rằng: Non Mai – Sông Hãn ở đâu? Người ta dễ dàng chỉ một tay xuống đất và một tay xiên lên trời mà nói: Thạch Hãn đây. Mai Lĩnh đó tề. Bởi thế nên nhạc sĩ Lê Anh trong một ca khúc viết về quê hương Quảng Trị đầy chất dân ca vùng Thạch Hãn: “Giọng hò thương nhớ” đã thốt lên bằng tâm cảm và cũng bằng cả sự hồn nhiên: Thạch Hãn đó, Mai Lĩnh là đây, biết mấy ân tình, giữa muôn trùng sông nước; nắng cháy bão bùng vẫn chung lòng sau trước. “Thạch Hãn đó, Mai Lĩnh là đây” là lời của nhạc sĩ Lê Anh hay cũng chính là lời của người dân địa phương chỉ cho tác giả về Non Mai – Sông Hãn (?!). Có thể có người đã từng lên đến núi Mai Lĩnh và nhiều người chưa bao giờ biết núi Mai Lĩnh ở đâu, nhưng từ trong tâm khảm của mình, người dân đôi bờ sông Thạch Hãn đều đinh ninh một cách chắc chắn rằng núi Mai Lĩnh phải nằm ở thượng nguồn sông này; và vì thế núi và sông mới trở thành cặp đôi của non nước Quảng Trị.
Vì thế, không hề đòi hỏi tiền lộ phí, tiền dẫn đường, những người từng lăn lộn với rừng, gắn bó với rừng và thừa hưởng những đặc ân từ Động Chè, Động Ché, Đông Trăn, Động Chấn, Mai Lĩnh ở các làng Na Nẫm, Xuân Lâm luôn sẵn lòng đưa những người muốn tìm về với Mai Lĩnh lên đến đỉnh Non Mai trong khoảng thời gian chừng 6 – 8 tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối, vượt dốc cả đi lẫn về theo con đường từ Xuân Lâm qua sông Thạch Hãn theo khe Làng An – đường Bà Cả, qua Động Trăn (hoặc Động Chấn).
Hành trình lên non Mai và về với Mai Lĩnh của các cán bộ nghiên cứu Bảo tàng Quảng Trị cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích & Danh thắng là sự mò mẫm để tìm hướng đi từ trong các văn bản thư tịch cổ, các tài liệu thành văn và cũng là tìm lối đi từ trong thực tiễn qua sự chỉ bảo, hướng dẫn và giúp rập của người địa phương và bằng nghị lực vượt khó để leo núi với tất cả tấm lòng yêu mến sông núi quê hương Quảng Trị. Các dữ liệu có được trong quá trình tìm kiếm chính là những cơ sở xác thực để định vị núi Mai Lĩnh.
Núi Mai Lĩnh hiện nằm trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakông, ở phía tây nam huyện lỵ Đakrông, trên bờ hữu ngạn của sông Thạch Hãn, thuộc địa phận xã Mò Ó (nguyên trước thuộc xã Triệu Nguyên), huyện Đakông. Núi nằm trong quần thể Động Trăn, Động Chấn, phía bắc Động Chè, phía nam Động Ché, có độ cao hơn 800m so với mực nước biển (theo bản đồ UTM là ở độ cao 843m). Số liệu “cao 118m so với mặt thuỷ hải chuẩn… diện tích 38 ha” do Hoàng Hữu Phong đưa ra là thiếu chính xác.
Núi có hình chóp tròn, hơi nhọn, xuôi dần nhiều hơn theo hướng tây – đông. Trên đỉnh có một khoảng đất bằng, hiện chỉ có lau lách và cây bụi. Khu vực này chính là một căn cứ quân sự được xây dựng thời Mỹ và cũng chính là một đồn binh được người Pháp thiết lập sau năm 1885. Đứng từ đỉnh núi Mai Lĩnh (hoặc động Chấn) có thể nhìn thấy thị trấn Krông klang ở về phía đông bắc và sông ĐaKrông, đường 14 trên địa phận xã Tà Long (Trại Cá) ở về hướng tây.
Từ quần thể Động Trăn, Động Chấn, Mai Lĩnh có Khe Làng An chảy từ tây bắc xuống đông nam đổ vào sông Thạch Hãn ở địa phận làng Xuân Lâm. Khe Làng An cũng là hợp lưu với Khe Khế chảy theo hướng tây nam – đông bắc, phát nguyên từ phía Động Chè. Phía bắc quần thể Động Trăn, Động Chấn, Mai Lĩnh còn có Động Ché; khe Làng An chảy vòng phía đông; còn phía tây là khe Luồi. Khe Luồi chảy từ Động Ché xuống, đổ vào sông Thạch Hãn ở khu vực bản Luồi.
Nếu đứng ở làng Na Nẫm và bờ sông Thạch Hãn thì núi Mai Lĩnh nằm ở phía tây nam, nhưng không thể nhìn thấy vì núi bị khuất sau Động Trăn. Nếu đứng ở làng Xuân Lâm thì vừa nhìn thấy Động Trăn vừa nhìn thấy đỉnh của núi Mai Lĩnh.
Cần nói thêm rằng, phường Mai Hoa/Mai Lĩnh không nằm trong khu vực núi Mai Lĩnh mà là phía bắc núi Mai Lĩnh. Phường Mai Lĩnh nằm phía hữu ngạn sông Đakrông, đối diện với Làng Cát (gần cầu Đakrông); phía nam tiếp với Phú Thành. Phường Mai Lĩnh nằm phía nam Động Ngài. Từ Động Ngài về phía nam là một dãy động nhấp nhô kéo về tận phường Mai Lĩnh; nhưng đó không phải là núi Mai Lĩnh/Non Mai. Động Ngài được ghi trong bản đồ “Thừa Thiên toàn đồ” là Mang Sơn/núi Mang, cũng tức là động Mang. Sách “Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Mang ở phía tây nam huyện Thành hoá, cây cối rậm rạp, khe động gập ghềnh. Tương truyền hành khách đi đến núi này, tức phải tự mang gông ở cổ, khi qua đỉnh núi, vọng bái thần núi rồi tháo gông ra mà đi, làm như thế để cầu yên lành; tục gọi là động mang”11. Người Vân Kiều gọi núi này là Kok Yang (núi thiêng, núi Giàng), diễn nôm là Động Ngài. Động Ngài không phải là núi Mai Lĩnh.
Trên núi Mai Lĩnh thì tuyệt nhiên không thấy cây mai. Rất có thể là đã bị phá hết. Từ năm 2004 đến nay, dọc theo con đường đi lên Mai Lĩnh, việc khai thác gỗ trái phép vẫn hàng ngày diễn ra. Rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng còn chẳng có, có đâu mai (!). Tuy thế, ở Động Trăn, dọc theo đường mòn có rất nhiều cây mai con – loại hồng diệp. Những người dẫn đường cho rằng trước đây vùng núi này có rất nhiều mai rừng.
Sông Hãn – Non Mai chính thức trở thành biểu trưng văn hoá kể từ khi lỵ sở, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Quảng Trị đặt bên dòng Thạch Hãn. Kể từ đó, cặp đôi sông núi này nhập thân vào đời sống văn hoá của người dân đôi bờ Thạch Hãn; trở thành niềm ngưỡng vọng, tự hào của người dân Quảng Trị.
Các ngôi đình, đền miếu, nhà thờ họ ở các làng nằm dọc 2 bên bờ Thạch Hãn đều hướng ra sông. Người dân các làng xã vùng Triệu Phong, Hải Lăng không chỉ coi non Mai – sông Hãn là biểu tượng, là niềm tự hào về giang sơn gấm vóc mà còn là sự gữi gắm niềm tin về sức sống mãnh liệt, sự bền vững muôn thu về đất nước. Tinh thần này được thể hiện thông qua những câu đối, những vần thơ cảm tác được khắc tạc ngay trên các công trình văn hoá truyền thống ở nhiều làng xã. Cặp câu đối trước cổng trụ đình làng Dã Độ viết:
枚山遠炤千年柱/ 捍水長流萬古春: Mai Sơn viễn chiếu thiên niên trụ/ Hãn thuỷ trường lưu vạn cổ xuân.
Cặp câu đối trước đình làng Thạch Hãn: 石嶺開建井疆遺跡前人存萬古/ 捍江潤培耕墾本鄉後世在千秋: Thạch Lĩnh khai kiến tỉnh cương di tích tiền nhân tồn vạn cổ/ Hãn giang nhuận bồi canh khẩn bổn hương hậu thế tại thiên thu.
Cặp câu đối trước cổng đình làng Cổ Thành: 嫩枚日月門城千秋永/ 江永水和柱表百世歌:Non Mai nhật nguyệt môn thành thiên thu vĩnh/ Giang Vĩnh thuỷ hoà trụ biểu bách thế ca.
Cặp câu đối ở đình làng Đâu Kênh viết: 梅山懍烈對面結同鄉/ 捍水威丰中心炤五族: Mai sơn lẫm liệt đối diện kết đồng hương/ Hãn thuỷ uy phong trung tâm chiếu ngũ tộc.
Câu đối ở đình làng Mai Xá Thị viết: 枕後梅仙山鎮堡/ 按前捍越水潮迎: Chẩm hậu Mai Tiên sơn trấn bảo/ Án tiền Hãn Việt thuỷ triều nghinh.
Người dân trên các làng dọc sông Hiếu nhiều khi lại lấy Non Mai/Mai Lĩnh thay cho Tá Linh và coi Non Mai – Sông Hiếu là cặp đôi sông núi biểu trưng của tiểu vùng này. Trước đình làng Nghĩa An (phường Đông Thanh) có 2 cặp câu đối: 孝水長流千秋在/ 西嶺高山萬古留:Hiếu thủy trường lưu thiên thu tại/ Tây Lĩnh cao sơn vạn cổ lưu. Hoặc: Tô bồi rực rỡ ngời Sông Hiếu/ Trang điểm huy hoàng rạng Núi Mai.
Bên trong nhà thờ họ Hồ Sĩ làng Nghĩa An còn có câu: 孝水 克含千古月/ 梅山長對億年聲:Hiếu thủy khắc hàm thiên cổ nguyệt/ Mai sơn trường đối ức niên thanh.
Bài thơ “Cảm đề tam quan” ngợi ca địa cuộc ngôi đình làng An Lợi ghi ở nghi môn:
“Uy nghi hướng vọng Mai sơn đỉnh
Trầm mặc trông ra Hãn thuỷ dòng
Nối gót người xưa bồi phúc địa
Dân AN, vật LỢI thoả tấm lòng”.
Nhà thơ Phan Văn Hy cảm nhận về sông Hãn – non Mai như một bức tranh thuỷ mặc mà tạo hoá đã khéo vẽ nên để mỗi lần thưởng ngoạn, lữ khách càng thêm phần thanh thản, gạt bỏ mọi ưu tư, phiền muộn của cuộc đời:
“Ngọn bút thiên công khéo vẽ vời
Bức tranh tuyệt diệu đãi người chơi
Gió Âu, mưa Á tuy dồn dập
Nguồn Hãn, non Mai chẳng đổi dời
Ca hát bên sông dòng nước chảy
Thấp cao trước bãi bóng trăng ngời
Mãi vui chung chén xem phong cảnh
Lững quách hơn thua cái chuyện đời”.
Sông Hãn – Non Mai đã đi vào văn hóa như thế đó
Tác giả : Yến Thọ
(1) Lương An. Non Mai sông Hãn. Tuyển tập Lương An. Nxb Thuận Hoá, Huế 2004, tr. 552.
(2) Đinh Xuân Vịnh. Sổ tay địa danh Việt Nam. Nxb Lao Động, 1996. tr. 332.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Sđd, tr. 134.
(4) Xuân Đức. Một số ý kiến có tính chất đề dẫn tại Hội thảo về địa chỉ khu Mai Lĩnh và đề án xây dựng khu văn hoá – du lịch Mai Lĩnh. Tài liệu đánh máy vi tính (8 trang), 2004, tr. 1.
(5) Hoàng Hữu Phong. Tên những đường phố Đông Hà. Hội người cao tuổi Đông Hà. Bản thảo, 2006, tr. 64.
(6) Tham gia đợt khảo sát lần này có: Lê Đức Thọ – Lê Đình Hùng – Nguyễn Quang Chức – Lê Chí Tài – Nguyễn Văn Hùng – Nguyễn Duy Hùng; với sự cung cấp thông tin của ông Đỗ Văn Dược, 75 tuổi và sự dẫn đường của anh Đỗ Việt Hà, 40 tuổi, người thôn Xuân Lâm.
(7) Tham gia đợt khảo sát này có: Lê Đức Thọ – Cái Thị Vượng – Nguyễn Cường – Hoàng Ngọc Thiệp – Nguyễn Thị Cẩm Lệ; với sự dẫn đường của Nguyễn Văn Quỳnh và Trần Văn Kỷ.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Sđd, tr. 135.
(9) Bản đồ được lưu giữ tại họ Nguyễn Đức, phường Đúc Huế.
(10) Xem: – H. De Pirey. Une capital éphémère: Tan So (Một thủ đô phù du Tân Sở). B.A.V.H, 1914, Ðặng Như Tùng dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 224 – 234.
– A. Delvaux. Le camp de Tân Sở (Căn cứ Tân Sở). B.A.V.H, 1942, tr. 105 – 114.
(11) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí. Sđd, tr. 134.
Thông tin rất hay về quê hương Quảng Trị.
Xin cảm ơn tác giả và huyhoangdesign.com
1 vài chổ sai chính tả (liên quan tới ngày tháng năm) chắc do đánh máy. Nên dò lại và hiệu chỉnh cho đúng.
Khanh
[+ Đợt 1: Ngày 20 tháng 10 năm 20046.
+ Đợt 2: Ngày 15 tháng 8 năm 20107.]
[Hai bản sơ đồ của 2 tác giả người Pháp là Delvaux và H. Pirey khi dựng lại kiến trúc thành Tân Sở vào năm 1914 và 194210 có cước chú]
cảm ơn bạn.