Xưa & Nay

Đông Hà trong ký ức tôi

Tôi biết đến địa danh Đông Hà từ thuở lon ton chạy theo mẹ gánh mớ rau tập tàng từ làng lên chợ huyện bán. Bàn chân trần quen với lối mòn chênh vênh, lơm nhơm đá sỏi của vùng quê bán sơn địa lần đầu đặt lên mặt đường nhựa phẳng lì êm mát vào một sáng mai thu. Cảm giác mơn man lan từ gan bàn chân lên con tim bổi hổi bồi hồi như sắp đi vào chốn địa đàng. Có thể nói đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thụ hưởng sản phẩm của nền văn minh công nghiệp.
Cuối làng tôi nơi con đường quốc lộ 1A chạy qua, có một cột cây số. Tôi khó khăn lắm mới đọc hiểu được mấy chữ: Đông Hà 31km. Mẹ tôi bảo: “ Từ làng mình mà xuất phát đi bộ lúc sáu giờ sáng thì khoảng mười một giờ trưa sẽ tới Đông Hà”. Hồi ấy tôi không có khái niệm về khoảng cách, thời gian, chỉ nghe người lớn nói rằng: Từ làng tôi sáng đi bộ vô Đông Hà thì chiều cũng kịp trở về làng. Nhưng lúc đó, tôi không thể tiên lượng được điều này: Để đi hết được đoạn đường ba mươi mốt cây số ấy, cả dân tộc phải liên tục hành quân hai mươi mốt năm ròng với bao máu xương phải đổ…
Chẵn mười năm sau ngày lần đầu lên chợ huyện, tôi mới chạm mặt Đông Hà. Mùa hè năm 1972, từ hướng Gio Linh tôi cùng đồng đội tiến vào Đông Hà dưới màn mưa bom và trọng pháo của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Cây cầu đường bộ duy nhất bắc qua sông Hiếu đã bị đối phương đánh sập. Đầu cầu phía Bắc trơ một tấm biển bằng sắt nham nhở vết đạn nhưng vẫn đọc được dòng chữ tiếng Anh: “Dong Ha 1969 – major construction project for MCB-62” ( Dự án xây dựng cầu Đông Hà do Tiểu đoàn 62 – Công Binh Hải quân Hoa Kỳ thực hiện năm 1969 ). Chúng tôi rẽ trái xuống làng An Lạc xã Cam Giang. Trong bản đồ quân sự UTM của Mỹ do Cục bản đồ Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chụp in lại, từng nóc nhà của làng An Lạc được thể hiện bằng những ô vuông đen xúm xít gần nhau mách bảo một làng quê trù phú có cư dân đông đúc ven bờ sông Hiếu. Thế nhưng trên thực địa, tại thời điểm đó, làng xóm tan hoang, cây cối tiêu điều, nham nhở vết đạn bom, không một nóc nhà nào trong xóm còn nguyên vẹn…Trứơc một ngôi nhà mái lợp tôn bị mảnh bom, pháo băm nát, tôi nhìn thấy một cây khế ngọt bị tiện ngang thân, ngay dưới vết cắt toe xơ, một chùm quả xanh còn đeo lại trên mỏm cành cụt khẳng khiu và một chùm hoa tím đã kịp nhú ra mỡ màng đầy sức sống…
Bom B52 nổ dựng những màn khói hình chữ nhật như những bức tường đen kịt từ làng Tân Vĩnh bên sông Vĩnh Phước kéo dài sang làng Tây Trì ở bờ nam sông Hiếu. Hình như ngày nào cũng thế, đêm nào cũng thế cả một vùng đồi phía tây nam Đông Hà bom và pháo cần mẫn cày xới, không chừa chổ nào rộng quá vuông sân.
Rồi thì Hiệp định hòa bình Pa ri được ký kết tháng giêng năm 1973…
Chính quyền Sài Gòn chọn bãi cát Diên Sanh xây dựng Tiểu khu mới, Tiểu khu Quân sự kiêm Trung tâm hành chính tỉnh, quản lý 15% đất đai chiếm lại được của tỉnh Quảng Trị giải phóng sau nỗ lực máu xương đến kiệt quệ của hai sư đoàn tổng trừ bị chiến lược là sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến suốt cả năm 1972.
Phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn Đông Hà làm tỉnh lỵ cho tỉnh Quảng Trị mới giải phóng.
Thị trấn Đông Hà ngày ấy chỉ còn lại ba thứ có độ cao nhô lên giữa đống đổ nát tan hoang: Thứ nhất là Nhà Vòm trên sân bay Đông Hà, thứ hai là Lô cốt cao nơi khúc cua đường số 9 cũ đối diện với Trung tâm Viễn thông hiện nay trên đường Trần Hưng Đạo, lô cốt này do Pháp xây để lại nay đã bị đập bỏ và thứ ba là một ngôi nhà hai tầng mang đầy thương tích trên đường Phan Bội Châu gần cửa chợ Đông Hà cũ, ngôi nhà này được chọn đặt làm Trung tâm Bưu điện Đông Hà.
Hồi đó nhà Vòm như là đặc điểm nhận dạng riêng của Đông Hà, đứng xa cả chục cây số vẫn nhìn thấy cái “ ga ra tàu bay” nổi bật giữa không gian thông thoáng do bom đạn phát quang thành bình địa. Lô cốt cao giữa lòng thị trấn như khẳng định Đông Hà vốn là cứ điểm quân sự xuyên qua hai cuộc chiến tranh ác liệt. Trên đỉnh lô cốt cao lúc mới giải phóng cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nửa xanh, nửa đỏ giữa là ngôi sao vàng năm cánh như khẳng định ý chí quyết chiến quyết thắng. Lá cờ mà khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mới ra đời được giải thích rằng:
“ Nửa cờ mát rượi màu xanh.
Hòa bình vốn giấc mộng lành chúng ta
Nửa cờ đỏ thắm màu hoa
Ngôi sao rọi lối đường xa cho mình…”
Sau khi Hiệp định Pa ri có hiệu lực, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam cho xây lắp phiá sau lô cốt một cột cờ bằng ống thép tương tự như cột cờ ở giới tuyến quân sự tạm thời Hiền Lương và treo lên đó lá cờ bằng lụa to hơn. Lá cờ này đứng trong Thành Cổ Quảng Trị nhìn ra vẫn thấy rõ.


Ngay sau lưng lô cốt cao là cụm máy phát điện Diesel. Cũng sau khi hiệp định Pa ri có hiệu lực, tháng 5 năm 1973, Bộ Điện than lúc bấy giờ đã thành lập đoàn công tác Đ73 vào Quảng Trị để tiếp quản, khôi phục và phát triển hệ thống điện trên vùng đất mới giải phóng mà chủ yếu là tập trung vào việc cấp điện ánh sáng sinh hoạt cho một số cơ quan tại khu vực Đông Hà. Tôi nhớ không nhầm, Giám đốc cụm điện là bác Văn Giai, bác này rất hay vào chơi với các sếp Tiểu đoàn tôi, từ chổ quen thân như người nhà nên bác ấy đồng ý cho đơn vị câu điện từ Trạm biến áp của bác ấy vào thắp sáng trong đơn vị. Cột điện thì cán bộ chiến sĩ kiếm các cây gỗ dầu trong căn cứ quân sự quân đội Sài Gòn xẻ thành thanh 20x20cm, dài 5 mét rồi đem chôn xuống đất. Dây tải điện thì lính ta lấy các cuộn dây thép gai mới của quân đội Sài Gòn bỏ lại trong kho, dùng kìm tháo các gai sắt ngang, lấy các cặp dây kim loại nối thành dây dẫn dài hơn 1km. Có điện, cuộc sống sinh hoạt của đơn vị tươi mới rõ rệt. Có thể nói cụm Diesel này là khởi thủy của Sở Điện lực Quảng Trị sau này.
Cũng tại dưới chân lô cốt cao này, tháng 9 năm 1973, Chủ tịch nước Cộng Hòa Cu Ba Fidel Castro khi đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị đã dừng chân đứng ngắm đống xác xe tăng M48, M41và cứu nạn chiến xa hiện đại nhất của quân đội Mỹ viện trợ cho quân đội Sài Gòn thời điểm đó, một cách thích thú.
Trên lô cốt này, từ xuân 1974 treo một tấm pa nô tranh cổ động to “ tầm cỡ quốc gia” mang bốn câu thơ của ông Lê Đức Thọ:
“Xuân về trên đồi cũ
Phấp phới ngọn cờ hồng
Cả hai tên xâm lược
Chôn một nấm mồ chung.”…
( CÒN TIẾP)
Tác giả :  Tống Phước Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *