Gạo hàng xáo Gia Độ theo người đi xa…
Nép mình bên dòng sông Thạch Hãn, làng Gia Độ mang vẻ đẹp làng quê thanh bình. Dù đời sống kinh tế đã có nhiều thay đổi, nơi đây như vẫn mang những nét riêng của một thời xa ngái, khi cái khó, cái nghèo còn ngự trị. Thành ra, trong vẻ đẹp thanh bình ấy, người xa ghé tới, vẫn có thể bắt gặp hình ảnh những con người tất tưởi mưu sinh. Trong số ấy, còn có nghề “buôn xáo”, cái nghề đã gắn bó với những người mẹ, người chị hàng chục năm nay. Chỉ một chiếc xe đạp cũ kỹ, chiếc nón quen thuộc, hằng ngày, dù nắng hay mưa thì các mẹ, các chị vẫn duy trì công việc. Họ đạp xe hàng chục cây số để mang những hạt gạo thơm ngon đến các gia đình tại TP Đông Hà. Người trong làng kể, đến những năm cuối thế kỷ XX, hầu như nhà nào cũng có người làm buôn xáo. Hằng ngày, cứ tầm 5 giờ sáng, người buôn xáo đã dậy để chuẩn bị mua lúa rồi chở đến nhà máy xát. Xát xong thì phải sàng, sảy cho gạo được đẹp hơn và không để những viên sạn nhỏ lẫn vào trong gạo. Tầm 9 giờ sáng, họ bắt đầu cuộc hành trình trên chiếc xe cũ để đưa gạo đến Đông Hà bán.
Ở làng Gia Độ hiện còn khoảng 30-40 người theo nghề buôn xáo.
Theo các bô lão trong làng, người buôn xáo hầu như chỉ kiếm lãi bằng cách bán gạo và thu các sản phẩm phụ như cám, tấm. Chữ “xáo” có nghĩa xới lên, làm đảo lộn hạt gạo qua bàn tay của người phụ nữ tảo tần. Làm nghề buôn xáo rất cực khổ, vẫn chiếc xe đạp cũ gắn bó hàng chục năm, mỗi người phải chở hơn 100kg gạo. Mỗi kilôgam gạo chỉ lãi khoảng 800 – 1.000 đồng, trung bình mỗi ngày họ lãi tầm 100.000 đồng. Trước đây khi chưa có cầu, mọi người di chuyển bằng thuyền để qua sông Thạch Hãn, sau đó đi đoạn đường đất đỏ rất dài mới ra đến đường cái quan. Trời nắng hè bụi mù mịt và gió Lào thì nóng rát làm cho mọi người phải nín thở hoặc nhắm mắt khi đi đường; mùa đông thì mưa to, đôi khi lũ lụt, nhưng họ vẫn duy trì công việc của mình. Chị Hồ Thị Lũy (52 tuổi, người làng Gia Độ) chia sẻ: Trước đây, trong làng có 30 đến 40 người làm nghề buôn xáo. Vì quá cực và khó khăn nên có nhiều người bỏ nghề hay đi nơi khác làm ăn sinh sống. Nhưng cũng có người cố gắng làm đến già, khi đạp xe không nổi nữa mới ở nhà. Như tôi, làm nghề xáo này gần 20 năm rồi, tuy vất vả, lời lãi nhiều lúc không đủ tiền để nộp học phí cho con. Được cái, khi đi làm, các chị em trong làng vui vẻ với nhau, các khách hàng cũng thường xuyên giúp đỡ nên cũng cố gắng, kiếm miếng cơm thôi chứ không dư được đồng nào cả. Tôi có 2 người con, một đứa nay đi làm kế toán cho doanh nghiệp ở Khe Sanh, còn một đứa đang học lớp 11 ở TP Đông Hà… Đất Triệu Độ hằng năm được bồi đắp phù sa sông Thạch Hãn, nhờ thế hạt lúa rất to, được gạo, nấu cơm rất thơm. Các khách hàng ở TP Đông Hà rất ưa chuộng gạo Triệu Độ. Họ chọn gạo này làm bữa cơm hằng ngày cho gia đình mình, vì gạo an toàn, bóng mẩy do được chăm chuốt bởi bàn tay những người phụ nữ thôn quê. Cảm thương người buôn xáo, lại ưng bụng về bát cơm ngon, nên sau khi mua gạo, nhiều khách hàng thường xuyên cho thức ăn hoặc áo quần cũ cho các chị, các mẹ mang về. Con cái những người buôn xáo đi học ở TP Đông Hà thường được các gia đình ở đây nhận nuôi ăn học vì lòng cảm thông, sự chân thành và chất phác của người buôn xáo.
Quanh năm tảo tần buôn xáo nhưng các mẹ, các chị làng Gia Độ vẫn đảm đang công việc trong gia đình. Các chị đi buôn xáo về lại tranh thủ ra đồng làm ruộng cùng với chồng con. Vẻ bình dị, lam lũ của các mẹ, các chị đã tô đậm thêm một nét đẹp riêng có của mảnh đất nghèo bên bờ sông Thạch Hãn.
Trần Chánh (theo baomoi.com)