Xưa & Nay

Hiểu đúng và viết đúng những tên làng ở Quảng Trị

Những cái tên đã tồn tại hàng trăm năm trong sự hòa đồng ấy có ý nghĩa như thế nào và cha ông đã truyền lại cho chúng ta một thông điệp gì trong đó? Để trả lời, chúng ta phải tìm hiểu nội dung tư duy hàm chứa ngắn gọn trong hai chữ của những tên đất tên làng mà hiện chúng ta còn nói sai âm, viết sai chữ và cũng chưa biết đến bao giờ mới hiểu đúng nỗi ý nghĩa. Sỡ dĩ gặp khó khăn như vậy là vì chúng ta chỉ đang có trong tay hai bản danh sách làng xã, một bản trong sách Ô Châu Cận Lục ghi lập năm 1555 và một bản trong sách Phủ biên tạp lục ghi lập năm 1776, tức là cách nhau đến 221 năm, một quãng cách thời gian vừa quá dài vừa đầy những biến động lớn về chính trị, về dân số và làng xã. Nói rõ ra là giá như chúng ta có được ba bản nữa: một bản giữa hai thời điểm 1075 và 1555, một bản giữa hai thời điểm 1555 và 1776 và một bản giữa hai thời điểm 1776 và 1945 nữa thì hay biết bao. Nhưng biết làm thế nào được khi các triều đại cũ chỉ để lại cho chúng ta một gia tài quá nghèo nàn. Đã thế, hai bản danh sách để lại đều là loại chép tay, khó tránh được tam sao thất bản nên độ tin cậy cũng chỉ ở một mức nhất định. Chẳng hạn như về tên làng Đại Nại, bản Ô Châu Cận Lục (OCCL) ghi nguyên văn chũ Hán có nghĩa là một sức nhẫn nại lớn, đến bản Phủ biên tạp lục (PBTL) lại ghi một đàng là cây mít nài lớn, vậy thì bản nào đúng? Để giải quyết nghi ngờ này, tôi đã tìm gặp ông lý cũ của làng Đại Nại và được ông cho biết giấy tờ trước kia đều ghi chữ Đại Nại theo nghĩa là chiếc vạc lớn. Một trường hợp na ná như thế là tên làng Đại Hòa. Hai chữ này, PBTL ghi… nhưng các phụ lão ở đó lại bảo với tôi rằng ghi thế là sai, phải viết là (hạt lúa lớn) theo ý tổ tiên là “nhất nhân nhất mộc”,  chiết tự hai chữ ấy. Lúc đầu tôi cũng chưa tin lắm, nhưng khi đọc đến hai chũ Đại Hòa khắc trên chiếc chuông lớn đúc thời Gia Long của nhà toán học, thiên văn học Nguyễn Hữu Thận cúng cho chùa làng mới thấy các cụ nói đúng. Rồi còn bao nhiêu trường hợp rắc rối nữa, không biết dựa vào đâu để xác định,như tên làng La Duy, PBTL ghi theo nghĩa giấy lưới lụa?, Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân lại ghi theo nghĩa cái màn là; làng Kỳ Trúc, OCCL ghi theo nghĩa (tre ở Kỳ Viên, ý nói nhiều và đẹp, PBTL ghi (tre ngọc)… vậy biết sách nào ghi đúng? Ở đây chỉ đơn cử một số tên, trên thực tế loại này hãy còn rất nhiều. Với những trường hợp này, nếu không dựa vào hương phổ, tộc phổ, các vị thức giả hoặc các ông hương lỹ cũ của làng thì còn biết dựa vào đâu?

Song có một điều chắc chắn là dù cho chính quyền cấp trên đặt đổi hay do dân làng tự đặt, mỗi tên đất tên làng đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Cái tên Triệu Phong đã phản ánh ý nguyện chung của mọi người dân trong địa phương muốn “gây dựng vùng đất trở nên phồn thịnh, giàu có”, cái tên Đăng Xương kêu gọi nhân dân “bước lên cảnh đẹp giàu”; cái tên Hải Lăng vừa nói lên hình thế đất, vừa nhắn gởi cái ý “sản xuất lúa gạo nhiều cho kho đầy ắp”; cái tên Vĩnh Linh nhắc mãi một vùng đất “hạnh phúc đời đời”; cái tên Do Linh dù đổi lại một cái ý không trong sáng, vẫn nhắc nhở “sử dụng lấy phần lành tốt”; cái tên Cam Lộ nhắc nhủ là “nơi móc ngọt, thiên hạ thái bình”; cái tên Hướng Hóa gây ý thức “hướng về để cải hóa phong tục”.

 

                     Đình làng Mai Xá Chánh. Ảnh : mytour.com

 

Với các tên làng, hướng chung cũng vẫn như vậy nhưng vì số lượng lớn hơn nên diện phải ánh và phần ý nghĩa cũng rộng rãi hơn, chi tiết hơn. Có thể tạm phân ra các mặt như sau:

A – Giữ tên làng cũ ở phía Bắc hoặc giữ lại một chữ để tự nhắc nhớ nguồn cội, tiếp tục phát huy truyền thống, gây dựng quê mới. Làng Cổ Trai (mang nguyên vẹn tên làng cũ, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng); làng Cương Giản (thường gọi là Gián – mang tên làng cũ, nay thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh); các làng Hà Thượng, Hà Trung, Hà Thanh (nguyên là dân làng Hà Mạt, phủ hà Trung, tỉnh Thanh Hóa); làng Hoa La kỵ húy đổi là Bích La (nguyên là dân làng Hoa Duệ, nay là làng Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh); làng Hồng Khuê kỵ húy đổi là Bích Khê (mang nguyên tên làng cũ, nay thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam); làng Phú Long (nguyên là dân làng Phú Xuân ở thừa thiên dời ra ở trên đất đồi làng Long Hưng); làng Lộc Yên (nguyên là dân từ làng Việt Yên lên ở); làng Trường Thọ (nguyên là dân làng Trường Sanh dời lên ở)…

B – Phản ánh vị trí và cảnh sắc đẹp đẽ của làng:Làng Hải Chữ (cồn biển – tên củ là  Thủy Chữ (cồn sông); làng  Thủy Bạn (bên bờ sông) – Làng Đơn Duệ (vùng đất đỏ nơi biên viễn); làng Cổ Thành (làng trên ở vùng thành xưa – theo linh mục Cadiere, là bức thành cổ của Chiêm Thành có tên là Trivikramapura); làng Cổ Lũy (làng ở trên một chiến lũy xưa); làng Cổ Bưu (làng ngày xưa đặt nhà trạm – sau đổi là Trí Bưu – chữử Bưu còn đọc là Vưu); làng Thạch Hãn, (tên nôm na cũ là Đá Hàn, nơi có đá giữ con nước); làng Thượng Độ (bến đò trên); làng Trà Trì(ao nước chè)…

C – Tự hào với vẽ đẹp thanh tú của làng: làng Lam Thủy (sắc nước xanh thắm); làng Bích Giang(dòng sông xanh biếc); làng Liên Trì (ao sen); làng Trúc Lâm (rừng trúc, nơi người đức hạnh họp lại); làng Tường Vân (như đám mây tốt lành); làng Hoa Ngạn (bờ sông đẹp lộng lẫy – sau kỵ húy đổi lại Phương Ngạn, bờ sông thơm ngát); làng Hoa Viên (vườn cây xinh đẹp – sau kỵ húy đổi là Xuân Viên (vườn xuân); làng Phương Lang (cau thơm); làng Sa Lung (chiếc lồng lụa mỏng); làng Cẩm Phổ (bến sông như gấm vóc); làng Lâm Lang (đẹp như viên ngọc quý); làng Xuân Mỵ (như cảnh xuân dễ yêu)…

D – Mong mỏi đất làng yên ổn, giàu có lên: làng Phụ Tài (có lắm tài vật); làng Quảng Điền (đồng ruộng mênh mông); làng Phú Ngạn (bờ sông giàu có); làng An Khang (yên ổn, giàu thịnh) – sau kỵ húy đổi là An Thái (yên ổn, vui vẻ); làng An Nhân (nhân dân yên ổn tụ tập lại); làng An Thạnh (yên ổn, thịnh vượng); làng Long Hưng (hưng thịnh lên); làng Mộc Đức (cỏ cây tươi tốt lên)…

 

Một góc làng Hưng Nhơn (Hải  Lăng). Ảnh: Nguyễn Như Khoa

Đ- Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp:

  1. Uống nước nhớ nguồn: làng Huỳnh Công (làng con cháu vị tiền khai khẩn họ Huỳnh); làng Tùng Công (ông Tùng – sau đổi là Liêm Công, ông Liêm); làng Hồ Xá (nhà họ Hồ); làng Đặng Xá (nhà họ Đặng); làng Hà Xá (nhà họ Hà); làng Phan Xá (nhà họ Phan); làng Mai Xá (nhà họ Mai); làng Trương Xá (nhà họ Trương)…
  2. Hiếu học: làng Văn Phong (phong thái văn nhân); làng Văn Quỹ (dấu xe chữ nghĩa); làng Văn Vận (vận hội văn chương); làng Văn Trị (dùng văn hóa học thuật để sửa trị); làng Lan Đình (nơi tụ tập làm văn và viết chữ đẹp); làng Đơn Quế (học đỗ đạt cao); làng Nho Lý (làng nhà nho) (1); làng Lễ Môn (cửa lễ giáo)…
  3. Rèn luyện, đề cao đạo đức: làng Giáo Liêm (dạy điều liêm khiết); làng Vệ Nghĩa (bảo vệ chính nghĩa); làng Đơn Thầm (tấm lòng chân thành, lòng son); làng Trung Đơn (lòng trung thành son sắc); làng Quảng Lượng (độ lượng rộng rãi); làng Thuận Nhân (thuận theo điều nhân); Thuận Đức (thuận theo đạo đức); làng Nại Cửu (giữ lòng nhẫn nại lâu dài); làng Duy Hòa (giữ gìn hòa khí); làng Thượng Nghĩa (chí nghĩa)…
  4. Giữ gìn và phát huy tinh thần hòa hiệp, dũng cảm: làng Điếu Ngao (cử chỉ hào hiệp – tên cũ là Hướng Ngao, cùng ý nghĩa như tên mới); làng Anh Hoa (tin anh tốt đẹp) – kỵ húy đổi là Anh Tuấn ( anh tài tuấn kiệt), lại kỵ húy đổi là Anh Kiệt (cùng nghĩa); làng Câu Nhi (ngựa câu non, ý nói sức mạnh vượt người); lang Ba Du (người cứng cõi, nhẫn nại); làng Đại Hào (nghĩa khí lớn); làng Tả Hữu (sẵn sàng giúp đỡ); làng Như Lệ (như viên đá mài, ý nói son sắc nghìn đời); lang Phi Thừa (nối tiếp sự nghiệp lớn) – tên cũ là Phi Hưu (điều tốt lành lớn)…
  5. Truyền đời những ước vọng của đất, của dân: Sông Vĩnh Định(mãi mãi không thay đổi – nguyên trước kia đào vét xong một thời gian lại bồi cạn nên năm 1825 sau khi khơi lại xong, Minh Mạng đã đặt tên như thế); làng Vĩnh An (yên ổn mãi mãi); làng Vĩnh Phước (mãi mãi hạnh phúc); làng Trương Phước (phúc đức lâu dài); làng Diên Sang (sống lâu dài); làng Kim Giao (tình nghĩa bạn bè vững như vàng đá); làng Tích Tường (dồn chứa điều tốt lành); làng Nhật Tân (ngày một đổi mới); làng An Cư, An Trú (ở yên); làng Thạch Hội (sự thịnh vượng hội tụ lại); làng Vĩnh Hòa (hòa thuận mãi mãi) – trước tên là Khang Vĩnh, kỵ húy đổi lại); làng Hiền Lương (tài cán, trong sạch – tên cũ là Minh Lương, kỵ húy đổi lại)…

Nhìn chung, ý ngĩa của tên làng tên đát của chúng ta là như vậy. Không thể không nhận rằng những cái tên ấy, bằng một sự chia đều các mặt thể hiện hình thế và phản ánh ước vọng và bằng một sự truyền cảm lâu dài qua tâm thức của con người, đã góp phần ngày mỗi nuôi lớn thêm trong chúng ta tình thương yêu nơi chôn nhau cắt rốn, tinh thần nối tiếp truyền thống và mong ước của cha ông, từ đó tăng thêm sức mạnh giữ gìn và xây dựng quê hương khiến cho qua bao nhiêu thử thách, xóm làng chúng ta vẫn đứng vững và tươi đẹp như hôm nay.

 

                 Một góc Triệu Độ. Ảnh : Đinh Thanh Hải

Thực vậy, nhân dân ta từ xưa đến giờ, vốn rất yêu làng nên cũng rất yêu tên làng là vì thế. Không ai đi vắng lâu mà chẳng thấy có lúc da diết nhớ làng. Ngày trước, các cụ giã làng đi làm quan hay đi làm ăn nơi xa, đến luc tuổi già lại quay về sống voeis quê kiểng, mừng con người của mình vẫn không vì hoàn cảnh mà thay đổi, còn đủ tư cách làm dân làng trở lại. Cùng với cáu tên do cha mẹ đặt cho, các cụ còn cod mọt cái tên gọi là tên hiệu, phần nhiều được đặt dựa theo tên đất tên làng, do huyện, do tỉnh đặt cho để nối khúc ruột mình với khúc ruột quê hương. Một thượng thư Nguyễn Hữu Bài đặt tên hiệu là Vĩnh Cao, không ngoài ý thưa trình với đồng liêu và đồng hương rằng mình là đứa con của huyện Vĩnh Linh, làng Cao Xá (2). Một phó bảng thượng thư lê Trinh là người làng Bích La đông nên tự hiệu là Bích Phong. Một củ nhân thượng thư Hoàng Hữu Xứng, người làng Bích Khê, tổng Bích La, huyện Thuận Xương (3) nên tự hiệu là Xương Khê, Song Bích. Cụ Trương Quang Phiên, nguyên chủ tịch UBKCCHC tỉnh trong kháng chiến chống Pháp, người làng Mai Xá Chánh, huyện Do Linh nên có tên hiệu là Tiên Việt (4). Chí ít là cử nhân thượng thư Trần Đình Túc, người làng Hà Trung, huyện Do Linh, khi về hưu sống ở làng Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên cũng không quên quê hương để dặt tên cho tập thơ của mình là Tiên sơn thi tập, (tập thơ núi Cồn Tiên)…

Một biểu hiện khác của tình yêu làng nguyên quán nữa, ấy là lúc đất ở đã chật, đất canh tác càng hẹp hơn, nhân dân ở vùng đồng bằng cùng nhau dời bớt lên vùng trung du và khi lập thành làng, họ đã lấy cả một chữ tên làng cũ để đặt tên cho quê mới. Bây giờ chỉ nghe những cái tên làng Mai Đàn, Mai Lộc, Hà Xá, Trung Chỉ, Thiết Tràng, Thượng Nghĩa… ở vùng Cùa cùng những cái tên Tân Lương, Tân Điền, Tân Diên, Tân Vĩnh, Tân Trường, Tân Lệ, Tân Hà, Tân Tường… ở vùng đồi các huyện, chúng ta cũng biết ngay gốc tích từ đâu. Những cái tên này chính là xuất phát từ tấm lòng yê cả hai làng cũ mới của cư dân, là những bảm phiên về cội nguồn, về tập tục, về ước vọng, là một cuộc sống đồng sinh không thể nào cắt đứt.

Ngày nay, ôn lại, suy ngẫm lại để tìm hiểu tính hiệu của tên đất tên làng và thấy dù còn giữ nguyên vẹn như cũ hay đã đổi lại cho phù hợp, chúng ta vẫn nhận ra được nhưng lời nhắn gởi gọn gàng đầy ý nghĩa tư tâm hồn của tiện nhân. Dường như trong cái phần gia tài văn hóa này, không hề có chổ cho những gì tiêu cực, những gì không được tốt đẹp, cần gạt bỏ hoặc sàng lọc cả. Bởi vậy tôi cứ thấy tiếc tiếc thế nào ấy khi chúng ta, không hiểu vì sao, lại quên dần đi cái tên làng biển Nhật Tân, mang ý nghĩa ”làng ngày càng đổi mới”để thay vào đó một cái tên gọi theo một con số thư tự không có âm hưởng, không có hồn: thôn bốn xã Triệu Lăng. Cũng trên ý nghĩ đó,tôi đồng ý với anh Y Thi khi anh có ý kiến về cái tên làng Trí Lễ (5) bị thực dân và phong kiến tay sai buộc phải đổi lại là Quy Thiện (quay trở về với điều thiện). Một cái tên không do dân làng tự nguyện mang mà vẫn tồn tại hơn một trăm năm nay, tức là đi ngược lại truyền thống bất khuất , biết giữ trọn lễ nghĩa của làng từ sau ngày 10 – 9 – 1885, ngày nghĩa quân địa phương đánh vào đoàn thuyền Vân Lương của địch trên sông Vĩnh Định.

Tôi nhắc đến hai sự kiện này không phải với ý định phê phán gì ai cả, mà chỉ muốn nhấn mạnh sự cần thiết của việc nói đúng, viết đúng và hiểu đúng để giữ gìn ý nghĩa bức thông điệp của tên đất tên làng. Trên thực tế, ba mệnh đề này, ngay từ đầu đã có sự liên hệ chặc chẽ với nhau. Tiền nhân ta khi đặt hoặc đổi tên làng tên đất đã có ý tứ rất sâu sắc. Một làng nhỏ, ruộng ít, đất lại cát pha, mà đặt tên là Phú Hải, chẳng phải đã mang trong nó một tầm nhìn xa, một kỳ vọng lớn về tương lai đó ư?

Tuy nhiên nói đúng, viết đúng, hiểu đúng tên đất tên làng đến bây giờ đã trở thành một vấn đề rất khó khăn, phức tạp. Khó khăn nhất cũng là khâu quyết định nhất là khâu viết đúng. Vì viết đúng ở đây là viết đúng theo chữ Hán cũ chứ không phải chữ quốc ngữ phiên âm. Mà chữ Hán thì, như chúng ta đã biết, một âm có thể có đến bảy nghĩa chẳng giống nhau, như chữ Nại mà tôi đã nêu lên để làm ví dụ trong phần trước. Muốn kiểm tra cho đúng chữ, từ đó mới hiểu đúng nghĩa, chỉ còn cách lục tìm trong các tư liệu cũ liên quan đến tên đất, tên làng, hoặc dựa vào các hương phổ, tộc phổ, gia phổ, các công văn hành chánh cũ, hoặc dựa vào các cụ thức giả cũ còn sống, trong lúc đó tỉnh ta lại là một tỉnh bị chiến tranh tàn phá gần như thành bình địa, các loại tài liệu trên họa hoằn lắm mới còn giữ được. Trong một hoàn cảnh như vậy, liệu chúng ta sẽ vượt lên được đến đâu?

Nhưng đã đến lúc, chúng ta không thể đùn công việc lại cho thế hệ nối tiếp mình được nữa. Chúng ta đã bỏ phí thời gian quá lâu rồi, để chậm nữa khó khăn càng dồn chất thêm. Đã gióng trống phất cờ, chúng ta chỉ còn dấn bước đi lên, huy động cho được những người có nhiệt tâm, có hiểu biết, tích cực tham gia, không chỉ những người trong tỉnh mà cả người ngoài tỉnh, nhất là các bạn đang công tác tại thư viện Hán Nôm Trung ương lấy “viết về làng xã Quảng Trị” làm chủ đề, lấy tòa soạn Cửa Việt làm nơi tập hợp ý kiến và bài vở, lấy Ban biên tập làm bộ phận chỉ đạo công tác và phong trào.

* * *

Tôi viết bài này trong hoàn cảnh thiếu thốn tư liệu và vấn đề thì lớn mà hiểu biết của bản thân còn hạn chế, nên không thể tránh được sai sót. Rất mong bạn đọc gần xa lượng thứ và bổ khuyết chỉ giáo thêm cho. Xin cám ơn trước.

Nguyễn Lương Tài 
(Bài đăng trên tạp chí Cửa Việt số 57, tháng 6, năm 1999)

 

Ghi chú :

(1) Ghi theo PBTL (). Chữ Nho cũng đọc là nhu.

(2) Làng bây giờ thuộc xã Trung Giang huyện Do Linh.

(3) Huyện Đăng Xương cũ, kỵ húy tên vua Kiến Phúc đổi là Thuận Xương, nay là huyện Triệu Phong.

(4) Tiên Sơn Việt Hải: núi Cồn Tiên, biển Cửa Việt.

(5) Xem Cửa Việt số 56 tháng 7-98, trang 86-87.

(*) Ở bài viết này, tác giả mở ngoặc đơn ra ghi bằng chữ Hán tất cả các làng, các chữ cần ghi. Rất tiếc, do điều kiện in ấn không chuyển tải được (dẫu viết chữ chân) nên tòa soạn rất mong tác giả và bạn đọc thông cảm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *