Họ Hồ – Nguồn cội, gốc tích và phát triển
Theo các nhà xã hội học trong cộng đồng dân tộc Việt Nam có khoảng 769 dòng họ. Con số đó là kể tất cả các chi nhánh. Nếu nói về nguồn cội thì có thể quy về khoảng 180-190 chính tông mà thôi. Điều đó cũng dễ hiểu vì trong quá trình phát triển của dân tộc nhiều người ở các miền đất khác nhau đến nơi vùng đất mới, lâu ngày sinh con, đẻ cháu lập nên một dòng họ (nói đúng hơn là một chi nhánh) và lấy tên họ của mình. Đúng như Nguyễn Khoa Điềm đã nói trong bài thơ “Đất nước”: “Họ mang theo tên đất tên làng trong những chuyến đi xa”. Cũng như các họ khác, họ Hồ cũng ở trong bối cảnh lịch sử đó. Hiện nay ta thấy con cháu họ Hồ hầu như có mặt nhiều nơi trong cả nước, chẳng hạn như ở một số tỉnh: Hà Nội, Thái Bình, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Tp. Hồ Chí Minh, Minh Hải, Lâm Đồng …
Ngược thời gian lịch sử, con cháu họ Hồ trong cả nước đều cùng chung ngài thuỷ tổ là Hồ Hưng Dật. Tại nhà thờ họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có câu đối: CỔ NGUYỆT MÔN CAO HỆ XUẤT THẦN MINH NGU ĐẾ TRỤ (Nghĩa là: họ Hồ có nguồn gốc từ vua Thuấn). Trong gia phả họ Hồ cũng có ghi: “Châu trung Hồ tính giải kỳ niêm duệ” (Nghĩa là: người họ Hồ trong châu này đều là con cháu của ông).
Theo sử sách để lại, ngài Hồ Hưng Dật là con cháu vua Thuấn bộ tộc Lạc Việt thuộc tỉnh Triết Giang. Xưa kia Triết Giang (Ngô -Việt) nằm trong dãy đất Bách Việt bị Hán tộc tràn xuống Hán hoá. Dân tộc Việt Nam là Lạc Việt duy nhất không bị Hán hoá. Ngài Hồ Hưng Dật đậu Trạng nguyên vào năm thứ hai đời vua Hán Ấn Đế được cử sang Diễn Châu làm Thái Thú thời Hậu Hán vào khoảng 947-951 (Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên).
Nhưng cũng có ý kiến nói ngài Hồ Hưng Dật sinh ra trong thời loạn lạc. Các tập đoàn phong kiến Trung Quốc xâu xé nhau, triều chính thối nát, ông đậu Trạng nguyên đáng lẽ được giữ chức vụ trọng trách trong Triều nhưng lại chỉ được giữ chức ở một châu lỵ xa xôi hẻo lánh. Vì thế ông sang Giao Châu tìm nơi lập nghiệp và lánh nạn. ông chọn hướng Bào Đột (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là nơi cận sơn cận thuỷ có địa thế thuận lợi để làm ăn. Đây cũng là nơi lợi thế dụng võ và ở ẩn. Sách cũng ghi ngài Hồ Hưng Dật là đồng liêu với Đinh Công Trứ (thân sinh Đinh Bộ Lĩnh). Hồ Hưng Dật là Diễn châu Thái thú. Đinh Công Trứ là Thứ sử Hoan châu.
Đền thờ Hồ Vương (Hồ Hưng Dật) tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
***
Trãi qua các triều đại Trần, Lê, Nguyễn con cháu họ Hồ đã có nhiều thành đạt và có công lao đóng góp phần mình trong quá tình xây dựng bảo vệ quê hương, dựng nước và giữ nước, đấu tranh cho công bằng xã hội, chen vai sát cánh cùng các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên qua các cuộc biến động lịch sử, con cháu họ Hồ phiêu tán nhiều nơi trong cả nước đôi khi phải thay họ đổi tên, chẳng hạn cháu mười hai đời của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm khi làm con nuôi cho tuyên phủ sứ Lê Huấn ở Thanh Hoá đổi thành Lê Liêm; cháu 4 đời của Lê Liêm là Lê Quý Ly tức Hồ Quý Ly. Hồ Thơm ở Tây Sơn tỉnh Bình Định đổi là Nguyễn Huệ tức vua Quang Trung…
Đến nay biết được con cháu họ Hồ khởi đầu là Hồ Hưng Dật đã trải qua hơn 1000 năm. Miêu duệ của ngài đã đến đời thứ 37, 38 và có hai Tông phái:
– Tông phái ở Diễn Châu (trưởng).
– Tông phái ở Thanh Hoá (thứ).
Tông phái ở Thanh Hoá khởi đầu là Hồ Liêm. Cháu 4 đời của Hồ Liêm là Hồ Quý Ly (1336-1407). Con Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương.
Là quan đại thần dưới triều Trần, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thiếu Đế nhường ngôi cho mình lập ra triều Hồ (1400) (2). Năm 1401 Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để làm Thái Thượng Hoàng. Triều Hồ tồn tại được bảy năm thì bị nhà Minh sang xâm lược, bắt được cha con Hồ Quý Ly đem về nước, nhưng được vua Minh trọng dụng vì có tài. Hiện nay con cháu Hồ Quý Ly còn tồn tại ở Trung Quốc trong đó sử sách ghi lại như Hồ Minh Đạo đậu Tiến sĩ Trung Hoa được cử làm Bố Chánh tỉnh Triết Giang. Hồ Hán Dân đậu cử nhân niên hiệu Quang Tự (1911) làm Phủ đạo nguyên soái, uỷ viên trong chính phủ Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã từng giúp đỡ Cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc (3).
Sau thất bại của Hồ Quý Ly một số con cháu phiêu tán các nơi, số còn lại sinh sống ở Thanh Hoá.
Tông phái ở Diễn Châu khởi đầu là Hồ Kha.
Hồ Kha sinh hạ được Hồ Hồng (trưởng) và Hồ Cao (thứ). Hồ Hồng là Tổ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Cao là tổ họ Hồ ở Quỳ Trạch, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An.
Hồ Hồng là Chánh đội trưởng đời Trần, một võ quan cao cấp chỉ huy trên 2.000 quân. Võ văn kiêm toàn, ông hy sinh trong chiến trận, mộ hiện tại ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Năm 1992, mộ ông được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử và văn hoá. Ở thôn Cẩm Sa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũng có tượng đài của ông.
Miêu duệ Hồ Hồng hiện nay xác định có 14 chi nhánh và có mặt nhiều nơi trong cả nước (như đã nói trên).
Ngoài các nhân vật lịch sử lớn như Hồ Quý Ly (nhà cải cách), Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (lãnh tụ của phong trào nông dân), Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu (chiến sĩ cộng sản).v.v.. về khoa bảng họ Hồ có 19 Tiến sĩ trong đó có 3 Trạng nguyên, 3 Hoàng giáp (kể từ năm 1919 trở về trước). Chẳng hạn:
Con Hồ Cao là Trạng nguyên Hồ Tông Thốc
Con Hồ Tông Thốc là Trạng nguyên Hồ Đốn
Con Hồ Đốn là Trạng nguyên Hồ Thành
“Một nhà ba Trạng nguyên ngồi
Một gương từ mẫu cho đời soi chung”
Ba con trai của Hồ Thành là Hồ Đình Trung, Hồ Đình Quế, Hồ Doãn Văn đều là Tiến sĩ triều Lê- gia đình ông Hồ Văn Xu (xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có công xây dựng nhà Lê trung hưng có 9 Thượng tướng quân cũng là 9 Quận công.
Theo Quốc triều khoa lục của Cao Xuân Dục, triều Ngyễn họ Hồ có 109 cử nhân trong đó có họ Hồ ở Quỳnh Đôi có 28 cử nhân- Nhiều gia đình cha con, ông cháu, anh em cùng thi đậu như: Hồ Sĩ Trinh (ông, cháu), Hồ Phi Tự (cha, con), Hồ Bá Ôn (ông, cha, cháu), Hồ Trọng Đinh (cha, con), Hồ Sĩ Lâm (anh, em), Hồ Quý Châu (ba anh em), Hồ Tam Kiểm (cha, con).
Riêng ở Quỳnh Đôi kể từ Hồ Uớc Lễ đời vua Lê Nhân Tông cho đến 1919 (hết thi cử bằng chữ Hán) có một Thái học sinh, hai Hoàng giáp, ba Tiến sĩ, một Thiên hạ vọng, 51 Hội thi Tam trường và phó bảng, 110 giám sinh (Hương cống) và cử nhân, 208 sinh đồ và tú tài.
Từ năm 1919 đến năm 1945 trong phong trào Tây học cũng có nhiều người đỗ đạt như Tiến sĩ Luật Hồ Đắc Điềm, bác sĩ Hồ Đắc Di, kỹ sư Hồ Đắc Liên…(4)
Theo sử sách thì số tiến sĩ họ Hồ không nhiều bằng họ Ngô, họ Vũ nhưng họ Hồ thường được nhắc đến vì đã từng đạt được đỉnh cao về khôi nguyên và tập trung vào một dòng thống nhất. Ngoài ra ra một số người gốc họ Hồ đổi sang các họ khác chưa tra cứu được (5)
Họ Hồ (chữ Hán)
***
Lịch sử Việt Nam còn ghi vua Hồ Qúy Ly, vua Quang Trung, các nhà học giả, nhà văn, nhà thơ như Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương, Hoàng giáp Hồ Phi Tích, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân, Hoàng giáp Hồ Sĩ Đống, nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương … các nhà yêu nước và cách mạng như tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần, Án sát Hồ Bá Ôn, các ông Hồ Trọng Phấn, Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu … mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta nói chung và con cháu họ Hồ nói riêng.
Cây có cội, nước có nguồn. Nhớ ơn tổ tiên ta đã đặt nền móng, con cháu đời tiếp đời cùng nhau dày công cun đắp sao cho mỗi ngày gốc càng vững, cây càng tươi tốt, sây hoa trĩu quả chen vai sát canh cùng các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh như Bác Hồ từng mong muốn.
Họ Hồ ở Quảng Trị bước đầu đã tìm ra những manh mối, gốc tích của mình nhưng vẫn chưa có điều kiện để tìm về cội nguồn. Để nhớ ơn tổ tiên, phát huy truyền thống của dòng họ, hy vọng một ngày nào đó con cháu họ Hồ khắp nơi trong cả nước, trong đó có Quảng Trị, tổ chức hành hương về cội nguồn đất tổ làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để thắp nén hương ngưỡng mộ linh hồn tiền nhân vô vàn kính mến./
Tác giả : Hồ Đắc Thắng
(Tạp chí Cửa Việt số 33 tháng 6 năm 1997)
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
(1)- Nhà thờ họ Hồ tại Quỳnh Đôi, Qùnh Lưu, Nghệ An được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử và văn hoá.
(2)- Hiện còn di tích thành Nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá.
(3)- đã được ông Hồ Tùng Lãm, Hồ Tùng Mậu xác nhận.
(4)- Sau cách mạng tháng Tám, con cháu họ Hồ có nhiều ngwoif thành đạt nhưng chưa có điều kiện tập hợp’
(5)- Họ Hồ ở các dân tộc Vân Kièu, Tà Ôi ở miền Tây Bình Trị Thiên lấy họ Hồ là họ của Bác Hồ, không thuộc họ Hồ nói trong bài.
Có thể cho biết gốc chính của họ Hồ được không ạ
họ Hồ ở Việt Nam khời nguồn từ ông tổ Hồ Hưng Dật, quê ở tỉnh chiết giang, trung quốc.
Tôi là con gái họ Hồ Đắc , Phú Lộc , Thừa thiên – Huế . Rất tự hào về gốc gác và trang sử của họ Hồ !
Đại sứ Hồ Đắc Mình Nguyệt
Con cháu chắt họ HỒ, quê ở xã lưu sơn huyện đô lương tỉnh nghệ an nay cũng lớn mạnh, chỉ mong dòng tộc họ HỒ luôn thịnh vượng theo thời gian!
Ký tên: Hồ Vĩnh Quân!
vâng, cảm ơn bác nhiều.
Ông cố và ông sơ mình họ hồ mà đời ông nội mình đổi họ Nguyễn. Nghe nói do chiến tranh nên đổi họ khác. Cám ơn tác giả cho tôi biết về cội nguồn của tôi. đời trên ông sơ là không ai biết mồ mã ở đâu? Tôi sn 1991
con hồ phước hoàng.
Con là Hồ Lệ Trường quê Quảng Trị, tổ tiên từ vương của triều Hồ Quý Ly lưu lạc Thanh Hóa vào lập nghiệp vùng đất mới.
hy vọng bạn tìm hiểu nhiều hơn về quê hương, gốc tích của mình. Cảm ơn bạn.
cháu tên hồ phước hoàng .giờ mới tìm về cội nguộn dòng tộc họ Hồ. xin cảm ơn về thông tin lịch sử này ạ.
Hôm nay đọc bài mới biết rõ gốc tích họ của mình, ông tổ Hồ Hưng Dật, trưởng phái ở quỳnh lưu Nghệ An, Phái thứ ở Thanh Hóa
vâng bạn, các họ lớn của Việt nam hầu hết xuất phát từ trung quốc.
Xin cảm ơn về bài viết giúp cho bản thân biết về cội nguồn.cháu tên Hồ văn Ngọc đang sống tại tpHCM
cảm ơn bạn đã quan tâm.
Hồ Văn Chương sinh sống tại TP HỒ Chí Minh nay biết nguồn gốc họ Hồ là ông tổ Hồ Hưng Dật, xin cảm ơn tác giả.
Biết ơn và tự hào với tất cả đóng góp của cha ông dòng dõi họ Hồ. Con là con gái nhưng cũng sẽ cố gắng phấn đấu để đóng góp sức nhỏ vào xây dựng và phát triển những điều tốt đẹp cho xã hội và cho dòng tộc để ko phụ lòng máu thịt của cha ông.
Cảm ơn tác giả rất nhiều đã cho chúng cháu biết chi tiết về dòng dõi của mình. Kính chúc tác giả ngày càng mạnh khỏe, kính chúc toàn thể con cháu họ Hồ nhà mình luôn ko ngừng phấn đấu để làm rạng danh dòng tộc và góp phần thịnh vượng quốc gia ạ !
Xin cảm ơn tác giả đã viết bài , giúp cho tôi biết rõ hơn về nguồn cội của mình !!
Hồ Thị Thanh Bình con cháu gia tộc họ Hồ Vĩnh
Quỳnh lưu -nghệ an
Con là Hồ Sĩ Nam, sinh ra xã Quỳnh Thanh (bên cạnh làng xã Quỳnh Đôi), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Con nghĩ có lẽ là con thuộc dòng Hồ Hồng. Tại vì có một lần con tham dự lễ dòng tộc, thì con có biết các bác Họ Hồ đến tham gia đa số là từ xã Quỳnh Đôi, và một số bác đến từ Thanh Hóa. Con xin biết thêm chi tiết. Cảm ơn tác giả rất nhiều.
Tại nhà thờ họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có câu đối: CỔ NGUYỆT MÔN CAO HỆ XUẤT THẦN MINH NGU ĐẾ TRỤ-tôi là HỒ CHÍ DIÊN, Quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ Ăn, đọc câu này thấy sai sai
Con la Ho Bich Thuy – con Chau ho Ho o Go Cong – Nghe ke la Ong so cua con chay vao nam lanh nan Luc thua tran – co an vua ban – co le Ong con pho vua Quang Trung . Ong Mat ko de mo bia , ten tuoi gi ca-
Khi Ong vao nam co 2 Ong nua cung di- tan lac vao mien tay roi mat lien lac – Chau rat muon Tim lai nguon coi.tks
Dear All
Con tên Hồ Văn Bá thuộc nhánh họ Hồ ở làng Truyền Nam ( hay còn gọi là làng Chuồng ) ở Phú Vang Hương Phú , Thừa Thiên , Huế.
Con xin hỏi : Có ai biết Họ của con thuộc Phái nào không ah? Hồ Hồng ở Diễn Châu Nghệ An hay Hồ Liêm ở Thanh Hóa.
Nếu có ai biết thì cho con xin thông tin vì Ông Bà, bố mẹ mất sớm, lại không được học hành nên lưu truyền gốc tích bị mai một rồi ah. Nay con cần tìm hiểu để viết lại gia phả của Gia đình ah.
Con xin cám ơn.
Thuộc dòng Hồ Công