Hói Sòng – Chuyện xưa kể lại (phần 1)
Lời tựa : Tác giả Nguyễn Dũng, người làng Kim Đâu, thuộc xã Cam An (cũ) nay là xã Thanh An, Cam Lộ, Quảng Trị. Ông là người có niềm đam mê nghiên cứu các sự kiện và di tích lịch sử. Thời gian này, tác giả có các bài viết về Hói Sòng, chợ Sòng và các sự kiện liên quan. Được sự cho phép của tác giả, huyhoangdesign xin trích đăng các nội dung này.
Lời tác giả : Những ngày hội nhập vào thế giới của những người bị tước quyền ước mơ về tương lai, ngồi đếm ngược thời gian sinh mệnh, trông mong vào phép màu hi hữu nào đó, suy nghĩ miên man, nhớ về quá khứ, về tuổi thơ êm đềm, bỗng nhớ hói Sòng- con sông nhỏ gắn bó suốt thời thơ ấu. Nhàn rỗi nên ghi lại đây những ký ức và những điều mình biết theo trí nhớ với tình cảm, với niềm tự hào qua những sách, những tài liệu đã từng đọc, qua những giai thoại truyền khẩu của các tiền bối. Đối với dân bản xứ có am hiểu thì nó có thể đúng, có thể sai, có thể còn khiếm khuyết, nhưng với tôi tất cả đều chân tình.
1.Kỷ niệm
“Này bao phong cảnh ngày xưa ấy,
Mai vẫn đọng tồn đáy mắt tôi.”
Hói Sòng, đó là con sông nhỏ hiền hòa, nơi lưu giữ những kỷ niệm thời thơ ấu của chúng tôi, nơi có cái bến sông cho chúng tôi lặn ngụp những chiều hè, nhưng ban đêm thì chẳng đứa nào dám lảng vãng vì sợ con “ma rà” (mặc dù chưa ai thấy nó). Ngày ấy, trong suy nghĩ của tôi thì nơi bến ấy, ngoài cái sân chơi thích thú của chúng tôi nó còn là một không gian chất chứa những giá trị đạo đức tâm linh huyền bí: Thi thoảng chúng tôi thấy vào lúc chạng vạng tối từ bến sông đến ngõ nhà ai đó những cây nhang cắm trên những nắm cơm, trong đêm tối những đốm lửa lập lòe nối nhau tạo thành con đường ma quái; hoặc buổi sáng nào đó, bỗng xuất hiện một cây phan với dải lụa trắng phất phơ trên một ngọn tre cao nghí ngố ngay bên bến sông như đang vẫy gọi hồn ai!. Đó cũng là nơi bà con xuống xin ông vạn đò múc chậu nước, một sợi dây cộc chèo về làm lễ vật cúng thôi nôi cho trẻ sơ sinh… và nhớ nhất là mỗi lần làm việc gì mà ông tôi cho là trọng đại như làm lại cái bếp mới, lợp lại mái tranh hoặc thay cái cột nhà,… ông thường bảo tôi “ Con chạy xuống rào coi nước lên hay xuống”, con nước hói Sòng là vị thầy phong thủy của ông, mỗi lúc như thế, tôi đứng trên bến sông nhìn mặt nước lặng lờ trôi hiền hòa, gieo vào lòng tôi một cảm giác thanh bình…Tâm hồn ngây thơ tôi như hòa nhập với dòng sông, những khoảnh khắc ấy đến bây giờ tôi vẫn còn cảm nhận được mỗi khi nhớ đến. Tôi rất yêu dòng sông nhỏ này.
Con nước hói Sòng là triều tín, luôn chấp hành quy luật của trời đất. Hồi đó cứ gần đến ngày 23 tháng 10 âm lịch là ông tôi thường chuẩn bị các thứ để đối phó với bão lụt, ông thường bảo: “Ông tha mà Bà chẳng tha, Bà cho cái lụt hăm ba tháng mười”, và đúng như vậy, năm nào cũng vậy. Tôi để ý là dù trời đất nổi cơn phong ba dữ dội nhưng nước hói Sòng vẫn dâng lên một cách từ tốn, hiền lành chứ không ồ ạt, cuồn cuộn như dòng sông mẹ Hiếu Giang của nó mặc dù có khi nước dâng cao lút cả làng, và khi nó lui về cũng vậy.
Tuổi ấu thơ của tôi chỉ biết về cái rào- Hói sòng, con sông nhỏ ấy có bấy nhiêu thôi, nhưng lớn lên khi có một tí nhận thức, tôi hay tự hỏi nhiều điều ngây ngô, chẳn hạn: vì sao con hói ấy dài đến 13km nó đi qua làng Sòng chúng tôi chỉ một đoạn ngắn thôi (độ hơn 500m) mà lại mang cái danh Sòng?.
Không! mọi sự đều có cái lý của nó.
Thì ra con sông nhỏ hiền hòa ấy có một quá khứ oanh liệt, đã từng là con đường thủy huyết mạch để vận tải hàng hóa tạo nên sự sầm uất cho chợ Sòng của làng tôi – một trung tâm buôn bán phía Bắc Quảng Trị, ngày ngày trên bến dưới thuyền tấp nập, xa thì chợ Dinh, chợ Đông Ba ở Huế…, gần thì chợ Sãi, chợ Mai Xá…
… “Cây đa bến cũ chiều đò đưa
Nay nhìn lại vẫn còn trong ký ức
Đây hói Sòng mấy mươi năm về trước
Đò vô ra neo đợi nước lên phiên
Trai khôn lại gặp gái hiền”…
(Trích trong bài thơ “Trên sông nhớ người em gái” của tác giả Trường Linh-Mai Quang Trí đăng trong “Những bài thơ hay nhất làng Mai Xá Thế kỷ XX”)
Những chuyến đò không chỉ vận tải hàng hóa mà còn xe duyên cho những mối tình đằm thắm.
Có những điều trong sử sách còn đó, chẳng hạn như trong “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi : “Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), huyện Minh Linh chia làm hai, phía Bắc là Minh Linh, phía Nam lấy thêm một số làng của Đăng Xương tới bắc sông Hiếu lập thành huyện Địa Linh, sở lỵ và trường học đóng tại xã Kim Đâu, đến năm 1853 thì Tự Đức cho giải tán.” cả trong “Địa danh Quảng Trị xưa và nay” của Nguyễn Văn Ái cũng có. Ấy thế mà từ lâu tôi đã tìm hỏi các bậc cao niên là sở lỵ và trường học ở vị trí nào trong làng nhưng chẳng ai biết cái huyện Địa Linh ấy.
Có thể nhờ cái huyện lỵ ấy mà chợ Sòng lại nỗi tiếng hơn chăng!.
Bến Sòng ngày nay.
2. Mạch nguồn
Hói Sòng nối sông Hiếu với Bàu Đá-Kim Đâu. Bàu Đá như bể nước ngọt quanh năm, diện tích mặt nước khoảng 6 ha, độ sâu 2-3m, là nguồn nước cung cấp cho hói Sòng đồng thời mang nguồn sống cho những làng xung quanh như Kim Đâu, Cẩm Thạch, An Xuân, Phú Hậu, nó cung cấp nước sinh hoạt, điều hòa khí hậu, cung cấp cá tôm đủ loại, cung cấp cát sạn xây dựng cho bà con trong và ngoài vùng, với chúng tôi đó là nơi để câu cá bống, bơi lội thỏa thích những ngày nghỉ Hè, thú vị nhất là cây cừa trước Miếu Bà, có một nhánh chỉa ra bàu để làm cầu nhảy.
Trước mặt miếu Bà, cạnh bờ bắc bàu, bát ngát những đầm sen, nên con đường lên chùa làng mỗi mùa hoa nỡ thơm ngát hương sen.
“Chùa Kim Sơn-Cánh thuyền sen,
Đưa người xa chốn bon chen, so bì
Dân làng nương bóng Từ Bi
Ngày Sóc, ngày Vọng thường đi lễ chùa.
Tần ngần hồi tưởng ngày xưa
Lần đầu theo chị lên chùa dâng hương,
Sen hồng bàu Đá đưa đường
Vạt tràng áo chị vướng vương chân mình”…
Con đường làng có lạ lẫm gì đâu, nhưng lần đầu tiên được theo các chị đi chùa dự lễ Phật Đản nghe rạo rực lắm, chẳng khác gì Thanh Tịnh theo mẹ đến trường ngày khai giảng đầu tiên.
Miếu thờ bà chúa Ngọc ( tức Thiên Y Ana của người Champa)
Bàu Đá chảy qua đường Quốc lộ 1 ở cầu Mỹ Hòa và cầu Chín Thước (Nay không còn) vòng lên làng An Bình rồi chảy về phía Nam qua Phường Giấy; hết địa phận làng Phổ Lại thì vòng về hướng Đông cắt Quốc lộ 1 ở cầu Sòng, chảy về qua Phổ Lại Phường rồi thẳng ra sông Hiếu làm đường ranh giới giữa làng Thượng Nghĩa với các làng Kim Đâu, Phi Thừa, Thượng Độ, Đình Tổ và Đại Độ. Hói rộng trung bình 60m, chỗ rộng nhất là ở Đại Độ, nơi gần cửa sông Hiếu 150m, chỗ hẹp nhất là ở Phổ Lại, khoảng 20m, độ sâu khoảng 1,5-2m nhưng mùa Hạ nhiều năm cũng khô trơ đáy.
Cầu Sòng ngày trước chúng tôi gọi là “cống Trường”, vì nó chỉ là cái cống nằm cạnh trường Tiểu học. Nghe nói trường trước do người Pháp lập ở làng Phổ Lại gọi là trường Sơ học Yếu lược do thầy Ký người Phổ Lại làm Hiệu trưởng dạy cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh hai tổng An Lạc và Cam Vũ. Học xong chương trình sơ học yếu lược thì lên Cam Lộ thi lấy bằng Tiểu học, ai muốn học tiếp Trung học thì phải vào Huế, còn không thì kiếm một chân viên chức nhà nước. Tôi vẫn chưa tìm ra lời giải đáp là tại sao trường ấy mang tên KIM ĐÂU cho đến những năm 60 thế kỷ trước bọn chúng tôi học tiểu học vẫn cứ mang tên ấy. Hồi đó ảnh hưởng của Kim Đâu lớn thế sao! Đến năm 68, 69 gì đó mới đổi tên trường Tiểu học cộng đồng Đông Xuân. Đối diện với trường, phía nam hói Sòng lúc này có lập thêm một trường (thực chất là một lớp, một cô giáo) dạy cho các em chuẩn bị vào lớp một, cổng trường có treo tấm biển “Trường ATZ”, nó là trường Ấp Tân Sinh nhưng người ta viết tắt chữ ATS thành ATZ, mới hay cái chữ nghĩa ngày ấy còn quý hiếm, đắt đỏ thật.
Suốt những năm tiểu học và Trung Học, ngày hai buổi với bốn lượt đi về trên con đường đất nhỏ bé cạnh bờ bắc hói Sòng rất nguy hiểm nhất là về mùa mưa, có đoạn người ta xẻ con mương gần hai mét rồi gác lên đó một thanh đường ray vừa bàn chân, đi bộ qua đã khó, thế mà cậu Quản (Quạ) tôi đi xe đạp qua lại như xiếc. Thời tiểu học, khi đi thì tự do vì có đứa đi trước, đứa đi sau, nhưng khi về thì phải đi hàng một theo đoàn, toán có toán trưởng quản lý.
Từ cây đa Phổ Lại Phường đi xuống độ 100m, có ai còn nhớ cây cầu tay vịnh bằng tre (Hơi giống cầu khỉ ở Nam Bộ), thường gọi là cầu Ông Vọng, đó chính là dấu tích cầu Phương Bích của con đường Thiên lí Bắc Nam. Năm trước người ta nạo vét hói có múc lên được một số (6,7 cái) cột trụ cầu bằng gỗ lim to như cột nhà dài độ 1,5m, những di vật này dân đem làm củi hết, tiếc thật.
Về đến bến Sòng, hai bên Bắc, Nam hói còn hai di tích chợ, bên Nam là chợ Thượng Đô (tên cũ làng Thượng Nghĩa), nay là bãi đất để dân làng trồng hoa màu nên gọi nó là “nương Chợ”. Còn bên Bắc, nếu trước năm 1972 thì dấu tích chợ Sòng rất rõ, gồm những nền cũ nhà lầu, phố xá còn lại…Năm 1972 khu vực xóm Chợ là trận địa pháo nên bị bom đạn cày xới tan nát hết, không khác gì thành Cổ Quảng Trị, nay chỉ còn bãi đất trống trước đình làng gọi là “chợ” và lưu lại cái tên “xóm Chợ Sòng”.
Năm 1970 ông Lê Công Thức quyết tâm tái lập chợ nên cho xây dựng ba cái đình chợ, đình xây xong thì cuộc chiến năm 1972 xảy ra, dân làng tứ tán, đến năm 1975 trở về thì chẳng còn gì.
Đình chợ được xây dựng lại năm 1972
3. Chợ Sòng – vì đâu mà có?
Người ta truyền khẩu rằng: Làng Thượng Đô lập chợ trước, nhưng làng Kim Đâu muốn đem cái chợ ấy về bên mình, lúc đó có bà Sòng một đại gia ở thành Phú Xuân (Huế) ra lập nghiệp nơi đây, bà nhận đãm đương việc này. “Mạnh nhờ gaọ, bạo nhờ tiền” hai điều kiện này thì Kim Đâu có thừa, 17 làng trong vùng Cam Giang từ An Lạc ra Trúc Kinh, từ Phổ Lại về Thượng Nghĩa, Đại Độ có tổng số chưa đầy 2.100 mẫu ruộng thì làng Kim Đâu có đến 850 mẫu, thiếu gì gạo, (xếp thứ nhì là Thượng Nghĩa có 215 mẫu), còn tiền thì đã có bà Sòng.
Không biết kế hoạch, kịch bản của bà như thế nào, nhưng điều chắc chắn là bà đã đưa ra phương thức “Đào tạo khách hàng” kể cả mua và bán, nghĩa là so với chợ Thượng Đô bà mua với giá cao hơn, bán thì rẻ hơn, khoản chênh lệch mua-bán do bà bỏ tiền ra bù lỗ.
Nghe nói bà cùng đội quân do làng tuyển chọn gồm những người nhanh nhẹn, tháo vát đón tất cả những nẻo đường vào chợ Thượng Đô, dẫn dụ người mua, người bán vào chợ Sòng, hoặc thu mua tại chổ với giá cao hơn rồi bảo họ gánh hàng vào chợ Sòng với thái độ niềm nở, thân thiện, dần dà rồi chợ Sòng thu hút hết khách, chợ Thượng Đô chỉ còn lại những lều tranh hoang vắng. Chợ Sòng hình thành từ đó.
Không biết sau vụ việc ấy tình cảm giữa hai làng có sứt mẻ không, nhưng thấy hai bên vẫn đi lại thông gia với nhau, nông dân Thượng Đô vẫn sang cày cấy, cắt hái cho Kim Đâu bình thường.
Có một câu ca không đẹp về chợ Sòng không biết do ai đó sáng tác hay do Thượng Đô xuất bản trong cơn ấm ức:
“Chợ Sòng là chốn ô châu
Ai đi tới đó mang bầu về không.”
(Bầu: ám chỉ cái túi, cái đạy đựng tiền của, thường dắt ở lưng quần).
Sau này thời kháng Pháp, chùa Tiên Đô của Thượng Nghĩa bị cháy rụi chỉ còn lại bức tượng Ngài Quan Vân Trường, các cụ bên Thượng Nghĩa đã thỉnh sang thờ ở chùa Kim Sơn. Ông Dư Thái (Một thương gia lớn ở TP Huế là con dân của làng) tài trợ kinh phí đem vào TP Huế làm đẹp lại. Bộ râu của tượng Ngài được làm bằng tóc của cô Trần Thị Chanh, hồi đó các cụ chọn một sồ thiếu nữ 13, 14 tuổi ăn chay, niệm phật cả tuần sau đó gieo quẻ để chọn một người cắt tóc làm râu.
Khoảng giữa năm 1955 ông Thái chở từ Huế ra bằng xe Voa-tuy của nhà ông, đến đầu làng (Trước đình) thì làng đem kiệu hoa ra thỉnh Ngài về chùa an vị. Qua đó ta thấy mối giao hữu của hai làng vẫn luôn tốt đẹp.
Tượng Ngài Quan Thánh ở chùa làng
Có chợ rồi bà con ta học hỏi cách buôn bán, tích cực xây dựng chợ. Bước đầu hoạt động của chợ cũng gian nan lắm, hai lần cháy chợ thiệt hại không nhỏ, Bà Sòng phải vào Huế thỉnh Bà Hỏa ra lập Miếu thờ ngay bên đường thiên lý, chổ đất mà làng thưởng 5 sào cho bà, từ đó chợ được yên ổn, không biết là do sự linh ứng hay bà con mỗi lần đi chợ thấy cái Miếu rồi cảnh giác cao hơn với hỏa hoạn. Sau đó chợ dần phát triển thương nhân các nơi về đây lập ngiệp, có cả thương nhân người Hoa, rồi nhà tầng, phố buôn bán mọc lên, thuyền bè các nơi xa gần lui tới giao thương hàng hóa nhộn nhịp.
Có khi đến chợ Sòng không chỉ để mua bán mà còn để ngắm những cô gái Sòng, tìm nửa còn lại cho mình:
“Tới đây lòng đã dặn lòng
Gái chợ Sòng “chồng sợ” lắm!
Rứa mà vẫn cứ đem lòng mến thương”… (Hò đối đáp)
Dưới thời Cộng hòa chính quyền đánh giá: “Dân Kim Đâu trai tài, gái sắc, Dân (các làng) chân lấm, tay bùn.” Cho nên có sự kiện gì quan trọng họ cũng lấy thanh niên, thanh nữ Kim Đâu đi làm nền.
Các cô gái Kim Đâu trong ngày khánh thành Đập Trúc Kinh
Có một câu chuyện tôi nghe người họ Dư kể lại: Hồi đó có một gia đình người Minh Hương tên là Dư Lâm đến lập nhiệp ở đây và sinh được một người con trai, để kỷ niệm, ông bà đặt tên con là Dư Sòng, sau đó gia đình ông chuyển vào Minh Lương, Rạch Giá, ông Sòng lớn lên lập gia đình, đứa con trai thứ hai của ông chính là Dư Quốc Đống.
Dù ở thời nào cũng mong dân Kim Đâu mình giữ được truyền thống “Trai tài, gái sắc” không phải vì cái hảo danh mà để giúp ích cho đời.
Nhìn chung kinh tế dân làng ta hiện nay có khấm khá hơn trước nhưng không đồng đều, chưa đủ điều kiện để đầu tư cho các nhu cầu cần thiết trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, học hành, nhưng cũng đã có nhiều doanh nhân thành đạt dù chưa qua trường lớp bài bản nhờ sự sáng tạo, năng động, nhiều em học sinh nghèo, tàn tật hàng năm đạt được thành tích cao trong học tập, có em đội được vòng nguyệt quế của cuộc thi đầy trí tuệ của Quốc gia. Đó cũng là một cách để gìn giữ, phát huy truyền thống “Trai tài, gái sắc” của quê hương Kim Đâu.
(còn tiếp)