Cà phê với Kiến

Kiến trúc sư và số phận?

Xin bắt đầu bằng một câu chuyện mới xảy ra với tôi cách đây chừng vài tuần. Một ngày như mọi ngày, có người vào YM nhờ tôi tư vấn cải tạo một căn hộ trong chung cư mini mà vợ chồng bạn đặt mua từ dự án, nay đang trong quá trình hoàn thiện. Rồi bạn gửi email cho tôi xem mặt bằng kiến trúc cùng bản liệt kê các nhu cầu sử dụng. Tôi ngao ngán phát hiện mặt bằng có quá nhiều lỗi, có những chỗ sửa được, có những chỗ không biết sửa được hay không (phụ thuộc vào kỹ thuật các vấn đề cụ thể và sự cho phép của quản lý dự án) và có những chỗ… không sửa nổi.. Trao qua đổi lại với bạn, cuối cùng tôi cũng phải bực mình rằng : “Sao lúc đi mua không gọi cho anh để anh tư vấn hoặc phân tích ưu nhược điểm cho, để nhìn rõ mà dễ bề quyết định; em không mất công mà em được hiểu quả cao. Bây giờ thì làm khổ nhau…” Bạn tôi trả lời thế này : “Em biết đâu! Nghỉ là nhà này có bản vẽ, có kiến trúc sư thiết kế thì an tâm; em cứ tưởng kiến trúc sư thì thiết kế như nhau được cả! ”Trời ạ!!!

Một chuyện nữa, gần hơn. Số là cậu em đồng nghiệp của tôi bỗng than vãn là  cậu muốn nghỉ việc ở cái văn phòng thiết kế cậu đang làm; lý do không phải cậu tìm được chỗ mới tốt hơn, mà là cậu chán! Trong khi đó, theo chủ quan của tôi thì cậu nên ở lại văn phòng đó, vì là nơi rất phù hợp cho cậu học hỏi để trưởng thành hơn. Rốt cuộc, cậu mail cho tôi : “Kiến trúc không phải là tất cả với em. Đam mê em dành cho kiến trúc không nhiều bằng những sở thích khác. Em thích khoa học kỹ thuật nên em cũng thích kiến trúc, nhưng kiến trúc là một ngành tổng hợp, cần phải giỏi nhiều thứ như lịch sử, văn hoá… – nói chung là các vấn đề có liên quan đến xã hội, mà em không hứng thú gì với những lĩnh vực đấy. Em cảm thấy không có năng lực sáng tác kiến trúc (điều này thì chắc chắn, qua thời gian em đi học và công việc hiện nay).  Điểm khởi đầu của sáng tác kiến trúc là một thảm hoạ với em… Và em cảm thấy chỉ phù hợp làm những côg việc mang tính kỹ thuật mà thôi.”

Đó là một lời tự thú chân thành! Và tôi trân trọng điều ấy.

Trong cuộc đời, có những người đến với nghề nghiệp, với công việc nào đó hoàn toàn do tình cờ, ngẫu nhiên. Nhưng kiến trúc sư có lẽ rất ít rơi vào trường hợp này. Bởi theo tôi, kiến trúc là một nghề đòi hỏi nền tảng lý thuyết vững chắc, việc hành nghề lại gắn bó chặt chẽ với các vấn đề pháp lý, nên khó có chuyện bị xô đẩy hay ngẫu hứng trở thành kiến trúc sư.

Vậy còn số phận?

Vâng, gọi thế cũng được, bởi khi ra trường, bằng của ai cũng ghi “kiến trúc sư”, nhưng đã vào nghề thì công việc (ở đây tôi chỉ nói công việc thiết kế thôi) không giống nhau. Có anh suốt ngày làm nhà xưởng công nghiệp, có anh quanh năm vẽ chung cư, có người lại vẽ trung tâm bảo tồn, suốt đời làm bạn với di tích…Hoặc cũng có những kiến trúc sư trẻ đầy hăm hở bước vào những công ty thiết kế lớn, nhiều dự án đa dạng, nhưng một thời gian vỡ mộng rằng mình chỉ là hoạ viên bổ chi tiết cầu thang, khu vệ sinh,…

Môi trường công việc đã phân loại kiến trúc sư ra như thế, nhưng không nên đổ tại số phận. Một kiến trúc sư thực thụ luôn biết vươn lên từ những điều nhỏ bé nhưng có nền móng vững chắc, đúng bản chất của nghề kiến trúc. Một kiến trúc sư thực thụ không được đánh giá chỉ qua những công trình to (như nhiều bạn trẻ vẫn mong ước) mà qua những giá trị sáng tạo. Kiến trúc sư vẫn lớn trong công trình nhỏ. Cả thế giới đều biết đến những tấm gương kiến trúc sư lỗi lạc mà không thể đánh giá họ qua quy mô công trình. Có thể kể với Tadao Ando với những công trình dù nhỏ vẫn đầy cá tính và hoà quyện với thiên nhiên, Glenn Murcutt để lại dấu ấn ở những kiến trúc sinh thái và tiết kiệm năng lượng, và rất nhiều những kiến trúc sư khác xả thân vì kiến trúc xã hội.  Tadao bắt đầu sự nghiệp từ những công trình rất nhỏ. Và khi đã trở thành tên tuổi lớn, được coi là “khủng long” trong giới kiến trúc đương đại thì ông vẫn không nề hà những công trình nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ.

kientrucnhangoi-4x4-house-tadao-ando-perspective-4

 

Nhà 4x4m – Tadao Ando

 

Trở lại hai câu chuyện ban đầu, tôi hơi phân vân một chút. Vì lẽ gì mà căn hộ của bạn tôi mua có nhiều lỗi như thế? Phải chăng là một cách luồn lách để tăng số căn hộ, diện tích sàn, vì mục đích kinh doanh? Hay bởi kiến trúc sư…đã ngồi nhầm chỗ? Có thể ai đó nói rằng kiến trúc sư này chuyên môn kém, năng lực yếu, nhưng tôi không thích nói vậy. Ngồi nhầm chỗ là do người ta không ý thức được vị trí của mình, và người ta “lỡ muốn nhầm”,  còn năng lực kém có thể người ta tự thấy được, như lời thú chân thành của cậu em tôi. Liệu đấy có phải số phận không nhỉ? Số phận đã đẩy một (hay nhiều) người không nên làm nghề kiến trúc thành người làm nghề kiến trúc và được gọi là “kiến trúc sư” ?

 

KTS. Nguyễn Trần Đức Anh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *