Xưa & Nay

Nghĩa Trũng Đàn – “nghĩa trang đặc biệt” trong lòng Quảng Trị.

Tôi vẫn tự thầm trách mình rằng là người Quảng Trị nhưng lại biết về nơi chốn này quá muộn. Nhưng đôi khi sự muộn màng làm con người ta phát hiện ra vẻ lắng sâu của những di tích mà có thể nếu biết sớm quá chưa hẳn đã tìm thấy được. Hoá ra Nghĩa Trũng đàn nằm cách căn nhà cũ của tôi  ở thị xã Quảng Trị không xa lắm- chỉ  có một quảng đồng,  bên kia con kênh Nam Thạch Hãn, và tôi sửng sốt khi nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng đấy là một trong những nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của nước ta. ..

VIỆC “NHÂN” DÙ NHỎ KHÔNG THỂ KHÔNG LÀM…

Lần giở những sử liệu mới hay tấc đất nào nơi Thành Cổ này đều quá đỗi thiêng liêng. Một sự ngẫu nhiên của lịch sử chăng ? Hay có sự sắp đặt nào mà mảnh đất Quảng Trị này luôn là nơi để những liệt sĩ chọn để nằm lại? Nghĩa trũng được lập từ 1872, đúng 100 năm sau, ngay trên vùng đất với  ngôi làng có Nghĩa Trũng này một cuộc chiến  đã diễn ra ròng rã 81 ngày đêm để rồi  đi vào lịch sử như một trận chiến khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ: Thành cổ Quảng Trị – mùa hè đỏ lửa 1972..

Bây giờ thì không ngày nào không có những đoàn khách đến thăm viếng, tưởng niệm những liệt sĩ ở Thành Cổ, ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, (NTLS) Đường 9…những nghĩa trang cấp Quốc gia với cả vạn nấm mồ, nhưng ít ai biết Nghĩa Trũng nơi góc làng Thạch Hãn ấy cũng là một nghĩa trang quốc gia của những nghĩa binh Tây Sơn  áo vải cờ đào đã ngã xuống trong trận chiến đại thắng quân nhà Thanh  mùa xuân  Kỷ Dậu ( 1789) đã  được quan Tuần Vũ Hà Nội người họ Hoàng làng Bích Khê (Quảng Trị ) đưa hài cốt vượt dặm trường từ đất Bắc vào nằm lại chốn này…

 

Untitled1 copy                Vị trí Nghĩa Trũng Đàn

Câu chuyện về Nghĩa trũng cũng thật dài…

Nguyên ủy của Nghĩa trũng bắt đầu từ ngài Hoàng Hữu Lợi, người làng Bích Khê (nay là xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị), tước Trung Nghị đại phu Phó đô ngự sử, thường năm thấy những nấm mồ vô chủ nằm dọc theo sông Thạch Hãn vào mùa mưa lũ thường bị xói lở trôi lộ hài cốt , ông mới động lòng từ tâm bỏ tiền nhà ra mua mấy sào ruộng của  làng Thạch Hãn để làm nơi quy táng những hài cốt phận bạc kia. Cũng là chuyện làm việc nhân, trồng cây Đức cho con cháu đời sau như bản chất thuần hậu của người dân vùng Thuận Quảng. Đấy là năm Tự Đức thứ 25 (1872).

Rồi cứ thế, cái hành trình của những lưu dân Nam tiến, bỏ thây nơi bãi lau biền cỏ  bên dòng Thạch Hãn nhất loạt đề được con cháu của cụ quy về nơi nghĩa trũng này, chăm lo hương khói.Nếu chỉ  thế thì Nghĩa Trũng cũng chỉ là một  “nghĩa địa tình thương” chứ đâu thể gọi là “Nghĩa trang liệt sĩ” ? Nhưng đến đời con của cụ Hoàng Hữu Lợi , vị trưởng nam của cụ  là Hiệp biện Đại học sĩ , Bình Như Hoàng Hữu Xứng sau này làm quan Tuần vũ Hà Nội, nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang vô chủ, hỏi han  kỳ lão quanh vùng mới hay rằng đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại. Hàng chục năm trôi qua không ai khói hương chăm sóc nên thành mả hoang. Quan Tuần vũ họ Hoàng ngẫm rằng những mồ quân Thanh chết trận còn được quy xương tập cốt chôn thành  mười hai gò gọi là Kình nghê kinh quán rồi cho lập đàn cúng tế , sau này (năm 1851) nhân mở chợ Nam Đồng phải làm đường san đất, gặp thêm hàng ngàn hài cốt khác của quân Thanh nên Tổng đốc Hà Nội bấy giờ là  Đặng Văn Hòa cho quy về một cái gò khác thành ra tất cả có 13 gò.Với kẻ thù còn không nỡ lòng để thân xác chôn sấp dập ngữa, huống nữa đây là những nghĩa binh áo vải cờ đào đã bỏ mình vì nước? Quan Tuần vũ Hoàng Hữu Xứng đã thuê người cất bốc, thu hặt hài cốt hơn 600 bộ rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở Nghĩa Trũng ở quê ông, mảnh đất mà thân phụ của ông đã mua. Như thế, Nghĩa Trũng làng Thạch Hãn đã trở thành một “nghĩa trang đặc biệt” với phân nửa mộ phần là những vong hồn bơ vơ trong trời đất, phân nửa còn lại là những nghĩa binh vô danh Tây Sơn áo vải cờ đào ..Từ đấy nối đời con cháu họ Hoàng thay nhau hương khói săn sóc những mộ phần nơi nghĩa trũng. Đời vua Thành Thái, Nghĩa Trũng Quảng Trị được đưa vào quy chế Quốc gia, triều đình ban ruộng tự điền, , người làng chăm lo hương khói được miễn sưu thuế, xuân thu nhị kỳ tế lễ có quan Tuần vũ Quảng Trị đứng chủ tế…

11021295_10205009622511698_567145929990902897_oDưới lớp cỏ xanh tươi này là nấm mồ chung của nghĩa quân áo vải

 

MỘT KHOẢNH ĐẤT RIÊNG…

Hơn trăm năm dâu bể trôi qua, chiến cuộc mùa hè năm 1972 đã biến Nghĩa Trũng thành bình địa. Hòa bình trở lại, cái mảnh đất vùi xương cốt mấy ngàn sinh linh ấy không ai nhớ, khi người ta bắt đầu phong trào “hợp tác hóa”, ủi san bờ vùng bờ thửa để mở rộng đồng điền..cái gò đất cao 1 mét, dài 70 mét , rộng 17 mét ấy cũng được nhắm đến.May sao, bao nhiêu lần xe ủi  đụng ben vào vùng Nghĩa trũng là ..xe chết máy, từ  xe máy xích như DT-75 hay loại C-100 to kềnh càng…Thấy sự lạ, cánh tài xế xe ủi cũng hoảng, đem hỏi các vị kỳ lão trong làng mới hay đất ấy xưa là  nới an táng những nắm xương lạc loài của thập loại chúng sinh.

Không khí những năm sau chiến tranh ấy không có chổ cho những điều có vẻ mê tín dị đoan, nhưng may sao, sau hàng chục lần xe ủi không san thành ruộng được , Nghĩa trũng đã không bị thành đất cấy cày của hợp tác xã. Câu chuyện này tôi được nghe vị hội chủ làng Thạch Hãn kể lại trong một lần đưa một người bạn, vốn mang ơn người họ Hoàng làng Bích Khê đã lặn lội từ thành phố Hồ Chí Minh  ra đây thăm viếng nghĩa trũng. Rồi cùng với thời gian, con cháu họ Hoàng và dân làng Thạch Hãn đã góp công góp của xây lại miếu thờ, đến tháng 8 năm 1996 tất cả con cháu Hoàng tộc làng Bích Khê từ khắp nơi trên thế giới cùng các lương dân, kỳ lão làng Thạch Hãn góp sức đại trùng tu, tấm văn bia Nghĩa Trũng do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dòng dõi họ Hoàng đời thứ 16 chấp bút.Văn bia có đoạn: “Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp đểt cây Đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt.Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời.”

Điều ấy hình như đã thành một tập quán thật đẹp của người họ Hoàng làng Bích Khê. Và cũng chính họ Hoàng làng Bích Khê là một trong số những dòng họ làm rạng danh cho đất làng bởi những nhà cách mạng, nhà văn, nhà khoa học, những danh sĩ từ mấy thế kỷ nay: cụ Hoàng Thị Ái, nữ đảng viên cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, nữ kỳ thủ cờ vua nổi tiếng thế giới Hoàng Thanh Trang nay sống ở Hungary con của bậc “kỳ sư” Hoàng Minh Chương đã đào tạo, huấn luyện nhiều đại kiện tướng cờ vua cho nước ta, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, hoạ sĩ Hoàng Ngọc Biên… Hôm đi thăm nhà thờ họ Hoàng ở làng, đọc danh sách đóng góp xây dựng các công trình của làng mới thấy họ Hoàng còn có hàng chục tiến sĩ, kỹ sư, nhà báo… nay sống hầu khắp các châu lục trên thế giới. Một dòng họ với những người thành đạt không chỉ vinh danh cho cả gia tộc mà còn làm rạng danh cho cả xứ sở.

1455588973-nghia-trang-tay-son-5

Tấm bia ở Nghĩa Trũng đàn do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – hậu duệ thứ 16 của Hoàng tộc Bích Khê chấp bút.

 

Hôm chúng tôi ghé thắp hương ở Nghĩa trũng, một vị kỳ lão của làng Thạch Hãn nói rằng: Những nấm mộ của những lưu dân đã bỏ mình khi theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi hay những nghĩa binh Tây Sơn đều là những người vị quốc vong thân, vậy thì nơi yên nghỉ của họ cũng xứng đáng được công nhận như một di tích, vậy mà không hiểu vì sao đến bây giờ chuyện hương khói, chăm sóc Nghĩa trũng đàn vẫn chỉ do con cháu của dòng họ Hoàng và bà con làng Thạch Hãn gánh vác. Tôi hơi bất ngờ, bèn tìm cuốn sách di tích lịch sử và danh thắng tỉnh Quảng Trị để lục tìm, trong số gần năm trăm di tích lịch sử cách mạng và danh thắng trên địa bàn tỉnh tuyệt nhiên không hề nhắc đến Nghĩa trũng đàn ở mảnh làng này, dù trong số những di tích liệt kê, khảo tả rất chu đáo trong cuốn sách nói trên có đầy đủ những địa điểm rất nhỏ, có khi chỉ là một bến lội, một căn hầm, một vạt rú,… nhưng một nơi như Nghĩa trũng-nơi an nghỉ của những nghĩa binh Tây Sơn được đưa về từ đất Bắc thì không hiểu sao không hề được nhắc tới (!)

Nhưng cho dẫu thế thì bao nhiêu năm qua, nhất là từ sau ngày hoà bình con dân họ Hoàng và dân làng Thạch Hãn vẫn hết lòng chăm lo cho vuông đất thiêng liêng này. Đợt trùng tu đầu tiên diễn ra và hoàn thành vào muà thu năm 1996, rồi cùng với sự góp công góp của của con cháu họ Hoàng hàng năm, từ bấy đến nay Nghĩa trũng ngày càng khang trang. Khu mộ của những lưu dân và nghĩa binh Tây Sơn vẫn là một gò cỏ vuông vức cao ráo giữa bốn bề ruộng lúa non xanh, những bông  cỏ vút nhọn như những ngọn nến thắp cho những linh hồn từ vạn cổ, tấm bia đá khắc những dòng cảm khái trĩu nặng lòng biết ơn của con dân họ Hoàng với tiền nhân do chính nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phụng soạn. Một ngôi trường từ Thành phố Hồ Chí Minh vừa cúng dường thêm một đỉnh hương lớn ngay lối vào khu vực mộ phần.Khu miếu thờ cũng đã được lát gạch, sửa sang khang trang, một mái tam quan không lớn nhưng đầy ý nghĩa khi đề mấy chữ “âm siêu, dương thái”…

Giữa một vùng cỏ cây quanh năm xanh mát được tưới tắm bởi nguồn nước sông Thạch Hãn, tôi bổng giật mình: Con sông Thạch Hãn, được vua nhà Nguyễn cho khắc chạm dòng  sông lưu dấu lên Cửu đỉnh trong sân Thái miếu cùng với  bao nhiêu vưu vật, địa linh của đất nước. Sông chảy từ thượng nguồn ra cửa Việt, sông đã  trôi qua hàng trăm làng mạc mọc dọc bãi biền ven sông, vậy mà sông vẫn mang tên của một ngôi làng nhỏ bên sông: làng Thạch Hãn. Và nước nguồn dòng sông đó bây giờ đắp bồi cho bao vườn tược hoa trái ruộng nương của dân một vùng đồng bằng Triệu Hải rộng lớn. Đã có những linh hồn đã chọn mảnh làng này để nằm lại, có thể tro xương của những hồn thiêng ấy đã đi một hành trình cả ngàn dặm đường từ xứ Bắc về đây và giờ đã hoá thành cát bụi lẫn vào đất đai xứ này, như sau này cả vạn người lính trẻ đã nằm lại đất Thành cổ màu hè 1972. Tất cả họ đều chọn đất này để nằm lại. Như dòng sông biểu tượng  của Quảng Trị – (non Mai sông Hãn) – đã chọn tên của mảnh làng này để mang theo!

Trong những ý niệm thiêng liêng về mảnh làng Thạch Hãn tôi tin có một phần của Nghĩa trũng đàn.

Tác giả : Lê Đức Dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *