Người điên đi qua ngõ
Sáng nay mở cửa ra, bàn đá trống trơn, mẹ thất vọng thì ít mà lo lắng thì nhiều. Hình như lâu quá rồi, những món quà bất ngờ không xuất hiện nơi ấy nữa. Lần gần nhất là hai tháng trước, đó là một cục huyết còn nóng hổi.
Sáng sớm mở cửa ra là mẹ thấy, mẹ thản nhiên mang vào nhà sai con dâu đi mua thêm giá hẹ để xào. Hai tháng trước, cả nhà ăn cơm với món huyết xào giá hẹ mà ai cũng… ớn ớn, trừ mẹ. Đó là món quà của một cô gái ngẩn ngơ. Thì nói cho văn vẻ thế thôi, chứ ngoài chợ ai cũng nói cô gái ấy khùng, hoặc mát dây hay chập mạch.
Mẹ quen cô gái này cũng ba bốn năm rồi, ở chợ. Hễ gặp mẹ là cô cúi đầu khoanh tay chào. Dù vừa mới đó, cô hét vô mặt một bà bán cá, biểu bả là đồ dơ. Mẹ thì đơn giản hỏi, đi chợ hả con, hôm nay ăn gì. Cô gái thường cười lỏn lẻn rồi quay đi, không trả lời. Mẹ biết cô này coi vậy chứ cũng biết chọn đồ ăn ngon. Đặc biệt là luôn trả tiền sòng phẳng chứ không phải dạng quơ quào đồ bỏ đi hay xin xỏ người ta. Mẹ tin cô gái này là con của một gia đình đàng hoàng. Nhìn chiếc xe đạp của cô mẹ biết, nó không mới nhưng chắc chắn luôn được một ai đó chăm sóc đàng hoàng. Còn chuyện tâm trí cô, mẹ thường chép miệng, chắc là do kiếp trước thôi, giờ xuất hiện lại ở kiếp này, cho xong nốt phần nợ nần mênh mông ấy. Cô nhiều lần ghé nhà mua thuốc theo tờ giấy được ghi sẵn là cảm ho hay tiêu chảy chi đó, cô mua thuốc cho người nhưng cho ai thì cô không trả lời, thỉnh thoảng, tự cô bổ sung thêm một phần thuốc ho cho con Ki Ki, con Ki Ki bị ho suốt đêm, hoặc là con Ki Ki hôm qua bị con ong đốt sưng cái mỏ. Tiền thuốc cho người mẹ lấy, nhưng tiền thuốc cho con Ki Ki thì không vì mẹ thường lấy… thuốc bổ. Tiệm thuốc tây của mẹ đâu có dành cho chó mèo. Thế là từ đó, cứ lâu lâu mẹ lại có quà.
Minh họa : Leftstudio
Tình bạn của hai người đã nảy sinh, chỉ nhờ một lời hỏi thăm cô gái ngẩn ngơ ấy như một người bình thường và vài viên thuốc cho con Ki Ki. Hôm nào cô gái đi chợ sớm mà không gặp mẹ, thế nào khi về ngang nhà, cô sẽ để lên ghế đá một món gì đó. Đầu tiên là một trái bưởi, mẹ đoán là của vườn nhà cô. Sau đó thì những thứ được mua từ chợ. Không ai nghĩ những thứ đó lại có thể được xem như một món quà. Chẳng hạn, hai miếng đậu hũ chiên, một khoanh mít non hầm, nửa trái đu đủ chín hườm và một lần, là một chục con cá rô đang nhảy soi sói.
Cô gái càng để lại những món quà trên ghế đá thì mẹ càng không muốn nhận tiền khi cô mua thuốc. Nhưng mẹ càng tỏ ra không muốn lấy tiền thì cô gái càng quyết liệt muốn… tỏ tấm lòng qua những món quà. Rồi bây giờ, sau hai tháng không gặp mặt cô cũng như vắng hẳn những món quà, mẹ cảm thấy lo lắng. Mẹ nói chiều nay sẽ chạy xe qua hướng đó, sẽ hỏi thăm về cô dù mẹ không biết nhà cửa, cha mẹ hay dòng họ của cô đâu cả. Mẹ nói cứ hỏi miết, ắt có người biết thôi.
Trong nhà có người trêu mẹ làm bạn được với cả người tâm thần cơ đấy. Mẹ tỉnh bơ, ờ thì đâu có dễ dãi kết bạn như tụi bây chơi facebook đâu, mẹ lựa chọn dữ lắm à! Cô gái – người bạn của mẹ đã theo gia đình rời đi hẳn về thành phố sống. Cuộc sống thật diệu kỳ. Cô gái ngẩn ngơ đã để lại cho một bà già tiệm thuốc niềm nhớ thương rất lạ. Họ không tâm tình, họ chỉ cần chào nhau một nụ cười, và khi tay họ nâng lên một món ăn ngon, họ lại biết nhớ về nhau.
Mẹ vẫn ngày ngày giữ tiệm thuốc tây bán thuốc trị bệnh cho người, vãn khách thì mẹ ra ghế đá mà ngồi nhìn người xe qua lại. Cả nhà biết ý, nhác thấy bóng ai đó đang đi bộ khật khưỡng ngang qua thì sẽ chọc mẹ một chút, có phải bạn mẹ không kìa? Mẹ nói không, cô gái ấy không khật khưỡng.
Những người khật khưỡng ngang qua nhà mỗi ngày một nhiều. Một cái ấp nhỏ không biết bao nhiêu dân cư nhưng có chiều, ngồi một chút trước cửa nhà, chừng 5 người đi ngang qua đều là người mẹ biết, và tất cả, đều khật khưỡng như nhau. Một gã 45 tuổi bị tai nạn giao thông, đầu lép còn một nửa, tay chân xụi hết một bên. Kể từ khi ở bệnh viện về, là bắt đầu bò vô hũ rượu. Đi xin tiền để mua rượu uống, thấy người ta có đám tiệc thì nhào vô “ai kêu tui đó”. Một ông khác, cỡ 70 rồi, suốt cuộc đời làm ăn bình thường, từ năm 60 tuổi thì bắt đầu rượu. Rượu nát hết nhân cách, con nít cũng khinh. Một gã 38 tuổi, rượu từ khi 18, rượu đã 20 mươi năm, cơ thể bé choắt, mà lúc nào cũng lọng cọng xiêu vẹo. Chiều chiều, trên cái thớt thịt bò ven đường, ba gã đó hùn nhau mỗi người mười ngàn đồng mua rượu đế. Nhậu rầm rì tới khuya rồi làm gì tiếp không ai quan tâm. Còn hai người nữa, cũng đàn ông trung niên, nhưng mọi thứ đều không thể xài, ngay cả nhìn qua, người ta cũng không muốn nhìn, ngại bẩn mắt.
Người say khật khưỡng bây giờ nhiều quá. Và mẹ nói người điên có khi còn dễ chịu hơn. Vì đó không phải là lựa chọn của họ. Đó là số kiếp. Và với vài người, chỉ cần ta cư xử như một người bình thường, ta sẽ nhận lại niềm vui. Còn người say, đó là lựa chọn của họ. Không có thuốc men nào, không có liệu pháp nào. Chính họ đã chọn cách từ bỏ nhân phẩm. Còn cô gái ngẩn ngơ của mẹ, càng nghĩ, mẹ càng thấy nhớ thương.
Tác giả : Trương Gia Hòa
(theo kiến trúc và đời sống)