Nhà ống và xe máy : bản sắc của quốc gia?
Bộ mặt đô thị là hình ảnh trực tiếp nhất thể hiện khía cạnh văn hóa xã hội của một đất nước. Sắc thái đô thị biểu hiện qua cách tổ chức không gian đô thị và không gian sinh hoạt xã hội.
Trên khía cạnh văn hóa quốc gia về nhận thức, trình độ, cách ứng xử nhìn từ góc độ đại chúng thì gia đình có thể được xem như là tế bào hình thành nên bộ mặt và không gian văn hóa quốc gia. Trong đó cái nết ăn ở của từng tế bào thể hiện và phản ảnh các giá trị cơ bản cấu thành tính cách của một dân tộc.
Người Việt Nam đang sống ở đâu và sống như thế nào trong cái không gian đô thị như hiện nay?
Bỏ qua những nhận định dài dòng mang tính biện minh cho một cái gì đó định sẵn; bỏ qua những câu nệ về văn hóa lịch sử nhì nhằng… Cứ nhìn thẳng vào thực tế những gì đang hình thành và diễn ra ngay trước mắt, không thể chối bỏ sự thực là hiện nay chúng ta đang sống trong những cái chợ, những cái chợ lớn nhỏ tùy theo quy mô của đô thị, của quần cư mà chúng ta đang hít thở và sinh hoạt mỗi ngày.
Những cái chợ theo nghĩa đen nhiều hơn nghĩa bóng với đầy đủ tính chất, đầy đủ các mặt sáng tối của từ này. Những cái chợ này đã xóa hẳn cái tiếng tăm Hòn Ngọc Viễn Đông của Sài Gòn, đã từng ngày nuốt chửng cái không gian thấm đượm màu sắc văn hóa lịch sử của Hà Nội, đè lên cái nét thi ca tự tình của Huế, đang dồn cái không gian lãng mạn ngút ngàn hoa cỏ của Đà Lạt dần đi vào dĩ vãng…
Cái gì mà có sức tàn phá một cách cuồng bạo, chỉ trong một thời gian ngắn đã làm biến thể cả một bộ mặt đô thị, bộ mặt đất nước như thế?
Tại các đô thị lớn nhỏ hiện nay, 90% dân số sống trong các nhà ống và sử dụng xe gắn máy là phương tiện đi lại chính. Nhà ống và xe gắn máy, chắc chắn đã là hình thái của xã hội ta. Có ai hay cơ quan nào xem xét cạn cùng vấn đề này để trả lời câu hỏi: Nhà ống và xe gắn máy là diện mạo hay bản sắc của Việt Nam? Câu trả lời không khó, vấn đề là chúng ta có thực sự nhìn nhận thực tế đó hay còn đang mộng tưởng vào những viễn cảnh đô thị xa vời nào đó hoặc đang để mối quan tâm hoài vọng về những giá trị tinh thần xa lắc trong quá khứ!
Nhà ống và xe gắn máy thực sự đã trở thành biểu tượng quốc gia. Biểu tượng: Hình ảnh + Tinh thần có tính chất phổ biến và trực tiếp tác động lên đời sống xã hội.
Không biết tự bao giờ và nguyên do từ đâu, người Việt bây giờ có lẽ đang sống và sắp đặt cuộc sống của mình theo kiểu đa hướng. Sự đa hướng là nguyên tắc tồn tại một cách có ý thức và vô thức trong suy nghĩ của mỗi người. Ai cũng thấy và cần phải biết làm cùng lúc nhiều việc khác nhau như là phương cách bắt buộc để tồn tại.
Đa phần sinh viên tốt nghiệp kiếm sống bằng công việc chẳng liên quan gì tới việc học trước đó; một quan chức nhà nước có thể ngồi vào bất cứ chiếc ghế nào và xử lý bất cứ loại công việc nào cũng được; trên đồng ruộng nay trồng cây này, mai cây kia và mốt lại hoàn toàn có thể trở thành nền nhà hay sân golf… Nhà văn vừa viết vừa vẽ, nhạc sĩ vừa hát vừa phục vụ bia rượu cho các “thượng đế”, từ người mới biết đọc biết viết đến các bậc học giả ai cũng nói pha trộn lẫn lộn vào tiếng Việt cùng lúc mấy loại tiếng nước ngoài, tiền đồng, tiền đô, tiền Nhật, tiền châu Âu đều xài được.
Kiến trúc sư thường xuyên được các thân chủ yêu cầu thiết kế với tiêu chí: nhà tôi phải vừa ở vừa kinh doanh được, mặt bằng dành cho kinh doanh phải đáp ứng được nhiều dạng kinh doanh khác nhau, cụ thể là có thể cho thuê văn phòng, mở tiệm cắt tóc gội đầu, khi cần có thể cải biên thành quán ăn, khách sạn hay tiệm mát-xa… Thực tế trên đường phố hiện nay, có thể bên cạnh trụ sở công an là quán nhậu, rồi thì tiệm tạp hóa, thời trang, nhà giữ trẻ, quán karaoke, tiệm ăn… Ở đâu cũng kinh doanh mua bán, mua bán từ trong nhà ra tới lòng lề đường, đứng ngồi đủ kiểu. Người ta luôn cần một ngôi nhà đa dụng, mà một ngôi nhà đa dụng tốt nhất nên là một ngôi nhà mặt tiền.
Có cầu ắt có cung, thế là đô thị cứ lan rộng, nhiều khu đô thị mới đua nhau mọc lên với nhiều đường sá được xây dựng để đáp ứng nhu cầu mặt tiền. Nếu đô thị hiện hữu đã là những cái chợ thì đô thị mới cũng vậy, số vụ tai nạn giao thông không kiềm chế được bởi vì bây giờ người ta làm đường để bán đất chứ đâu phải để dùng cho giao thông!
Vấn đề đô thị lan rộng đã được thế giới rút ra nhiều bài học cay đắng, đô thị càng lan rộng thì không gian đô thị càng lâm vào bế tắc trên mọi mặt: giao thông, môi trường cảnh quan, phúc lợi xã hội… cộng thêm tệ nạn xã hội lan tràn không kiểm soát được, sự cân bằng môi trường sinh thái bị phá vỡ không gì cứu vãn được.
Đã là nhà ống thì nhất thiết phải sử dụng xe gắn máy. Phương tiện này có sự hữu hiệu không thay thế được. Chiếc xe gắn máy chiếm rất ít chỗ trong nhà, già trẻ, lớn bé, nam nữ đều sử dụng được, tiện lợi cho mọi mục đích đi lại và chuyên chở, khi cần có thể trở thành phương tiện sinh nhai và nhất là muốn dừng lại ở đâu cũng được. Nhà ống và xe gắn máy là hai mặt không thể tách rời của cơ cấu đô thị hiện nay, chúng tồn tại cộng sinh và như là một điều hiển nhiên tối ưu không phải bận tâm chọn lựa.
Dân tình bây giờ không phải tìm cách thích ứng với cơ cấu xã hội-môi trường đó mà chính là kiểu đô thị chợ với nhà ống và xe gắn máy đang quy định cách sống, cách ứng xử, cách suy nghĩ hay tựu trung màu sắc văn hóa của nó phủ lên toàn bộ đời sống xã hội đến từng cá nhân.
Mới đầu thì tập cho quen, dần dà trở thành tập tính và tư duy của cộng đồng. Tập tính và tư duy của kẻ chợ đó là:
Sống theo kiểu tranh cướp nhau: không gian công cộng điển hình là vỉa hè thuộc quyền sử dụng của kẻ nào ngang ngược và bặm trợn hơn. Người ta không mảy may ưu tư về việc buôn gian bán lận lừa lọc người khác và có khi coi đó như là một thủ thuật kinh doanh tất yếu. Thậm chí có nhiều quan chức còn đặt vấn đề đưa vỉa hè vào thương trường.
Sống ích kỷ và hung bạo: bây giờ người ta sẵn sàng gây hấn, xung đột nhau chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt nhất, ai cũng tranh được phần mình bất kể quyền lợi và danh dự của người khác. Nam nữ, già trẻ đua nhau vặt trụi một vườn hoa ngày Tết chỉ trong một buổi tối; 500 nhân viên chuyên nghiệp mới đủ để bảo vệ mấy cành đào…?!
Sống mất trật tự, xem thường kỷ cương: bây giờ cái gì cũng chạy, giấy phép loại gì cũng chạy (mà giấy phép bây giờ rất nhiều), con cái đi học cũng chạy, đau ốm vào bệnh viện cũng chạy, chạy thủ tục, chạy án, chạy tới công sở, chạy tới đình chùa miếu mạo, từ người tử tế đến kẻ bất lương tất cả đều phải chạy và hình như việc gì cũng có chỗ để chạy. Sẽ ra sao với một đất nước mà điều không thể vẫn có cơ hội để trở thành có thể và cứ như vậy thì luật pháp và những quy tắc cộng đồng sẽ chỉ dùng để trang trí vì khi đó phần thắng luôn thuộc về kẻ giỏi chạy, biết chạy bất cứ ở đâu và bằng gì!
Và cứ như thế xã hội ngày càng bát nháo, bát nháo không chỉ ở diện mạo của nó mà có sự góp phần một cách vô thức của từng cá thể cấu thành cái không gian giao tiếp, cái không gian tâm tưởng, cái không gian văn hóa…của cộng đồng chúng ta.
Trở lại vấn đề nhà ống và xe gắn máy, đã đến lúc xem xét vấn đề này không đơn thuần như là một diện mạo xã hội mà như một bản sắc quốc gia. Dẫu đau lòng, nhưng phải công nhận đó như là một sự thật hiển nhiên phải đối mặt, đó là một vấn đề văn hóa cấp quốc gia, là bộ mặt đất nước mà lương tri tối thiểu của người có chút suy nghĩ không thể bỏ qua hoặc ngó đi chỗ khác.
Có thể nào gọi là phát triển một khi phúc lợi xã hội ngày càng nghèo đi, diện mạo đất nước ngày càng luộm thuộm, lòng người ngày càng phân tán, nhỏ nhen. Nhiều đường sá được xây dựng, nhiều nhà cao tầng mọc lên, vật chất thời thượng tràn đầy, từ ngữ hiện đại và phong cách luôn được nói tới như một chuẩn mực sống văn minh và hội nhập, nhưng phải chăng đó là một cách để che đậy sự nghèo nàn về tinh thần bên trong và biện minh cho sự tiếp nhận ào ạt màu sắc văn hóa ngoại lai tràn ngập, thúc con người lao vào cái bóng sáng ngoại nhập đó như con thiêu thân lao tới cái bóng đèn, xem đó là cái đích duy nhất, gạt sang một bên và bỏ lại sau lưng sự đằm thắm của nhân cách, sự tĩnh lặng của tinh thần – những giá trị bền vững cần có trên bình diện tồn tại của một cộng đồng, một dân tộc.
Có nhà văn nào đó đã nói một điều làm chúng ta phải suy nghĩ: “Nếu không mục ruỗng từ bên trong thì không có gì từ bên ngoài có thể thâm nhập được”.
Ngôi nhà, không gian sống, tế bào của xã hội bây giờ gần như không còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh thần, những giá trị về màu sắc nhân văn riêng biệt trong tâm tính và tâm hồn của mỗi người Việt Nam tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ sau. Gia đình bây giờ tồn tại trong không gian xã hội, nơi mà ngôi nhà được dựng lên như là một giao điểm xã hội với mọi thứ xô bồ ngang dọc, mang đến toàn bộ tác động từ hoàn cảnh và môi trường chung quanh. Cái môi trường xã hội giàu sự đua chen và bắt chước lại rất nghèo về tinh thần và tính nhân văn.
Văn hóa không có trong những mộng ước. Văn hóa tồn tại trong thực tiễn đang diễn ra từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày. Mọi sự nhận định, phê phán, mọi sự mong muốn đều phải được rút ra từ phương pháp đối diện với cuộc đời, đối diện thẳng thắn với cội nguồn của sự việc.
Mọi sự bàn luận, đánh giá sẽ trở nên sáo rỗng nếu không xuất phát từ những định nghĩa có tính chất cốt tử.
Không phải là nhà nghiên cứu khoa học xã hội chuyên nghiệp, không có hệ thống dữ liệu để tổng hợp cho cái nhìn toàn diện; không thông thạo lịch sử và không là nhà nghiên cứu văn hóa…, với cái nhìn hạn hẹp và có phần chủ quan của một kiến trúc sư hay quan sát, cộng thêm chút kiến thức và cảm nhận về lịch sử phát triển đô thị thế giới trên khía cạnh nhân văn, tôi muốn nêu lên một câu hỏi – theo sự chủ quan cá nhân – có ý nghĩa quan trọng và căn bản để tạo tiền đề, điểm xuất phát cho bài toán hoạch định xã hội: “NHÀ ỐNG VÀ XE GẮN MÁY: DIỆN MẠO HAY BẢN SẮC?”.
KTS. Võ Thành Lân