Phối màu mặt tiền
Nhà tôi đang xây sắp vào giai đoạn hoàn thiện, và vấn đề gây nhiều tranh cãi là phối màu mặt tiền. Dù bên thầu đã đưa bản vẽ phối cảnh, màu sơn nhưng gia đình vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là về chuyện phong thủy. Có người bảo màu mặt tiền nên theo tuổi gia chủ cho tốt về phong thủy, có người khuyên nên theo xu hướng chung hiện nay là dùng màu trắng tượng trưng cho hành Kim, tài lộc dồi dào, ai sao mình vậy. Xin hỏi quý báo vấn đề phối màu mặt tiền tốt về phong thủy nên như thế nào, và có phải tính theo tuổi gia chủ hay không. Xin cảm ơn nhiều.
(Lê Ngọc Thư – Đồng Nai)
Chọn màu cho mặt ngoài nhà, hay rộng hơn là vấn đề hoàn thiện bên ngoài công trình chưa bao giờ là câu chuyện cũ và dễ xử lý, bởi liên quan đến nhiều bên và nhiều quan điểm khác nhau về thẩm mỹ, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa… Khi gặp các áp đặt về phong thủy, chuyện chọn màu lại thêm phức tạp. Các quan điểm có thể trái chiều về phong thủy khi phối màu mặt tiền, cần đứng trên góc nhìn dung hòa để chọn lọc hợp lý.
Cũng là một hình khối của một ngôi nhà, nếu thay đổi màu sắc, vật liệu ốp lát hoàn thiện bên ngoài thì sẽ tạo nên sự thay đổi cảm giác thẩm mỹ, cảm nhận về không gian và hiệu quả thụ cảm khác nhau.
Mặt tiền nhà phố có tính chiều hướng, trên dưới mạch lạc luôn đem lại hiệu quả thẩm mỹ hơn là mặt tiền rối loạn hoặc đơn điệu
Từ nhà xưa đến nhà nay
Nhà truyền thống Việt trước đây chủ yếu ở nông thôn, màu sắc của không gian là bảng màu của vật liệu và thiên nhiên chung quanh, ít phối kết nhiều màu như sơn hay các chất liệu công nghiệp sau này. Người xưa chọn nhóm màu theo yếu tố ngũ hành, trong đó màu vàng của vôi, rơm, đất nện, gạch nung, đá ong… tương ứng với hành Thổ, màu xanh cây lá và chất liệu gỗ là hành Mộc, màu ngói đỏ tươi, sơn son là Hỏa. Hai màu trắng (Kim) và đen (Thủy) ít dùng, với lý do mang tính văn hóa tâm linh, trong đó màu trắng được nhiều người xem là thể hiện cho bệnh dịch, tang tóc, màu của hành Kim (hành đối lập với phương đông, thuộc Mộc). Vốn là cư dân vùng nông nghiệp lúa nước nên việc dùng bảng màu thuần tự nhiên này thể hiện đặc trưng văn hóa và các giá trị sống thuận theo tự nhiên được người Việt gắn bó và xem trọng. Bảng màu tự nhiên này cũng thấy phổ biến ở khu vực Đông Nam Á trong kiến trúc Thái Lan, Indonesia, Malaysia… như đặc trưng cho công trình vùng khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều. Cách chọn màu tự nhiên này hoàn toàn có thể áp dụng với kiểu nhà hiện đại theo phong cách thô mộc, tiết kiệm năng lượng, sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần với cấu trúc resort nhiệt đới, có thể gọi là dạng dùng màu thuộc nhóm Mộc – Thổ.
Khi có giao lưu với văn hóa tây phương thì cách dùng màu sắc theo lối hòa sắc mỹ thuật hiện đại dần phổ biến. Có thể thấy hiện nay, màu sắc mặt tiền được cá tính hóa hơn, dùng theo độ tuổi, phong phú hơn với không gian cho tuổi thanh thiếu niên, và giảm dần khi gia chủ bước vào tuổi trung niên. Trong bối cảnh hòa trộn nhiều phong cách kiến trúc đương đại của thế giới, màu trắng dần được sử dụng phổ biến bởi khả năng dễ phối kết với đa số chất liệu và màu sắc khác, mang tính văn minh, tinh khiết, thậm chí tối giản. Trắng làm nền với đen làm nhấn, khung cửa hay kết cấu có thêm gam xám chuyển tiếp, có thể gọi đây là dạng dùng màu thuộc nhóm Kim – Thủy
Mặt khác, có thể thấy các công trình nhiệt đới hiện đại như ở Singapore đã khai thác yếu tố bố trí mặt nước thuộc Thủy (khắc Hỏa) và màu tương sinh với Thủy như Kim và Mộc để đem đến cảm giác thư giãn nhiều hơn. Màu trắng chính là biểu đạt hành Kim, những sắc độ khác nhau của trắng từ trắng vàng (tông màu ấm) đến trắng xanh lá hay trắng phớt lam (tông màu lạnh) đều có thể sử dụng làm màu chủ đạo cho nhà cửa xứ nhiệt đới, với quan niệm chung là “nhìn cho nó mát”.
Chọn màu giảm nóng, tăng sinh khí, hợp mệnh
Bên cạnh các nhóm màu mặt tiền theo hai quan niệm thô – tinh, xưa – nay nêu trên, nhiều chuyên gia còn chọn màu hoàn thiện ngoài nhà tùy theo phương hướng khí hậu, mệnh trạch và phương vị. Cách chọn này giúp giảm nóng cho nhà, hợp mệnh và có nhấn nhá tùy thuộc vùng cần gia tăng hay trung hòa sinh khí.
Mẫu số chung hiện nay là gam màu tiết giảm, thậm chí chỉ cần màu đơn sắc như vàng nhạt, xanh nhạt, hay xám đơn giản. Cách dùng màu trung tính này cũng giúp khắc phục tình trạng “ô nhiễm thị giác” bởi cảnh quan đô thị chung quanh, giảm tình trạng mỗi nhà mỗi màu “trăm hoa đua nở”. Bên cạnh đó, chọn màu nào cho mặt ngoài nhà còn liên quan đến cân bằng âm dương theo hướng khí hậu. Những hướng nắng gắt (như tây nam, tây) thường cần giảm bớt độ chói cũng như độ hút nhiệt, nên cần dùng những màu nhạt và phối hợp có chuyển tiếp trên bề mặt nhám, tránh phản quang. Với những hướng ánh sáng yếu hơn hoặc thời gian nhận sáng không nhiều trong ngày (như hướng bắc, đông bắc) thì nên dùng những màu tươi sáng và phối hợp màu tương phản. Những hướng đón ánh sáng mạnh với góc chiếu sáng cao (như đông nam, nam) thì có thể dùng màu đậm đà và đa dạng hơn, thậm chí những màu mang tính truyền thống như đỏ bã trầu, vàng đất sậm, xanh rêu… mà nhà xưa lẫn nhà tây ở Hà Nội, Hội An đều dùng khá hiệu quả, tạo cảm giác mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Cách phối màu tương sinh theo Ngũ hành mệnh trạch là lấy màu thuộc bản mệnh của chủ nhà và hai màu trước – sau trên vòng tròn sinh khắc mà phối. Màu tương khắc (hai màu ở xa còn lại) thì nên dùng hạn chế. Ví dụ như một gia chủ có mạng Thổ thì màu chủ đạo sử dụng là màu vàng (Thổ) sau đó bổ sung hai màu của hành Hỏa (đỏ, cam) và hành Kim (trắng, xám). Còn màu đen (Thủy) và xanh lá cây (Mộc) thì dùng điểm xuyết như khung cửa, rèm… Đây cũng là nguyên tắc hài hòa ngũ hành theo quan điểm vạn vật đều có chứa cả năm hành tương tác quanh một hành nổi trội.
Nói chung, sử dụng màu sắc trong kiến trúc và đời sống sinh hoạt hàng ngày là một vấn đề hết sức riêng tư và nhạy cảm, không thể áp đặt gò bó. Hiểu biết về màu sắc theo phong thủy là để có được sự chọn lựa hợp lý – tạo sinh khí hơn cho bản thân và môi trường sống. Nếu như mỗi người xác định được một gu thẩm mỹ riêng, một mối quan hệ trong ngoài hợp lý và những chọn lựa có chắt lọc, lắng nghe ý kiến nhà chuyên môn thì hoàn toàn có thể khai thác tốt các hiệu quả màu sắc trong không gian sống của mình.
KTS. Huân Tú (theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)