Quảng Trị – quê nhà…
Một lần nói về nỗi nhớ quê nhà, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, quê ở Triệu Long (Triệu Phong) người hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị của Qũy hỗ trợ văn hóa giáo dục Việt Nam tại Hoa kỳ (VNHELP ) đã bảo rằng anh về quê nhà thường thèm ăn tô bún móng giò heo, con heo đó phải là con heo quê nhà Quảng Trị thương khó, nó không được nuôi trong những chuồng trại công nghiệp, sàn xi măng với khẩu phần ăn , dinh dưỡng đã cân đong bằng máy vi tính mà phải là cái móng giò của con heo sẽ dẫm cào đào bới trên cái nền đất quê nhà Quảng Trị, của cái chuồng nuôi heo quê mùa dưới làng dưới xóm thì mới cảm thấy hết cái vị ngon của cái móng giò heo trong tô bún quê nhà…Mỗi người đều có một niềm yêu dấu với quê nhà như vậy.
Xưa Vũ Bằng nằm nhớ về đất Bắc từ Sài Gòn mà có những thiên tùy bút trong “Thương nhớ mười hai”, đọc lên rưng rức cõi lòng.
Cũng chuyện ăn uống, sực nhớ Trương Hàn, một vị quan của Trung Hoa xưa đi làm quan xa xứ, nhớ miền đất Giang Nam khi chớm thu về , nhớ rau thuần, cá lư đặc sản quê nhà đến mức nhớ chịu không nỗi nên treo ấn từ quan, bỏ về quê. “Gió thu một tiếng bên tai-Thuần lư sực tỉnh nhớ mùi Giang Nam…”.(Thời buổi này không biết có vị quan nào dám bỏ hết danh vọng mà về quê vì nhớ không nhỉ?). Cũng trông vời cố hương mà Thôi Hiệu có câu thơ tuyệt bút: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị.Yên ba giang thượng sử nhân sầu..” (Tản Đà dịch: Quê hương khuất bóng hoàng hôn.Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…”)
Người xa xứ nào mà chẳng nhớ cố hương. Người nhớ núi nhớ sông, người thương đồng thương lúa, nhớ từ ngày nắng ngày mưa, nhớ hơi gió bấc hiu hắt ngày đông, nhớ cơn gió quê nhà rát bỏng mùa hạ, nhớ mùi củ khoai nướng lùi trong bếp tro hay hương lúa đồng mùa ngậm sữa…
Nỗi nhớ quê có khi chỉ là nhớ cái đậm đà của tô cháo bột Hải Lăng. Ảnh : quangtri.org.vn
Mà nỗi nhớ ấy đâu chỉ ở con người.
Cổ thư còn ghi lại điển tích “ Việt điểu sào nam chi, Hồ mã tê bắc phong”-con chim trĩ phương Nam của vua nước Việt dâng cho Chu Thành Vương về nuôi trong vườn ngự vẫn chọn cành cây phía Nam mà làm tổ, con ngựa của rợ Hồ (Mông Cổ) dâng cho vua Hán Vũ Đế khi nghe gió bấc thổi về thì ngoảnh mặt về phương Bắc hí vang-hóa ra niềm hoài hương nó kinh khủng đến vậy, là ngựa là chim còn vậy, huống nữa là những kiếp người luân lạc ?
“Không có cảm khái về thân phận nào giống thân phận nào, nhưng lòng hoài hương thì chỉ là một cho dù quê hương của mỗi người khác nhau”.Một lần trà dư tửu hậu đạo diễn Lê Cung Bắc đã thốt lên như thế khi ngồi cùng mấy anh em quê Quảng Trị xa xứ thả hồn hoài vọng cố hương. Anh có thể là người miền Trung, miền Bắc, miền Nam, thậm chí có thể là người châu lục này đang sinh sống một châu lục khác, (và dự tưởng mấy trăm năm sau, nỗi hoài hương không chỉ là chuyện châu lục mà rất có thể là từ hành tinh này nhớ về một hành tinh khác – có thể lắm chứ khi người ta tính đến việc đưa con người lên sống ở sao Hỏa, sao Mộc…?). nhưng nỗi hoài hương thì vẫn thế.
Trường Bồ Đề còn mỗi chữ Ê, luôn nằm trong tâm tưởng của những người con Quảng Trị. Ảnh : internet
Mới rồi một người Quảng Trị đang học và làm việc bên Mỹ, nhớ làng quá thì..lập một cái làng trên mạng, bao nhiêu câu chuyện,hình ảnh…về ngôi làng đều kêu gọi bạn bè bà con gửi hết lên cái làng ảo ấy rồi chỉ cần một cú click chuột là gặp cả ngôi làng biệt xứ của mình trên đó..Thì làm thế chỉ đỡ nhớ thôi chứ sao bằng về làng xưa, ngồi “chò hỏ” bên góc chợ quê mà ăn tô cháo lòng heo, nhai trái ớt đỏ cay xé lưỡi xé họng, làm sao bằng cái lúc gặp lại bạn bè thời chăn trâu cắt cỏ giờ tay bế tay bồng quây quần trải manh chiếu cói dưới gốc khế đầu nhà mà cụng ly rượu làng trong vắt , nhắc những trò xưa nhất quỷ nhì ma…?
Ôi quê nhà, thiên đường tuổi dại. Nguyễn Thị Hoàng-một nhà văn quê Quảng Trị từng viết: Quê nhà : thiên đường của mỗi người và thiên đường quê nhà của riêng ta. Cái nỗi nhớ mịt mùng trôi trong miền hoài vọng ấy, có khi hóa thành tâm bệnh.
Cái từ “nostalgia”, vừa là nỗi hoài hương vừa là tên một căn bệnh chỉ một tình trạng bệnh lý liên quan đến sự khao khát những gì thuộc về quá khứ và thường là lý tưởng hóa những điều đó . Nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp, nostos có nghĩa là trở về quê hương, còn algos có nghĩa là nỗi đau, niềm khao khát. (Bây giờ, nostagia thường được hiểu là một cảm xúc của con người tiếc nuối về những sự vật, sự việc thuộc về quá khứ, còn để chỉ dấu hiệu bệnh lý “nhớ nhà” , người ta thường dùng cụm từ homesickness (nhớ nhà).
Và thời điểm nhớ nhung đau đáu nhất là vào độ này, khi trời phương Nam se se lạnh.Lại chộn rộn tàu xe, giở tờ nhật trình nào cũng ầm ào chuyện dân kêu ca với tấm vé về thăm quê. Cho dù anh là ai, người đi bán dạo mấy món đồ như kiếng mát, bấm móng tay, hay anh là thợ giày da, cô công nhân dệt nhuộm, là công chức hay doanh nhân…Tất cả đều một chữ “về” thao thức, về cho kịp chiều 30 tết đi cúng ông bà, cho kịp sáng mùng một đi dâng hương nhà thờ nội ngoại. Về quê, về quê, về quê..như một tiếng gọi âm vang từ cội rễ thâm sâu.
Màu xanh đô thị Đông Hà. Ảnh : Bình An
May cho những ai xa xứ còn có một quê nhà để nhớ về, bởi tôi có anh bạn làm thơ, quê gốc Bắc sống giữa Sài Gòn để rồi cứ những ngày cận kề Tết anh lại loay hoay tiển bạn bè về quê ăn Tết.Năm nào cũng thế, hết đưa bạn ra ga tàu, bến xe thì quay về ngồi với ly rượu trước hiên nhà mình mà thèm có một quê nhà đâu đâu để nhớ nhung chiều ba mươi Tết. Bạn tôi bảo, anh có quê hương mà thiếu quê nhà, không có thiên đường tuổi dại riêng mang nên câu thơ của anh viết chiều 30 Tết cứ rưng rức, nao lòng: “Ta quê hương mà thiếu một quê nhà/Chiều cuối năm nhìn những chuyến xe qua/Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ/Vắng tự trong lòng vắng thổi ra…” (Đỗ Trung Quân)…
Tác giả : LÊ VIỆT THƯỜNG.