Quảng Trị thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào vùng ven biển
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện chính sách, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực về vốn, công nghệ tiên tiến và triển khai dự án quy mô lớn, đầu tư vào khu kinh tế ven biển, du lịch biển và cảng biển.
Vùng ven biển ngày càng “hút” đầu tư
Đến cuối tháng 10/2018, tỉnh Quảng Trị có trên 3.400 doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; trong đó, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm đến trên 78%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 20%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 1,4%.
Để có sự phát triển đột phá về kinh tế, tỉnh chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược; trong đó, ưu tiên dự án có quy mô và vốn lớn vào vùng ven biển.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Tỉnh tạo niềm tin mới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”.
Cuối tháng 10/2018, tỉnh Quảng Trị vẫn đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng Khu kinh tế ven biển Đông Nam, có diện tích gần 24.000ha, trải dài trên địa bàn 17 xã, thị trấn ven biển thuộc 3 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh.
Tại khu kinh tế ven biển này, Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 với số vốn trên 55.000 tỷ đồng, tổng công suất 1.320MW.
Dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2019, dự kiến tổ máy số 1 vận hành vào cuối năm 2023. Để có mặt bằng thực hiện dự án này, tỉnh Quảng Trị dành gần 300 tỷ đồng, di dời và tái định cư cho gần 250 hộ dân ở huyện Hải Lăng. UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, khẩn trương hoàn thành và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước tháng 3/2019 để khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 hồi tháng 7/2018. Ảnh: baoquangtri.vn
Trong khi đó, Dự án Đường trung tâm Khu kinh tế ven biển Đông Nam dài 23,5km, đi qua 7 xã của hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, có mức đầu tư 700 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 6/2019. Đây là dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn vào Khu kinh tế ven biển Đông Nam.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực miền Tây Hàn Quốc đang xúc tiến đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2, với công suất và số vốn đầu tư tương tự như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1. Trong khi đó, Công ty Gazprom của Nga đang triển khai đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340MW.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đã và đang khảo sát, tìm hiểu đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Đông Nam như: Công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc; Liên doanh các nhà đầu tư quốc tế: VSIP của Singapore, Amata của Thái Lan, Sumitomo của Nhật Bản, Korea Land & Housing Corporation của Hàn Quốc… đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, năng lượng, cảng biển.
Tỉnh Quảng Trị xác định, Khu kinh tế ven biển Đông Nam là nơi ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh có những chính sách rất hấp dẫn khi đầu tư vào khu kinh tế này như: Tiền thuê đất được miễn giảm 11 – 14 năm, ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, giá thuê đất, cho nhà đầu tư lựa chọn địa điểm triển khai dự án…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính chia sẻ, tỉnh chủ trương kiên trì tiếp cận trực tiếp nhà đầu tư theo phương châm “đến tận ngõ, gõ tận cửa” nhà đầu tư để mời chào đầu tư.
Đối với khu vực ven biển phía Đông Bắc, tỉnh Quảng Trị ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng; trong đó tập trung đầu tư vào “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ, thành một trong những khu vực trọng điểm về du lịch biển của cả nước.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Nguyễn Văn Chiến cho biết, tỉnh có chính sách ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào “tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ. Các nhà đầu tư vào “tam giác” du lịch này, sẽ xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, triển khai các tua du lịch ra đảo Cồn Cỏ.
“Tam giác” du lịch biển Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn; trong đó, Tập đoàn FLC đang xem xét đầu tư dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng ở vùng ven biển từ Cửa Tùng đến Cửa Việt, có quy mô hàng trăm ha. Dự kiến, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn AE đã đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái biển AE Resort – Cửa Tùng, có diện tích trên 36ha, tổng mức đầu tư hơn 492 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 – 2021.
Dự án có các hạng mục như: Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao kết hợp trung tâm hội nghị, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu tắm biển của du khách…
Khu công nghiệp đông nam Quảng Trị
Xây dựng và nâng cấp cảng biển
Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã và đang được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng. Khi đi vào vận hành thương mại, dự án này sẽ là bước đột phá quan trọng trong phát triển ngành vận tải, logistic nói riêng và ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Trị nói chung. Trong khi đó, cảng biển Cửa Việt được Cục Hàng hải Việt Nam quy hoạch mở rộng, để nâng cao năng lực vận tải hàng hóa từ Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC).
Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy nằm trong Khu kinh tế ven biển Đông Nam, tỉnh Quảng Trị. Khu kinh tế này lại nằm trong Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), dọc tuyến đường bộ chạy qua 13 tỉnh của 4 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, nối hai bờ đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với chiều dài 1.450 km.
Khu vực có điều kiện rất thuận lợi để hình thành một cảng biển với khoảng cách ngắn nhất, hấp dẫn hàng hóa từ khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia theo tuyến EWEC. Cảng biển Mỹ Thủy đã được quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo Quyết định 1037/QĐ-TTg, ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, khu bến Mỹ Thủy là khu bến cảng biển tiềm năng, phát triển có điều kiện với chức năng chính là chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và tiếp chuyển hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã cho ý kiến về báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẩn trương hướng dẫn Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị chuẩn bị hồ sơ và tổ chức thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá tác động môi trường của dự án, để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện việc thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án. Trên cơ sở kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Đầu năm 2018, Công ty TNHH Rich & Wise và Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thuỷ đã tổ chức trao các hợp đồng tài trợ vốn và biên bản ghi nhớ, về đầu tư Dự án cảng biển Mỹ Thuỷ. Dự án này được thực hiện bằng 100% vốn của nhà đầu tư. Dự án Cảng biển Mỹ Thuỷ bao gồm 10 bến có tổng chiều dài 3,3 km, hệ thống đê chắn sóng dài 1,6 km, tổng mức đầu tư khoảng 637 triệu USD, xây dựng từ năm 2018 – 2025. Sau khi đi vào hoạt động cảng biển Mỹ Thuỷ có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 tấn.
Đối với cảng biển Cửa Việt, năm 2017 Cục Hàng hải Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng Cửa Việt. Theo đó, cảng Cửa Việt có tổng diện tích gần 120ha, bao gồm: Khu bến cảng Bắc Cửa Việt có diện tích trên 28ha, có 2 bến cảng xăng dầu và 4 bến cảng tổng; khu bến cảng Nam Cửa Việt có diện tích hơn 95ha, có 1 bến cảng xăng dầu và 4 bến cảng tổng hợp hiện chưa được đầu tư.
Đến năm 2020 lượng hàng hóa qua cảng đạt từ 1,6 – 2,1 triệu tấn/năm, đến năm 2030 đạt từ 3,3 – 4,3 triệu tấn/năm. Các bến cảng Cửa Việt tiếp nhận tàu 3.000 – 5.000 tấn hoặc lớn hơn.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đầu tư nạo vét luồng lạch ra vào cảng Cửa Việt, di dời các hộ dân sinh sống trong khu vực cảng nhằm mở rộng và nâng cấp các bến để đón được tàu hàng lớn…
Nguyên Lý (TTXVN)