Sân bay Đông Hà – tìm lại dấu xưa
Đông Hà là trục lộ giao thông. Về đường bộ, Đông Hà là nơi gặp nhau của Quốc lộ 1 ra Bắc vô Nam và Quốc lộ 9 lên Lào – con đường hiện nay gọi là Đại lộ Đông Tây nối biển Đông với một số nước Đông Nam Á. Về đường thủy, sông Hiếu có cảng Đông Hà; tàu có trọng tải trung bình có thể lên về từ Cửa Việt. Và về đường hàng không, trước năm 1972, có sân bay Đông Hà. Sau năm 1972, sân bay hết sử dụng và địa điểm sân bay được quy hoạch thành khu dân cư.
Sân bay Đông Hà được xây dựng khoảng 1950. Sau khi trở lại tái chiếm Việt Nam, quân đội Pháp đã lập ra sân bay này để phục vụ nhu cầu chiến tranh: vận tải người và hàng hóa quân sự.
Sân bay cách đường xe lửa về phía Tây khoảng 100 m, nằm song song cách đường Đường 9 B về phía Nam khoảng 100 m, bề rộng khoảng 200 m và bề dài khoảng trên một cây số.
Vị trí sân bay Đông Hà xưa, tạm xác định giới hạn bởi các đường Lê Lợi, 9B, Ngô Quyền và Nguyễn Công Trứ
Trong thời chiến tranh Việt-Pháp, sân bay là một mặt bằng đất sỏi và chỉ dành cho máy bay loại nhỏ. Chỗ đường Hùng Vương đấu với Nhà Hát Đông Hà bây giờ – điểm giữa của sân bay, một cái nhà dùng làm ga sân bay (aérogare), nơi người và hàng hóa tập trung trước khi lên máy bay; tại đây, người ta dựng một cột cao như cột cờ kiên cố, trên ngọn treo một ống vải (hay loại gì có chất liệu như vải) màu đỏ và trắng dài, bay phần phật trong gió. Cái cờ ống đó có mục đích để máy bay nhận diện sân bay và chiều gió mà hạ cánh.
Sân bay này đã gây một tổn thất đau buồn cho làng mình. Khoảng năm 1956, một chiếc máy bay của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (được lập theo hiệp định Genève) nghiêng cánh liệng để lên hay xuống gì đó cắt đứt đầu 1 thanh niên và một thiếu nữ – con dân làng; hai người này đang đi mé bên sân bay vào rú chặt củi. Tai nạn xẩy ra do người dân quanh vùng mất cảnh giác. Lúc đó, máy bay lâu ngày không hạ cánh, cất cánh vì quân đội Pháp đã rút về nước theo hiệp định Genève.
Một con đường rộng bằng sỏi (bây giờ là đường Hùng Vương) dẫn đến một cái nhà rộng cách sân bay khoảng 200 mét về phía Bắc. Cái nhà trống vách này dùng làm nơi đậu qua đêm cho các máy bay. Bản thân mình còn giữ một kỷ niệm khó quên ở đây. Khoảng mùa thu năm 1958, lụt lớn ngập làng, mình cùng lũ trẻ chăn trâu bò đưa trâu bò lên thả nghênh ngang trong các doanh trại quân đội Cộng Hòa. Quân đội thông cảm với cảnh lụt lội; ngày bình thường, người vào cắt cỏ còn cấm huống chi thả gia súc. Một buổi tối, sợ trâu bò đi bậy, tụi mình cho trâu bò ở trong nhà và cột mỗi con vào một cái tà-vẹt (traverse) đường xe lửa. Trời tạnh ráo, tụi mình trải cái tơi (áo mưa đan bằng lá kè) nằm ngủ phía trước bên ngoài. Trong đêm, một con trâu nằm mỏi, đứng dậy đi, cái tà-vẹt kéo theo, phát ra tiếng kêu “lẻng kẻng”, cả đàn trâu bò vùng dậy chạy ùa ra, đạp lên tụi mình, đứa trầy tay, chân, đứa “chợt” mặt, mũi. Hú ba hồn chín vía! Không đứa nào trong tụi mình bị thương tích nặng.
Sân bay nằm yên không sử dụng mãi đến giữa thập kỷ 1960, mới được quân đội Mỹ dùng lại.
Quân đội Mỹ đã biến sân bay Đông Hà thành một căn cứ không quân (air-base) để phục vụ chiến trường giới tuyến và đường 9 Nam Lào. Sân bay được nâng cấp bằng lát những tấm ri nhôm và ri sắt. Xin mở ngoặc một chút, mình không biết từ RI đến từ tiếng Pháp hay tiếng Anh và nguyên gốc từ ấy được viết thế nào. Mình đã hỏi nhiều người, có người giải thích giùm như thế này: từ RI là nói gọn của 2 từ Road Inforce – vật dùng để làm vững đường đi. Nếu bạn đọc nào nghĩ khác, chỉ giáo giúp; mình xin cảm ơn trước.
Sân bay thời Mỹ có thể đón nhận những máy bay vận tải lớn C130, C123. Giai đoạn này, sân bay hoạt động rất rộn ràng, cả ngày lẫn đêm; vùng trời Đông Hà luôn rầm vang tiếng rú của máy bay lên xuống. Và sân bay cũng là mục tiêu mà quân Giải Phóng từ núi rừng ở trên dãy Trường Sơn hay từ bên kia bờ Bến Hải pháo kích vào bằng trọng pháo hay hỏa tiễn. Tần số pháo kích dày nhất là năm 1967, ngày nào cũng có và một ngày không biết bao nhiêu lần. Một buổi sáng nọ, đạn pháo trúng một kho đạn, tiếng nổ chát chúa liên hồi cùng với cột khói đen ngòm ngút trời.
Đông Hà sau trận Rockket. Ảnh của cựu chiến binh Mỹ
Sau khi quân đội Mỹ rút về theo kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, sân bay Đông Hà tương đối còn nguyên. Năm 1972, sân bay vào tay quân Giải Phóng; người ta có tháo giở gì ở sân bay không, mình không biết.
Qua năm 1975, chiến tranh chấm dứt, dân di tản các nơi hồi hương; nhà cửa do chiến tranh sập nát, thiêu rụi, dân đã rủ nhau tháo các tấm ri ở sân bay về che chắn nơi ở; tấm Ri có chiều dài khoảng 3 mét, chiều rộng khoảng 0,6 mét, dùng được nhiều việc. Ri được cưa ra, chặt ra để cặp giàn trò nhà, làm đòn tay mái, ri để nguyên thì chắn tường. Ri nhôm còn được ngư dân phát huy sáng kiến dùng đóng thuyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, sân bay Đông Hà trơ trụi. Chính quyền Đông Hà phân lô cấp cho dân ở.
Hiện nay, dấu tích sân bay Đông Hà không còn gì ngoài một “cái nhà vòm” ở phường 5 do quân đội Mỹ xây dựng bằng bê-tông kiên cố để làm nơi núp tránh đạn pháo cho máy bay.
Dấu tích Nhà vòm sân bay (ở Phường 5 Đông Hà)
Nghe nói chính quyền tỉnh Quảng Trị đang có kế hoach xây dựng sân bay dân sự. Lúc đầu, địa điểm định dùng laị khu vực sân bay quân sự Mỹ trước đây ở Ái Tử, thuộc huyện Triệu Phong, bây giờ ý định ấy đã bỏ; sân bay dân sự sẽ lập ở vùng đất Quán Ngang thuộc huyện Gio Linh.
Mình nghĩ rằng hai đầu tỉnh Quảng Trị hiện đã có 2 sân bay: sân bay nội địa Đồng Hới và sân bay quốc tế Phú Bài, trước mắt, hành khách chưa nhiều; nhưng trong tương lai, biết đâu sân bay Đông Hà sẽ thành sân bay quốc tế phục vụ hành khách Đông Nam Á trên tuyến hành lang Đông Tây.
Thành thử, theo mình, chính quyền nên dành đất càng rộng càng tốt; nếu không, sau này, khi việc đến, khâu đền bù giải tỏa sẽ khó khăn và hao tốn.
Tác giả : Lão Gàn Hoàng Đằng
(trích từ tập “Viết về quê tôi Đông Hà”)
Một số hình ảnh về sân bay Đông Hà xưa