Thành phố Đông Hà – ai đã đặt tên?
Đông Hà bây giờ là một thành phố, dân số gần 100,000; diện tích trên 7.000 ha, trải rộng trên 9 phường: phường I, phường II, phường III, phường IV, phường V, phường Đông Thanh, phường Đông Giang, phường Đông Lễ, phường Đông Lương.
Đông Hà bây giờ như một đại thụ cành sá sum sê, nhưng nên biết rằng cái hạt mầm của nó trước đây rất nhỏ; ngày ấy, chiều dài tính từ ngả ba (nơi QL 9 gặp QL 1), đến nhà thờ Công giáo (nay là nhà khách Hữu Nghị) khoảng 500 m, chiều ngang tính từ Bưu Điện (lầu Ô. Trần Triệu Thành cũ) xuống chợ, khoảng 300 m, nghĩa là chỉ rộng khoảng 15 ha (500 m x 300 m = 150,000 m2).
Vùng hạt mầm đó gồm đất biền bãi và đất đồi nằm trong lãnh thổ của làng Tây Trì (cái ao nằm phía tây ?); phần lớn còn bỏ hoang vì dân Tây Trì còn ít, chưa đủ sức canh tác hết.
Cách đó khoảng 2 km về hướng tây, có một làng cũng mang tên Đông Hà – con sông nằm ở phía đông. Làng này có đã lâu đời, hoàn toàn khác với thị tứ Đông Hà mới hình thành trong thập kỷ 1930.
Theo tài liệu của Tổng Cục Đường Sắt ViệtNam, tuyến đường sắt Bắc –Namhoàn thành vào năm 1936. Nhà ga Đông Hà được xây dựng ở một đỉnh đồi cao – nay còn vết tích bên cạnh gác chắn tàu (gần giao lộ giữa đường Hùng Vương và đường Trần Hưng Đạo). Thời ấy, nhà ga là một trạm tiếp chuyển quan trọng: Hành khách và hàng hóa từ Lào về bằng xe hơi theo Quốc Lộ 9, tiếp tục hành trình bằng xe lửa ra Bắc vàoNamtheo tuyến đường sắt Bắc –Namvà ngược lại.
Việc làm ăn mở ra, một số nhà kinh doanh từ ngoài tỉnh và trong tỉnh đến đây lập cơ sở, xây dựng kho tàng, lập những đoàn xe vận tải – có thể kể tên một vài vị còn nhớ được: Lê Văn Tập, Lê Đình Thúc, Trần Triệu Thành … Đồng thời, một khu chợ được lập nên, tạo thành nơi trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi – miền ngược; nhiều phố buôn dựng lên gần chợ, đặc biệt phố buôn Viên Song cung cấp đủ các dịch vu: ngoài các hàng hóa mua bán, còn nhận “cầm đồ”, “cho vay” … Đông Hà tuy nhỏ đã mang dáng dấp và không khí một thị tứ dịch vụ, thương mãi.
Ga Đông Hà quyến rũ dân đến định cư, nên mới có thị tứ Đông Hà. Không có nhà ga, chắc chắn Đông Hà chưa thành hình vào lúc đó. Vì vậy, từ “ga” đã lấn lướt từ Đông Hà trong một thời gian dài, nếu đi Đông Hà có việc gì, người ta bảo đi “ga”: Đi “côi” ga, đi “đưới” ga, đi vô ga, đi ra ga. Đi ga không nhất thiết phải để mua vé tàu đi đâu hay nhận hàng hóa gì mà có thể đi chợ, đi mua sắm, đi thăm bà con, đi giao dịch … ở thị tứ. Từ năm 1975 đến giờ, không thấy ai dùng “ga” để ngụ ý là “Đông Hà” nữa.
Khu vực rạp chiếu phim – Bùng binh Bưu điện – nơi này là vị trí của nhà ga Đông Hà cũ
Điều thắc mắc là tại sao thị tứ hình thành trên lãnh thổ làng Tây Trì mà lại mang tên làng Đông Hà, một làng nằm về phía tây làng Tây Trì.
Trong thập kỷ 1950 và 1960, đặc biệt trong các công văn, người ta có dùng từ Đồng Hà; vì vậy, có người suy luận rằng thị tứ Đồng Hà lập trên cánh đồng tên là đồng Hà (cánh đồng sát bờ sông) của làng Tây Trì. Vào thời xa xưa thì không biết chứ hiện nay làng Tây Trì không có cánh đồng nào gọi là đồng Hà, mà chỉ có các cánh đồng sau đây: đồng Đội, đồng Me, đồng Rôộc, đồng Nẩy, đồng Trung Môn, đồng Cổ Ngựa, đồng Ruộng Sổ, đồng Mai Thừa và đồng Cồn Lòi. Thế thì có thể người ta đã sai lầm trong phát âm từ và viết chữ; đã gọi Đồng Hới ngoài Quảng Bình thì cũng gọi Đồng Hà ở Quảng Trị. Chứ thật ra, Đông Hà mới đúng.
Từ một xóm nhỏ hình thành từ nơi hội tụ của đường 9 và quốc lộ 1- Đông Hà bây giờ đã thành phố
Ga được xây dựng sau khi cầu xe lửa bắc qua sông Hiếu xong. Sông Hiếu ngăn cách 2 làng: Nghĩa An và Đông Hà; làng Nghĩa An ở bắc sông, làng Đông Hà ở nam sông. Việc làm cầu khởi công ở bờ nam, và lán trại dành cho công nhân cũng ở bờ nam nghĩa là trên đất làng Đông Hà. Thời ấy kỹ thuật còn hạn chế, thời gian thi công phải kéo dài. Những kíp đốc công cũng như công nhân ở làng Đông Hà lâu ngày, cái từ Đông Hà được nghe liên tục, trở thành nhập tâm; hơn nữa, nơi lập ga là đất hoang nhàn, ngành đường sắt hồi đó cũng không rõ thuộc làng nào; vì vậy để đặt tên ga, người ta đề nghị và quyết định lấy cái tên đã quen ấy. Và tên “ga Đông Hà” bắt nguồn từ đó. Cái tên “Đông Hà” cũng dễ Pháp hóa. Giả sử đưa ra 2 tên để chính quyền Pháp lựa chọn: Ga Đông Hà và ga Tây Trì, thì họ sẽ chọn tên ga là Đông Hà vì Đông Hà, trong tiếng Pháp, phát âm dễ hơn Tây Trì.
Ngọn nguồn việc đặt tên thành phố Đông Hà là vậy; bạn đọc ai có ý kiến gì khác không?
Tác giả : Lão Gàn Hoàng Đằng
(trích từ tập “Viết về quê tôi Đông Hà”)
Chỉ là suy đoán cá nhân sao có thể khẳng định là “cội nguồn” tên gọi của tp ĐH đc?
Tôi nghĩ đơn giản do tp (trước đây là thị tứ) nằm về phía đông sông Hiếu nên đặt tên là Đông Hà thôi cũng như ở bắc có Hà Đông, Hà Tây vv… còn việc có một làng Đông Hà cách đó khá xa trùng tên gọi thì cũng chuyên bình thường.
đây chỉ là ý kiến cá nhân.