Cà phê với Kiến

Thiết kế để làm gì?

Đây không phải là lời hồ nghi vai trò của (người và hồ sơ) thiết kế trong xây dựng nhà cửa, điều có thể hơn chục năm trước nhiều người còn phân vân, thì nay đã phổ biến và đương nhiên cần có. 

Đây cũng không thuộc câu chuyện tôn vinh hay hạ thấp giá trị của thiết kế và người sử dụng thiết kế, vì mọi sản phẩm thời hiện đại đều ít nhiều cần đến thiết kế. Vấn đề đặt ra là: công việc và sản phẩm thiết kế nhà cửa đã được khai thác, sử dụng một cách hợp lý, đúng với bản chất hay chưa.
Hãy thử nghe những mẫu đối thoại lượm lặt đó đây trong quá trình tư vấn – thiết kế – xây dựng để hiểu thêm câu chuyện nêu trên:
– Bạn trên facebook: Nhà đẹp quá à, nếu nhà mình làm giống thế mà chỉ thêm hai lầu nữa thôi thì chi phí bao nhiêu vậy, nhắn tin cho mình hay nhé, tuần tới mình khởi công rồi 🙂
– Kiến trúc sư: À, thiết kế của bên em không có phần chi tiết bàn ghế chị ạ, cái đó thuộc thiết kế nội thất, một gói chi phí khác…
– Giám sát thi công: Mai phải đóng trần rồi hả bác, vậy để con kêu bên thiết kế vẽ bản vẽ trần gấp ha!
– Kỹ sư kết cấu: Ủa, vậy anh thuê thiết kế kết cấu móng để làm gì khi anh không hề xem bản vẽ mà chỉ đứng tại chỗ rồi chỉ cho thợ làm?
Vô số các câu hỏi đáp cứ thế qua lại, như hiển nhiên trong công việc thường nhật của vô số công trình lớn nhỏ đang thiết kế và xây dựng. Nhiều nhà thiết kế lắc đầu bất lực khi chủ nhà dường như không hiểu những gì mình muốn trình bày. Ở đầu bên kia, các gia chủ cũng thắc mắc: “Chỉ có xấp giấy A4 mà lấy mấy chục triệu thiết kế phí, trong khi thầu nói sẽ bao thiết kế luôn!”, hoặc “Chỉnh sửa chút xíu mà sao bên thiết kế cứ làm khó khăn, quan trọng vậy!“.
Nói vậy thì cần người thiết kế và bản vẽ thiết kế để làm gì?
Hóa ra, ngoài các tác dụng hiển nhiên hữu ích cần thiết, đây đó thiết kế vẫn còn bị hiểu sai, dùng sai, như các trường hợp đơn cử cụ thể:

H-5                                                      Từ bản vẽ đến thực tế hầu như không khác nhau nhiều nhờ tuân thủ chặt quy trình thiết kế và giám sát

1.Thiết kế cho có, thiết kế ngó chơi:

Nghe như đùa, nhưng vẫn đã và đang xảy ra. Có chủ đầu tư vì nhiều lý do (bận rộn, xài sang, nghe nói có thiết kế thì… thuê thiết kế,  xây nhà vì năm nay nghe nói hợp tuổi…) nhưng đến lúc lấy hồ sơ rồi vẫn hầu như không xem kỹ, đến khi bên chuyên môn gọi thì mới bắt đầu xem rồi… phán. Thái độ làm việc kỳ lạ này có thể do chủ đầu tư xem nhẹ thiết kế, cũng có thể bởi những sai phạm thực tế ở xây dựng cầu đường hay công trình ngân sách khiến cư dân nghi ngờ, coi thường thiết kế, cho rằng có thiết kế cũng phát sinh, cũng phải chỉnh sửa khi thi công. Hệ quả là nhiều công ty chỉ trau chuốt phần bản vẽ 3D để khách hàng dễ hình dung, coi như vậy là đủ. Dạng thiết kế để ngó này ngày càng xuất hiện nhiều ở các dự án phân lô bán nền, chỉ một mẫu nhà chung với bộ hồ sơ cơ bản, còn phần thiết kế kỹ thuật không đầy đủ, và khi chủ nhà cần chỉnh sửa thì thường là phải thiết kế lại từ đầu.
2.Thiết kế để thay đổi:

Một tâm lý phổ biến nữa của chủ nhà là đánh đồng thiết kế với bản vẽ, nên đưa ra lập luận: lên thực tế rồi tính, giờ nhìn bản vẽ kỹ thuật hoa cả mắt! Vì vậy giai đoạn thiết kế thường bị hối thúc cho nhanh “ra mấy bản vẽ“ để kịp khởi công đúng ngày giờ đã xem, để né mùa mưa, để thúc tiến độ nhà thầu nhằm tiết kiệm chi phí… Những cái “để” ấy rất tiếc lại không hợp lý chút nào, vì nếu tin theo phong thủy ngày giờ khởi công thì chính trong phong thủy cũng có đủ cách linh hoạt như khởi công lấy ngày, dọn dẹp mặt bằng rồi làm sau cũng không sao. Còn nếu nhằm tiết kiệm chi phí do tiến độ đẩy nhanh lên được chừng 1 tháng thì lại lợi bất cập hại, vì khi thiết kế nhanh dễ dẫn đến sai sót, và chi phí sửa chữa phát sinh thường kéo dài và hao tốn chẳng kém. Ở những công ty kiêm luôn thi công, bản vẽ thường gần với thực tế, hoặc thực tế quay trở lại “ép“ bản vẽ chạy theo các thay đổi ngoài công trường.
3.Thiết kế để dùng… sai:

Như dùng bản vẽ kiến trúc để làm nội thất, dùng bản vẽ xin phép hoặc bản vẽ sơ bộ đem ra thi công… Việc thiếu sự phân biệt các giai đoạn thiết kế tương ứng với bản vẽ nào (sơ bộ, kỹ thuật, chi tiết, hoàn công…) khiến chủ nhà bị rối, các nhà thầu tay ngang mặc sức tung hoành với… bản vẽ xin phép cũng bởi hiểu sai về vai trò thiết kế và hiểu bản vẽ.
Việc xác định rõ bản vẽ ngỡ như thuần chuyên môn, thực ra là vấn đề người trong nghề nhiều lúc cũng mập mờ, đơn cử như chuyện tỷ lệ trên bản vẽ. Các bản vẽ 1/500 đến 1/200 là dùng trong quy hoạch, mặt bằng tổng thể, xác định giao thông, khuôn viên đất…, còn tỷ lệ 1/100 đến 1/50 là dùng trong kiến trúc, nhỏ hơn không thể đọc được. Khi sang bản vẽ nội thất thậm chí cần các chi tiết lớn hơn ở tỷ lệ 1/25 hay 1/10, 1/5 để thi công chính xác, nếu không có những tỷ lệ thích hợp đó, chắc chắn thiết kế thiếu giá trị thực tiễn, có cũng như không.
4.Thiết kế để… lấy ý tưởng:

Nhà anh B. đã từng thuê 3 công ty thiết kế ngôi biệt thự của mình để sau đó… chọn mỗi phương án một vài ý hay hay, rồi kêu một nhóm thứ tư đến để… xào nấu các ý tưởng đó lại. Rất cầu kỳ rồng rắn và gây bất mãn với người chuyên môn, đồng thời lại đầy rủi ro, vì một phương án làm ra chưa hề được chỉnh sửa hay trao đổi thấu đáo với chủ đầu tư, thì làm sao như ý, làm sao có thể “nâng cấp” thành phương án lựa chọn. Cho dù chủ đầu tư dường như xoa tay hài lòng về cách “tập hợp chất xám” này, nhưng thực tế ngôi nhà xây lên theo lối xào nấu mỗi thứ một chút sẽ đầy rẫy các vấn đề cần chỉnh sửa, không có ai chịu trách nhiệm rõ ràng, và người chịu thiệt lâu dài vẫn là chủ nhà.

H-3                                                Bông sắt, giếng trời và lan cầu thang được thiết kế tỉ mỉ, nhất quán giúp ngôi nhà trang nhã, nhẹ nhàng

Bao thiết kế để nhận thi công: Có một số nhà thầu nhận bao trọn gói công trình từ A đến Z và miễn phí thiết kế, tuy nhiên thực tế khách hàng ham “khuyến mãi” đã phải chịu không ít thiệt thòi từ “chính sách” này. Cụ thể như chị N. vừa xây nhà xong trước tết vừa qua, thầu bao luôn phần thiết kế và đến gần ngày khởi công chị mới được xem hồ sơ tổng quát, còn các bản vẽ chi tiết được cho là “không cần thiết vì bên em làm lâu nay quen rồi“. Đến khi công trình lên xong phần thô thì chị thấy nhiều chỗ chưa ưng ý, bên thầu xây dựng sẵn sàng chỉnh sửa theo, dĩ nhiên là tính phát sinh!

Thiết kế có “phủ“ được hết? 
Ở thái cực “căng thẳng” khác so với kiểu không có thiết kế, nhiều gia chủ lại bắt buộc hồ sơ thiết kế xây dựng phải thể hiện đến từng chi tiết, ví dụ như tủ bếp hay hệ kỹ thuật điện cho nhà thông minh! Điều này khiến anh D., công ty xây dựng K.    rất vất vả mới giải thích cho chủ nhà hiểu rằng, bản vẽ thiết kế điện của hồ sơ thiết kế thi công là phần điện cơ bản, còn nếu chủ nhà muốn có hệ thống điều khiển thông minh thì cần tham vấn thêm nhà cung cấp để có thiết kế chi tiết. Tương tự, thiết kế bếp trong hồ sơ thi công của công ty kiến trúc là thiết kế phần bố trí và khung xương của không gian bếp, còn chi tiết từng hộc tủ, ván gỗ loại gì, các mẫu mặt đá, tay nắm ra sao… là thiết kế ở bước tiếp theo của nhà thầu nào lo phần bếp. Đến đây, nhiều chủ nhà sẽ phản đối: sao mà lắm công đoạn thiết kế thế! Tôi chỉ muốn giao về một mối, tôi không có thời gian nên tôi chỉ nắm ông kiến trúc sư hay ông nhà thầu mà thôi, còn mấy ông giao tiếp cho ai thì tùy! Cách lập luận này không sai, nhưng không phù hợp với thực tế hiện nay khi thị trường ngày càng đi vào các chuyên ngành sâu và cụ thể. Công ty kiến trúc nào đó có thể có nhưng cũng có thể không phải là công ty sản xuất và thi công kệ bếp hay máy lạnh âm trần hoặc nhà thông minh, cho nên dù có giao hết cho họ, họ vẫn phải tìm kiếm các đối tác cũng như thầu phụ, và các bước thiết kế chi tiết chuyên sâu vẫn phải diễn ra đầy đủ với sự kiểm soát của chủ đầu tư (hoặc đại diện của chủ đầu tư, hoặc người giám sát). Trở lại chuyện sáng mai khởi công mà đêm nay mới vẽ bản vẽ móng, hay ngày mốt đóng trần mà bây giờ chưa hề có thiết kế nội thất. Nếu ai làm được những điều đó, hoặc là chủ nhà không biết gì nên tưởng mấy nét loẹt quẹt là thiết kế, hoặc người thiết kế có năng lực siêu nhiên, hoặc là họ đang làm việc sao chép, nhặt nhạnh ở nhà khác qua, chứ không phải thiết kế nghiêm túc. Một bản thiết kế đàng hoàng có thể chưa độc đáo, chưa như ý chủ nhà, nhưng luôn là sản phẩm của cả một quá trình, và quá trình đó có sự tương tác của các bên, không đơn phương –  đơn độc – đơn tuyến mà thành sản phẩm được. Các nhà thiết kế tâm huyết luôn mong mỏi nếu chủ nhà chưa hài lòng thì hãy cùng trao đổi và tạo cơ hội cho họ chỉnh sửa, chứ không nên hành xử theo kiểu “tôi không ưng nên tôi không trả tiền”, hoặc tệ hơn là… im thin thít và lặn mất tăm!

H-2Dù chỉ với những chất liệu thân thuộc, giản dị như đá mài, gạch bông, quét vôi… nhưng một khi có thiết kế kỹ và thi công đúng sẽ đem lại hiệu quả sử dụng và không gian chỉnh chu 
Việc dễ dàng tham khảo thông tin qua mạng khiến ít ai chịu thấu hiểu đàng sau những hình ảnh 3D lung linh dễ dàng download về tham khảo đó, đâu là lý do, nguyên nhân đưa đến giải pháp thiết kế như vậy. Nhà người ta và nhà mình có hàng trăm các dữ liệu đầu vào không thể giống nhau, thì làm sao có thể có sản phẩm đầu ra giống nhau được. Đây là một câu chuyện xin nói trong dịp khác, liên quan đến nếp tư duy trong quy trình thiết kế của giới chuyên môn và khi tương tác với các bên.

Bài và Ảnh KTS Huân Tú
(Theo tạp chí Kiến trúc và đời sống)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *